Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 63-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, với các nhiệm vụ, giải pháp có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi, phân công rõ nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương, tạo sự thống nhất, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân đoàn kết, đồng lòng, cùng chung khát vọng xây dựng Gia Lai trở thành vùng động lực khu vực Tây Nguyên.
Năm 2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đem lại thời cơ và động lực để các tỉnh Tây Nguyên phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời kỳ chiến lược mới. Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với đồng chí Hồ Văn Niên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai về kết quả đạt được cũng như khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 23 trên địa bàn tỉnh trong hơn một năm qua.
Phóng viên: Năm 2022, Bộ Chính trị lần đầu tiên ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xin đồng chí cho biết về ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết này với địa phương?
Đồng chí Hồ Văn Niên: Vùng Tây Nguyên luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Xuất phát từ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đó, ngày 18/1/2002, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010.
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị (khóa IX, XI), các tỉnh Tây Nguyên đã đạt được những kết quả to lớn, rất quan trọng; đặc biệt là Gia Lai chúng tôi đã nhận thức ngày càng sáng rõ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng để khai thác tốt hơn các tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã thể hiện trách nhiệm của toàn Đảng và cả nước đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên - vùng đất cách mạng, anh hùng, có nhiều đóng góp trong công cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Nghị quyết sẽ giúp các tỉnh Tây Nguyên khắc phục tồn tại, hạn chế để tiếp tục có những bứt phá và tăng tốc; đem lại thời cơ và động lực để các tỉnh Tây Nguyên nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng phát triển mạnh mẽ hơn trong thời kỳ chiến lược mới, giúp Gia Lai cũng như các tỉnh vùng Tây Nguyên đề ra quan điểm, mục tiêu, định hướng chính, mang tính đột phá và tầm nhìn dài hạn để phát triển nhanh, bền vững, tiệm cận với các tỉnh phát triển trong khu vực và cả nước.
Nghị quyết sẽ giúp các tỉnh Tây Nguyên khắc phục tồn tại, hạn chế để tiếp tục có những bứt phá và tăng tốc; đem lại thời cơ và động lực để các tỉnh Tây Nguyên nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng phát triển mạnh mẽ hơn trong thời kỳ chiến lược mới, giúp Gia Lai cũng như các tỉnh vùng Tây Nguyên đề ra quan điểm, mục tiêu, định hướng chính, mang tính đột phá và tầm nhìn dài hạn để phát triển nhanh, bền vững, tiệm cận với các tỉnh phát triển trong khu vực và cả nước.
Phóng viên: Sau hơn một năm Nghị quyết được ban hành, địa phương đã có những hành động cụ thể như thế nào để triển khai thực hiện Nghị quyết, thưa đồng chí
Đồng chí Hồ Văn Niên: Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, Đảng bộ tỉnh xem đây là kim chỉ nam cho định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian đến nên đã nghiêm túc triển khai công tác nghiên cứu, quán triệt nội dung Nghị quyết số 23-NQ/TW; Nghị quyết số 152/NQ-CP, ngày 15/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và các văn bản có liên quan để tạo sự thống nhất trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng.
Ngày 13/7/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 63-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị. Các nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình hành động được xây dựng có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả. Phân công rõ nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương để tổ chức triển khai với lộ trình, thời gian thực hiện cụ thể, phù hợp. Qua đó, tạo sự thống nhất, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân đoàn kết, đồng lòng, cùng chung khát vọng xây dựng Gia Lai trở thành vùng động lực khu vực Tây Nguyên.
Ngày 13/7/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 63-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị. Các nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình hành động được xây dựng có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả.
Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên trao đổi với các cán bộ trẻ người dân tộc thiểu số.
Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên trao đổi với các cán bộ trẻ người dân tộc thiểu số.
Phóng viên: Xin đồng chí chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình thực hiện Nghị quyết?
Đồng chí Hồ Văn Niên: Việc thực hiện Nghị quyết trên địa bàn tỉnh có những khó khăn, vướng mắc nhất định. Gia Lai là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn thứ hai cả nước, địa bàn rộng; khoảng cách từ tỉnh xuống huyện, xã rất xa nên đòi hỏi việc đầu tư là rất lớn.
Các hạ tầng mang tính chiến lược, kết nối chưa có (như: đường cao tốc, đường sắt…); hạ tầng chưa tạo ra các điểm nhấn có tính chiến lược để thu hút đầu tư và thúc đẩy các ngành kinh tế chủ lực phát triển.
