Hành trình tìm sự thật và hòa giải
của con trai Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

Tháng Ba, Tây Nguyên. Một người đàn ông Mỹ tóc hoa râm đứng lặng trong thung lũng Ia Drang, dưới chân núi Chư Prông (Gia Lai). Trước mặt ông là rừng đại ngàn xanh ngắt, nhưng 60 năm trước, nơi đây là chiến trường khốc liệt. Người lính già đi cùng khẽ nói: "Đơn vị của tôi có gần 200 đồng chí hy sinh tại đây." Ông cúi đầu, đặt bó hoa cúc vàng dựa vào một gốc cây, cắm nén hương lên nền đất đỏ, rồi bật khóc.
Đó là Craig McNamara, con trai Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara, người đang trên hành trình tìm kiếm sự thật và lời giải đáp về một cuộc chiến đã lùi xa hơn nửa thế kỷ.
Robert McNamara-“kiến trúc sư chính” cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam từng tin rằng việc tăng cường quân đội và chiến lược "tìm và diệt" có thể mang lại chiến thắng. Nhưng khi những cánh rừng bị bom napalm và chất độc da cam tàn phá, khi số lính Mỹ tử trận ngày càng nhiều, sự nghi ngờ dần xâm chiếm tâm trí ông. Cuối cùng, ông phải thừa nhận rằng cuộc chiến này là “một sai lầm khủng khiếp”.
Bộ trưởng McNamara trong một cuộc họp về tình hình chiến sự ở Việt Nam. Nguồn ảnh: Wikimedia.
Bộ trưởng McNamara trong một cuộc họp về tình hình chiến sự ở Việt Nam. Nguồn ảnh: Wikimedia.
Năm 1965, Craig, khi ấy 15 tuổi, đứng giữa dòng người biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam. Cùng thời điểm đó, tại Lầu Năm Góc, cha cậu đang bàn bạc những chiến lược quân sự để mở rộng cuộc chiến. Craig không thể ngờ rằng hàng chục năm sau, mình sẽ đặt chân đến những chiến trường lịch sử – nơi cha cậu từng ra quyết định rải bom, lập hàng rào điện tử, rải chất độc da cam. Ông không phải là một chiến binh, nhưng cuộc đời ông bị ràng buộc với cuộc chiến này theo một cách riêng.
“Năm tôi 10 tuổi, gia đình chuyển đến Washington D.C. Đến năm 15 tuổi, tôi đi học nội trú. Khi đó, tôi chưa hiểu nhiều về chiến tranh Việt Nam,” Craig kể.
Cho đến một ngày, cậu tham dự một buổi tọa đàm về Chiến tranh Việt Nam. Một giáo sư Đại học Dartmouth đã nói về lịch sử và văn hóa Việt Nam, về khát vọng thống nhất của một dân tộc đã trải qua hàng nghìn năm chiến tranh vệ quốc. Ông ấy lập luận rằng Mỹ can dự vào cuộc chiến không chỉ là sai lầm mà còn dựa trên những thông tin sai lệch. Craig bàng hoàng nhận ra: Những gì cha cậu và Chính phủ Mỹ nói về cuộc chiến này không phải là sự thật.
Từ đó, những cuộc đối thoại giữa Craig và cha trở nên căng thẳng. Ông đặt nhiều câu hỏi về cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam nhưng không nhận được câu trả lời từ cha. Giữa họ dường như luôn tồn tại một bức tường vô hình. “Cha tôi rời Lầu Năm Góc khi tôi 17 tuổi. Nhưng phải đến 18 tuổi, tôi mới thực sự tham gia phong trào phản chiến.”
Craig không thể ngờ rằng hàng chục năm sau, mình sẽ đặt chân đến những chiến trường lịch sử – nơi cha ông từng ra quyết định rải bom, lập hàng rào điện tử, rải chất độc da cam. Ông không phải là một chiến binh, nhưng cuộc đời ông bị ràng buộc với cuộc chiến này theo một cách riêng.
Sau khi rời Đại học Stanford, Craig dành vài năm du ngoạn khắp Nam Mỹ, làm việc trong các trang trại, rồi tốt nghiệp Đại học California, Davis với bằng cử nhân khoa học về đất. Ông trở thành một nông dân hữu cơ với mong muốn xây dựng hệ thống thực phẩm bền vững hơn. Nhưng cuộc chiến tranh ở Việt Nam vẫn luôn ám ảnh ông.
Năm 1995, ông mong muốn cùng cha đến Hà Nội gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng Robert McNamara từ chối.
