Được đánh giá là một trong 7 nước thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ vừa qua, Việt Nam thuộc số ít các nước trên thế giới đang trong quá trình tự tạo ra những sản phẩm đổi mới sáng tạo của riêng mình.

Nhiều công nghệ mới cùng với các ý tưởng đột phá “Made in Vietnam” được trình diễn tại Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 nhân sự kiện khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), cơ sở Hòa Lạc đã phần nào cho thấy quyết tâm của chúng ta trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng trưởng kinh tế-xã hội.

Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế là một trong những nhiệm vụ được đặt ra tại Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030.

Và với bước tiến lớn trong năm 2023, thành tích về đổi mới sáng tạo của Việt Nam rất đáng tự hào, cao hơn so với mức độ tăng trưởng GDP.

Đây cũng chính là những nội dung được chia sẻ trong cuộc trò chuyện của Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Vũ Quốc Huy với báo chí nhân dịp đầu năm mới Giáp Thìn.

SẴN SÀNG

ĐÓN ĐẠI BÀNG CÔNG NGHỆ

Phóng viên: Năm 2023 là năm có nhiều dấu ấn trong hoạt động đổi mới sáng tạo của nước ta. Ông đánh giá đâu là những dấu ấn nổi bật nhất?

Ông Vũ Quốc Huy: Vượt qua những thách thức khó khăn trong một năm vừa qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong hoạt động đổi mới sáng tạo, như phát triển hệ thống tích hợp xử lý nước nhiễm phèn, nhiễm mặn, Viettel triển khai thành công trạm thu phát sóng 5G theo tiêu chuẩn Open RAN đầu tiên trên thế giới…

Và theo tôi, Lễ Khánh thành NIC Hòa Lạc và Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023) là dấu ấn nổi bật nhất. Sự kiện này đã được Ban Thời sự VTV1 bình chọn là 1 trong 10 ấn tượng của năm 2023, được Cổng thông tin điện tử Chính phủ bình chọn là 1 trong 10 dấu ấn nổi bật phát triển kinh tế xã hội, được CLB Nhà báo Khoa học Công nghệ thuộc Hội Nhà báo Việt Nam bình chọn là 1 trong 10 sự kiện khoa học công nghệ nổi bật 2023 và, được trang tin CafeF bình chọn là 1 trong 10 điểm nhấn kinh tế Việt Nam 2023.

Đây được coi là sự kiện quan trọng nhất trong năm về đổi mới sáng tạo, mang lại nhiều cơ hội và giá trị cho các bên tham gia, cho thấy NIC Hòa Lạc là điểm đến của đổi mới sáng tạo.

Hơn thế nữa, sự kiện góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ đổi mới sáng tạo nói riêng và trên hành trình trở thành con hổ châu Á nói chung.

Ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia trao đổi với phóng viên.

Ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia trao đổi với phóng viên.

Phóng viên: Năm 2023 Việt Nam dồn dập đón rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, công nghiệp bán dẫn từ Mỹ và các nước trên thế giới. Ông đánh giá thế nào về sự quan tâm của những đại bàng công nghệ đối với Việt Nam?.

 Ông Vũ Quốc Huy: Việt Nam có đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn. Đó là một hệ thống chính trị được đánh giá ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nhân lực công nghệ cao dồi dào và Việt Nam quyết tâm cao trong việc theo đuổi, phát triển ngành công nghiệp quan trọng này.

Như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian vừa qua, Việt Nam đã tích cực chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Hoa Kỳ trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn.

Đó là hoàn thiện cơ chế một cửa, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030 sẽ đạt 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn, thành lập NIC Hòa Lạc để sẵn sàng đón nhận dự án đầu tư ngành bán dẫn với các chế độ ưu đãi nhất…

Các doanh nghiệp nước ngoài đã đánh giá rất cao những tiềm năng của Việt Nam. Có thể dẫn chứng: Các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) đã nhận thấy những cơ hội đáng kinh ngạc để Việt Nam phát triển dấu ấn của mình trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu và thông báo những kế hoạch đầu tư mới và dự định phát triển tại thị trường đầy tiềm năng.

Và mới đây, Chủ tịch Jensen Huang của Nvidia đã cam kết biến Việt Nam thành quê hương thứ hai của Nvidia và sẽ thành lập pháp nhân ở Việt Nam.

Ông Jensen Huang, Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA tham quan NIC Hòa Lạc.

Ông Jensen Huang, Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA tham quan NIC Hòa Lạc.

