Những ngày cuối tháng 12/1972, cả thế giới phải kinh ngạc, kính phục khi chứng kiến uy danh “pháo đài bay B-52” - biểu tượng sức mạnh của không lực Hoa Kỳ bị đập tan trên bầu trời Hà Nội. Mảnh đất Thăng Long-Đông Đô - nơi lắng hồn núi sông ngàn năm lại ghi thêm một chiến công hiển hách trong những chiến công vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX.
Đêm 28/12/1972, phi công Vũ Xuân Thiều gặp máy bay địch ở Sơn La. Sau khi bắn xong 2 quả đạn, với trái tim “bùng cháy căm thù”, anh đã lao thẳng chiếc MiG-21 vào pháo đài bay B-52 rồi anh dũng hy sinh. Cũng đêm hôm ấy, một tốp B-52 rải 3 vệt bom đi qua trận địa tên lửa của tiểu đoàn 94, 1 vệt trúng toàn bộ tiểu đoàn khiến 9 đồng chí hy sinh, trong đó có một chính trị viên phó tiểu đoàn vừa mới cưới vợ đúng 1 tuần…
Hơn 50 năm đã qua đi, ký ức về trận “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí Trung tướng Nguyễn Đức Soát và Đại tá Nguyễn Đình Kiên - hai nhân chứng lịch sử từng trực tiếp tham gia và lập nhiều chiến công trong chiến dịch “12 ngày đêm” đánh không quân Mỹ để bảo vệ bình yên bầu trời Hà Nội.
Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Soát - nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, phi công tiêm kích hạng Át (Ace) từng bắn rơi 6 máy bay Mỹ.
Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đình Kiên, nguyên Sư đoàn trưởng 361 Phòng không, sĩ quan điều khiển tên lửa xuất sắc, đã bắn hạ 4 máy bay B-52 Mỹ trong 12 ngày đêm lịch sử.
NƯỚC CỜ TẤT TAY CỦA NIXON
Bối cảnh bấy giờ, Mỹ-ngụy đang bị đẩy vào tình thế khó khăn trên khắp các mặt trận. Trước thời điểm Mỹ mở chiến dịch 12 ngày đêm, việc đàm phán Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam gần như đã xong và chỉ chờ để ký kết.
Tuy nhiên, sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ hai (tháng 11/1972), Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã trắng trợn lật lọng, xóa bỏ dự thảo Hiệp định đã thỏa thuận, đòi Việt Nam phải sửa chữa 126 điểm mà trước đó phía Mỹ đã hoàn toàn nhất trí và tuyên bố ngừng đàm phán vô thời hạn với ta.
Để thực hiện ý đồ đó, ngày 17/12/1972, Tổng thống Nixon chính thức ra lệnh tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược mang tên “Linebacker II”, sử dụng “siêu pháo đài bay” B-52 đánh vào Hà Nội, một số thành phố lớn ở miền bắc và các đầu mối giao thông quan trọng của ta.
Mục đích của Mỹ nhằm ngăn chặn đường chi viện cho chiến trường miền nam, gây sức ép buộc ta phải nối lại các cuộc đàm phán ở Paris, chấp nhận theo sửa đổi của Mỹ, trong đó có yêu cầu: khi Mỹ rút quân khỏi miền nam thì quân đội miền bắc cũng phải rút khỏi miền nam Việt Nam.
Cuối năm 1972, lực lượng phòng không-không quân miền bắc có nhiệm vụ rất nặng nề, vừa trực tiếp tham gia tác chiến quân binh chủng hợp thành ở mặt trận Quảng Trị, vừa phải ra sức bảo vệ giao thông trên mặt trận Quân khu 4, không để gián đoạn chi viện cho miền nam.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát khi đó đang là Đại đội trưởng Đại đội 3, Trung đoàn không quân chiến đấu 927, quân số Đại đội bao gồm 10 phi công bay ngày và 4 phi công bay đêm. Về tương quan lực lượng giữa ta và địch, ông cho biết, cuối năm 1972, lực lượng phòng không-không quân miền bắc có nhiệm vụ rất nặng nề, vừa trực tiếp tham gia tác chiến quân binh chủng hợp thành ở mặt trận Quảng Trị, vừa phải ra sức bảo vệ giao thông trên mặt trận Quân khu 4, không để gián đoạn chi viện cho miền nam.