Các nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng quá ít và rất hạn chế, phụ thuộc nhiều vào triển khai các công trình lớn của Trung ương trên địa bàn. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở một số địa phương vùng sâu, vùng xa, nhất là vùng căn cứ cách mạng còn khó khăn.
Các lĩnh vực được xem là hướng đột phá, như: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, dịch vụ du lịch… vẫn còn thiếu những quyết sách, cơ chế thật mạnh mẽ mang tính đặc thù để thúc đẩy phát triển.
Bên cạnh đó, khả năng huy động và thu hút nguồn vốn ODA, FDI và các nguồn lực lớn còn hạn chế, thiếu nguồn vốn đầu tư lớn, có chất lượng cao.
Phóng viên: Nghị quyết yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả nguồn lực, nhất là nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, coi đây là một trong những khâu đột phá cho sự phát triển nhanh và bền vững của vùng. Tỉnh Gia Lai đã triển khai thực hiện nhiệm vụ này như thế nào trong thời gian qua, thưa đồng chí?
Đồng chí Hồ Văn Niên: Để phát huy hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm đưa Gia Lai phát triển nhanh và bền vững, tỉnh đã tập trung nghiên cứu các giải pháp để nâng cao chất lượng, sử dụng có hiệu quả nguồn lực, phát huy được lợi thế tiềm năng của tỉnh.
Bên cạnh những đột phá về cơ chế chính sách, về hạ tầng..., tỉnh cũng xác định cần có đột phá về nhân lực và xem đây là khâu đột phá quan trọng vì suy cho cùng nguyên nhân của mọi nguyên nhân vẫn là yếu tố con người. Chính vì vậy, ngày 28/6/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tỉnh Gia Lai đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; trong đó xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững, chú trọng cơ cấu hợp lý, phát hiện, đào tạo bồi dưỡng cán bộ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số ở các cấp.
Bên cạnh những đột phá về cơ chế chính sách, về hạ tầng..., tỉnh cũng xác định cần có đột phá về nhân lực và xem đây là khâu đột phá quan trọng vì suy cho cùng nguyên nhân của mọi nguyên nhân vẫn là yếu tố con người.
Cùng với đó, tỉnh đã chỉ đạo sơ kết, tổng kết, bổ sung và đưa ra những nghị quyết để phù hợp sự phát triển của từng thời kỳ tạo ra các đột phá để phát triển, như: Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 20/1/2022 về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực của tỉnh Gia Lai đến 2030; Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 20/1/2022 về phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỉ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 20/1/2022 về đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch tỉnh Gia Lai đến 2030.
Gia Lai hiện nay có dân số trên 1,5 triệu người, gồm 43 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 46,23% dân số (chủ yếu là người Jrai và Bahnar). Đảng bộ tỉnh luôn quan tâm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, coi đây là nhân tố hàng đầu có tính quyết định; phấn đấu để các thôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều có đảng viên và chi bộ.
Tỉnh tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, bảo đảm chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý, có sự chuyển giao, kế thừa chặt chẽ giữa các thế hệ, nhất là đối với cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số.
Gia Lai hiện nay có dân số trên 1,5 triệu người, gồm 43 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 46,23% dân số (chủ yếu là người Jrai và Bahnar).
Phóng viên: Nghị quyết đặt ra nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có bảo vệ rừng gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước; nâng cao hiệu quả phát triển cây công nghiệp; đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, năng lượng tái tạo; phát triển bền vững công nghiệp khai thác bôxit, chế biến alumin, sản xuất nhôm. Tỉnh Gia Lai đã và đang triển khai những biện pháp nào trong quản lý sử dụng rừng và phát huy hiệu quả kinh tế rừng?
Đồng chí Hồ Văn Niên: Gia Lai hiện nay có diện tích hơn 1.551.000ha, trong đó đất quy hoạch cho lâm nghiệp 723.156,38ha, chiếm 46,62% tổng diện tích. Chính vì vậy Đảng bộ tỉnh xác định việc quản lý, bảo vệ và phát triển lâm nghiệp thực sự trở thành một ngành kinh tế quan trọng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, liên kết theo chuỗi từ phát triển rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản; quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích rừng tiến đến làm dịch vụ bán tín chỉ carbon, cho thuê môi trường rừng để trồng và phát triển dược liệu nhằm phát huy hiệu quả các lợi thế, tiềm năng vai trò và tác dụng của rừng để góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân gắn với công tác quản lý và bảo vệ rừng.