“Tôi tin rằng cha tôi đã phạm sai lầm lớn khi không cho tôi đi cùng. Nếu tôi có mặt trong cuộc gặp gỡ ấy, tôi đã có thể thuyết phục cha mình đưa ra lời xin lỗi và thúc đẩy việc bồi thường cho cả các cựu binh Mỹ và Việt Nam, những người đã bị chiến tranh thay đổi cuộc đời mãi mãi.”- Craig nói.
Craig bên vụ mùa óc chó. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Craig bên vụ mùa óc chó. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Lần đầu tiên Craig đến Việt Nam vào năm 2017, cùng con gái Emily. Họ đi khắp đất nước, tìm hiểu lịch sử, văn hóa và con người, phát triển mối quan hệ sâu sắc với Việt Nam. Đầu tháng 3/2025, ông trở lại để thực hiện bộ phim tài liệu “ Cuộc đọ sức của ý chí” nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam Việt Nam, theo lời mời của VTV4.
Trên chiến trường lịch sử Ia Drang, nơi trận đánh lớn đầu tiên giữa quân đội Mỹ và Quân Giải phóng diễn ra năm 1965, Craig bước đi cùng hai cựu chiến binh Trung đoàn 66, tận mắt chứng kiến những dấu tích mà chiến tranh để lại. Hơn 1000 lính Mỹ cùng 900 quân Việt Nam Cộng hòa, đã chiến đấu với hơn 2000 Quân Giải phóng trong bốn ngày, bắt đầu từ ngày 14/11/1965. Hai bên giao tranh khốc liệt ở cự ly gần đến mức "bám thắt lưng địch mà đánh".
Bên hàng rào McNamara. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bên hàng rào McNamara. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tôi tin rằng cha tôi đã phạm sai lầm lớn khi không cho tôi đi cùng. Nếu tôi có mặt trong cuộc gặp gỡ ấy, tôi đã có thể thuyết phục cha mình đưa ra lời xin lỗi và thúc đẩy việc bồi thường cho cả các cựu binh Mỹ và Việt Nam, những người đã bị chiến tranh thay đổi cuộc đời mãi mãi.
Craig nói
Đây là lần đầu tiên sau hơn 60 năm, hai cựu chiến binh Nguyễn Văn Lừng và Phạm Văn Đắc quay lại nơi họ đã mất cả trăm đồng đội. Khi bước trên vùng đất đỏ ấy, cơ thể họ run lên, những tiếng khóc bật ra từ lồng ngực. Ký ức đau thương về những đồng đội đã hy sinh dội vào tâm trí. Craig ôm chặt hai người, cùng khóc.
"Chúng tôi có thể tha thứ, nhưng sẽ không bao giờ quên"- cựu chiến binh Văn Lừng nói. Craig nhận ra rằng, với họ, quá khứ có thể bỏ lại, nhưng những bài học từ chiến tranh phải được ghi nhớ để không lặp lại sai lầm.
Khi bắt đầu hành trình đến Việt Nam, Craig mang theo lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam – chiến lợi phẩm cha ông mang về từ chiến trường, nơi lính Mỹ thu giữ trên thi thể một người lính Bắc Việt. Suốt nhiều năm, lá cờ ấy được treo trên tường trong phòng ngủ của ông như một hành động phản đối chiến tranh, và giờ đây ông trao trả lại các cựu chiến binh Quân Giải phóng kỷ vật của đồng đội họ. Bốn người cùng nhau giang rộng lá cờ. Ba người lính run lên vì xúc động khi nhận ra vệt máu khô của đồng đội vẫn còn nguyên vẹn, nơi góc lá cờ vẫn ghi rõ dòng chữ: “17 - 11 - 1965"
"Chúng tôi nắm tay nhau cùng bước đi. Họ muốn tôi hiểu rằng, dù cuộc chiến tàn khốc đến đâu, họ đã tha thứ cho những người lính Mỹ và mong muốn hai dân tộc cùng hướng đến hòa bình."-Craig xúc động nói.

Trong hành trình đi tìm sự thật, Craig còn đến Khe Sanh, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, sân bay Tà Cơn, cầu Hiền Lương (Quảng Trị), xã Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) - nơi xảy ra vụ thảm sát Mỹ Lai… Ông cũng vào Mỹ Tho, Tiền Giang, thăm lại nơi diễn ra trận Ấp Bắc lịch sử.
Chuyến đi đã giúp Craig xâu chuỗi những mảnh ghép còn thiếu của cuộc chiến tranh Việt Nam. Từ trận Ấp Bắc năm 1963, nơi mà những người lính Bắc Việt dù thiếu thốn vũ khí, quân số và tiếp tế, nhưng đã chiến đấu kiên cường, gây tổn thất nặng nề cho quân đội Việt Nam Cộng hòa được Mỹ hỗ trợ tốt nhất, cho đến trận Ia Drang năm 1965 – trận chiến lớn đầu tiên giữa hai phe đối lập. Tại thung lũng Ia Drang, hai trung đoàn Quân Giải phóng đã giao chiến ác liệt với Sư đoàn Kỵ binh số 1 và Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn 7 Kỵ binh của Mỹ trong một địa hình hiểm trở.