Trong bối cảnh ấy, Mỹ mở chiến dịch Linebacker II, với sự huy động lớn về lực lượng, tự tin rằng sẽ giành được thắng lợi tuyệt đối, buộc chúng ta chấp nhận điều khoản sửa đổi trong dự thảo Hiệp định. “Tổng thống Nixon đã chơi một nước cờ có thể nói là tất tay”, Trung tướng Soát nhận định.
Theo Đại tá Nguyễn Đình Kiên, trong cuộc tập kích đường không chiến lược này, không quân Mỹ đã sử dụng 193 máy bay ném bom chiến lược B-52 trên tổng số 400 chiếc hiện có; huy động khoảng 1.000 trên tổng số hơn 3.000 máy bay không quân chiến thuật; điều 6/14 tàu sân bay đến Biển Đông, tập trung cao độ nhất lực lượng cho trận đánh Hà Nội… Chúng thành lập một Sở Chỉ huy tiền phương do một Trung tướng không quân chỉ huy trực tiếp chiến dịch 12 ngày đêm.
Trong khi đó, phía ta có 12 trung đoàn tên lửa nhưng phân tán đi khắp nơi, ở Hà Nội chỉ có 3 trung đoàn, 10 tiểu đoàn hỏa lực, 3 tiểu đoàn kỹ thuật. Lực lượng tên lửa ở Hà Bắc, Hải Phòng, Nghệ An... sẵn sàng cơ động về bảo vệ Hà Nội. Lực lượng pháo phòng không có 6 trung đoàn các loại gồm phòng không ở Thái Nguyên, phòng không chủ lực, phòng không quân khu Thủ đô, phòng không quân khu vùng 3…
Không chỉ mỏng về lực lượng tên lửa phòng không, lực lượng không quân của ta khi đó cũng rất hạn chế. “Chúng ta khi ấy có 4 trung đoàn không quân tiêm kích: 1 trung đoàn không quân MiG-17 đã về Việt Nam từ năm 1964; năm 1969 chúng ta có thêm 1 trung đoàn không quân MiG-19, phi công được đào tạo ở Trung Quốc, máy bay do Trung Quốc sản xuất theo mẫu của Liên Xô, và 2 trung đoàn máy bay MiG-21”, Trung tướng Nguyễn Đức Soát nhớ lại.
Tuy nhiên, đến thời điểm này các máy bay MiG-17 và MiG-19 không còn phù hợp, bởi máy bay F4 - máy bay chiến đấu chủ lực của không quân chiến thuật Mỹ đã thay thế toàn bộ máy bay F105 tham gia chiến dịch, vừa làm nhiệm vụ ném bom, vừa làm nhiệm vụ tiêm kích. Có những trận đánh 4 chiếc MiG-17 của ta quần nhau với F4, bị địch bắn rơi 3 chiếc, 2 phi công hy sinh. Từ khoảng tháng 6-7/1972 trở đi, MiG-17 gần như không tham chiến mấy nữa; MiG-19 cũng đánh được một số trận ban đầu vào tháng 5/1972, đến khoảng tháng 7-8 cũng gần như dừng lại.
“Gánh nặng bảo vệ bầu trời miền bắc bấy giờ dồn cho hai trung đoàn không quân. Hồi đấy, trung đoàn 927 nơi tôi công tác có 2 đại đội, có 10 phi công đánh ngày, 4 phi công đánh đêm. Trung đoàn 921 bên cạnh cũng còn khoảng một chục phi công đánh ngày, 6-7 phi công đánh đêm. Chỉ có ngần ấy lực lượng đương đầu với “pháo đài bay” B-52 và “con ma” F4 của Mỹ”, Trung tướng Soát kể.
“ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG”
TRẬN QUYẾT CHIẾN CHIẾN LƯỢC
Theo Trung tướng Nguyễn Đức Soát, để giải quyết một cuộc chiến tranh thông thường phải có một trận quyết chiến chiến lược, và “Điện Biên phủ trên không” là một trận quyết chiến chiến lược như thế. Khi ấy, Mỹ quyết tâm “đưa miền bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá” còn ta quyết tâm không bao giờ để điều đó xảy ra.
Nói về chuẩn bị đánh B-52, Đại tá Nguyễn Đình Kiên cho biết, với bộ đội tên lửa, công tác chuẩn bị đã được tiến hành từ những năm 1966-1967 theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác từng khẳng định: “Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian và suy nghĩ, chuẩn bị…”.
