Từ cuối năm 2021 đến nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã liên tục điều chỉnh chính sách phòng, chống Covid-19 để thích ứng với những diễn biến mới do biến thể Omicron tạo ra. Chuyên đề Chủ động ứng phó biến thể Omicron và thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh trong giai đoạn mới phân tích trọng tâm của chiến lược đẩy lui làn sóng Omicron tại một số quốc gia trên thế giới, từ đó khái quát xu hướng chủ đạo trong công tác phòng, chống Covid-19 trong bối cảnh thế giới đã hiểu rõ hơn về các biến thể của virus SARS-CoV-2 và độ bao phủ vaccine ngày càng cao.

CHỌN LỌC VÀ TẬP TRUNG

Trong 2 năm đại dịch hoành hành trên khắp thế giới, với chiến lược 3T, Hàn Quốc được đánh giá là một hình mẫu thành công trong ứng phó Covid-19. Hàn Quốc đã đẩy mạnh xét nghiệm (Test) để phát hiện sớm người mắc Covid-19, truy vết (Trace) tiếp xúc bằng cách sử dụng công nghệ hiện đại và điều trị (Treat) cho người bệnh thông qua cách ly dưới sự giám sát của chính quyền.

Tính đến cuối năm 2021, quốc gia có 52 triệu dân này chưa trải qua ngày nào ghi nhận hơn 8.000 ca mắc mới. Nhưng bước sang năm 2022, số ca mắc mới tăng vọt từ mức 4 chữ số lên 6 chữ số chỉ trong khoảng 3 tuần của tháng 2. Giới chức y tế Hàn Quốc nhận định nguyên nhân đứng sau làn sóng Covid-19 lớn nhất từng xuất hiện tại nước này chính là Omicron, biến thể được phát hiện lần đầu tại Nam Phi vào tháng 11/2021.

Theo Cơ quan Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), Omicron đã trở thành biến thể chủ đạo tại Hàn Quốc từ tuần thứ ba của tháng 1/2022. Số liệu do KDCA công bố ngày 21/2 cho thấy, người nhiễm biến thể Omicron có nguy cơ bệnh chuyển nặng và tử vong thấp hơn gần 75% so người nhiễm biến thể Delta. Trung bình tỷ lệ bệnh chuyển nặng và tử vong do Omicron lần lượt là 0,38% và 0,18%, trong khi con số này liên quan Delta lần lượt là 1,4% và 0,7%. Phần lớn số ca nhiễm Omicron chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Theo thống kê của Bộ Y tế Hàn Quốc, tỷ lệ tử vong ở nhóm tuổi từ 0 đến 29 gần như bằng 0. Ở nhóm tuổi càng lớn, tỷ lệ này càng cao. Cụ thể, tỷ lệ tử vong ở nhóm tuổi 30-39 và 40-49 đều là 0,01%, ở nhóm tuổi 50-59 là 0,05%, ở nhóm tuổi 60-69 là 0,21%, ở nhóm tuổi 70-79 là 0,94%. Tỷ lệ này ở nhóm tuổi từ 80 trở lên lên tới 3,31%.

Giới chức y tế Hàn Quốc nhận định, với đặc tính của biến thể Omicron, hệ thống ứng phó Covid-19 Hàn Quốc có thể hoạt động kém hiệu quả nếu tất cả các ca bệnh tiếp tục được quản lý theo cách phân bổ nguồn lực đồng đều. Điều này dẫn tới sự quản lý không phù hợp đối với nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao.

Trước dự báo Omicron có nguy cơ "hạ gục" hệ thống y tế, Hàn Quốc đã nhanh chóng chuyển hướng sang triển khai chiến lược mới "chọn lọc và tập trung" (select and focus). Hiện nay, trọng tâm của cuộc chiến với dịch bệnh tại Hàn Quốc là tìm cách đưa cuộc sống trở lại bình thường ở mức nhiều nhất có thể trong khi vẫn duy trì các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.

Chúng ta phải sử dụng các nguồn lực có hạn một cách hiệu quả hơn, tập trung ngăn chặn người bệnh có nhiều nguy cơ chuyển bệnh nặng hoặc tử vong.
Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc Kwon Deok-cheol

Theo Chiến lược mới về ứng phó biến thể Omicron do Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc công bố ngày 10/2 vừa qua, cách tiếp cận của nước này trong giai đoạn mới của đại dịch tập trung 5 mũi nhọn quan trọng: cải tiến hệ thống ứng phó Covid-19, hệ thống truy vết tiếp xúc, hệ thống xét nghiệm chẩn đoán và điều trị cách ly, điều chỉnh hỗ trợ bộ thiết bị y tế điều trị tại nhà.