Phóng viên: Công nghệ bán dẫn đang mở ra cơ hội lớn đối với Việt Nam với nhiều thỏa thuận đã được ký kết. Vậy đâu là lộ trình của chúng ta trong việc thực hiện hóa các thỏa thuận này thưa ông?

Ông Vũ Quốc Huy: Trong tháng 9 vừa qua, NIC đã ký MOU với Synopsys, Cadence và Trường Đại học bang Arizona (ASU).

Theo biên bản thỏa thuận, Synopsys đã hỗ trợ NIC thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế chip tại cơ sở Hòa Lạc. Trung tâm này bao gồm các công nghệ tiên tiến của Synopsys trong tạo mẫu và mô phỏng để tối ưu hóa phần mềm và đồng bộ thiết kế SoC (hệ thống trên chip) phần cứng. Theo đó, Synopsys cung cấp giấy phép đào tạo, bao gồm giáo trình, nguồn lực giáo dục và chương trình “Đào tạo Giảng viên” cho NIC để giúp thành lập trung tâm ươm tạo thiết kế chip.

Cadence Design Systems (Nasdaq: CDNS) và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) ký thỏa thuận hợp tác trong khuôn khổ chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngày 19/9/2023

Cadence Design Systems (Nasdaq: CDNS) và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) ký thỏa thuận hợp tác trong khuôn khổ chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngày 19/9/2023

NIC cũng đã ký MOU với Cadence Design Systems về triển khai các hoạt động, nhằm thúc đẩy năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm chip bán dẫn tại Việt Nam; với ASU về phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Chương trình đào tạo được xây dựng với sự hỗ trợ đắc lực từ đội ngũ chuyên gia hàng đầu của tập đoàn Cadence, đặc biệt, còn có sự tham gia của các giảng viên đến từ ASU với các chuyên gia có kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm lâu năm về mạch tích hợp bán dẫn.

NIC và Đại học Bang Arizona (ASU) ký thỏa thuận hợp tác trong khuôn khổ chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngày 19/9/2023. (Ảnh: TTX)

NIC và Đại học Bang Arizona (ASU) ký thỏa thuận hợp tác trong khuôn khổ chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngày 19/9/2023. (Ảnh: TTX)

NIC cùng các đối tác trên đã lên kế hoạch định kỳ tổ chức các khóa học đào tạo này. Thông qua quan hệ hợp tác, NIC cũng sẽ cung cấp cho các trường đại học, trung tâm đào tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam công nghệ và chương trình đào tạo cần thiết, để thiết kế và phát triển sản phẩm cho hệ sinh thái bán dẫn và điện tử đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam.

Phía Cadence sẽ cung cấp quyền truy cập vào các công cụ cho các viện nghiên cứu do NIC lựa chọn, mang đến cho sinh viên cơ hội có được trải nghiệm thực tế trong việc tạo ra các thiết kế IC sáng tạo.

Còn ASU sẽ giới thiệu cơ hội việc làm cho các kỹ sư Việt Nam được đào tạo tại trung tâm thiết kế vi mạch NIC để ươm tạo với các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong ngành bán dẫn, bao gồm các mối liên kết với hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu rộng lớn của Arizona...

Ngoài ra, các đối tác cũng phối hợp với NIC triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030. 

Phóng viên: Ngành bán dẫn mở ra cơ hội lớn, nhưng theo ông, liệu có thách thức? Mức đầu tư cho sản xuất chip rất lớn, chúng ta có thể bắt đầu từ đâu, vai trò NIC sẽ thể hiện ra sao?

Ông Vũ Quốc Huy: Trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn như hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, nguồn nhân lực kỹ thuật-công nghệ dồi dào, cơ sở hạ tầng số ngày một phát triển.

Ông Alex Teo – Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Phần mềm Công nghiệp Kỹ thuật số Siemens, khu vực Đông Nam Á và ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC ký và trao Biên bản hợp tác nhằm phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, ngày 26/1/2024.

Ông Alex Teo – Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Phần mềm Công nghiệp Kỹ thuật số Siemens, khu vực Đông Nam Á và ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC ký và trao Biên bản hợp tác nhằm phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, ngày 26/1/2024.

Đáng lưu ý, Chính phủ Việt Nam quyết tâm cao trong việc theo đuổi, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành này.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp bán dẫn đang đặt ra các thách thức cho các doanh nghiệp và Chính phủ các nước trong đó Việt Nam cũng đang phải đối mặt. Đó là: Chi phí đầu tư cao, mức đầu tư cho sản xuất chip là rất lớn, đòi hỏi cơ sở hạ tầng đặc biệt và các dây chuyền sản xuất phức tạp. Trong thực tế, việc xây dựng một xưởng đúc chip có thể tiêu tốn tới 50 tỷ USD.

