HÀNH ĐỘNG THIẾT THỰC, HIỆU QUẢ RÕ NÉT VỀ XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ (Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII).

Đây là nghị quyết đặc biệt quan trọng, đề cập một số vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, kỳ vọng.

Thực hiện nhất quán quan điểm của Đảng là nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, kết hợp giữa “xây” và “chống”, kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã tạo điểm nhấn trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là “đòn bẩy” thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của các địa phương, đơn vị, làm tiền đề cho những bứt phá ở giai đoạn tiếp theo.

Cái mới của lần này là Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Trong đó nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; thậm chí sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng.

- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng -
(Bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, ngày 14/10/2016)

TỰ NHẬN DIỆN
VÀ ĐẨY LÙI CÁC BIỂU HIỆN SUY THOÁI

27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa" trong nội bộ được chỉ ra trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII trở thành công cụ nhận diện hữu hiệu đối với các cấp ủy, tổ chức đảng.

Nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo, nhờ đó, việc tự phê bình và phê bình đảm bảo thực chất, rõ người, rõ việc, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm. Kết quả nhận diện những biểu hiện suy thoái giúp các cấp ủy chấn chỉnh, ngăn chặn kịp thời hành vi có thể dẫn tới vi phạm, đồng thời thúc đẩy tinh thần trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XII. Truyền hình Nhân Dân

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XII. Truyền hình Nhân Dân

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang xây dựng Bộ công cụ đánh giá cán bộ, đảng viên bằng thang điểm; không có biểu hiện là 0 điểm, có biểu hiện tùy mức độ “chấm” từ 1 đến 4. Từng đảng viên soi chiếu và tự phê bình, chấm điểm. Sau đó, tại hội nghị đánh giá, chi bộ, tổ chức đảng nhận xét và bỏ phiếu. Nhiều cán bộ, đảng viên ở Hà Giang đã đánh giá, chưa khi nào việc phê bình và tự phê bình diễn ra với tinh thần nói thẳng, nói thật như vậy.

Đối với tỉnh Trà Vinh, lúc đầu triển khai thực hiện, từ các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến toàn bộ đảng viên, không ai nhận mình có biểu hiện nào trong số 27 biểu hiện. Tìm hiểu thấy mỗi biểu hiện gồm nhiều nội dung mà cá nhân có khi chỉ mắc một hoặc vài nội dung trong số đó, Ban Thường vụ tỉnh ủy đã mạnh dạn cụ thể hóa 27 biểu hiện thành 82 biểu hiện và yêu cầu các tập thể, cá nhân đánh giá lại. Từ hiệu quả thực tế, tỉnh dự định tiếp tục chia tách 82 biểu hiện thành những biểu hiện nhỏ hơn để việc soi chiếu càng thêm rõ ràng, cụ thể, việc khắc phục được nhanh chóng, dứt điểm.

Nhiều địa phương khác cũng đã có cách làm sáng tạo trong quá trình thực hiện Nghị quyết nhằm đạt mục đích là việc tự phê bình và phê bình đảm bảo thực chất, rõ người, rõ việc, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm.

Nét nổi bật trong quá trình triển khai Nghị quyết là việc các cấp ủy, tổ chức đảng đã gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị và các quy định về trách nhiệm nêu gương. Điều này giúp các tổ chức đảng làm tốt công tác xây dựng Đảng về đạo đức, kịp thời bổ sung, hoàn thiện chuẩn mực của người cán bộ, đảng viên.

Cô giáo - đảng viên Hứa Thị Hoa thực hành phương pháp giảng dạy "Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm". Đây là đề tài tiêu biểu được ngành giáo dục tỉnh Bắc Kạn biểu dương. Ảnh: Trần Hải

Cô giáo - đảng viên Hứa Thị Hoa thực hành phương pháp giảng dạy "Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm". Đây là đề tài tiêu biểu được ngành giáo dục tỉnh Bắc Kạn biểu dương. Ảnh: Trần Hải

Ở tỉnh Tây Ninh, mô hình “Sổ phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện của đảng viên” và “Sổ đăng ký cam kết và theo dõi kết quả phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện của đảng viên” đã có hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng đảng viên. Mỗi người khi cam kết đều chú ý vào những việc làm, biểu hiện cần kiểm soát phòng ngừa suy thoái hoặc nêu kế hoạch, sáng kiến có ý nghĩa trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; người giữ chức vụ lãnh đạo còn đăng ký nội dung về trách nhiệm nêu gương.

