Nỗ lực góp phần hiện đại hóa vũ khí, trang bị cho Quân đội
Thực hiện các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, thời gian qua, Viện Vũ khí, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng, tham gia thực hiện nhiều đề án, chương trình khoa học lớn, trọng điểm về nghiên cứu phát triển các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới, có tính tích hợp và hàm lượng khoa học cao, góp phần từng bước hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật cho quân đội ta.
Hành trình thầm lặng vượt thách thức
Cuối năm 2022, Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 đã gây ấn tượng mạnh khi thu hút được 174 doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng đến từ 30 quốc gia tham gia trừng bày sản phẩm.
Trong số này, đáng chú ý có tới 303 sản phẩm do Công nghiệp quốc phòng Việt Nam nghiên cứu, chế tạo sản xuất, bao gồm các nhóm vũ khí lục quân; súng đạn thế hệ mới; khí tài quang học; các loại tàu chiến; các loại thiết bị cho người lính theo hướng công nghệ cao…
Đặc biệt, cũng tại Triển lãm, các đơn vị của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã ký kết một số hợp đồng với các công ty của Hà Lan, Israel với tổng giá trị lên tới khoảng 25 triệu USD. Triển lãm không chỉ đánh dấu sự phát triển của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng; mà còn đồng thời khẳng định truyền thống của ngành Quân giới anh hùng; trong đó nổi bật là vai trò của Viện Vũ khí – đơn vị thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng ngày nay.
Viện Vũ khí là một trong những cơ sở nghiên cứu đầu ngành ra đời từ rất sớm (ngày 4/2/1947), với tên gọi ban đầu là Nha Nghiên cứu kỹ thuật, trực thuộc Cục Quân giới, Bộ Quốc phòng. Đây cũng là đơn vị nghiên cứu khoa học đầu tiên của Quân đội ta.
Với chức năng nghiên cứu thiết kế, chế tạo, cải tiến, sửa chữa các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật cho quân đội, gần 80 năm qua, Viện Vũ khí thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của toàn quân.
Trong khu vực hầm bắn của Viện Vũ khí, nhiều loại vũ khí, đạn dược do cán bộ của Viện nghiên cứu, chế tạo được bắn thử nghiệm. Quá trình bắn thử nghiệm đều có trang thiết bị đo lường hiện đại để đo các thông số kỹ thuật của các loại vũ khí. Đại tá, TS Nguyễn Phúc Linh, Viện trưởng Viện Vũ khí cho biết: Nghiên cứu, phát triển vũ khí, đạn dược thế hệ mới yêu cầu hàm lượng khoa học rất cao. Nhiều chi tiết khó, đặc thù của vũ khí cũng đã là những công trình nghiên cứu khoa học rất phức tạp. Đối với ngành công nghiệp quốc phòng nước ta, hiện nay, nền công nghệ vật liệu có những hạn chế nhất định.
Trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, thiết bị đo lường, thử nghiệm và hệ thống dây chuyền công nghệ sản xuất mặc dù đã được đầu tư cơ bản, đáp ứng yêu cầu sản xuất các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật có trong trang bị và một số loại vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới, tuy nhiên, đối với vũ khí công nghệ cao cần phải có bước tiến nhiều hơn nữa, bởi việc nghiên cứu thiết kế, chế tạo vũ khí còn gặp một số trở ngại, nhất là khó tiếp cận tri thức mới về khoa học-công nghệ quân sự tiên tiến, hầu hết các nước chỉ hợp tác đào tạo, chuyển giao ở mức độ giới hạn...
Theo Đại tá, TS Nguyễn Phúc Linh, có những đề tài trọng điểm do Viện thực hiện được tiến hành qua hai giai đoạn. Riêng giai đoạn nghiên cứu công nghệ kéo dài tới vài năm, áp dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại, lần đầu được phát triển tại Việt Nam, trong khi nhóm nghiên cứu phải bắt đầu từ con số 0.
Để hoàn thành nhiệm vụ thì phải vận dụng tốt kiến thức chuyên môn, phát huy khả năng ngoại ngữ và công nghệ thông tin để tìm kiếm, tra cứu thông tin cần thiết, rồi tham vấn ý kiến các chuyên gia đầu ngành. Quá trình nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, mất an toàn cao, đòi hỏi phải luôn cẩn trọng, tỉ mỉ, chính xác, khoa học...
Nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung giải quyết những khó khăn, 5 năm qua, Viện Vũ khí đã triển khai thực hiện gần 100 đề tài, nhiệm vụ khoa học-công nghệ về nghiên cứu thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật. Đến nay, đã có gần 70 đề tài, nhiệm vụ được hội đồng khoa học-công nghệ các cấp đánh giá, nghiệm thu; trong đó có 97% số đề tài đã được áp dụng vào sản xuất hoặc đủ điều kiện đưa vào sản xuất loạt.