Đồng thời, xem việc bảo vệ rừng là bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần giữ vững quốc phòng, an ninh.
Gia Lai hiện nay có diện tích hơn 1.551.000ha, trong đó đất quy hoạch cho lâm nghiệp 723.156,38ha, chiếm 46,62% tổng diện tích. Chính vì vậy Đảng bộ tỉnh xác định việc quản lý, bảo vệ và phát triển lâm nghiệp thực sự trở thành một ngành kinh tế quan trọng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao.
Tỉnh cũng tập trung quản lý, bảo vệ, phục hồi hiệu quả diện tích rừng tự nhiên hiện có; bảo đảm tái sinh rừng, phát triển và nâng cao chất lượng hệ thống rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; trồng rừng gỗ lớn, khai thác, sử dụng hợp lý rừng sản xuất bảo đảm chức năng phòng hộ của rừng, bảo đảm an ninh nguồn nước; phát triển bền vững du lịch sinh thái.
Ngoài ra, Gia Lai tập trung đẩy mạnh việc giao rừng, cho thuê rừng (theo Luật Lâm nghiệp) cho các tổ chức, cá nhân. Chú trọng phát triển rừng gỗ lớn, nâng cao hiệu quả rừng trồng, lâm đặc sản, phát triển dược liệu dưới tán rừng đáp ứng nhu cầu lâm sản trong nước và làm nguyên liệu xuất khẩu. Nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 47,75%, bình quân mỗi năm trồng mới 8.000ha. Triển khai có hiệu quả Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo đúng chủ trương của Chính phủ.
Cùng với đó, phối hợp trong việc bảo vệ rừng, nhất là các khu rừng giáp ranh giữa các tỉnh: Gia Lai - Kon Tum; Gia Lai - Phú Yên; Gia Lai - Đắk Lắk; tăng cường và nâng cao hiệu quả các chính sách, cơ chế, chế tài trong quản lý, điều phối các vấn đề mang tính chất vùng, liên vùng có ảnh hưởng đến môi trường (cả bắt buộc và tự nguyện) như điều tiết nước, bảo vệ rừng, di dân tự do...
Khu vực núi lửa Chư Đăng Ya, Gia Lai
Khu vực núi lửa Chư Đăng Ya, Gia Lai
Đường giao thông nông thôn tại Gia Lai
Đường giao thông nông thôn tại Gia Lai
Biển Hồ Pleiku, Gia Lai.
Biển Hồ Pleiku, Gia Lai.
Phóng viên: Đồng chí có kiến nghị gì và địa phương có giải pháp nào để biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động trong thời gian tới?
Đồng chí Hồ Văn Niên: Về kiến nghị, Gia Lai nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung mong muốn Bộ Chính trị tiếp tục có cơ chế, chính sách đặc thù cho Gia Lai và vùng Tây Nguyên để phát triển kinh tế-xã hội toàn diện, phát triển kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, bảo vệ và phát triển rừng đồng bộ, phát triển cửa khẩu.
Đồng thời, có chính sách phát triển các lợi thế từ kinh tế rừng, như: dịch vụ bán tín chỉ carbon, cho thuê môi trường rừng để trồng và phát triển dược liệu dưới tán rừng nhằm phát huy hiệu quả gắn với lợi ích của người quản lý và trồng rừng, qua đó, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và rút ngắn khoảng cách với 5 vùng khác trên cả nước.
Ngoài ra, tập trung đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết chặt chẽ với những vùng Đông Nam Bộ, Duyên hải miền Trung, các vùng kinh tế lớn, năng động.
Hơn nữa, Gia Lai là trung tâm của khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; đề nghị Bộ Chính trị chỉ đạo Chính phủ bố trí các nguồn lực để thực hiện sớm các dự án đã quy hoạch dự kiến triển khai trước 2030 như cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, cao tốc Bắc - Nam phía Tây; đường sắt kết nối Tây Nguyên với Đông Nam Bộ.
Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Một góc TP Pleiku, trung tâm của tỉnh Gia Lai.
Một góc TP Pleiku, trung tâm của tỉnh Gia Lai.
Với tiềm năng lợi thế, Gia Lai đang phấn đấu trở thành “thủ phủ” của công nghiệp năng lượng tái tạo.
Với tiềm năng lợi thế, Gia Lai đang phấn đấu trở thành “thủ phủ” của công nghiệp năng lượng tái tạo.