Hành trình xác lập vị thế
Nhân Dân cuối tuần
Chúng ta đang nói quá nhiều về công nghệ, sự thay đổi, về cách thức internet, máy tính, smartphone phủ định những giá trị cũ. Nhưng không phải lúc nào truyền thống cũng là lạc hậu, cổ hủ. Ngược lại, những gì tinh túy và mang tính cốt lõi thường lại chỉ nảy mầm từ những điều cũ, nếu ta đủ tĩnh tại để nhìn thấy nó. Và bởi vậy, hành trình của Nhân Dân cuối tuần hướng đến mục tiêu vì độc giả, phục vụ độc giả, bắt kịp với những nhịp điệu gấp gáp của thời đại… lại vẫn luôn gắn liền với nền tảng là tư tưởng và tôn chỉ một tờ tuần báo chính trị - xã hội hàng đầu, từng ghi những dấu ấn.
Tuần báo chính trị-xã hội đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam
Năm 1989, thời điểm đất nước ta đang thay đổi hết sức mạnh mẽ, ba năm sau Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi từ thực tế, Nhân Dân chủ nhật (tên khai sinh của ấn phẩm Nhân Dân cuối tuần) được xuất bản với tinh thần đổi mới diện mạo báo Đảng. Đây là tờ tuần báo đầu tiên, cũng là tờ tuần báo chính trị - xã hội đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Những dấu mốc quan trọng:
- 12/2/1989: Báo Nhân Dân chủ nhật ra số đầu
- 5/2/1995: Báo Nhân Dân chủ nhật đổi tên thành Nhân Dân cuối tuần
- Năm 2011: Triển khai thực hiện Đề án đổi mới toàn diện (giai đoạn 1)
- Năm 2013: Tiếp tục triển khai Đề án đổi mới nâng cao chất lượng ấn phẩm (giai đoạn 2)
- Năm 2014: Đón nhận Huân chương Lao động hạng ba
- Năm 2018: Tiếp tục xây dựng Đề án đổi mới ấn phẩm trong tình hình mới
- Tháng 2/2019: Đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
Báo Nhân Dân chủ nhật ra đời, đánh dấu một bước phát triển mới trong quá trình đổi mới báo Đảng nói chung, cũng góp một phần vào sự đổi mới báo chí nước ta hồi đó.
Số 1 Nhân Dân chủ nhật in tới mười vạn bản, nhanh chóng phát hành trên cả ba miền bắc, trung, nam. Ngoài những bạn đọc quen thuộc của báo Nhân Dân, còn có nhiều bạn đọc mới, phần lớn là những người hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật và giáo dục, khoa học - công nghệ. Đọc tiếp mấy số sau, không ít ý kiến cho rằng họ thật bất ngờ khi được thấy một tờ tuần báo mới mẻ mà có bản sắc và hấp dẫn như vậy. Bài, tin và cả những mẩu chuyện nói chung ngắn gọn, dễ đọc dễ hiểu nhưng có chiều sâu trên một số lĩnh vực nhất định.
Những ký ức vẫn còn tươi rói và lấp lánh của nhà báo lão thành Hà Đăng: “…Ngày 12/2/1989, tức 7 tháng Giêng Xuân Kỷ Tỵ, báo Nhân Dân chủ nhật đã được khai sinh và có Lời ra mắt bạn đọc đầy ấn tượng, thấm đậm sắc xuân.
“Nhân Dân chủ nhật, tuần báo chính trị-xã hội, được định hướng theo chủ đề tổng quát là: nhân dân Việt Nam mang tâm hồn, trí tuệ Việt Nam, giải quyết những vấn đề đối nội và đối ngoại của đất nước mình giữa một thế giới đang chuyển động, đang đổi mới.
Cùng với báo Nhân Dân hằng ngày, Nhân Dân chủ nhật, nguyện góp phần nhỏ bé của mình vào sự đổi mới của báo chí nước ta, thúc đẩy công cuộc đổi mới rộng lớn của đất nước theo những nội dung cơ bản của Đại hội VI của Đảng.