1. Phân tích đặc tính của Omicron, Hàn Quốc nhận thấy nước này cần phải cải tiến hệ thống ứng phó Covid-19 theo hướng tập trung ngăn chặn ca tử vong và tình trạng bệnh chuyển nặng ở những nhóm người có nguy cơ cao.

Do đó, hệ thống này đã được cải thiện để hạn chế số ca bệnh nặng và tử vong xuống mức thấp nhất, đồng thời duy trì sức chống chịu cao độ của hệ thống kiểm soát và ngăn chặn Covid-19 cũng như hệ thống y tế. Hệ thống ứng phó mới cũng nhằm bảo đảm nhóm dân cư có nguy cơ thấp vẫn có thể được chăm sóc dưới sự giám sát của hệ thống y tế và hệ thống kiểm soát dịch bệnh.

Mục tiêu của việc cải tiến hệ thống ứng phó Covid-19 là tận dụng lợi thế của nguồn lực có hạn (thí dụ: nhân viên y tế làm xét nghiệm, lực lượng truy vết tiếp xúc, nhân viên chăm sóc sức khỏe, các nguồn lực y tế...), nhờ đó Hàn Quốc có thể tập trung xét nghiệm và điều trị sớm nhất có thể cho nhóm đối tượng có nhiều nguy cơ.

2.Theo chiến lược mới, những người đã được xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2 cần điền vào phiếu điều tra dịch tễ điện tử trên website do trung tâm y tế cộng đồng cung cấp và nhập thông tin về những người đã tiếp xúc gần với họ. Lực lượng chức năng có thể khoanh vùng các đối tượng cần được truy vết tiếp xúc trong số các ca nhiễm đã được xác nhận, người sống cùng nhà với người nhiễm virus, người sống trong các cơ sở dễ bị lây nhiễm.

Bằng cách này, KDCA đã nâng cao hiệu quả của công tác điều tra dịch tễ cơ bản thông qua thúc đẩy sự tham gia tự nguyện của cộng đồng đối với công tác điều tra dịch tễ.

3. Ngoài ra, người có đủ điều kiện để làm xét nghiệm PCR tại các cơ sở sàng lọc trong trung tâm y tế cộng đồng phải thuộc nhóm người có nguy cơ cao từ 60 tuổi trở lên, người có liên quan đến yếu tố dịch tễ, người có chỉ định làm xét nghiệm của bác sĩ, nhân viên tại các cơ sở có nguy cơ lây nhiễm, người có kết quả dương tính sau khi làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên.

4.Trong hệ thống cách ly trước đây, nhân viên y tế cộng đồng của chính quyền địa phương có trách nhiệm theo dõi và quản lý các ca được xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2 (có triệu chứng và không có triệu chứng) được đưa đi cách ly hoặc cách ly tại nhà thông qua ứng dụng sử dụng GPS để quản lý người tự cách ly.

Tuy nhiên, theo dữ liệu của Bộ Nội vụ và An toàn Hàn Quốc, tỷ lệ ca nhiễm rời khỏi cơ sở cách ly mà không có sự đồng ý của nhân viên y tế rất ít, chỉ 0,01%. Con số này cho thấy tỷ lệ người được cơ sở y tế xác nhận nhiễm virus tuân thủ quy định tự cách ly rất cao.

Do đó, hệ thống cách ly trước đây đã được điều chỉnh để quản lý các ca nhiễm một cách hiệu quả hơn và giúp tăng cường năng lực ứng phó Covid-19. Nói cách khác, ứng dụng sử dụng GPS để quản lý người tự cách ly không còn được sử dụng để giám sát người bệnh nữa. Hơn 60.000 nhân viên y tế cộng đồng của các địa phương từng có nhiệm vụ theo dõi người bệnh theo cách nêu trên sẽ được huy động để chuyển các bộ thiết bị y tế điều trị Covid-19 tại nhà và thực hiện các nhiệm vụ ứng phó dịch bệnh.

5.Bộ thiết bị y tế điều trị tại nhà được cung cấp cho các trường hợp được xác nhận nhiễm virus và thuộc nhóm cần được chăm sóc tích cực như người từ 60 tuổi trở lên. Bộ dụng cụ này gồm: thiết bị đo độ bão hòa oxy trong máu, nhiệt kế, thuốc hạ sốt, dung dịch sát khuẩn, kit xét nghiệm nhanh.

Hằng ngày, nhân viên y tế sẽ không còn gọi điện một lần cũng như không mang thực phẩm và nhu yếu phẩm tới cho người đang cách ly theo dõi tại nhà nữa. Người sống cùng nhà với người mắc Covid-19 được phép ra ngoài để làm những việc thiết yếu như mua nhu yếu phẩm, nhận thuốc do hiệu thuốc chuyển đến và đi đến bệnh viện. Với hệ thống mới, các chính quyền địa phương được trao thêm sự linh hoạt khi quyết định cung cấp nhu yếu phẩm hằng ngày cho các ca nhiễm đang cách ly tại nhà.

