Khôi phục suối Cheonggyecheon - Dự án táo bạo của Seoul

Seoul đã phá bỏ đường cao tốc trên cao để khôi phục dòng suối chết.

Ô nhiễm nguồn nước là một trong những mối đe dọa sinh thái nghiêm trọng nhất mà con người đang phải đối mặt. Chuyên đề Xử lý ô nhiễm nguồn nước - vấn đề cấp bách mang đến góc nhìn đa chiều từ nỗ lực hồi sinh những dòng sông, con suối "chết", cho tới những biện pháp để "tắt chế độ báo động đỏ" về tình trạng ô nhiễm này ở một số quốc gia trên thế giới.

Suối Cheonggyecheon ngày nay luôn được nhắc đến là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của đất nước Hàn Quốc nói chung hay của thủ đô Seoul nói riêng. Giữa lòng thành phố Seoul sầm uất với những tòa nhà chọc trời, một dòng suối xanh mát giúp người dân và du khách có thể hòa mình với thiên nhiên. Cheonggyecheon ngày nay được ví như lá phổi xanh của Seoul, nhưng trước kia con suối này đã từng bị vùi lấp để xây dựng đường cao tốc…

Lấp suối làm đường

Dòng suối Cheonggyecheon được hình thành từ triều đại Joseon của Hàn Quốc để cung cấp hệ thống thoát nước cho Seoul. Cắt ngang qua Seoul, Cheonggyecheon có nghĩa là dòng suối sạch trong thung lũng.

Dòng suối này tồn tại hàng trăm năm cho đến những năm 1940, khi thành phố Seoul trở nên đông đúc, Cheonggyecheo đã trở thành "nạn nhân" của quá trình đô thị hóa. Những ngôi nhà tồi tàn mọc kín bờ suối và ô nhiễm đã trở thành một vấn đề gây quan ngại.

Ô nhiễm đã trở thành một vấn đề gây quan ngại taị khu vực suối Cheonggyecheon vào những năm 1940. (Ảnh: seoulsolution.kr)

Ô nhiễm đã trở thành một vấn đề gây quan ngại taị khu vực suối Cheonggyecheon vào những năm 1940. (Ảnh: seoulsolution.kr)

Để giải quyết vấn đề này, dòng suối đã dần được phủ bê-tông và biến thành một con đường dài 6km vào khoảng cuối những năm 1950. Đến năm 1971, một đường cao tốc trên cao dài 5,6km đã được xây dựng trên đó để đáp ứng lưu lượng xe cộ ngày càng tăng ở Seoul.

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm, suối Cheonggyecheon đã bị lấp dần.

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm, suối Cheonggyecheon đã bị lấp dần.

Trong một thời gian, công trình này đã phục vụ mục đích được xây dựng của nó. Seoul trở thành một thành phố nhộn nhịp với trung tâm thương mại lớn nhất nằm ở khu Cheonggyecheon.

Tuy nhiên, đến năm 2000, đường cao tốc đã bị xuống cấp và cần được sửa chữa. Các kỹ sư từ Hiệp hội Kỹ thuật Xây dựng dân dụng Hàn Quốc ước tính, việc sửa chữa sẽ tiêu tốn tới 95 triệu USD.

Đường bộ và đường cao tốc Cheonggyecheon có lưu lượng hơn 170.000 lượt phương tiện mỗi ngày. Ngoài nguy cơ về an toàn kỹ thuật, lưu lượng giao thông này gây ra những lo ngại về sức khỏe cho các cộng đồng chung quanh. Không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng với mức độ không an toàn của hạt vật chất, oxit nitơ và benzen.

Một cuộc khảo sát sức khỏe cho thấy những người sinh sống và làm việc chung quanh Cheonggyecheon có nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp cao hơn gấp đôi so với những người ở các quận khác. Ngoài ra, ô nhiễm tiếng ồn vượt quá tiêu chuẩn cho các khu thương mại.

