
1 Năm 1990, tốt nghiệp đại học, tôi về Quảng Bình tập sự viết báo. Việc đầu tiên là tìm đến báo tỉnh, đài tỉnh, xin làm cộng tác viên. Mò mẫm học theo các đàn anh, đàn chị đi trước, cần mẫn viết. Khó mô tả được cảm giác hạnh phúc thế nào khi mỗi sáng thứ hai thức dậy, nhìn thấy tên mình ở một góc nào đó trong 8 trang của Báo Quảng Bình.
Hoặc là mỗi chiều, đến giờ phát thanh của đài tỉnh, nghe có tên mình vọng ra từ loa phát thanh công cộng. Tin tức, cảm xúc, câu chuyện của tác giả - được vọng lại từ giọng đọc ngân nga, truyền cảm của phát thanh viên nhà đài hẳn là có hồn vía hơn hẳn khi nó chỉ là những con chữ trên trang giấy chép tay.
Niềm vui càng được nhân lên gấp bội khi bút ký “Những dấu chân trên cát” viết về làng biển Bảo Ninh được phát trên chương trình Văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam.
2 Năm 1996, tôi quay trở lại nghề báo sau 5 năm làm “cô bán băng” (cho thuê băng video). Lại tập sự. Lại mò mẫm. Chỉ là lần này “hành nghề” tại Hà Nội. Nhờ sự khích lệ, dìu dắt của chị Minh Hiền phụ trách Báo Đại đoàn kết cuối tuần (Tuy Đại đoàn kết có trụ sở chính ở Hà Nội nhưng ấn phẩm cuối tuần có tòa soạn trong nam) và anh Ngô Hà Thái, Phó Tổng Biên tập Báo Thể thao & Văn hóa, tôi tiếp cận dòng chảy thời sự, tiếp cận với những nhân vật thú vị nhưng khó gặp để làm mục “trò chuyện nhân vật”. Phương tiện hành nghề cần có lúc đó là cái máy ghi âm băng nhỏ và cuốn sổ tay. Thời ấy, tìm người như mò sông đáy biển bởi chưa có di động, email; điện thoại bàn thì nhà có nhà không. Cách tốt nhất là gặp trực tiếp, hỏi số nhà hoặc nhờ người dắt đi.
Sinh năm 1966, Nhà báo Lương Thị Bích Ngọc hiện là cố vấn của Tổng Biên tập Báo VietNamNet và đang là cây viết tích cực, có dấu ấn trên các ấn phẩm, chuyên trang, chuyên mục đặc biệt của một số báo như: Nhân Dân, Dân Việt, VietNamNet... Trước đây chị là Tổng Biên tập Tạp chí Du lịch (trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh); Tổng Biên tập của Tạp chí Khám phá (thuộc Sở Khoa học & Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh).
Với chiếc xe máy cọc cạch, giọng miền trung trọ trẹ, tôi lội qua những ngõ nhỏ, đường to Hà Nội suốt bốn mùa lạnh thấu xương hoặc nóng bức, bụi mù. (Bù lại, sau mỗi lần gặp gỡ, có cảm giác như mình đang mở ra một cánh cửa, háo hức trước kho báu...). Quy trình để có một bài báo là tìm nhân vật; thuyết phục họ chia sẻ, trả lời về câu chuyện, vấn đề mà bản báo đang quan tâm; về nhà gỡ băng (tức là bật băng lên nghe, chép tay vào giấy); sau đó ngồi viết lại thành bài... Muốn gửi đi thì phải cầm bản viết tay đi đánh máy lại. Để có thể gửi đi vào lúc 2 giờ chiều với hy vọng sáng mai có bài lên mặt báo, tôi phải viết xong trước 6 giờ sáng. Chi phí cho một bài viết gồm tiền đánh máy, fax bài, chuyển phát nhanh, gọn điện tốn khoảng 120 nghìn đồng trong khi nhuận bút được nhận trong khoảng từ 150-250 nghìn đồng/bài...
Công phu vất vả là thế, bù lại, đến ngày hẹn, nhìn sạp báo thấy bài gắn với tên mình hiện hữu trên những trang nhất thì lòng reo vui, chẳng nhớ từng nhọc nhằn. Nhất là khi đến một cơ quan nào đó ngó bài mình được người ta chuyền tay nhau đọc, bình luận rồi nhắc tên tác giả, bỗng dưng tưởng sắp... nổi tiếng đến nơi.
3 Tôi học dùng máy tính ở Báo Nông thôn Ngày nay vào năm 2000. Việc viết bài trên máy tính, gửi bài qua email, nộp bài qua mạng nội bộ là bước “đại nhảy vọt” đối với người viết báo như chúng tôi thời đó, như là đang cuốc đất mà bỗng dưng có máy cày làm thay vậy. Tất nhiên, cũng có những chuyện cười ra nước mắt kiểu như cứ mở máy ra là cặm cụi gõ, quên xếp vào thư mục, bỗng dưng mất điện hoặc lỡ tay chạm vào dây cắm thế là bao nhiêu công lao đi tong. Hoặc là xếp vào đâu đó, tìm mãi không ra. Cũng có khi bấm một nút nhầm, xóa mất cả đoạn tâm đắc mà không gõ lại được như cũ...
Thường thì tin bài thời sự sẽ về vào giữa sáng hoặc cuối giờ chiều. Máy không thể đủ nên phải sắp hàng. Cuối giờ chiều, sẩm tối là lúc các biên tập viên, thư ký tòa soạn hối hả đổ trang, máy tính lúc này liên tục “luân phiên” làm việc. Chỉ là một biên tập viên, trưởng ban phụ trách mảng nhưng có bữa, 11 giờ đêm, tôi mới mò về đến nhà sau khi đã nhìn thấy trên máy tính hình hài của tờ báo giấy ngày mai ra sạp.