Nhân Dân chủ nhật, phấn đấu theo hướng mở rộng thông tin phong phú, đa dạng và bổ ích, góp phần nâng cao dân trí, thực hiện dân chủ hóa trong ngôn luận để vừa là tiếng nói của Đảng Cộng sản Việt Nam, vừa là diễn đàn của nhân dân, của đông đảo bạn đọc, đông đảo cộng tác viên cùng cả nước”.
Chia sẻ từ góc độ “bếp núc” của việc xây dựng ấn phẩm mang tính đổi mới, nhà báo Lê Quang Trang – nguyên Trưởng ban Nhân Dân cuối tuần tâm đắc:
“Thực ra, không phải đến cuối năm 1988, đầu 1989 việc chuẩn bị ra Báo Nhân Dân chủ nhật mới được bắt đầu. Nhìn xa hơn, ta thấy, ngay từ năm 1985, khi những tín hiệu đầu tiên của Đổi mới xuất hiện trong đời sống, thì những trí tuệ nhạy bén nhất của Báo, từ Tổng Biên tập đến các bộ phận liên quan, đã cho ra mắt Đặc san Nhân Dân, như tập dượt cho một bước phát triển mới. Và đầu năm 1989 là lúc thời cơ đã chín, để Nhân Dân chủ nhật, tờ báo 16 trang, khổ 29x42, ra đời. Ban đầu, báo ra vào chủ nhật. Nhưng đến ngày 3/2/1995, khi báo hằng ngày ra cả chủ nhật, thì báo đổi thành Nhân Dân cuối tuần.
… Ra hằng tuần, với những chức năng và nhiệm vụ riêng, nhưng không phải tuần báo một cách thuần túy, hay một đơn vị độc lập, vì nó còn nằm trong hệ thống ấn phẩm của Báo Nhân Dân. Xử lý hài hòa mối quan hệ này không chỉ là việc khó khi báo ra đời, mà ngay cả khi đã đi vào ổn định. Xét về nhiệm vụ chung, mỗi ấn phẩm đều được xác định rõ, nhưng đi sâu vào cụ thể, từ tính chất ấn phẩm, cấu trúc bài, nội dung thông tin, cách viết, cách trình bày, đến phân công hoạt động của phóng viên, thì vẫn còn không ít phân vân, vướng mắc. Thậm chí, khi hoạt động đã vào nề nếp, một số vấn đề vẫn được cân nhắc và điều chỉnh cho phù hợp hơn, như tăng cường chất văn hóa và tính giải trí trong ấn phẩm. Vì thế, nhiều cây bút quen thuộc của báo, khi viết cho Nhân Dân cuối tuần cũng “tự chỉnh” cho giọng điệu mềm mại hơn, lối thể hiện “tung tẩy” hơn…
… Tuy nhiên, khó nhất vẫn là làm sao cho tờ báo hay, hấp dẫn, tin cậy. Muốn vậy, thu hút trí tuệ của xã hội là một trong những quan tâm hàng đầu.
Trong nhiều năm gắn bó với Nhân Dân cuối tuần, tôi vẫn nguyên xúc động với những lần tiếp các văn nghệ sĩ, trí thức hàng đầu của đất nước trên nhiều lĩnh vực, cả ba miền bắc - trung - nam, như: Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Trần Hoàn, Vũ Khiêu, Tế Hanh, Hoàng Cầm, Hoàng Tụy, Nguyễn Văn Hiệu, Đào Vọng Đức, Hồ Ngọc Đại, Nguyễn Lân Dũng, Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn, Hoàng Minh Thảo, Phạm Hồng Cư, Nguyễn Đình Ước, Trần Bảng, Đình Quang, Bảo Định Giang, Anh Đức, Trần Thanh Đạm, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Hải Ninh, Trần Đắc,… đến gửi bản thảo hoặc trao đổi những suy nghĩ tâm huyết về các vấn đề đang quan tâm. Các nhạc sĩ Trần Hoàn, Trần Nhơn lần nào mang bản nhạc đến xin đăng cũng đệm ghi-ta hát thử…”
Nhân Dân cuối tuần trở thành “điểm hẹn” uy tín của những gương mặt hàng đầu, về mọi lĩnh vực của đất nước, đồng hành với sự chuyển mình của đất nước sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng.
Nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân – nhà báo Hồng Vinh phát biểu tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày Nhân Dân cuối tuần ra số đầu:
Trong 30 năm qua, Nhân Dân cuối tuần vẫn luôn làm tốt những định hướng đặt ra từ đầu, đồng thời không ngừng nâng cao và đổi mới. Đồng thời, sở hữu được những cây bút “uy quyền” trên mọi lĩnh vực. Nhờ đó, ấn phẩm tuần này đã đi từ con số xuất bản 8 vạn rồi lên 10 vạn, 12 vạn số trong một kỳ xuất bản - số lượng kỷ lục trong các tuần báo. Đến nay, con số vẫn dao động trên 10 vạn bản. Nghĩa là, Nhân Dân cuối tuần vẫn tiếp tục tỏa sáng trong thời kỳ "cơn lốc báo mạng".
Những nhân vật hội tụ sau trang báo
Bạn đọc yêu mến và đồng hành cùng một tờ báo bao giờ cũng bắt đầu từ việc tìm kiếm những cái tên tác giả mà ta thường gọi là cây bút có thẩm quyền… Hơn 30 năm xác lập vị trí trong lòng độc giả, Nhân Dân cuối tuần luôn chú trọng tôn chỉ mục tiêu ban đầu, làm sao để có thể quy tụ tối đa trí tuệ của xã hội.
Nhà báo Hải Đường – nguyên Trưởng ban Nhân Dân cuối tuần – liên tưởng:
“…Nói tới một đoàn ca nhạc phải nhắc đến những ca sĩ lừng danh, công chúng thường gọi là “sao”. Nói đến một đội bóng đá danh tiếng điều đầu tiên phải nhắc tới các vua phá lưới. Vẫn biết mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng tôi cứ nghĩ: Họ có phong cách sống, phong cách nghĩ, phong cách viết của người làm báo Nhân Dân nói chung, nhưng nổi bật lại chính bởi những cách nhìn, cách nghĩ lắng đọng từ Nhân Dân chủ nhật đến Nhân Dân cuối tuần. Những tác phẩm ấy góp phần làm nên bản sắc tờ báo và hình thành, khắc họa rõ nét hơn bút danh của họ…
… Song hành cùng thời gian, nhiều cây bút của Nhân Dân cuối tuần trở nên khá quen thuộc với bạn đọc: Hàm Châu, Lê Thấu, Đỗ Quảng, Lê Quang Trang, Thế Văn, Nguyễn Sĩ Đại, Lê Mạnh Tuấn… Mỗi người mỗi vẻ, hầu hết các anh chị là nhà báo-nhà văn. Và cũng mỗi người một thế mạnh nổi trội, không chỉ viết báo mà còn là chuyên gia của ít nhất một lĩnh vực…”
Vẫn hằn sâu trong ký ức ông, những chặng đường làm nghề đầy sức sống thuở ấy:
“…Khi tôi ngơ ngác về Nhân Dân cuối tuần, anh Hàm Châu đã thôi làm công tác quản lý. Thỉnh thoảng lại có nhà khoa học đến tìm gặp “Giáo sư Châu”. Bạn đọc đinh ninh rằng những bài ký chân dung ngồn ngộn tư liệu, tài liệu tham khảo toàn dẫn nguồn tiếng Anh, tiếng Pháp, về những giáo sư lừng danh như Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Trần Thanh Vân, Lê Văn Thiêm,… thì tác giả không thể không là… giáo sư.
Bữa khác lại thấy ông nhà văn tóc râu phơ phất, vai khoác túi cói bên trong có chai rượu tăm nút lá chuối và gói lạc rang đến tìm ông “Lâu Thế” để đàm đạo văn chương, thế sự. Thì ra ông muốn gặp tác giả cuốn truyện ngắn “Mặt trời xanh lá cây” là nhà văn Lê Thấu.
Còn những ông đạo mạo, kính không số gọng vàng, thường ngày com-plê, cà vạt đến dãy nhà văn chương trong khuôn viên tòa soạn thì thường là tìm gặp Trưởng ban, nhà phê bình văn học Lê Quang Trang. Chủ và khách nghiêm trang bàn về một “quả tù mù có khói độc” nào đó vừa được xuất bản.