Năm 2016, Bộ Chính trị đã gợi ý kiểm điểm 18 tập thể và 3 cá nhân. Năm 2017, Ban Bí thư gợi ý kiểm điểm 33 tổ chức đảng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Năm 2017, các cấp ủy đã gợi ý kiểm điểm đối với 11.005 tập thể và 27.868 cá nhân. Năm 2018, các cấp ủy đã gợi ý kiểm điểm 5.591 tập thể và 9.037 cá nhân. Năm 2019 các cấp ủy đã gợi ý kiểm điểm 5.790 tập thể và 7.376 cá nhân.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Việc bám sát các biểu hiện Trung ương chỉ ra để nhận diện rõ hạn chế, khuyết điểm của cá nhân, tập thể, thay vì chỉ nể nang nhận xét, đánh giá chung chung như trước đây, đã giúp nhiều cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên tiến hành khắc phục nghiêm túc, có kết quả.

Quá trình từ thẳng thắn nhận diện đúng khuyết điểm, hạn chế, cho tới nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cá nhân, tập thể về tự rèn luyện và khắc phục yếu kém cùng với việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát chặt chẽ là những biện pháp đồng bộ, đã có tác dụng nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đồng thời góp phần ngăn chặn hiệu quả những biểu hiện suy thoái trong đội ngũ.

Một góc thành phố Hà Nội. Ảnh: Trần Hải

Một góc thành phố Hà Nội. Ảnh: Trần Hải

Kết quả điều tra dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy có 70% số người được hỏi đánh giá việc thực hiện Chỉ thị 05 góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; 65% số người được hỏi đánh giá việc thực hiện Chỉ thị 05 góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Việc thực hiện Chỉ thị số 05 gắn với Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, thiết thực với nhiều cách làm mới, sáng tạo, ngày càng đi vào thực chất, chiều sâu, từng bước trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi tổ chức đảng và từng cán bộ đảng viên. Qua đó, phong trào đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, có sức lan tỏa trong Đảng và toàn xã hội, đưa đến những thay đổi tích cực trong toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
- ĐỒNG CHÍ NGUYỄN TRỌNG NGHĨA
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

TÁC ĐỘNG SÂU SẮC
ĐẾN CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ

Cùng với sự thay đổi trong nhận thức về rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong công tác, việc triển khai các giải pháp toàn diện của Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII trong công tác cán bộ có tác động sâu sắc. Nhiều nơi, cấp ủy đã phát hiện và khắc phục được những hạn chế, bất cập, nhất là trong việc nhận xét, đánh giá, quy hoạch, bố trí, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo từng bước hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ; xây dựng, bổ sung, sửa đổi và ban hành mới nhiều quy định, quy chế về đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Quyền lực trong công tác cán bộ là thẩm quyền của tổ chức, cá nhân trong việc tuyển dụng, bố trí, quản lý, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, phong, thăng cấp bậc hàm, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao trong công tác cán bộ.

Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, công tác cán bộ của Đảng gắn bó chặt chẽ với việc kiện toàn, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên.

Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được sắp xếp tinh gọn hơn, giảm nhiều đầu mối, cấp trung gian, giảm số lượng cán bộ lãnh đạo, giảm biên chế; nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường hiệu lực, hiệu quả bộ máy hành chính.

Tính đến ngày 31/12/2019, đã giảm 4 đầu mối trực thuộc Trung ương, 97 đầu mối trực thuộc cấp tỉnh; 6 tổng cục và tương đương; 19 cục, vụ, 90 đơn vị sự nghiệp công lập ở Trung ương; 3.768 phòng, đội và tương đương; giảm 4.963 đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 6 đơn vị hành chính cấp huyện, 565 đơn vị hành chính cấp xã, 20.910 thôn, tổ dân phố.