Có ý kiến cho rằng cách tiếp cận mới của chính phủ không có lợi đối với những người yếu thế như người nghèo, những người không đủ điều kiện tiếp cận chăm sóc y tế hoặc các dịch vụ xã hội khác.

Ông Woo Seoc-kyun, đại diện Hội Bác sĩ vì chủ nghĩa nhân văn Hàn Quốc, cảnh báo việc để cho virus lây lan thay vì làm mọi việc có thể để kiểm soát nó có thể sẽ đảo ngược thành quả nước này đã đạt được trong cuộc chiến với đại dịch.

Dù số ca nhiễm hằng ngày đang tăng mạnh song Chính phủ Hàn Quốc vẫn quyết tâm duy trì mở cửa đất nước và liên tục điều chỉnh quy định nhập cảnh để phù hợp tình hình mới. Tất cả hành khách tới Hàn Quốc đều phải có chứng nhận âm tính với Covid-19 bằng phương pháp xét nghiệm PCR được thực hiện trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành.

Hiện, phần lớn hành khách đều phải cách ly bắt buộc trong 7 ngày sau khi nhập cảnh Hàn Quốc. Tuy nhiên, từ ngày 21/3, những du khách đã tiêm đủ liều tại Hàn Quốc hoặc những người đã khai báo lịch sử tiêm chủng ở nước ngoài tại trung tâm y tế cộng đồng địa phương tại Hàn Quốc sẽ được miễn cách ly.

Từ ngày 1/4, du khách đã hoàn thành các mũi tiêm ở nước ngoài và khai báo lịch sử tiêm chủng thông qua Hệ thống Q-Code trước khi tới Hàn Quốc sẽ đủ điều kiện để được miễn cách ly.

Hàn Quốc vẫn đang cân nhắc tiếp tục dỡ bỏ các biện pháp hạn chế để nước này có thể chuyển sang chung sống với dịch bệnh và điều trị Covid-19 như bệnh cúm theo mùa, với điều kiện số ca bệnh nặng nằm trong tầm kiểm soát.

ĐƠN GIẢN HÓA QUY ĐỊNH PHÒNG, CHỐNG DỊCH

Tương tự Hàn Quốc, từ đầu năm 2022 đến nay Singapore cũng phải đối mặt với làn sóng dữ do biến thể Omicron gây ra. Ngày 16/2 vừa qua, Bộ Y tế Singapore đã công bố kế hoạch sắp xếp lại biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để chung sống với biến thể Omicron.

Trong thời gian này, chiến lược chống dịch của quốc gia có hơn 5,6 triệu dân vẫn là giữ gìn năng lực chăm sóc y tế, tập trung nguồn lực để điều trị ca bệnh nặng và bảo vệ người bệnh dễ bị tổn thương.

Theo Bộ Y tế Singapore, nước này sẽ tiếp tục đơn giản hóa các quy định chăm sóc y tế hiện nay cũng như các yêu cầu về xét nghiệm tại nơi làm việc, hệ thống Các biện pháp quản lý an toàn (SMM), do đó mọi người dân đều có thể hiểu được quy định, tập trung vào các biện pháp quan trọng và thực hiện phần việc của mình để bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch đạt hiệu quả.

Nhà chức trách sẽ mở rộng các nhóm tuổi được bác sĩ điều trị chính quản lý theo quy định nếu người bệnh Covid-19 chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ. Thời gian theo dõi được rút ngắn và yêu cầu xét nghiệm được đơn giản hóa đối với một số nhóm như người tiếp xúc gần với người mắc Covid-19. Giới chức y tế cũng tập trung triển khai Xét nghiệm bắt buộc thường xuyên (RRT) trên các lĩnh vực có sự tương tác với các nhóm dễ bị tổn thương cũng như cung cấp các dịch vụ thiết yếu.

Theo kế hoạch mới, Singapore đang nỗ lực bố trí hợp lý Các biện pháp quản lý an toàn (SMM) để thiết lập 5 thông số cốt lõi, do đó người dân sẽ thực hiện những biện pháp này hằng ngày một cách dễ dàng hơn. Ngoài ra, Singapore còn xây dựng mục tiêu làm đơn giản hóa việc phân loại quốc gia/khu vực và tổ chức hợp lý công tác xét nghiệm tại biên giới trong điều kiện tác động của các trường hợp nhiễm virus là người nhập cảnh giảm.

Từ ngày 15/3, tất cả du khách nhập cảnh qua Làn đi lại cho người đã tiêm vaccine (VTL) và khu vực có nguy cơ dịch bệnh lây lan thấp sẽ có thể làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên trong vòng 24 giờ sau khi họ đến Singapore mà không bị giám sát. Quy định này thay thế quy định trước đó yêu cầu người nhập cảnh tự làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên dưới sự giám sát của nhân viên y tế.