Năm 1966, Mỹ bắt đầu dùng B-52 oanh tạc Quảng Bình, Vĩnh Linh, rồi dần dần đánh ra Nghệ An, Hải Phòng năm 1972. Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo Quân chủng Phòng không-Không quân chủ động đưa một số đơn vị tên lửa, rađa, không quân và bộ phận kỹ thuật trực tiếp vào chiến trường miền trung để nghiên cứu cách đánh máy bay B-52.
“Qua quá trình đó, chúng ta đã có tài liệu cẩm nang đánh loại máy bay ném bom chiến lược này. Cuối tháng 10/1972, Quân chủng đã tổ chức hội nghị tập huấn phổ biến tài liệu đó cho toàn bộ các kíp chiến đấu của bộ đội tên lửa tại Hà Nội, tại sư đoàn 361”, Đại tá Kiên kể lại.
Trong cuộc tập huấn, khi kết luận hội nghị, đồng chí Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri giao nhiệm vụ cho bộ đội tên lửa Hà Nội phải bắn rơi tại chỗ ít nhất một chiếc B-52 để đưa vào bãi xác máy bay Mỹ rơi trên miền bắc, vì cho đến thời điểm đó chưa có chiếc B-52 nào rơi trên miền bắc dù đã trải qua hơn 60 trận đánh. Đồng thời, giao các đơn vị sư đoàn, trung đoàn làm kế hoạch, rồi từng tiểu đoàn làm phương án tác chiến. Trên cơ sở tài liệu tập huấn, các kíp chiến đấu mặc dù chưa trực tiếp nhìn thấy nhiễu B-52 thực tế, nhưng bằng kinh nghiệm, từng kíp đã tổ chức huấn luyện thành thạo.
“Một ngày chúng tôi mở máy luyện tập ít nhất 2-3 tiếng, thực hành hiệp đồng chiến đấu giữa các kíp với nhau theo các phương án được chuẩn bị, thí dụ như khi B-52 đánh thì trong 1 loạt sẽ bắn mấy quả tên lửa… Phương án của sư đoàn lúc đó là ưu tiên đánh B-52. Nếu xác định đúng B-52 thì một tiểu đoàn phải bắn một lúc 3 quả tập trung vào một chiếc B52, bảo đảm diệt được mục tiêu”, Đại tá Kiên chia sẻ về quá trình tập luyện đánh B-52.
Ông cho biết, trong suốt quá trình chiến đấu liên tục từ tháng 4 đến tháng 12/1972, bộ đội tên lửa, trên cơ sở có khí tài trong tay, liên tục tiếp xúc nhiễu của không quân địch. Việc bắn rơi máy bay F4 đã củng cố niềm tin của anh em vào tổ chức chỉ đạo của trên, phương án tác chiến được triển khai, cũng như lòng tin vào vũ khí, khí tài và những người đồng đội sát cánh bên nhau trong chiến đấu.
“Thời điểm đó, chúng tôi cũng xác định sẵn sàng hy sinh. Sau ngày 16/4/1972, gần như tôi không viết thư về nhà. Bố tôi sốt ruột vì còn mỗi tôi là con trai, cứ viết thư hỏi ban Chỉ huy tiểu đoàn sao không thấy tôi biên thư về. Tôi trả lời ban Chỉ huy, không viết để người nhà quen dần đi với sự vắng mặt của mình, vì cuộc chiến sắp tới sẽ vô cùng ác liệt”, giọng Đại tá Kiên hơi nghẹn lại.
Thời điểm đó, chúng tôi cũng xác định sẵn sàng hy sinh. Sau ngày 16/4/1972, gần như tôi không viết thư về nhà. Bố tôi sốt ruột vì còn mỗi tôi là con trai, cứ viết thư hỏi ban Chỉ huy tiểu đoàn sao không thấy tôi biên thư về. Tôi trả lời ban Chỉ huy, không viết để người nhà quen dần đi với sự vắng mặt của mình, vì cuộc chiến sắp tới sẽ vô cùng ác liệt.
Qua lời tâm sự của ông, chúng ta có thể cảm nhận được ý chí quyết tâm không gì lay chuyển nổi của những chiến sĩ tên lửa phòng không khi đó, sẵn sàng ngã xuống để bảo vệ bầu trời Thủ đô thân yêu. Và đó cũng là tinh thần chung của toàn quân ta khi bước vào chiến dịch 12 ngày đêm lịch sử.