Một buổi sinh hoạt chi bộ Đại đội Thiết giáp - Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Thuận. Ảnh:Thu Cúc

Một buổi sinh hoạt chi bộ Đại đội Thiết giáp - Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Thuận. Ảnh:Thu Cúc

Chủ trương bầu trực tiếp Ban Thường vụ, bí thư, phó bí thư tại đại hội đảng bộ các cấp cũng được đẩy mạnh triển khai nhằm bảo đảm sự công tâm trong công tác cán bộ. Kết quả cho thấy, số lượng các đơn vị được lựa chọn bầu trực tiếp bí thư tại đại hội cao hơn so với nhiệm kỳ trước (1.677 đảng bộ cơ sở, tăng 2% và 122 đảng bộ cấp huyện, tăng 11%); một số địa phương có 100% đơn vị cấp huyện trực tiếp bầu bí thư cấp ủy tại đại hội” (trừ đảng bộ quân sự). Việc thực hiện cơ bản thuận lợi, vừa phát huy dân chủ, vừa đảm bảo tập trung, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy cấp trên.

Nhiều địa phương tích cực thực hiện công tác luân chuyển cán bộ, thực hiện chủ trương bí thư các huyện ủy, thị ủy, thành ủy không phải là người địa phương… Đây là những giải pháp hữu hiệu tạo “hàng rào” cơ chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến ngày 20/9/2020, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã luân chuyển 1.003 cán bộ từ cấp tỉnh về cấp huyện và 888 cán bộ từ cấp huyện lên cấp tỉnh; 5.202 cán bộ từ cấp huyện về cấp xã và 2.753 cán bộ từ cấp xã lên cấp huyện.

Một buổi sinh hoạt chi bộ thôn Bản Liên, xã Yên Thượng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Trần Hải

Một buổi sinh hoạt chi bộ thôn Bản Liên, xã Yên Thượng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Trần Hải

Đánh giá cán bộ là khâu tiền đề, là cơ sở quan trọng để lựa chọn, bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, thực hiện các chính sách cán bộ. Triển khai nội dung này, cấp ủy các đơn vị, địa phương tùy đặc điểm tình hình xây dựng những tiêu chí nhằm đánh giá cán bộ đúng thực chất, đáp ứng yêu cầu.

Cùng với nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ, các địa phương, đơn vị tiến hành tự kiểm tra, rà soát việc thực hiện công tác cán bộ trong toàn hệ thống. Căn cứ kết quả rà soát, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 71-KL/TW ngày 24/3/2020, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị nghiêm túc rút kinh nghiệm, kịp thời chấn chỉnh công tác cán bộ, tập trung xử lý dứt điểm trường hợp sai phạm.

Kết quả rà soát có 86/128 (chiếm 67,2%) địa phương, cơ quan, đơn vị có một số trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn hoặc sai về quy trình, thủ tục; cả nước có 55.697/2.169.908 trường hợp thiếu tiêu chuẩn, điều kiện, chiếm 2,56% so với tổng số được rà soát và 2.827/2.169.908 trường hợp sai về quy trình, thủ tục chiếm 0,13% so với tổng số được rà soát.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Với những quy định chặt chẽ, nhiệm kỳ 2015-2020 có nhiều đột phá về công tác cán bộ, chuẩn bị đội ngũ nhân sự chất lượng cho nhiệm kỳ sau.

Quá trình chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, trong đó đề ra quy trình 5 bước trong công tác chuẩn bị nhân sự, với quan điểm kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người không đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có hành vi chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”…

Kết quả thực hiện cho thấy chất lượng đội ngũ cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 được nâng cao toàn diện.

Biểu đồ so sánh chất lượng cấp ủy
Infogram

Ảnh: Trần Hải

Ảnh: Trần Hải

QUYẾT LIỆT, NGHIÊM MINH,
“KHÔNG CÓ VÙNG CẤM” TRONG KIỂM TRA, GIÁM SÁT

Kết quả rõ nét nhất được cán bộ, đảng viên và nhân dân ghi nhận trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, là công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng đã góp phần khắc phục kịp thời những hạn chế, yếu kém; từng bước kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tình trạng tham nhũng, “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ”, tha hóa quyền lực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên… Các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp đã nghiêm túc tổ chức thực hiện nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.