“Chuyến đi đã giúp tôi nhận ra một điều mà trước đây chưa từng nghĩ đến: Năm 1965 chính là khởi đầu cho hồi kết. Đó là thời điểm cha tôi hiểu rằng nước Mỹ không thể chiến thắng trong cuộc chiến này”- Craig chia sẻ.
Robert McNamara cũng từng trăn trở về quyết định của mình. Trong cuốn hồi ký “In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam” (Hồi tưởng: Bi kịch và bài học Việt Nam), ông thừa nhận những sai lầm và rút ra 11 bài học từ cuộc chiến. Nhưng Craig tin rằng, nếu cha ông thực sự thấm nhuần những bài học này từ sớm, nước Mỹ có lẽ đã không tham chiến tại Việt Nam.
“Tôi cảm thấy có trách nhiệm với cuộc chiến mỗi ngày trong đời mình. Trái tim tôi đau đớn khi nghĩ đến nỗi đau mà chiến tranh đã gây ra cho bao gia đình ở Mỹ, cũng như ở Việt Nam, Lào và Campuchia”- Craig nói.
Tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Craig cúi đầu thắp hương trên những hàng bia mộ kéo dài tít tắp. Trước mắt ông là hàng nghìn người lính Việt Nam đã ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, mang theo ước mơ và khát vọng chưa kịp thực hiện. Ông dừng lại trước một ngôi mộ vô danh, bàng hoàng khi đọc dòng chữ khắc trên bia mộ: Sinh năm 1950. Hy sinh tháng 4/1968. Giây phút ấy, ông đã không kìm được nước mắt: “Người lính đó và tôi đều sinh năm 1950, và anh ấy hy sinh khi cả hai chúng tôi đều tròn 18 tuổi. Nếu có một điều tôi có thể làm, đó là nói lời xin lỗi.”- Craig kể.
Craig Mc Namara tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị). Ảnh: Nhân vật cung cấp
Craig Mc Namara tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị). Ảnh: Nhân vật cung cấp
“Nếu cha tôi còn sống, tôi sẽ nói với ông ấy rằng không chỉ ông và các cố vấn của mình đã mắc những sai lầm nghiêm trọng dẫn đến sự leo thang của cuộc chiến, mà ông còn sẵn sàng dành phần đời còn lại để khắc phục hậu quả – cả với nhân dân Việt Nam lẫn với những binh sĩ và gia đình người Mỹ đã tham gia chiến tranh. Tôi cũng muốn trò chuyện với ông về cuốn hồi ký của mình, để xem ông có hiểu tại sao tôi tin rằng cuộc chiến là hoàn toàn sai lầm và sai hướng hay không” – Craig nói.
Trong chuyến đi này, ông cũng ra mắt cuốn hồi ký “Because Our Fathers Lied: A Memoir of Truth and Family, from Vietnam to Today” (Vì cha chúng tôi đã nói dối: Hồi ký về sự thật và gia đình, từ Việt Nam đến ngày nay) tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Cuốn sách kể về những gì ông đã trải qua, những gì ông học được từ cha mình và những điều ông mong muốn thế hệ sau sẽ hiểu. Ông hy vọng rằng, lịch sử không bị lãng quên, và quan trọng hơn, những sai lầm sẽ không bao giờ lặp lại.
Ảnh: VTV
Ảnh: VTV
“Tôi có kế hoạch tiếp tục nỗ lực thúc đẩy hòa bình và sự hiểu biết giữa hai quốc gia. Tôi tin rằng loạt phim tài liệu của VTV4 sẽ là một cầu nối tuyệt vời trong sứ mệnh này. Tôi cũng sẽ tiếp tục hợp tác với Project RENEW để hỗ trợ việc tháo gỡ bom mìn còn sót lại và giải quyết hậu quả của chất độc da cam/dioxin.”-Craig nói.
Craig McNamara đã đi tìm sự thật, nhưng trên hành trình ấy, ông tìm thấy nhiều hơn thế. Ông hiểu rằng chiến tranh không chỉ là những con số trên bản đồ hay chiến lược trong phòng họp, mà là những mất mát không thể bù đắp của hàng triệu con người. Và điều duy nhất có thể làm là đảm bảo rằng bi kịch ấy không bao giờ lặp lại.


E-Magazine | Nhandan.vn
Nội dung: ANH THƠ
Trình bày: HÙNG HIẾU