“Khi bàn về cách đánh B-52, chúng tôi đều khẳng định phải kiên quyết bắn rơi. Nếu 2 quả tên lửa của MiG-21 không đủ thì vẫn còn quả tên lửa thứ ba, chính là chiếc máy bay và một trái tim cháy bỏng căm thù của phi công ta”, Trung tướng Nguyễn Đức Soát không kìm được xúc động khi nhắc tên những người đồng đội đã hy sinh trong trận chiến hơn 50 năm về trước.
Trong 12 ngày đêm, Đại đội 3 do ông làm đại đội trưởng đã lập thành tích bắn rơi 5 máy bay Mỹ, trong đó có 2 F4, 1 máy bay trinh sát không người lái, 1 trinh sát R5C của hải quân Mỹ và 1 B-52.
“Nhưng đại đội chúng tôi đã vĩnh viễn mất đi 2 phi công và 1 phi công bị bắn rơi nhưng đã nhảy dù được”, giọng Trung tướng Soát chùng xuống khi kể về những chiến công.
Ký ức hơn 50 năm qua bỗng chốc dội về. Bi tráng nhất là trường hợp của phi công Vũ Xuân Thiều trong trận đánh đêm 28/12. Cất cánh từ sân bay Cẩm Thủy (Thanh Hóa), phi công Vũ Xuân Thiều gặp địch ở Sơn La. Sau khi bắn xong 2 quả đạn, với trái tim “bùng cháy căm thù”, anh đã lao thẳng MiG-21 vào B-52 rồi anh dũng hy sinh. Cũng trong ngày 28/12 ấy, phi công Hoàng Tam Hùng của Đại đội 3 đã hạ được 2 máy bay F4 nhưng anh cũng bị bắn rơi, hy sinh.
Thật là đáng tiếc bị mất những đồng chí rất tốt trước ngày thắng lợi. Thật tự hào có những người lính không tiếc cả cuộc sống của mình trong giờ phút thử thách quyết liệt của dân tộc, đã mang về những chiến công hiển hách”…
Mình biết, trong cuộc chiến đấu này, nhân dân mình đã mất đi bao nhiêu người con thông minh, ưu tú, trong đó có cả những người bạn của mình, những người từng chia bùi, sẻ ngọt với mình bây giờ không còn nữa. Thật là xót xa!
Hai dòng nhật ký đầy xúc động được Trung tướng Nguyễn Đức Soát ghi lại trong những ngày cuối cùng của chiến dịch, nhắc đến sự hy sinh, xả thân giết giặc của những người đồng đội, người bạn thân thiết đã hòa vào “đại dương thứ 5” trong ngày 28/12/1972 - ngày nặng nề và dài nhất trong cuộc đời chiến đấu của ông.
“Mọi người chỉ thấy không quân cất cánh ra đi là mang chiến thắng trở về. Có chiến thắng trở về thật, nhưng mà tổn thất cũng không ít. Những lúc như thế mình phải biết cố gắng vượt qua”, Trung tướng Soát bùi ngùi chia sẻ.
Mọi người chỉ thấy không quân cất cánh ra đi là mang chiến thắng trở về. Có chiến thắng trở về thật, nhưng mà tổn thất cũng không ít. Những lúc như thế mình phải biết cố gắng vượt qua.
Trong ký ức của Đại tá Nguyễn Đình Kiên, ngày 28/12 cũng là ngày nặng nề nhất với ông và các đồng đội.
Suốt chiến dịch, do số lượng tên lửa hạn chế nên quy định chỉ được sử dụng đánh B-52, thường diễn ra vào ban đêm. Khoảng 14 giờ ngày hôm ấy, cả kíp chiến đấu nhận báo động từ xa khi thấy 8 chiếc F4 đi từ hướng Tây Nam chia thành 2 tốp chọc thẳng vào hướng tiểu đoàn.
“Bọn tôi đành phải ngồi chờ bom rơi vào trận địa, phút đấy là phút sinh tử, lúc đó không được sơ tán, vẫn phải bắt mục tiêu, vẫn phải sẵn sàng chiến đấu. Sau đó, 8 chiếc F4 ném 16 quả bom phá, trong đó 8 quả bom bi mẻ rải kín trận địa khiến toàn bộ khí tài hỏng hết, một đồng chí pháo thủ Đại đội 2 hy sinh”, Đại tá Kiên kể lại giây phút “ngàn cân treo sợi tóc”.