Viện Kiểm sát nhân dân huyện Càng Long (Trà Vinh) họp Chi bộ hàng tháng. Ảnh: Nguyễn Văn Thương

Viện Kiểm sát nhân dân huyện Càng Long (Trà Vinh) họp Chi bộ hàng tháng. Ảnh: Nguyễn Văn Thương

Sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đã tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy về vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa và tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát. Đồng thời, tạo động lực để đội ngũ người làm công tác kiểm tra của Đảng nỗ lực hoàn thành khối lượng lớn công việc với chất lượng, hiệu lực, hiệu quả cao hơn. Trên “nóng”, dưới không thể “lạnh”, kết quả thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát từ Trung ương đã lan tỏa tới các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp, nhất là cấp tỉnh. Với phương châm “chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả”, ủy ban kiểm tra các cấp đã tập trung kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, làm rõ đến đâu, kết luận và xử lý đến đó, làm vụ nào ra vụ ấy, làm bài bản, khoa học, làm đến nơi, đến chốn.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương trực tiếp thành lập 55 đoàn thực hiện việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 44 tổ chức đảng và 63 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra các cấp kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 14.135 tổ chức đảng và 43.646 đảng viên; kết luận có 7.824 tổ chức đảng (chiếm 55,4% số tổ chức được kiểm tra), 34.112 đảng viên (chiếm 78% số đảng viên được kiểm tra) có vi phạm; phải thi hành kỷ luật 2.550 tổ chức (chiếm 35,6% số tổ chức vi phạm), 16.147 đảng viên (chiếm 47,3% số đảng viên vi phạm).

Ủy ban Kiểm tra Trung ương

50 kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong nhiệm kỳ Đại hội XII và bảy kỳ họp từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã chỉ ra khối lượng công việc đồ sộ mà đội ngũ cán bộ Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã gánh vác hơn 5 năm qua. Ủy ban kiểm tra các cấp đã chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm, tổ chức kiểm tra dấu hiệu vi phạm và làm rõ nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng ở tất cả các cấp, ngành, lĩnh vực, địa bàn. Trong đó có một số lĩnh vực khó, địa bàn nổi cộm, phức tạp, trước đây ít kiểm tra hoặc chưa được kiểm tra, như: sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; nhiều vi phạm về tuyên truyền chống lại nền tảng tư tưởng của Đảng; các tổ chức đảng trong các doanh nghiệp nhà nước, lực lượng vũ trang… Điều đó cho thấy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và ủy ban kiểm tra các cấp đã hành động kịp thời, đồng bộ, làm nghiêm từ trên xuống, “không có vùng cấm’’,“không có ngoại lệ”, không có đặc quyền dù người đó là ai.

Từ 2016 đến giữa năm 2020, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy đã tiến hành kiểm tra 233.322 tổ chức đảng. Trong đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kiểm tra 110 cấp ủy và tổ chức đảng trực thuộc Trung ương; cấp ủy các cấp kiểm tra 233.212 tổ chức đảng và hơn 1.115.200 đảng viên. Qua kiểm tra đã kết luận 4.807 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm, phải thi hành kỷ luật 1.050 đảng viên. Kết quả các cuộc kiểm tra của ủy ban kiểm tra các cấp cho thấy, hầu hết các vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên đều liên quan các biểu hiện trong số 27 biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ghi nhận sự phối hợp giữa kiểm tra, giám sát của Đảng với thanh tra, kiểm toán nhà nước và điều tra, truy tố, xét xử. Sự phối hợp ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả hơn đã thúc đẩy tiến độ, chất lượng xem xét, xử lý các vụ án, vụ việc.

Kỳ họp thứ 7 Ủy ban Kiểm tra Trung ương ngày 30/9/2021. Ảnh: TTXVN

Kỳ họp thứ 7 Ủy ban Kiểm tra Trung ương ngày 30/9/2021. Ảnh: TTXVN

Hiệu quả đổi mới hoạt động kiểm tra, giám sát còn là sự tăng cường chỉ đạo của ủy ban kiểm tra cấp trên đối với ủy ban kiểm tra cấp dưới, là Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra các cấp đối với một số tổ chức đảng, đảng viên ở cấp huyện và cơ sở khi có dấu hiệu vi phạm. Song song đó, việc công khai kết luận kiểm tra và xử lý vi phạm đối với tổ chức đảng, đảng viên trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng là biện pháp có tác động mạnh, giúp mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh hành vi, tích cực rèn luyện đạo đức, lối sống, tác phong công tác, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Thu hoạch ngô bằng cơ giới ở trang trại bò sữa TH (Nghệ An). Ảnh: Thành Châu