Đường cao tốc bên trên dòng suối Cheonggyecheon bị che lấp những năm 1990. (Ảnh: seoulsolution.kr)

Đường cao tốc bên trên dòng suối Cheonggyecheon bị che lấp những năm 1990. (Ảnh: seoulsolution.kr)

Ùn tắc giao thông, kết hợp với những nguy cơ về an toàn và sức khỏe, đã góp phần tạo ra một môi trường sống không thuận lợi. Sự phát triển chung quanh khu trung tâm thương mại sớm chấm dứt, dân số và việc làm giảm và một số trụ sở công ty chuyển đến Gangnam. Điều này khiến Cheonggyecheon mất đi khả năng cạnh tranh.

Đường cao tốc trên cao, mặc dù cung cấp khả năng tiếp cận và kết nối phía bắc và nam của thành phố, cũng đã cắt qua các khu vực dân cư và theo thời gian, tuyến đường này đã chia cắt các cộng đồng. Người dân địa phương cũng không có thiện cảm với con đường cao tốc.

Khu dân cư Cheonggyecheon năm 2002. (Ảnh: seoulsolution.kr)

Khu dân cư Cheonggyecheon năm 2002. (Ảnh: seoulsolution.kr)

Sự xuống cấp của khu vực trung tâm cũ ở Seoul là vấn đề dai dẳng trong nhiều năm. Trong hai thập kỷ từ năm 1975 đến 1995, dân số của Seoul tăng tới 44%, từ 6,88 lên 9,89 triệu người. Tuy nhiên, trong cùng khoảng thời gian đó, dân số của khu vực trung tâm thực tế đã tăng tới 52%, song song cùng sự trì trệ và sau đó là sự thu hẹp trong khu vực được xây dựng.

Tỷ lệ hộ gia đình có trình độ học vấn dưới mức trung học cơ sở ở khu vực trung tâm thành phố là 40%, so với toàn bộ thành phố Seoul là 25%. Các loại nhà ở dưới tiêu chuẩn (chủ yếu là cho thuê hoặc lấn chiếm) chiếm 35% nhà ở trung tâm thành phố - gấp 2,5 lần mức trung bình của Seoul.

Phá đường khôi phục suối

Loại bỏ đường cao tốc được coi là một động thái triệt để giải quyết vấn đề của khu vực Cheonggyecheon nhưng không nhiều người dân chấp nhận ý tưởng này ngay từ đầu.

Người dân địa phương và một số chuyên gia giao thông cho rằng, việc này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn và mất trật tự giao thông trong thành phố.

Các doanh nghiệp cũng phản đối dự án, với lý do việc loại bỏ con đường đồng nghĩa cũng bỏ mất khả năng tiếp cận và lượng khách hàng của khu vực. Tiếng ồn và bụi từ các hoạt động xây dựng cũng sẽ cản trở hoạt động kinh doanh.

Do đó, làm thế nào để xây dựng một cách hiệu quả và nhanh chóng cũng như tái chế chất thải ra từ việc phá dỡ đã làm gia tăng thách thức đối với chính quyền thành phố.

Việc khôi phục dòng suối với lượng nước chảy liên tục cũng là một vấn đề đáng lo ngại do nguồn cung cấp nước ở Cheonggyecheon rất thất thường, để dành chứa nước cho những cơn mưa vào mùa hè.

Đường cao tốc che phủ suối Cheonggyecheon trước khi được dỡ bỏ. (Ảnh: thenatureofcities.com)

Đường cao tốc che phủ suối Cheonggyecheon trước khi được dỡ bỏ. (Ảnh: thenatureofcities.com)

Thách thức lớn nhất trong việc tái tạo khu vực trung tâm thủ đô Seoul là tuyến đường cao tốc trên cao bao phủ bên trên con suối Cheonggyecheon.

Do việc dỡ bỏ tuyến đường cao tốc khổng lồ này dường như không khả thi, hầu hết các kết hoạch đã không đề xuất bất cứ tác động lớn nào đến khu vực này. Mãi cho đến đầu những năm 2000, kế hoạch khôi phục lại dòng suối cuối cùng đã xuất hiện.