Cũng vào đêm 28/12, một tốp B-52 rải 3 vệt bom đi qua trận địa tên lửa của Tiểu đoàn 94 ở Tam Sơn, 1 vệt trúng toàn bộ tiểu đoàn gây thiệt hại nặng nề, khí tài hỏng, 9 đồng chí hy sinh, trong đó có một chính trị viên phó tiểu đoàn vừa cưới vợ đúng 1 tuần thì đã ngã xuống. Đại tá Kiên lặng người đi khi nhắc đến những mất mát, hy sinh của đồng đội.
Bên cạnh “ngày dài và nặng nề nhất” thì vẫn có những “ngày vui nhất”. Với Trung tướng Nguyễn Đức Soát, đó là ngày 22/12/1972, đúng ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trên cương vị Đại đội trưởng, ông xuất kích. “Tôi chỉ huy biên đội gồm 2 MiG-21 đánh trận đầu tiên ban ngày, đối đầu với 12 chiếc F4 của không lực Mỹ có ý định tấn công trận địa tên lửa của ta. Hôm ấy trời có mây cao, chúng tôi lên đến độ cao 10km đầu tiên phát hiện thấy 2 chiếc F4, rồi tìm thấy 4 chiếc, rồi 2 chiếc, rồi 4 chiếc nữa. Tôi quyết định lao vào tấn công”, vị tướng già hồi tưởng.
Mặc dù có đôi chút buồn vì hôm đó ông không bắn được quả tên lửa nào do không có thời cơ, thậm chí phi công số 2 cũng không kịp bắn và bị F4 bắn rơi buộc phải nhảy dù, nhưng các ông đã phá vỡ đội hình tiến công của địch, khiến chúng phải quẳng bom tháo chạy, bảo vệ được trận địa tên lửa của ta.
Trong khi đó, Đại tá Nguyễn Đình Kiên vẫn nhớ như in sáng ngày 21/12/1972, khi tiểu đoàn của ông chỉ còn 4 quả đạn nhưng phải đối mặt với đợt tập kích gồm hơn 40 chiếc B-52 của không quân Mỹ. “Chúng tôi phải thay đổi phương án tác chiến. Trước đây 4 quả đánh một tốp B-52, nhưng lần này chỉ sử dụng một quả đánh một tốp”, ông nhớ lại.
Vào lúc 5 giờ 9 phút ngày hôm ấy, Đại tá Kiên và đồng đội phóng quả tên lửa thứ nhất vào một tốp, bắn rơi một B-52 ở Núi Đôi. 10 phút sau đó, với quả đạn cuối cùng, tiểu đoàn tên lửa của ông đã bắn hạ chiếc thứ hai, rơi ở biên giới Việt-Lào. ”Thành tích này đi vào lịch sử bộ đội tên lửa Việt Nam vì chỉ trong 10 phút bắn rơi 2 B-52, mỗi chiếc chỉ bằng một quả tên lửa”, ông tự hào kể.
Trong những ngày cuối tháng 12/1972 ác liệt ấy, bằng tinh thần chiến đấu gan dạ, quật cường, những người lính phòng không-không quân như Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Đại tá Nguyễn Đình Kiên và các đồng đội đã mưu trí, sáng tạo, vượt mọi khó khăn, làm thất bại âm mưu hủy diệt Hà Nội của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc bầu trời Thủ đô.
Trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không", quân và dân ta đã bắn rơi tổng cộng 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay chiến lược B-52 (chiếm hơn 17,6% tổng số máy bay chiến lược B-52 mà đế quốc Mỹ huy động vào cuộc tập kích). Đây cũng là lần đầu tiên “siêu pháo đài bay B-52” bị rơi nhiều như vậy và không quân Mỹ phải chịu thiệt hại nặng nề nhất.
ĐOÀN KẾT QUÂN DÂN
NHÂN TỐ QUAN TRỌNG LÀM NÊN THẮNG LỢI
Sau những thất bại nặng nề, sáng 30/12/1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon buộc phải tuyên bố chấm dứt cuộc tập kích đường không chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng, ngừng ném bom từ Vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tiếp tục đàm phán Hiệp định Paris.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã góp phần tạo ra bước ngoặt lịch sử, làm thay đổi căn bản cục diện của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, buộc Chính phủ Mỹ phải ký hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27/1/1973, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
Phân tích nguyên nhân thắng lợi của quân đội ta, Đại tá Nguyễn Đình Kiên, nguyên Sư đoàn trưởng 361 Phòng không nhận định, trước hết phải kể đến quyết tâm và niềm tin chiến thắng của bộ đội, cùng với đó là đưa ra được những dự báo chiến lược và cách đánh rất linh hoạt, rút kinh nghiệm kịp thời trong từng trận đánh.