Các trường hợp người nhập cảnh nhiễm virus chỉ chiếm khoảng 1% tổng số ca nhiễm tính theo ngày. Có thể do nhiều quốc gia đã vượt qua đỉnh dịch Omicron cho nên số ca bệnh là người nhập cảnh rất thấp.
Bộ Y tế Singapore

Du khách được yêu gửi kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên thông qua trang web https://www.sync.gov.sg/ trước khi tiến hành các hoạt động khác tại Singapore. Hành khách vẫn cần phải làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm PCR trong vòng 2 ngày trước khi khởi hành tới Singapore. Du khách cũng cần nộp hồ sơ trực tuyến xin Thẻ thông hành vaccine (VTP) trên trang web https://safetravel.ica.gov.sg/vtl, mua bảo hiểm du lịch có mức chi trả tối thiểu 30.000 đôla Singapore (SGD) cho các bệnh liên quan Covid-19.

Tới thời điểm này, Singapore đã thiết lập Làn đi lại cho người đã tiêm vaccine (VTL) với hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Du khách nước ngoài trong vòng 24 giờ kể từ khi nhập cảnh vào Singapore sẽ tự xét nghiệm nhanh kháng nguyên, chụp ảnh kết quả và thông báo kết quả xét nghiệm qua trang web www.sync.gov.sg.

Du khách nước ngoài trong vòng 24 giờ kể từ khi nhập cảnh vào Singapore sẽ tự xét nghiệm nhanh kháng nguyên, chụp ảnh kết quả và thông báo kết quả xét nghiệm qua trang web www.sync.gov.sg.

Bộ Y tế Singapore cho rằng quy định mới là bước đi quan trọng để chuẩn bị cho khái niệm "du lịch tiêm chủng" trong những tuần tới. Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong cho biết Singapore muốn đưa ra khái niệm "du khách đã tiêm chủng" hơn là có các Làn đi lại cho người đã tiêm vaccine (VTL) khác nhau cho các nước khác nhau.

Nếu các xét nghiệm phù hợp được thực hiện, khái niệm mới sẽ giúp du lịch quốc tế diễn ra đơn giản, thuận tiện hơn, cho phép hành khách đi lại khi họ đã tiêm chủng cho dù họ đến từ đâu.

Hiện nay, làn sóng Omicron tại Singapore đã có dấu hiệu lập đỉnh, trong khi đó, số ca mắc mới tại Hàn Quốc vẫn tiếp tục tăng mạnh.

Có một số dấu hiệu cho thấy làn sóng Omicron tại Singapore đang rút dần.

Có một số dấu hiệu cho thấy làn sóng Omicron tại Singapore đang rút dần.

Dù đang ghi nhận đà lây nhiễm khác nhau, song hai quốc gia này đều có tỷ lệ tử vong do Covid-19 thấp trong khi tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản vaccine ngừa Covid-19 và liều tăng cường rất cao.

Chúng ta đang ở giữa làn sóng Omicron và sẽ ghi nhận tới 20.000 ca mỗi ngày. Điều này đã nằm trong dự báo do Omicron có khả năng lây lan cao. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm liều vaccine cơ bản và tiêm bổ sung cao cùng với Các biện pháp quản lý an toàn (SMM) đã có tác dụng trong việc duy trì số ca bệnh nặng ở mức thấp và chúng ta vẫn có đủ khả năng điều trị cho người bệnh nặng.
Bộ Y tế Singapore

Hai quốc gia được đánh giá là hình mẫu chống dịch Covid-19 tại châu Á có điểm chung là họ nhận diện rõ mức độ nguy hiểm của biến thể Omicron, đẩy mạnh độ phủ vaccine, kiểm soát dịch bệnh "có chọn lọc và tập trung" thay vì dàn trải nguồn lực, đồng thời đơn giản hóa thủ tục, quy định chống dịch để khuyến khích sự tham gia của cộng đồng. Đây chính là "vũ khí" giúp Singapore vượt qua đỉnh dịch Omicron và rất có thể sẽ khiến làn sóng dịch hiện nay tại Hàn Quốc rút dần trong tháng 3 như dự báo của giới chuyên gia.

Ngày xuất bản: 19/3/2022
Tổ chức sản xuất: PHẠM TRƯỜNG SƠN - VIỆT ANH
Thực hiện: PHẠM TRƯỜNG SƠN - HOÀNG HÀ
Nguồn tin và dữ liệu: Reuters, Yonhap, Channelnewsasia, WHO, Bộ Y tế Hàn Quốc, Bộ Y tế Singapore
Ảnh: Reuters, Yonhap