Về cạnh tranh quốc tế, ngành công nghiệp bán dẫn đang chịu áp lực từ sự cạnh tranh cao, đặc biệt là từ các nước như Trung Quốc, Mỹ, và châu Âu. Những quốc gia/khu vực này đã công bố kế hoạch cho lĩnh vực chip của mình từ 50 tới 150 tỷ USD. 

Ngày 7/7, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) nhằm thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo ở cả hai nước.

Ngày 7/7, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) nhằm thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo ở cả hai nước.

Thách thức về công nghệ, sự phức tạp ngày càng tăng của công nghệ bán dẫn đòi hỏi sự đầu tư lớn vào R&D để duy trì sự cạnh tranh. Bên cạnh đó, yêu cầu về đội ngũ nhân sự chất lượng cao rất lớn, và thực tế nguồn nhân lực của Việt Nam mới chỉ đang dừng lại ở giai đoạn đầu, kỹ năng và trình độ chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.

Để ngành công nghiệp bán dẫn ở nước ta phát triển xứng tầm với các lợi thế sẵn có, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm để bước đầu hình thành ngành công nghiệp công nghệ cao này. Đó là:

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, với việc xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đến năm 2030. Đề án sẽ làm rõ bức tranh toàn cảnh về nguồn  nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đến năm 2030 có 50.000 nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn, với kỳ vọng cung cấp đủ số lượng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp bán dẫn trong nước và xuất khẩu lao động sang các các thị trường phát triển khác.

Xây dựng cơ chế và chính sách riêng để thu hút và tận dụng sự đầu tư từ nước ngoài: Theo Nghị định 94/2020/NĐ-CP dành riêng cho NIC được Chính phủ ban hành đã đưa ra các chính sách và mức độ ưu đãi cho các doanh nghiệp trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Trung tâm.

Đầu tư xây dựng các trung tâm R&D, qua đó tạo môi trường thuận lợi cho các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp của Việt Nam tiếp cận các công nghệ mới.

Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ nỗ lực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư trong ngành bán dẫn. Trong tương lai không xa, chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ trở thành một đối tác tin cậy và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.

CƠ HỘI BỨT PHÁ

TỪ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Phóng viên: Ông có thể đánh giá vị thế của Việt Nam trong cuộc cạnh tranh thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào các ngành công nghiệp mới, ngành công nghệ cao, đặc biệt là sau khi có Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia?

Ông Vũ Quốc Huy: Việt Nam đang tăng cường vị thế của mình trong cuộc cạnh tranh thu hút vốn FDI vào các ngành công nghiệp mới và ngành công nghệ cao. Chúng ta đã duy trì một môi trường chính trị ổn định và tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong nhiều năm qua, sự ổn định này tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài và giúp Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn.

Vị trí địa lý của Việt Nam là một lợi thế quan trọng, có thể tiếp cận các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và ASEAN. Điều này tạo cơ hội cho các công ty đầu tư để xây dựng chuỗi cung ứng khu vực và phục vụ nhu cầu của các thị trường lân cận.

Bên cạnh đó, Việt Nam có một lực lượng lao động trẻ tuổi và có trình độ đào tạo ngày càng cải thiện. Các nhà đầu tư có thể tận dụng lao động giá rẻ nhưng có trình độ để triển khai các hoạt động sản xuất và nghiên cứu phát triển.

Chính phủ Việt Nam đã áp dụng nhiều chính sách khuyến khích đầu tư, bao gồm miễn thuế, giảm thuế và quyền sở hữu đất dành cho các dự án đầu tư trong các ngành công nghiệp mới và ngành công nghệ cao. Các chính sách này giúp tạo điều kiện thuận lợi và hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp Cơ quan Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đồng tổ chức Lễ công bố chương trình “Inno Vietnam-Japan Fast Track Pitch 2023 (Đổi mới sáng tạo Việt-Nhật: Đường đến thành công)”  tại NIC cơ sở Hà Nội, ngày 29/08/2023.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp Cơ quan Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đồng tổ chức Lễ công bố chương trình “Inno Vietnam-Japan Fast Track Pitch 2023 (Đổi mới sáng tạo Việt-Nhật: Đường đến thành công)”  tại NIC cơ sở Hà Nội, ngày 29/08/2023.

