Hạt gạo làng ta

Năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam lần đầu đạt 9,18 triệu tấn, đạt giá trị 5,75 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước đến nay, cả về sản lượng và giá trị, đánh dấu một cột mốc quan trọng trên hành trình của một đất nước từ thiếu đói trở thành cường quốc xuất khẩu gạo.

50 năm sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, những cánh đồng khô hạn, đầy rẫy bom đạn, chết chóc đã được phủ một mầu xanh mát mắt của cây lúa, ngô khoai. Những ngày thiếu đói, chạy ăn từng bữa đã qua, người người, nhà nhà giờ đây không chỉ “ai cũng có cơm ăn” mà còn phải ăn gạo ngon, gạo sạch, gạo không gây tác động xấu đến môi trường.

Nông dân huyện Vị Thủy thu hoạch lúa Đông Xuân 2019-2020, năng suất trung bình đạt gần 7,5 tấn/ha.

Nông dân huyện Vị Thủy thu hoạch lúa Đông Xuân 2019-2020, năng suất trung bình đạt gần 7,5 tấn/ha.

Lúa Đông Xuân được thương lái thu mua tập trung tại huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.

“Cởi trói” cho cây lúa

Hồi tưởng về một giai đoạn gian khó của đất nước, người dân hầu như đều phải trải qua những ngày tháng thiếu đói, cơm không đủ no, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Tập đoàn ThaiBinh Seed, một trong những doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất giống lúa, kể: Tôi còn nhớ, Đại hội lần thứ IV của Đảng đề ra mục tiêu mỗi năm sản xuất 21 triệu tấn lương thực quy thóc, nhưng cũng không đạt được. Một đất nước nông nghiệp mà lại không đủ gạo ăn. Năm 1987, tôi được phân công làm Phó trại sản xuất giống lúa cấp 1 Đông Cơ (Thái Bình). Trại có 56 ha đất dành cho sản xuất giống, nhưng mỗi năm chỉ được giao kế hoạch sản xuất 60 tấn giống, nghĩa là mỗi ha chỉ làm ra được chưa đầy 1,1 tấn thóc, trong khi 20 năm trước Thái Bình đã là quê hương 5 tấn. Vì sao như vậy? Lúc đó tôi nghĩ: Giống và quyền được tự chủ trên mảnh ruộng là hai khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Và rồi, tôi nung nấu quyết tâm phải đưa được giống lúa tốt đến với bà con.

Bước vào thời kỳ đổi mới, với những chính sách quan trọng về phát triển kinh tế đất nước nói chung, trong đó có nhiều chính sách về phát triển nông nghiệp, nhất là Chỉ thị 100-CT/TW (khoán 100) năm 1981 và Nghị quyết số 10-NQ/TW (Khoán 10) của Bộ Chính trị ban hành năm 1988 đã tạo ra những động lực mới trong phát triển nông nghiệp. Người nông dân được thực sự làm chủ mảnh ruộng của mình, cây lúa Việt Nam như được “cởi trói”, lớn nhanh trên những cánh đồng quê màu mỡ. Cùng với đó, cuộc cách mạng về giống lúa diễn ra một cách mạnh mẽ, với sự vào cuộc tích cực của các nhà khoa học, các doanh nghiệp, đã làm thay đổi hoàn toàn cơ cấu giống trước đó. Chỉ qua vài năm, đến năm 1989, Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu gạo, một tin vui mà trước đó nhiều người trong mơ cũng không dám nghĩ đến.

Nông dân huyện Vị Thủy (Hậu Giang) thu hoạch lúa Đông Xuân 2019-2020, năng suất trung bình đạt gần 7,5 tấn/ha.

Nông dân huyện Vị Thủy (Hậu Giang) thu hoạch lúa Đông Xuân 2019-2020, năng suất trung bình đạt gần 7,5 tấn/ha.

“Riêng tập đoàn ThaiBinh Seed đã có 21 giống lúa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống quốc gia, trở thành giống chủ lực trong cơ cấu sản xuất của nhiều địa phương trên cả nước. Vẫn đồng đất ấy, con người ấy, nhưng năng suất lúa không ngừng tăng lên”

Ông Trần Mạnh Báo vẫn vẹn nguyên cảm xúc khi bồi hồi chia sẻ về dấu mốc quan trọng của doanh nghiệp đặt trong bối cảnh đổi mới về cơ chế của ngành và của đất nước.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, lúa gạo là một trong những ngành hàng thực hiện tái cơ cấu rất thành công. Nếu như nhiều năm trước, chúng ta chỉ có cơ cấu 35% đến 40% các giống lúa chất lượng thì hiện nay con số này đã đạt 75% đến 80%, thậm chí tại nhiều địa phương, việc sử dụng giống lúa chất lượng lên đến hơn 90%. Đây là một trong những nguyên nhân chính nâng cao chất lượng gạo, đưa giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lên rất nhanh.

Thu hoạch lúa Đông Xuân ở xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành (Kiên Giang).

Nông dân xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) tập trung lúa thu hoạch bán cho thương lái.