Ý tưởng khôi phục dòng suối Cheonggyecheon vốn không nằm trong các tài liệu quy hoạch đô thị chính thức bởi vì ý tưởng này được xem là quá tham vọng và vượt ngoài sức tưởng tượng hay khả năng của chính quyền địa phương.

Hơn nữa, do Cheonggyecheon tọa lạc tại vị trí trung tâm của một khu trung tâm cũ với cơ sở hạ tầng không đủ, từ lâu khu vực này luôn bị quá tải với lưu lượng giao thông lớn và mức độ ùn tắc cao, khiến việc xây dựng dường như không thể thực hiện được.

Hệ thống thoát nước thải và thoát nước ngăn ngừa lũ lụt cũng nằm dưới con suối này. Trong khi bên trên của con suối là đường cao tốc trên cao, với lưu lượng giao thông hơn 170.000 phương tiện mỗi ngày.

Bất chấp sự miễn cưỡng trong quá khứ với bất kỳ dự án tiềm năng nào, các cuộc thảo luận về việc tái tạo đã bắt đầu khi ứng cử viên Thị trưởng thành phố Seoul, Lee Myungbak, đưa ra cam kết trong chiến dịch tranh cử lớn của mình là sẽ khôi phục Cheonggyecheon. Vào thời điểm đó, kế hoạch phá dỡ và xây dựng lại đường cao tốc trên cao của thành phố đã được công bố.

Ngay sau lễ nhậm chức Thị trưởng thành phố Seoul ngày 1/7/2002, ông Lee Myungbak đã bắt tay ngay vào thực hiện dự án khôi phụcCheonggyecheon. (Ảnh: development.asia)

Ngay sau lễ nhậm chức Thị trưởng thành phố Seoul ngày 1/7/2002, ông Lee Myungbak đã bắt tay ngay vào thực hiện dự án khôi phụcCheonggyecheon. (Ảnh: development.asia)

Các kế hoạch được phát triển theo đường lối chính trị trong cuộc bầu cử thị trưởng. Ông Lee tin rằng, dự án khôi phục Cheonggyecheon là hợp lý do tình trạng xuống cấp của đường cao tốc trên cao và việc khôi phục sẽ hồi sinh khu vực trung tâm thành phố.

Ông tuyên bố, thành phố sẽ đầu tư 360 tỷ won (302,8 triệu USD) để hồi sinh dòng suối và phá bỏ sáu làn đường, bao gồm ba làn mỗi bên của dòng suối. Việc khôi phục dòng suối dự kiến sẽ thu hút đầu tư tư nhân với tổng trị giá 11 nghìn tỷ won (9,2 tỷ USD), tạo ra giá trị gia tăng là 30 nghìn tỷ won (25,2 tỷ USD).

Hiện thực hóa ý tưởng không tưởng

Xây dựng kế hoạch tổng thể khôi phục Choenggyecheon

Dự án khôi phục Cheonggyecheon được bắt đầu vào ngày 1-7-2002, khi Thị trưởng mới của thành phố Seoul nhậm chức.

Ngay sau lễ nhậm chức, Ban chỉ đạo khôi phục Cheonggyecheon, Nhóm nghiên cứu Cheonggyecheon và Ủy ban công dân Cheonggyecheon đã được thành lập để xử lý các hoạt động nghiên cứu liên quan đến việc khôi phục.

Với động lực của dự án phục hồi đang đạt được, “Kế hoạch Phát triển trung tâm thành phố” đã được công bố vào tháng 6/2003. Mục tiêu đã nêu của Kế hoạch là tổ chức lại một cách có hệ thống khu vực Cheonggyecheon và sự phát triển lâu dài của khu vực trung tâm thành phố Seoul.

Kế hoạch cũng bao gồm: (i) Các chiến lược phát triển trung tâm thành phố; (ii) các quy hoạch đô thị cho khu vực Cheonggyecheon và các khu vực quan trọng khác; (iii) sự hồi sinh của các ngành công nghiệp ở trung tâm thành phố.