Nhiều sản phẩm vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới do Viện Vũ khí nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng và từng bước hiện đại hóa Quân đội, như: Vũ khí có điều khiển, vũ khí chống tăng chống giáp phản ứng nổ thế hệ mới; tổ hợp súng và đạn cháy, súng và đạn nhiệt áp; pháo và đạn pháo cho hải quân; đạn nhiễu cho các tàu chiến; súng và đạn chống người nhái; lựu đạn chống người nhái; đạn pháo tăng tầm theo nguyên lý mới; hệ đạn cối mẫu mới, hệ súng và đạn cối triệt âm; súng và đạn phóng lựu liên thanh; súng và đạn bắn tỉa thế hệ mới; súng trung liên, súng tiểu liên, súng ngắn thế hệ mới; vũ khí hỏa lực trên xe thiết giáp, xe tăng thế hệ mới; phần chiến đấu cho UAV, USV; các loại khí tài quan sát, ngắm bắn hỗn hợp ngày - đêm; khí tài quan sát, ngắm bắn nhanh cho súng bộ binh; các loại mìn chống đổ bộ, mìn chống tăng thế hệ mới...
Thử nghiệm, nghiệm thu sản phẩm đạn nhiễu do Viện Vũ khí nghiên cứu, thiết kế.
Thử nghiệm, nghiệm thu sản phẩm đạn nhiễu do Viện Vũ khí nghiên cứu, thiết kế.
Thử nghiệm, nghiệm thu sản phẩm đạn pháo 130mm tăng tầm do Viện Vũ khí nghiên cứu, thiết kế.
Thử nghiệm, nghiệm thu sản phẩm đạn pháo 130mm tăng tầm do Viện Vũ khí nghiên cứu, thiết kế.
Dấu ấn Viện Vũ khí tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024
Sau khi tham gia trưng bày sản phẩm tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam lần thứ nhất năm 2022, Viện Vũ khí đã thu được một số kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu, phát triển các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật của các nước trên thế giới, nắm bắt được xu hướng phát triển, cũng như các phương thức tác chiến trong tình hình mới hiện nay.
Qua đó, tạo ra sự đổi mới trong việc phân tích, dự báo, đánh giá tình hình phát triển vũ khí, trang bị kỹ thuật; trên cơ sở đó đưa ra định hướng nghiên cứu các sản phẩm mới, bảo đảm phù hợp đặc điểm tình hình, nghệ thuật tác chiến của Quân đội ta; phục vụ cho công tác tham mưu, đề xuất và triển khai các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ về các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới, hiện đại, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Chính vì vậy, một số sản phẩm của Viện Vũ khí mang tới triển lãm lần này đã có những điểm mới hơn so với các sản phẩm đã được trưng bày tại triển lãm năm 2022, bao gồm hệ vũ khí chống tăng thế hệ mới, vũ khí trên tàu quân sự và vũ khí dưới nước, và một số loại vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lục quân và các quân, binh chủng…
Theo Đại tá, TS Nguyễn Phúc Linh, đây đều là những loại vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới, đa dạng về chủng loại, có tính tích hợp và hàm lượng khoa học cao, với nhiều tính năng nổi bật hơn, như: Có điều khiển, tăng tầm bắn, tăng uy lực, tăng độ chính xác bắn và tính cơ động…
Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, những sản phẩm được mang tới hầu hết là các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, được nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công trong những năm gần đây, với chỉ tiêu tính năng chiến thuật, kỹ thuật cao, phù hợp với điều kiện tác chiến trong giai đoạn hiện nay, đồng thời bảo đảm các điều kiện về xuất khẩu vũ khí, trang bị kỹ thuật theo quy định.
Ngoài ý nghĩa trong việc tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng, các sản phẩm trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 còn có ý nghĩa giới thiệu những thành tựu đạt được trong nghiên cứu thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật của công nghiệp quốc phòng Việt Nam với bạn bè quốc tế và nhân dân trong nước; khẳng định năng lực tự chủ trong nghiên cứu, sản xuất, bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật cho các lực lượng vũ trang, qua đó thể hiện được sự phát triển, sức mạnh của công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Bên cạnh đó, còn mở ra xu hướng hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Đại tá, TS Nguyễn Phúc Linh cho biết, Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 tạo cơ hội để Viện Vũ khí cũng như các đơn vị khác tìm hiểu các nguồn thông tin khoa học quân sự; tiếp cận tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến; nắm bắt xu hướng phát triển khoa học công nghệ trên thế giới trong thiết kế, chế tạo, nâng cấp, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật.
Từ đây, các đơn vị sẽ tiếp thu được nhiều nguồn thông tin, nắm được các lĩnh vực nghiên cứu thế mạnh của những đối tác nước ngoài tham gia tại triển lãm, làm cơ sở lựa chọn hướng hợp tác phù hợp khi có nhu cầu để phục vụ cho quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, đồng thời nâng cấp, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí trang bị hiện có nhằm đáp ứng tốt nhu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang trong thời gian tới.
“Kế thừa, phát huy những kết quả đạt được, Viện Vũ khí đang tích cực triển khai nghiên cứu, phát triển các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26/1/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo, góp phần đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật cho Quân đội, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Đại tá, TS Nguyễn Phúc Linh nhấn mạnh.
Ngày đăng: 12/2024
Nội dung: NHÓM PV
Trình bày: TUỆ LÂM
Ảnh: Báo Quân đội nhân dân, THÀNH ĐẠT