Thu hoạch ngô bằng cơ giới ở trang trại bò sữa TH (Nghệ An). Ảnh: Thành Châu

Đảng ta khẳng định, kiểm tra là một chức năng lãnh đạo của Đảng, là nhiệm vụ của toàn Đảng; lãnh đạo mà không kiểm tra coi như không lãnh đạo. Mọi tổ chức đảng và đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng. Kiểm tra, giám sát là “thanh bảo kiếm để chữa lành các vết thương”.
- TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG
(Bài phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, ngày 27/11/2020)

NHÂN DÂN THỰC HIỆN
QUYỀN GIÁM SÁT CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, vai trò của quần chúng nhân dân trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng được phát huy mạnh mẽ và hiệu quả. Không chỉ tham gia góp ý trực tiếp mà thông qua các tổ chức đoàn thể đại diện, người dân ngày càng có vai trò quan trọng, luôn góp ý, giám sát công việc của cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Sự tham gia của nhân dân đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật của đội ngũ cán bộ, đảng viên; phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng; giải quyết hiệu quả các tồn tại, bức xúc và cải thiện, tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa cấp ủy, chính quyền với quần chúng nhân dân.

Tuổi trẻ Quảng Ninh chung tay xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Trần Hải

Tuổi trẻ Quảng Ninh chung tay xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Trần Hải

Năm 2010, Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới chính thức khởi động với phương châm huy động sức dân tham gia xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Giai đoạn đầu, Chương trình vấp phải nhiều khó khăn do người dân chưa thực sự tin tưởng vào sự điều hành của chính quyền. Sau khi cấp ủy các cấp triển khai Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công việc đã chuyển biến tích cực, nhanh chóng. Nhiều việc tưởng khó trăm bề nhưng có sự góp sức của người dân đã hoàn thành.

Sau hơn 10 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới hoàn thành sớm gần hai năm so với kế hoạch đề ra, tạo bước đột phá làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam. Từ thực tiễn này, Đại hội XIII của Đảng đúc kết: kiên trì thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Trong đó, hai thành tố mới được bổ sung: dân giám sát, dân hưởng thụ chính là kết quả từ thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được cán bộ, đảng viên đánh giá đạt kết quả đáng phấn khởi tăng từ 39% năm 2018 lên 59% năm 2019. Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, “lợi ích nhóm” được cán bộ, đảng viên đánh giá đạt kết quả đáng phấn khởi, tăng từ 29% năm 2018 lên 48% năm 2019.

Báo cáo số 18-BCĐT/DLXH, ngày 03/02/2020 về kết quả thăm dò dư luận xã hội về một số vấn đề của đất nước của Ban Tuyên giáo Trung ương

Cùng với phát huy quyền dân chủ trực tiếp, Đảng tăng cường quyền dân chủ của nhân dân vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền thông qua người đại diện là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Đánh giá kết quả, Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở các cấp và nhân dân theo các quyết định của Bộ Chính trị được đẩy mạnh và có chuyển biến tích cực”, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị vững mạnh ngay từ cơ sở.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm thành phố Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm thành phố Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, việc lấy ý kiến đóng góp của người dân với đội ngũ cán bộ, đảng viên được nhiều các cấp ủy, cơ quan, đơn vị thực hiện có hiệu quả. Ngoài tăng cường tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu; lấy ý kiến nhận xét chi bộ nơi cư trú…, nhiều các hình thức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân được triển khai phong phú, rộng rãi.

Nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương đã tổ chức lấy ý kiến đánh giá cán bộ, công chức thông qua kênh Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị. Từ năm 2017, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) tiến hành tổ chức hội nghị lấy ý kiến quần chúng vào quá trình đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của đội ngũ cán bộ công chức cấp xã. Hội nghị do đại diện lãnh đạo xã và Mặt trận Tổ quốc chủ trì với sự tham gia của đại diện các tổ chức đoàn thể, tổ chức quần chúng từ xã đến thôn, được truyền thanh trực tiếp. Kết quả đánh giá là căn cứ quan trọng để cấp thẩm quyền kết luận mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của cán bộ, công chức. Việc này trước đây chưa từng có.

Tinh thần đổi mới trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã giúp các cấp ủy đảng, chính quyền nhận được ngày càng nhiều ý kiến đóng góp của nhân dân, tạo sự gắn kết giữa Đảng với nhân dân. Từ đó tạo nhiều chuyển biến tích cực trong đạo đức, tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ các cấp, nhân lên niềm tin, sự đồng thuận của nhân dân, để nhân dân thật sự là chỗ dựa vững chắc, nguồn lực sức mạnh của Đảng.