Phụ trách ban sau Lê Quang Trang, nhà báo Thế Văn lại có phong cách một ông đồ. Anh bảo không có ý mới thì quyết không đụng bút, chữ nghĩa phải có năng lượng. Anh rất thú câu nói của nhà thơ “Núi đôi” Vũ Cao: “Lãnh đạo văn nghệ là không lãnh đạo gì cả”…
… Có cá tính, rất cần, nhưng là cá tính sáng tạo. Có cái vẻ nhu nhu, cương cương lắm khi không cần thiết. Có cái xuề xòa nhớ nhớ, quên quên. Có cái lơ đãng của những chú “mọt sách”. Nhưng với nghề thì tỉnh, tỉnh như sáo. Những điều đó hội nên những giọng văn-báo lạ, “óng tre ngà và mềm mại như tơ”. Những cái đó đủ sức hút các cộng tác viên kiến văn rộng rãi, trí lực hơn người cùng ngồi lại để bàn với biên tập viên cày một bài chuyên luận, một phóng sự có hồn có vía. Cây phóng sự Đỗ Quảng bảo, không có tư tưởng, máu nghề, chữ nghĩa lại không nổi một vốc thì ma nào nó chơi với anh. Thế nên mỗi lần họp bàn nghiệp vụ từ tướng đến quân chỉ xoay quanh mãi một việc, làm thế nào để khuôn mặt Nhân Dân cuối tuần cứ lồ lộ ra, sao cho chững chạc nhưng mà thoáng, nhẹ, vui, chứ nặng quá, mũ cao áo dài, bội thực những là định hướng, ý tưởng, chủ đề thì không ai sực cả…”.
Trong những ngày sôi động ấy, nhờ cá tính, năng lực và lòng nhiệt thành của cả đội ngũ, “Báo Nhân Dân, trong đó có ấn phẩm Nhân Dân cuối tuần… như là một địa chỉ tin cậy, một nơi chia sẻ, bộc bạch hết những góc khuất của xã hội, vui buồn, cung cấp tài liệu, tố giác tội phạm của đông đảo bạn đọc, người dân” – nhà báo Đỗ Quảng – “Từ nguồn thông tin, tài liệu sơ khởi này, bạn đọc đã cung cấp cho báo nhiều vụ việc nghiêm trọng không dễ nhìn thấy. Nó là nguồn cảm hứng, thôi thúc mạnh mẽ những nhà báo đam mê nghề nghiệp, dám dấn thân nhập cuộc tìm hiểu sự thật vì lợi ích chung của xã hội… thông qua những bài phóng sự, điều tra hấp dẫn, thu hút bạn đọc”.
Nhà báo Đỗ Quảng (áo trắng đứng giữa) tác nghiệp tại cảng Hải Phòng trong những ngày Mỹ mở chiến dịch Sấm Rền ném bom thả mìn, thủy lôi phong tỏa các tàu ra vào cảng.
Nhà báo Đỗ Quảng (áo trắng đứng giữa) tác nghiệp tại cảng Hải Phòng trong những ngày Mỹ mở chiến dịch Sấm Rền ném bom thả mìn, thủy lôi phong tỏa các tàu ra vào cảng.
Cũng nhờ vậy, “Số báo nào có phóng sự, điều tra đăng Nhân Dân cuối tuần, y rằng số báo đó tăng số lượng phát hành. Nhiều hôm cháy hàng. Có những bạn đọc đi bộ, đạp xe đạp đến 71 Hàng Trống (Hà Nội), vào tận văn phòng Tòa soạn xin mua một tờ báo lẻ Nhân Dân cuối tuần. Báo hết thì năn nỉ mượn số báo lưu làm tư liệu đem ra hàng phô-tô. Chuyện này không hiếm”.
Dấu ấn đối với độc giả
Giữa bộn bề của cơn lốc thông tin hiện nay, điều đáng mừng là tờ báo luôn giữ được một khoảng lặng, khoảng lùi đối với các vấn đề thời sự, để qua đó có được góc nhìn sâu sắc và đa chiều hơn.