Kế hoạch khôi phục ban đầu được phát triển bởi Viện phục hồi Cheonggyecheon, được thành lập vào đầu những năm 2000. Trong quá trình lập kế hoạch, các công dân được tham gia vào quá trình ra quyết định thông qua tiến trình bầu cử, điều này cho phép có sự trao đổi tích cực và hình thành sự đồng thuận giữa chính quyền và các công dân.

Cùng với kế hoạch phát triển khu vực trung tâm, kế hoạch tổng thể cho việc khôi phục Choenggyecheon được hoàn thành vào năm 2004. Kế hoạch tổng thế bao gồm những giải pháp cụ thể cho việc khôi phục môi trường tự nhiên của Choenggyecheon và tạo ra một không gian công cộng hướng tới con người hơn.

Cụ thể, kế hoạch tổng thể này bao gồm các kế hoạch khôi phục và tạo cảnh quan cho dòng suối, bảo đảm nguồn nước, xử lý nước thải, xử lý giao thông, xây dựng các cây cầu, khôi phục các di sản lịch sử và quản lý các xung đột xã hội.

Các giai đoạn lên kế hoạch và xây dựng của việc khôi phục được diễn ra song song. Công việc xây dựng bắt đầu vào 1/7/2003, sáu tháng sau khi quá trình lập “Kế hoạch Tổng thể Khôi phục Cheonggyecheon” bắt đầu và một năm trước khi Kế hoạch hoàn thành.

Bản thiết kế cuối cùng được tạo ra trong suốt quá trình xây dựng, kéo dài trong vòng 2 năm. Quy trình đồng thời này cho thấy hiệu quả về mặt tiết kiệm thời gian và chi phí.

Công việc được tiến hành song song cũng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình thương lượng với các chủ kinh doanh và chủ sở hữu bất động sản thương mại, vì họ lo ngại về khả năng gián đoạn kinh doanh và tổn thất tài chính sau đó.

Việc lập kế hoạch giải quyết vấn đề giao thông là một trong những vấn đề khó khăn nhất mà chính quyền thành phố phải giải quyết, do phải dỡ bỏ những con đường đông đúc ở trung tâm thành phố.

Để giải quyết vấn đề này, chính quyền thành phố đã lên kế hoạch cho xe buýt chạy tuyến vòng, tăng phí đỗ xe để hạn chế giao thông, áp đặt quy định cấm đỗ xe trái phép nghiêm ngặt.

Đồng thời, đưa ra các làn đường một chiều và đảo chiều để giải quyết những lo ngại đó, bên cạnh việc lập kế hoạch hệ thống giao thông công cộng tốt hơn.

Sự bất đồng về các khía cạnh không gian và lịch sử của quá trình hồi sinh đô thị cũng rất đáng kể. Một số người nhấn mạnh rằng, các khu đất nhỏ và các tòa nhà có chiều cao thấp hơn nên được ưu tiên để bảo tồn các con hẻm nhỏ và các giá trị lịch sử của khu vực trung tâm thành phố. Những người khác lại cho rằng, nên phát triển các tòa nhà cao hơn để hiện đại hóa khu trung tâm.

Chính quyền thành phố Seoul đã cố gắng giải quyết nhiều mối quan ngại liên quan đến bảo tồn lịch sử, việc khôi phục các di sản văn hóa đã giúp biện minh cho dự án và có được sự ủng hộ đối với dự án. Chính quyền thành phố Seoul cũng quyết định bảo tồn tất cả các hạng mục di sản được khai quật trong quá trình xây dựng.

Giai đoạn 1, dựng rào chắn, tháng 7/2003.

Giai đoạn 1, dựng rào chắn, tháng 7/2003.

Giai đoạn 2, phá dỡ đường cao tốc, tháng 8/2003.

Giai đoạn 2, phá dỡ đường cao tốc, tháng 8/2003.

Giai đoạn 3, phá dỡ đường bên trên dòng suối, tháng 1/2004.

Giai đoạn 3, phá dỡ đường bên trên dòng suối, tháng 1/2004.

Gian đoạn 4, xây dựng cống, đường, cầu, tháng 9/2004.