“Chúng ta thắng lợi là nhờ có được chiến thuật, chiến lược được tính toán từ trước. Ngay từ năm 1972, khi địch đánh vào Hải Phòng, chúng tôi đã dự định được Mỹ sẽ đánh vào Hà Nội. Các phương án chiến đấu được đưa đến từng tiểu đoàn để lên phương án cụ thể, chuẩn bị tinh thần để đánh”, Đại tá Nguyễn Đình Kiên cho hay.
Ông cũng chỉ ra một số nguyên nhân khách quan, trong đó có sai lầm chí mạng của Mỹ khi coi thường, đánh giá thấp sức mạnh của bộ đội không quân và tên lửa của ta. “Nếu ngay từ đầu Mỹ đánh như ngày 28/12 thì chỉ sau 3 ngày tên lửa của ta sẽ hết. Riêng ngày 28/12, ta có 3 tiểu đoàn bị đánh thiệt hại nặng nề”.
Một điều nữa không thể không nói đến là sự giúp đỡ của đất nước Liên Xô, đã cung cấp tên lửa, máy bay... “Nếu không có đợt cải tiến năm 1968, trong đó quan trọng nhất là tránh đạn rơi xuống đất, thì đến lúc đánh B-52 khó có thể thành công”, Đại tá Nguyễn Đình Kiên nói.
Bên cạnh những nguyên nhân nói trên, theo Trung tướng Nguyễn Đức Soát, ý chí quyết tâm của bộ đội ta, không chùn bước trước gian khó, sẵn sàng chấp nhận hy sinh là yếu tố đóng góp quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch 12 ngày đêm lịch sử.
“Lúc bấy giờ chúng tôi chỉ biết đánh, chứ không biết khi nào kết thúc. Tôi cho rằng chúng ta thắng được là do đã thấm nhuần sâu sắc, vào tận gan ruột mình lời dạy của Bác Hồ: “Thà chết không chịu mất nước, thà chết không chịu làm nô lệ”, cho nên sẵn sàng ra trận.
Phong trào thi đua giết giặc lập công khi ấy sôi nổi lắm. Mọi người vui niềm vui chiến thắng của đơn vị bạn dù không biết mặt nhau, đồng thời chia sẻ nỗi đau, khó khăn”, ông nhớ lại.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh, sự gan dạ, kiên cường, chịu đựng gian khổ của nhân dân Thủ đô, đã tạo thành động lực tiếp thêm sức mạnh cho bộ đội. “Quân và dân đồng lòng, các đồng chí lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết không chấp nhận điều khoản Hiệp định Paris theo ý của đế quốc Mỹ. Đây là sự thống nhất ý chí một lòng từ lãnh đạo cho đến người dân”, Trung tướng Nguyễn Đức Soát nhận định.
Nhớ lại những ngày tháng chiến đấu ác liệt năm đó, Trung tướng Soát không khỏi cảm động khi nhắc đến tinh thần đoàn kết của quân và dân ta. Trước khi cho B-52 bay vào, địch đã đánh phá tất cả các sân bay ở miền bắc để ngăn không cho MiG của ta cất cánh. Có thời điểm đường băng bị phá, chiều dài cất-hạ chỉ còn 400-500m. Khi ấy, nhân dân địa phương đã không quản ngại khó khăn, bất chấp hiểm nguy, góp công góp sức nhanh chóng sửa đường băng để bộ đội ta xuất kích.
“Tôi vẫn thường nói, không quân của chúng ta là từ lòng dân bay lên. Chính sức dân mới giúp chúng ta trụ vững được. Có thể nói, trong những thời khắc cam go nhất của lịch sử, chúng ta có một sự tự tin, đấy là sức mạnh của nhân dân. Nhân dân luôn đứng cạnh quân đội và vì thế chúng ta là quân đội nhân dân”, Trung tướng Soát chia sẻ, trong ánh mắt ánh lên nét tự hào về sức mạnh đoàn kết quân dân - nhân tố quan trọng góp phần làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” oanh liệt, hiển hách.
Ngày xuất bản: 28/10/2024
Chỉ đạo: NGỌC THANH
Tổ chức thực hiện: HỮU VIỆT-HỒNG MINH
Nội dung: VĂN TOẢN
Ảnh: THÀNH ĐẠT, TTXVN
Trình bày: BẢO MINH