Thu hoạch lúa đông xuân 2019-2020 ở xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang), năng suất bình quân 6,9 tấn/ha.

Ðưa hạt gạo vươn xa

Hơn ba chục năm qua, hạt gạo Việt Nam dẻo thơm đã đến với bạn bè khắp năm châu, bốn biển, có mặt ở hơn 150 nước, vùng lãnh thổ. Không chỉ đáp ứng yêu cầu của các thị trường truyền thống, hạt gạo Việt Nam đang dần chinh phục cả những thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, với những đòi hỏi vô cùng khắt khe về chất lượng và các điều kiện khác… Giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam không ngừng tăng lên. Đã có thời điểm, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đạt mức 653 USD/tấn, cao nhất thế giới, cao hơn gần 93 USD so với mặt hàng cùng loại của Thái Lan.

Hành trình vươn xa của hạt gạo Việt Nam còn được ghi dấu với sự kiện, gạo ST25 của Việt Nam được trao giải gạo ngon nhất thế giới sau khi vượt qua các loại gạo của Thái Lan, Campuchia tại cuộc thi World’s Best Rice do The Rice Trader tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tại Manila, Philippines vào tháng 11/2019. Tiếp đó, năm 2023, gạo ST25 lại một lần nữa giành được giải gạo ngon nhất thế giới, khẳng định chất lượng vượt trội so các loại gạo khác. Hạt gạo Việt Nam đã vươn lên vị thế mới, có tầm ảnh hưởng lớn đối với thị trường gạo toàn cầu.

Bốc xếp gạo xuất khẩu sang tại cảng Sài Gòn.

Bốc xếp gạo xuất khẩu sang tại cảng Sài Gòn.

Chia sẻ về hành trình chinh phục thị trường xuất khẩu vốn được đánh giá là đòi hỏi cao như châu Âu, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch tập đoàn Lộc Trời, cho biết: “Toàn bộ các lô hàng xuất khẩu gạo mang thương hiệu “Cơm ViệtNam Rice” đều phải bảo đảm về chất lượng và được đóng gói trong bao bì riêng đã đăng ký mẫu mã quốc tế của Lộc Trời. Để nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, tập đoàn đã tham gia thí điểm quy trình canh tác theo tiêu chuẩn bền vững của SRP được Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) ban hành”.

Theo tính toán, canh tác lúa tiêu tốn 30 đến 40% lượng nước ngọt của thế giới, đồng thời 5% lượng khí thải nhà kính cũng bắt nguồn từ trồng lúa. Việt Nam cần chủ động bắt kịp xu thế tất yếu trong chuyển đổi mô hình canh tác, bảo đảm tiêu chí bền vững, không hủy hoại tài nguyên đất, nước và môi trường.

Muốn bảo đảm được tiêu chuẩn SRP, quy trình canh tác lúa bền vững phải đáp ứng 41 yêu cầu được tổ chức theo tám chủ đề rất quan trọng. Bên cạnh đó, phải bảo đảm các yêu cầu ngặt nghèo về quy trình canh tác, quản lý đồng ruộng, tiết kiệm nước, bảo đảm sức khỏe và an toàn lao động. Việc ngày một nhiều doanh nghiệp tham gia canh tác theo tiêu chuẩn SRP, hoặc canh tác theo các tiêu chuẩn chất lượng cao, giảm phát thải sẽ góp phần nâng cao uy tín và thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam.

Hiện nay, ngành nông nghiệp đang nỗ lực thực hiện đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27/11/2023. Với việc thí điểm các chính sách mới như chi trả tín chỉ các-bon dựa trên kết quả; tập trung vào sản xuất phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, tận dụng tối đa phụ phẩm từ sản xuất lúa gạo; khai thác đa giá trị, tạo ra nhiều sản phẩm chế biến từ lúa gạo..., sẽ mang lại những đúc kết giá trị để từ đó nhân rộng mô hình trên toàn quốc. Một khi mục tiêu “phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao” được hiện thực hóa, giá trị và vị thế lúa gạo Việt Nam còn được nâng cao hơn nữa. Và khi ấy, người khởi tạo nên chuỗi giá trị của hạt gạo - người nông dân có thể tự tin bước trên những “nấc thang” đến với sự thịnh vượng...

Bao thế hệ người Việt Nam đã rung cảm với những câu trong bài thơ “Hạt gạo làng ta” của nhà thơ Trần Đăng Khoa. “Hạt gạo làng ta/ Có bão tháng bảy/ Có mưa tháng ba/ Giọt mồ hôi sa/ Những trưa tháng sáu”…, những câu thơ đã khái quát hóa bao vất vả, nhọc nhằn và cả sự chắt chiu của người nông dân khi làm ra hạt gạo. Hạt gạo làng ta, bé nhỏ mà chứa đựng biết bao câu chuyện, biết bao cuộc đời.

Hạt gạo làng ta nay đã đi ra thế giới, mang về tiếng thơm cho đất nước, cho người nông dân Việt Nam.

Nội dung: Hà Vy
Ảnh: Nhân Dân, TTXVN
Trình bày: Phi Nguyên