Gian đoạn 4, xây dựng cống, đường, cầu, tháng 9/2004.

Giai đoạn 5, tạo cảnh quan khu vực được phục hồi, tháng 5/2005.

Giai đoạn 5, tạo cảnh quan khu vực được phục hồi, tháng 5/2005.

Tập trung chặt chẽ tại các điểm thi công thực tế

Văn phòng chỉ đạo dự án đóng vai trò là đơn vị chịu trách nhiệm chính của dự án. Văn phòng này bắt đầu hoạt động vào tháng 7/2002 và nằm ngay trong Tòa thị chính thành phố để bảo đảm thông tin liên lạc và thực hiện dự án hiệu quả.

Với mục tiêu tập trung chặt chẽ vào công việc tại các điểm thi công thực tế, văn phòng chỉ đạo dự án đã tổ chức các cuộc họp hằng tuần do Thị trưởng thành phố chủ trì nhằm tối đa hóa hiệu quả và sự hợp tác.

Thị trưởng thành phố Seoul Lee Myungbak thị sát tại công trường thi công. (Ảnh: development.asia)

Thị trưởng thành phố Seoul Lee Myungbak thị sát tại công trường thi công. (Ảnh: development.asia)

Nhóm nghiên cứu Cheonggyecheon được thành lập dưới sự bảo trợ của Viện phát triển Seoul để hỗ trợ dự án khôi phục. Nhiệm vụ của nhóm là thực hiện các dự án nghiên cứu liên quan đến dữ liệu cơ bản và bản thiết kế cho việc khôi phục Cheonggyecheon.

Cụ thể, nhóm đã đóng góp vào dự án bằng cách nghiên cứu các vấn đề như giao thông, sử dụng đất, quy hoạch đô thị, môi trường và văn hóa.

Cuối cùng, Ủy ban Công dân Cheonggyecheon được thành lập để phục vụ như một kênh chính thức thu thập ý kiến và những mối quan ngại của người dân về dự án.

Các chuyên gia của Nhóm Nghiên cứu khôi phục Cheonggyecheon đã tham gia ủy ban này, cùng với các chuyên gia khác và đại diện người dân thuộc nhiều thành phần khác nhau.

Vai trò chính của ủy ban là định hướng cho dự án khôi phục. Ủy ban này có thẩm quyền đưa ra những khuyến nghị, thực hiện kiểm toán và giám sát dự án. Ủy ban cũng có các quyền ràng buộc về mặt pháp lý đối với việc ban hành các sắc lệnh.

Đường cao tốc bên trên dòng suối Cheonggyecheon được dỡ bỏ. (Ảnh: development.asia)

Đường cao tốc bên trên dòng suối Cheonggyecheon được dỡ bỏ. (Ảnh: development.asia)

Do đây là dự án công, thành phố phải được sự chấp thuận của Hội đồng Thủ đô Seoul để có thể chi ngân sách công.

Trong khoản ngân sách cuối cùng trị giá 386 triệu USD cho dự án, Seoul đã sử dụng 100 tỷ won (84,13 triệu USD) mà ban đầu được phân bổ cho việc cải tạo tổng thể đường cao tốc trên cao. Khoảng 100,4 tỷ won (84,47 triệu USD) cũng được chính quyền thành phố tiết kiệm bằng cách cắt giảm quy mô các dự án ít cấp bách hơn và đưa ra các quy trình làm việc sáng tạo để nâng cao hiệu quả.

Do dự án được lên kế hoạch tiến hành từ năm 2003 đến năm 2005, việc xây dựng mỗi năm được cấp 130 tỷ won (109,3 triệu USD), chiếm khoảng một phần trăm tổng ngân sách của thành phố.

Sau khi khôi phục được Cheonggyecheon, giá trị đất tại các khu vực lân cận tăng tới 25-50%. Nếu chế độ tài trợ qua gia tăng thuế (Tax Increment Financing/TIF) được thành phố thông qua với thuế suất hiệu quả trung bình là 0,5% ở Hàn Quốc, chi phí của dự án sẽ được thu hồi trong vòng khoảng 20 năm.