Ảnh: Trần Hải

Ảnh: Trần Hải

Trong nhiệm kỳ 2015-2020. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức 10 chương trình giám sát về các vấn đề, lĩnh vực có ý nghĩa cấp bách với toàn xã hội; phản biện một số văn bản quan trọng của Đảng, Quốc hội Chính phủ các bộ, ngành. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh tổ chức 721 cuộc giám sát, 784 hoạt động phản biện; cấp huyện tổ chức 6.404 cuộc giám sát, 4.403 hoạt động phản biện và cấp xã tổ chức 49.564 cuộc giám sát, 25.834 hoạt động phản biện. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và nhân dân đã có 32.064 ý kiến góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG GẮN VỚI XÂY DỰNG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH     

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo được chuyển biến tích cực trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung những nhận thức mới quan trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân. Chính vì vậy, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII càng trở nên quan trọng, yêu cầu ở mức cao hơn, kiên quyết và kiên trì, đi vào chiều sâu.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Thông, nguyên Phó trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, xây dựng Đảng gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị, với xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên là ba khâu thống nhất, gắn bó chặt chẽ, tạo thành sức mạnh chính trị to lớn, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đây chính là nhận thức sâu sắc được đúc kết từ thực tiễn công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.

Cán bộ Trung tâm Hành chính công huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: Bình Minh

Cán bộ Trung tâm Hành chính công huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: Bình Minh

Đối với đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra yêu cầu: có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng. Truyền hình Nhân Dân

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng. Truyền hình Nhân Dân

Quán triệt nhận thức mới, ngay sau Đại hội XIII, các cấp ủy đảng từ Trung ương đến cơ sở đã triển khai nhiều công việc, nội dung thiết thực. Ngày 16/9/2021, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 32-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là bước cụ thể hóa quyết tâm của Trung ương trong phòng, chống tham nhũng, đồng thời ngăn chặn các biểu hiện suy thoái trong cán bộ, đảng viên.

Mới đây, ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị có Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung” theo yêu cầu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chính thức được cụ thể hóa. Từ đây, những quy định của pháp luật sẽ sớm được ban hành, tạo cơ sở pháp lý để nhân rộng các mô hình, giải pháp đột phá một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Tuổi trẻ phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Ảnh: Trần Hải

Tuổi trẻ phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Ảnh: Trần Hải

Để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, điểm mấu chốt quan trọng vẫn là xây dựng đội ngũ cán bộ. Tiến sĩ Nguyễn Viết Thông đề xuất: Để xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn với việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, cần tiếp tục nghiên cứu, sớm hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, do vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đối với công tác triển khai thực hiện Nghị quyết, cũng như nguy cơ cao về tham nhũng quyền lực ở khu vực này.

Ảnh: Trần Hải

Ảnh: Trần Hải

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để "không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng". Đồng thời, chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, vin cớ rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí dẫn đến làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ "an toàn" trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tôi đã nhiều lần nói rồi; nay xin nhắc lại: Những ai có tư tưởng này thì hãy dẹp sang một bên cho người khác làm! Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu; Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!
- TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG
(Bài phát biểu tại Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, ngày 11/8/2021)

Ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trước hết và quan trọng là bắt đầu từ việc mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu luôn “tự soi, tự sửa”, nghiêm túc tự nhìn lại mình, phát huy cái tốt, điều chỉnh, tự sửa chữa cái xấu. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là bền bỉ, kiên trì, để đạt mục tiêu Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đề ra là Đảng ta thật sự vững vàng về chính trị và tư tưởng, thống nhất cao về ý chí và hành động, trong sạch về đạo đức và lối sống, chặt chẽ về tổ chức, đủ sức lãnh đạo đưa đất nước ngày càng phát triển, xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân.


Tổ chức thực hiện: PHƯƠNG QUYÊN
Nội dung: HẠNH NGUYÊN, TIỂU PHƯƠNG, VĂN TOÁN
Trình bày: CHÍ TRUNG, PHAN ANH, DIỆU THU, ĐỨC DUY
Ảnh: TRẦN HẢI, DUY LINH, THÀNH CHÂU, TTXVN
Video clip: TRUYỀN HÌNH NHÂN DÂN