Việc Việt Nam thành lập NIC, là cơ quan của quốc gia thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và phát triển các ngành công nghệ cao, đặc biệt là ngành bán dẫn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới và tăng cường sự hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

NIC là hạt nhân cho việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, hướng tới trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực. Trung tâm hỗ trợ cung cấp, kết nối các nguồn lực dưới nhiều hình thức cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đồng thời tham gia đề xuất, xây dựng các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Cơ sở của NIC tại Hòa Lạc sẵn sàng hỗ trợ, đón nhận các dự án đầu tư nghiên cứu và phát triển từ các doanh nghiệp công nghệ quốc tế và sẽ thực hiện cơ chế một cửa, kết nối các doanh nghiệp nước ngoài với các cơ quan, đối tác tại Việt Nam trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh. 

NIC là hạt nhân cho việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, hướng tới trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực. Trung tâm hỗ trợ cung cấp, kết nối các nguồn lực dưới nhiều hình thức cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đồng thời tham gia đề xuất, xây dựng các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia

Cơ sở của NIC tại Hòa Lạc sẵn sàng hỗ trợ, đón nhận các dự án đầu tư nghiên cứu và phát triển.

Cơ sở của NIC tại Hòa Lạc sẵn sàng hỗ trợ, đón nhận các dự án đầu tư nghiên cứu và phát triển.

Phóng viên: Bên cạnh việc thúc đẩy mạnh các động lực tăng trưởng truyền thống, năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã đề cập đến yêu cầu phải tranh thủ tối đa các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài để thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, trong đó có khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Theo ông, vì sao các nhân tố mới này vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, và cần có giải pháp gì để có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của lĩnh vực này?

Ông Vũ Quốc Huy: Theo Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế là một trong những nhiệm vụ được đặt ra. Tuy nhiên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng.

Để đánh giá một quốc gia có chất lượng đổi mới tốt nhất, có ba chỉ số được nêu ra, bao gồm: Chỉ số xếp hạng các trường đại học trong nước so với quốc tế; chỉ số bằng sáng chế nộp tại các cơ quan chuyên môn; số lượng trích dẫn của các công trình nghiên cứu quốc tế.

Để đánh giá một quốc gia có chất lượng đổi mới tốt nhất, có ba chỉ số được nêu ra, bao gồm: Chỉ số xếp hạng các trường đại học trong nước so với quốc tế; chỉ số bằng sáng chế nộp tại các cơ quan chuyên môn; số lượng trích dẫn của các công trình nghiên cứu quốc tế.

Tuy nhiên, ở các chỉ số về số lượng trích dẫn của các công trình được công bố quốc tế, Việt Nam lại chưa có tên trong danh sách các nhóm dẫn đầu. Theo GII 2023, Chi cho R&D của Việt Nam xếp hạng 66, không có sự cải thiện so với các năm trước một phần vì đầu tư cho R&D rất tốn kém, nhiều đơn vị tổ chức bị hạn chế về nguồn lực tài chính.

Việc xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao ở Việt Nam phụ thuộc vào một số nhà máy của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, như Samsung (Hàn Quốc), cốt lõi công nghệ không phải do Việt Nam sáng tạo, vì thế tính gốc của đổi mới sáng tạo chưa chủ động, chưa bảo đảm tính lâu dài.

Bên cạnh đó, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam chưa thực sự bền vững. Các chỉ số trình độ phát triển của thị trường (giảm từ 43 xuống 49) và sản phẩm sáng tạo (giảm từ 35 xuống 36).

Đây là những chỉ số định hướng và quyết định hiệu quả của đổi mới sáng tạo. Ngay cả ở phía các doanh nghiệp, mức độ đổi mới sáng tạo cũng tương đối yếu do số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm tỷ lệ lớn là 97%(15), vốn ít, nhân lực không đủ, ngành, nghề quy mô nhỏ, không có tiềm lực để đổi mới công nghệ.

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thay đổi không ngừng, liên tục có các sản phẩm mới, hướng đi mới bên cạnh đó tính cạnh tranh của thị trường ngày càng cao. Trong khi đó, Việt Nam hiện đang thiếu một cơ chế chính sách và ưu đãi đủ mạnh để thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo bền vững, còn nhiều quy định phức tạp. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và bổ sung các chính sách hỗ trợ để hệ sinh thái phát huy hết tiềm năng.

Tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Đây là một trong những đột phá được nhắc tới trong Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội 10 năm từ 2021-2030.