Ở mức thuế suất hiệu quả cao hơn được sử dụng ở Nhật Bản và Mỹ, thời gian thu hồi vốn có thể dưới 10 năm. Tuy nhiên, biện pháp TIF không được thông qua, do luật của Hàn Quốc không cho phép ở thời điểm đó.

Hoàn thành dự án nhanh nhất có thể

Dự án khôi phục Cheonggyecheon sử dụng một hệ thống thực thi tam giác bao gồm ủy ban công dân, ban chỉ đạo dự án và một nhóm nghiên cứu. Mỗi bộ phận đều bao gồm các quan chức chính quyền, chuyên gia và người dân. Mô hình làm việc này được thiết kế để đồng thời thúc đẩy việc thực hiện dự án hiệu quả, thu thập ý kiến của công chúng và xây dựng quan hệ công chúng.

Do việc triển khai dự án kéo dài sẽ làm tăng chi phí và gây xáo trộn cho các hoạt động kinh doanh, các quan chức chính quyền quyết định hoàn thành dự án nhanh nhất có thể. Ngoài ra, do tính nhạy cảm chính trị của dự án, chính quyền thành phố muốn giai đoạn đầu tiên của dự án khôi phục được hoàn thành trong một nhiệm kỳ thị trưởng. Do đó, phạm vi của giai đoạn đầu tiên của việc khôi phục tập trung vào các mục tiêu hạn chế hơn, bao gồm cả lòng suối và đất thuộc sở hữu công cộng.

Các giai đoạn ban đầu của dự án tái tạo đô thị dựa trên ý tưởng rằng, việc cải thiện không gian công cộng quan trọng của khu vực công sẽ giúp môi trường đô thị tốt hơn và sẽ khuyến khích sự tái tạo của khu vực tư nhân.

Chính quyền thành phố đi trước với việc phá bỏ đường cao tốc trên cao, tạo khu vực bờ suối thân thiện với môi trường và khôi phục giá trị lịch sử của con suối thông qua đầu tư công. Hiệu ứng gợn sóng của việc khôi phục sau đó sẽ giúp hồi sinh khu trung tâm và khu vực lân cận, việc này được tiến hành với sự hợp tác của khu vực tư nhân. Hơn nữa, dự án sẽ được thực hiện theo cách có lợi cho cả khu vực công và khu vực tư nhân.

Do lũ lụt theo mùa, việc xây dựng trong các giai đoạn đầu đã được tiến hành nhanh chóng. Việc xây dựng bắt đầu vào tháng 7/2003 và các cấu trúc chính đã được dỡ bỏ vào tháng 10. Trong suốt quá trình phá dỡ, thiết kế chi tiết cho các công trình xây dựng ở dòng suối đã được xây dựng đồng thời và việc xây dựng được hoàn thành vào đầu năm 2005. Sau một loạt các đợt chạy thử trong mùa mưa, suối Chenggyecheon mới đã được mở cửa cho công chúng vào tháng 9/2005.

Một trong những ưu tiên trong quá trình khôi phục là sự an toàn, bao gồm thực hiện các biện pháp phòng chống lũ lụt thích hợp. Các bờ kè được thiết kế xây dựng với khả năng có thể chịu được trận lũ lớn được ghi nhận khoảnh 200 năm mới xuất hiện một lần.

Ngoài ra, thành phố đã đưa ra các giải pháp đặc biệt để giải quyết các vấn đề về nước thải trong quá trình thực hiện dự án. Một số lượng đáng kể các đường ống dẫn nước thải đã được làm ngầm gần Cheonggyecheon vì nước thải của trung tâm thành phố Seoul thường tập trung dọc theo đó. Tìm cách xử lý nước thải là một điều kiện tiên quyết để phục hồi.