4 Tôi được anh Nguyễn Anh Tuấn mời về VietNamNet đầu năm 2003. Hồi đó, báo điện tử là cái gì đó khác lạ, hấp dẫn khi chỉ một cái click chuột là đã nhìn thấy những tin tức nóng hổi vừa mới hoặc đang diễn ra. Tôi đã không bỏ qua cơ hội này dù biết rõ mình vốn mù tịt công nghệ. Cùng lúc, anh Tuấn đã mời một số nhà báo ở các cơ quan khác nhau về với lời động viên ban đầu: “Đừng sợ công nghệ, sẽ có bộ phận kỹ thuật hỗ trợ. Các nhà báo chỉ cần biết làm nội dung hay là được”.
Tôi có 5 năm làm báo điện tử ở VietNamNet với rất nhiều trải nghiệm thú vị. Lợi thế lớn nhất của báo điện tử ở thời điểm đó so với các loại hình truyền thông khác là tính tương tác. Người đọc tương tác với tòa soạn và tương tác với nhau trong một không gian mở và thời gian tính bằng phút, là điều mà trước đó, không một phương tiện truyền thông nào làm được.
Tôi, đã đi qua các chuyên mục, chuyên trang của báo như Diễn đàn, Thư Hà Nội, Giao lưu trực tuyến, Bàn tròn trực tuyến, Nhận định, Tuần Việt Nam... và nhanh chóng tận dụng tối đa điểm mạnh tương tác của báo điện tử để tìm kiếm các “nhà báo công dân” xuất sắc. Nhờ những “nhà báo công dân” là những chuyên gia, những cây viết trong và ngoài nước đó, VietNamNet đã có những bài viết ấn tượng, đặc sắc.
Tất nhiên, “đi đầu, tiên phong” cũng không ít chuyện bi hài. Thí dụ như có lần phỏng vấn xong, nhân vật dặn: “Nhớ gửi cho anh/chị tờ báo nhé...”. Nói “Chúng em là báo mạng, để em gửi đường link ạ” thì thấy nhân vật ngơ ngác. Lần sau gặp lại vẫn bị trách: “Cứ hỏi chuyện hoài, không thấy tặng tờ báo. Hay để tui gởi tiền mua...”.
Nhà báo Lương Thị Bích Ngọc.
Nhà báo Lương Thị Bích Ngọc.
Làm thế nào để dùng AI hỗ trợ cho nghề báo mà không bị đánh mất mình? Tôi và những đồng nghiệp sẽ phải tìm ra lời giải cho nghề mình, nhưng tạm thời tôi đã tự gõ những dòng này với sự trợ giúp bằng lòng yêu nghề báo vẫn chưa bị mai một.
Có lẽ, chỉ có tình yêu với một điều gì đó thì AI chưa thể làm thay được.
Hồi đó, không khí nghị trường sôi động thêm vì có nhóm nhà báo bám Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bên hành lang. VietNamNet cử một nhóm nhà báo tác nghiệp hàng ngày tại đây. ĐBQH đến từ nhiều địa phương trong cả nước, tất nhiên có những người chưa từng biết VietNamNet, báo mạng là gì. Sau ngày khai mạc, nhóm tác nghiệp bàn với Tổng Biên tập Nguyễn Anh Tuấn “đưa báo mạng vào hành lang Quốc hội”.
Chưa đến nửa ngày, nhóm kỹ thuật với sự hỗ trợ của Trung tâm thông tin (Văn phòng Quốc hội) bảo đảm đường truyền thông suốt để hai màn hình lớn bên hành lang và phòng giải lao bảo đảm “chạy” online liên tục. Việc ĐBQH vừa trả lời xong trong giờ giải lao buổi sáng đã “hiện hình, hiện chữ, hiện âm thanh” trên màn hình trong buổi chiều đã tạo ấn tượng đặc biệt và ghi điểm cho VietNamNet trong kỳ họp đó.
Có thể, bây giờ kể lại sẽ nhiều đồng nghiệp trẻ hoặc độc giả cho rằng “chuyện ấy có gì khó khăn, đặc biệt gì đâu”. Người ta không hình dung nổi sự khác biệt của VietNamNet lúc đó cũng phải bởi trong 20 năm qua, diện mạo, đời sống báo chí, truyền thông Việt Nam đã thay đổi, đã bước những bước tiến quá dài, quá khác nhờ sự phát triển như vũ bão của công nghệ. Và trong cơn lốc ấy, có nhiều tờ báo điện tử sinh sau đẻ muộn nhưng đã bứt phá lên phía trước.
5 Tôi vốn là người sống nhờ con chữ và tin tưởng tuyệt đối vào năng lực sáng tạo của con người. Cho đến một ngày gần đây, tôi bập bẹ dùng Chat GPT để viết một bài báo chính luận. Hôm đó, chính tôi bị sốc vì “nó” viết chặt chẽ, gọn gàng và... ngọt ngào hơn cả tưởng tượng. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần, tất nhiên không dám gửi bài đó cho tòa soạn nhưng vật vã mãi vẫn không thể viết lại được bởi không còn tự tin vào chính mình.
Ngày xuất bản: THÁNG 6/2025
Nội dung và ảnh: LƯƠNG THỊ BÍCH NGỌC
Trình bày: DUY LONG