Trong lễ kỷ niệm 30 năm ngày Nhân Dân cuối tuần ra số đầu năm 2019, nhìn lại một chặng đường lịch sử, những thành quả quan trọng nhất mà Nhân Dân cuối tuần đạt được, không gì khác, chính là dấu ấn trong tâm khảm độc giả.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng báo Nhân Dân cuối tuần. Ảnh: Đăng Khoa
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng báo Nhân Dân cuối tuần. Ảnh: Đăng Khoa
Với Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên: “Bắt đầu đọc Nhân Dân cuối tuần từ năm 1997, khi mới về nhận nhiệm vụ tại Ban Kinh tế Trung ương, cho đến bây giờ tôi vẫn luôn theo dõi ấn phẩm này. Nhờ luôn có được góc nhìn sâu sắc và đa chiều đối với các vấn đề thời sự, tờ báo đã giúp cho những người làm công tác nghiên cứu, những người nghiên cứu chính sách vĩ mô có thêm căn cứ để vừa nhìn lại chính sách, vừa nhìn lại thực tế. Đối với nhiều vấn đề nóng, trái chiều, Nhân Dân cuối tuần luôn có bản lĩnh trong nhìn nhận và thể hiện quan điểm”.
Với nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm: “Ấn phẩm Nhân Dân cuối tuần ngày càng hấp dẫn hơn, theo kịp với những diễn biến mau lẹ của đời sống xã hội. Bản thân tôi cũng là một cộng tác viên của Nhân Dân cuối tuần ở mảng văn học - văn hóa, tôi nghĩ rằng, đây cũng là một diễn đàn tốt cho những người làm văn hóa, văn nghệ, đưa được tiếng nói, suy tư đến với độc giả. Tôi hy vọng, trong thời gian tới, tờ báo tiếp tục phát huy hơn nữa những thế mạnh của mình, đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng, mở rộng biên độ các vấn đề văn hóa - văn nghệ - tư tưởng, bám sát hơn các vận động tinh thần của con người đương đại”.
Hay với ông Nguyễn Nam Hiền – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh, một bạn đọc đại diện cho giới doanh nhân: “Theo dõi Nhân Dân cuối tuần trong nhiều năm qua, tôi nhận thấy điểm nổi bật nhất của Nhân Dân cuối tuần chính là những những chuyên đề được thực hiện hằng tuần. Những bài viết xoay quanh một chủ đề đang được xã hội quan tâm được đội ngũ biên tập, phóng viên, Nhân Dân cuối tuần “mổ xẻ” tới cùng và đa chiều. Điều này giúp cho người đọc có cái nhìn toàn diện hơn, sâu hơn về chuyên đề mà tuần báo muốn đề cập. Ngoài ra, tôi cũng nhận thấy trang văn hóa của Nhân Dân cuối tuần cũng rất hấp dẫn.
Là người kinh doanh, tôi mong muốn thời gian tới Nhân Dân cuối tuần có thêm nhiều chuyên đề về kinh tế, những đề tài, sự việc liên quan đến hoạt động các doanh nghiệp mà dư luận quan tâm, nhằm định hướng cho các doanh nghiệp phát triển hiệu quả hơn, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước”.
Trong một thế giới luôn vận động, đổi thay, sứ mệnh của ấn phẩm tuần báo chính trị- xã hội đầu tiên từng được thể hiện súc tích trong Lời ra mắt vào mùa xuân năm Kỷ Tỵ 1989 vẫn còn nguyên giá trị. Hơn ba thập niên, và cả hành trình tiếp tới, đội ngũ những người làm báo Nhân Dân cuối tuần vẫn luôn trân trọng những chia sẻ của độc giả, nỗ lực đổi mới để có thể giữ vững vị thế của ấn phẩm trong lòng độc giả.
Xuất bản: Tháng 3/2022
Tổ chức sản xuất: Vũ Mai Hoàng
Thực hiện: Ngô Phương Thảo, Lưu Hương, Võ Hoàng, Khúc Hồng Thiện, Hoàng Nghĩa Nam, Nguyễn Văn Học, Thu Hà, Trung Hiếu, Đức Hoàng, Phạm An và CTV
Trình bày: Phan Anh, Duy Long