Mũi tên trúng nhiều đích

Dự án khôi phục Cheonggyecheon được tập trung vào việc làm hồi sinh dòng suối Cheonggyecheon đã bị che phủ trong nhiều thập kỷ bởi một đường cao tốc trên cao. Thành phố Seoul đã sử dụng các nguồn lực của mình để mang lại cuộc sống mới cho khu vực trung tâm thành phố bằng việc cải thiện môi trường đô thị. Việc khôi phục dòng suối Cheonggyecheon đã giúp làm hồi sinh khu vực trung tâm Seoul, khai phóng tiềm năng về không gian công cộng xanh.

Dự án đã tạo ra các tác động trực tiếp từ dòng suối được khôi phục và các tác động gián tiếp bao gồm hiệu quả của quá trình tái tạo dòng suối đã tạo ra giá trị bất động sản cao hơn trong khu vực.

Các tác động trực tiếp của dòng suối được phục hồi bao gồm việc cung cấp không gian công cộng và môi trường tự nhiên.

Người dân và du khách thư giãn bên bờ suối Cheonggyecheon. (Ảnh: development.asia)

Người dân và du khách thư giãn bên bờ suối Cheonggyecheon. (Ảnh: development.asia)

Các kết quả gián tiếp bao gồm sự hồi sinh của trung tâm thành phố Seoul, nơi hiện đang thu hút người dân và hoạt động kinh doanh. Rộng hơn, việc khôi phục đã dẫn đến những thay đổi trong ý thức của người dân cũng như các chiến lược quy hoạch đô thị để cải tạo khu vực trung tâm thành phố và giao thông công cộng.

Dự án bao gồm việc tạo ra không gian xanh công cộng mới với tổng diện tích 16,3ha. Không gian mới này là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa và dành cho người đi bộ, cung cấp môi trường sống cho động vật và thực vật, đồng thời mang lại lợi ích cho môi trường bằng cách hạ nhiệt độ.

Từ quan điểm của người dân, đóng góp lớn nhất của dự án khôi phục Cheonggyecheon là tạo ra một nơi thư giãn dễ chịu. Cheonggyecheon cũng trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện văn hóa, với 259 sự kiện được tổ chức trong giai đoạn năm 2005–2007.

Đèn lồng truyền thống theo chủ đề Phật giáo được trưng bày làm bừng sáng suối Cheonggye Seoul, tháng 8/2020. (Ảnh: koreaherald)

Đèn lồng truyền thống theo chủ đề Phật giáo được trưng bày làm bừng sáng suối Cheonggye Seoul, tháng 8/2020. (Ảnh: koreaherald)

Tác động đáng chú ý nhất của việc khôi phục Cheonggyecheon là giá trị bất động sản tăng lên và nhiều loại hình sử dụng công năng mới trong khu vực trung tâm thành phố.

Trước khi được khôi phục, giá đất trong bán kính 100m của Cheonggyecheon chỉ cao hơn 15% so với giá đất trong bán kính 600m. Tuy nhiên, sau khi chuyển đổi sang không gian xanh, khoảng cách về giá trị đã tăng gấp đôi 30%.

Các bài học chính rút ra từ dự án khôi phục Cheonggyecheon bao gồm:
(1) Một dự án trọng điểm, hàng đầu cần đóng vai trò dẫn dắt các nỗ lực tái tạo đô thị.
(2) Các vấn đề về lãnh đạo chính trị.
(3) Cam kết và năng lực kỹ thuật của tất cả các bên là rất quan trọng.
(4) Cùng với tầm nhìn dài hạn, các kế hoạch hành động ngắn hạn cần được phát triển để bảo đảm thành công.
(5) Một tổ chức thực hiện cần được xác định rõ ràng, phù hợp.

Vẻ đẹp của Cheonggyecheon. (Nguồn: Seoul City)

Vẻ đẹp của Cheonggyecheon. (Nguồn: Seoul City)


Ngày xuất bản: 03/10/2021
Tổ chức thực hiện: TRƯỜNG SƠN
Thực hiện: BÔNG MAI, HỒNG VÂN, PHAN ANH
Nguồn tư liệu: Worldbank, development.asia, seoulsolution.kr, inhabitat.com
Ảnh: Worldbank, seoulsolution.kr, development.asia, Getty Image, english.visitkorea.or.kr, creativeclusters.com, koreaherald