Và từ xưa đã có câu “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Ngoài các yếu tố như thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn lực tài chính thì yếu tố con người vô cùng quan trọng vì chính con người sẽ làm chủ công nghệ. Nguồn nhân lực chất lượng cao mang lại năng lực và kiến thức chuyên môn cần thiết để tiến hành nghiên cứu và phát triển các công nghệ, sản phẩm mới. Sự đổi mới sáng tạo đòi hỏi khả năng tư duy sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề linh hoạt, nhạy bén. Các nhân lực chất lượng cao sẽ dễ dàng đáp ứng được những vấn đề này và đóng vai trò quan trọng trọng việc kích thích một môi trường làm việc đổi mới sáng tạo, lan tỏa tinh thần nỗ lực, sáng tạo không ngừng.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh thế giới ngày càng phức tạp và cạnh tranh, đổi mới sáng tạo là một yếu tố quyết định cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Nếu chúng ta muốn đạt được sự tiến bộ và đáp ứng các thách thức mới, chúng ta cần có nguồn nhân lực chất lượng cao để khai thác tiềm năng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh thế giới ngày càng phức tạp và cạnh tranh, đổi mới sáng tạo là một yếu tố quyết định cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Nếu chúng ta muốn đạt được sự tiến bộ và đáp ứng các thách thức mới, chúng ta cần có nguồn nhân lực chất lượng cao để khai thác tiềm năng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia

Việc Việt Nam thành lập NIC cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới và tăng cường sự hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Việc Việt Nam thành lập NIC cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới và tăng cường sự hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Phóng viên: Theo ông, các ngành công nghệ mới sẽ đóng góp như thế nào vào sự phát triển nền kinh tế, của đất nước trong bối cảnh thế giới mới?

Ông Vũ Quốc Huy: Các ngành công nghệ mới thường mang lại tiềm năng tăng trưởng kinh tế cao, tạo ra việc làm mới và nâng cao năng suất lao động; mang lại các giải pháp và dịch vụ mới, cải thiện chất lượng cuộc sống của con người.

Cùng với đó, các ngành công nghệ mới thường đòi hỏi sự đổi mới và sáng tạo, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, khám phá các giải pháp tiên tiến và tạo ra những sản phẩm và dịch vụ đột phá. Điều này góp phần vào một môi trường kinh doanh và sáng tạo năng động, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác nhau và tạo ra cơ hội kinh doanh mới.

Trong thế giới ngày càng toàn cầu hóa, các ngành công nghệ mới có thể giúp cải thiện khả năng cạnh tranh của một quốc gia. Bằng cách đầu tư và phát triển các ngành công nghệ tiên tiến, một quốc gia có thể trở thành một trung tâm quốc tế cho nghiên cứu và phát triển công nghệ, đóng vai trò quan trọng trong sự chuyển đổi kỹ thuật số của một quốc gia hoặc một ngành công nghiệp, từ đó thu hút đầu tư nước ngoài và tài năng.

Bên cạnh việc đề xuất các quy định mới về đầu tư cho đổi mới sáng tạo như Luật Đầu tư 2020; nghiên cứu tính khả thi của việc xây dựng cơ chế đầu tư mạo hiểm để trình Chính phủ; nghiên cứu, hình thành Quỹ đầu tư Đổi mới sáng tạo thuộc NIC; triển khai nghiên cứu ban đầu về cơ chế gọi vốn cộng đồng; đề xuất điều chỉnh, bổ sung Nghị định số 38/2018 thì NIC hiện chủ trì nghiên cứu, rà soát đề xuất xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 94/2020/NĐ-CP. Hiện nay, hồ sơ đề xuất xây dựng Nghị định đang được xin ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan.

Lễ Công bố Giải pháp Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 trong khuôn khổ Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Challenge) tại Hà Nội, 8/9/2023.

Lễ Công bố Giải pháp Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 trong khuôn khổ Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Challenge) tại Hà Nội, 8/9/2023.

Phóng viên: Ông có thể nhận định những khó khăn và thuận lợi lớn nhất của họat động đổi mới sáng tạo trong năm 2024 là gì?

Ông Vũ Quốc Huy: Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động nhờ tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số và sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ.

Những thuận lợi có thể đến từ yếu tố cơ sở hạ tầng số của Việt Nam phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng của lượng người dùng Internet và điện thoại thông minh.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng thanh toán trực tuyến của Việt Nam ngày một hoàn thiện và đang mở rộng nhanh chóng, mang lại nhiều lựa chọn thanh toán không tiền mặt dành cho người tiêu dùng, bao gồm thẻ tín dụng, chuyển khoản ngân hàng và ví điện tử.

Việt Nam có dân số trẻ với tỷ lệ người dùng am hiểu công nghệ cao, sẵn sàng tiếp nhận các sản phẩm công nghệ mới. Bên cạnh đó, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là sự nổi lên của các công ty lớn trong lĩnh vực Thương mại điện tử và Fintech.

Nền kinh tế số Việt Nam dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, ở mức 31% trong giai đoạn 2022-2025.

Một số khó khăn cũng được nhận diện. Đó là Việt Nam hiện đang thiếu một cơ chế chính sách và ưu đãi đủ mạnh để thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo bền vững. Điều này đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong việc bảo đảm nguồn vốn, thu hút và giữ chân nhân tài.

Chúng ta cũng còn thiếu các thương vụ thoái vốn lớn. Việt Nam cần có thêm những câu chuyện thành công về thoái vốn để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài khi lựa chọn đầu tư vào các công ty Việt Nam.

Nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đến từ các tập đoàn kinh tế lớn còn hạn chế. Các tập đoàn lớn có thể đóng vai trò tích cực hơn trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo & khởi nghiệp.

Synopsys, Inc. (Nasdaq:SNPS) ngày 18/9/2023 công bố hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) để phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch (IC) tại Việt Nam, trong đó Synopsys hỗ trợ NIC thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế chip.

Synopsys, Inc. (Nasdaq:SNPS) ngày 18/9/2023 công bố hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) để phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch (IC) tại Việt Nam, trong đó Synopsys hỗ trợ NIC thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế chip.

Phóng viên: Trong bối cảnh nhiều thuận lợi, khó khăn đan xen như vậy, theo ông, cần có cơ chế, chính sách gì để khuyến khích đổi mới sáng tạo Việt Nam đưa đổi mới sáng tạo trở thành tư duy, tầm nhìn, hành động mạnh mẽ hơn nữa?

Ông Vũ Quốc Huy: Để khuyến khích đổi mới sáng tạo và đưa nó trở thành một tư duy, tầm nhìn và hành động mạnh mẽ hơn ở Việt Nam, có một số cơ chế và chính sách có thể được áp dụng.

Đó là tạo ra một môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo: Chính phủ cần đưa ra các chính sách và cơ chế hỗ trợ đổi mới sáng tạo, bao gồm việc giảm các rào cản về quy định, thủ tục hành chính và thuế, cung cấp các khoản tài trợ và hỗ trợ tài chính cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, và xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp để khuyến khích sự sáng tạo.

Đẩy mạnh hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu và các viện - trường đại học. Điều này có thể bao gồm việc thành lập các trung tâm nghiên cứu, trung tâm ươm tạo…, xây dựng chương trình đào tạo và thực tập để trang bị và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho sinh viên và nhân viên.

Khuyến khích khởi nghiệp và sáng tạo công nghệ: Chính phủ có thể tạo ra các chương trình khuyến khích và hỗ trợ cho các start-up và các doanh nghiệp mới. Điều này có thể bao gồm việc cung cấp tài trợ, mức thuế thấp, sự hỗ trợ tư vấn-quản lý và xây dựng các hệ thống cơ sở hạ tầng và mạng lưới để khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo: Để đổi mới sáng tạo trở thành một tư duy và tầm nhìn, cần phát triển một hệ thống giáo dục và đào tạo tăng cường về kỹ năng sáng tạo, tư duy phản biện và khám phá. Việc đưa đổi mới sáng tạo vào chương trình giảng dạy và đào tạo chuyên nghiệp sẽ giúp trang bị cho thế hệ trẻ Việt Nam những kỹ năng cần thiết để thúc đẩy đổi mới trong mọi lĩnh vực.

Xây dựng cộng đồng đổi mới sáng tạo: Chính phủ và các tổ chức khuyến khích việc xây dựng cộng đồng đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bằng cách tổ chức các sự kiện, hội thảo, và các hoạt động giao lưu để tạo cơ hội giao tiếp, chia sẻ ý tưởng và hợp tác giữa các cá nhân và tổ chức có quan tâm.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

NGÀY XUẤT BẢN: 6/2/2024
TỔ CHỨC: KIM PHƯƠNG BÌNH
NỘI DUNG: TÔ HÀ-KHÁNH BÁCH
ẢNH: BÁO NHÂN DÂN, MPI, NIC
TRÌNH BÀY: BẢO MINH