

Quỳnh Trang: Lời đầu tiên, rất cảm ơn huấn luyện viên Mai Đức Chung vì ngày hôm nay ông đã đến với "Cà phê Nhân Dân" của chúng tôi. Trong một ngày tháng 4 đặc biệt như thế này, tôi thật sự rất xúc động khi được nói về trận cầu thống nhất vào năm 1976. Được biết lúc đó ông là trụ cột của đội bóng Tổng cục Đường Sắt trong cuộc đối đầu với đội Cảng Sài Gòn. Cảm xúc của ông ngày hôm đó như thế nào? Và ông có thể kể về trận cầu đó không ạ?
Thời gian qua rất nhanh, đến bây giờ đã là 49 năm rồi. Mà năm nay cũng là tròn 50 năm Việt Nam hoàn toàn giải phóng. Tôi rất vinh dự khi mình cũng đã là một phần của lịch sử vào thời điểm bấy giờ. Rất vinh dự.
HLV Mai Đức Chung trò chuyện cùng "Cà phê Nhân Dân"
HLV Mai Đức Chung trò chuyện cùng "Cà phê Nhân Dân"
HLV Mai Đức Chung: Tôi cùng với đội Tổng cục Đường sắt thời kỳ đó, đến nay một số anh đã không còn nữa, chỉ còn lại một vài người. Được có mặt ở trận cầu thống nhất năm xưa phải nói là rất vinh dự và tự hào. Khi được nhận nhiệm vụ vào phía Nam để thi đấu phục vụ bà con, tôi đã nghĩ đây là một nhiệm vụ rất nặng nề, nhưng rất là vinh quang.
Trước khi đi, chúng tôi được học tập về chính trị vì thời điểm đó miền Nam mới giải phóng được một năm, còn nhiều điều đất nước ta vẫn phải giải quyết. Thế nên trong bối cảnh đó chúng tôi lên đường với tinh thần thể thao phục vụ nhân dân là chính.
Quỳnh Trang: Thời điểm đó khi đội bóng Tổng cục Đường sắt vào đến Thành phố Hồ Chí Minh thì sự đón nhận của mọi người dành cho ông và đội bóng của ông như thế nào ạ?
HLV Mai Đức Chung: Rất náo nhiệt và tình cảm, như anh em xa cách một nhà đã lâu rồi không gặp nhau. Ngày đó nếu ngành đường sắt hoàn thiện đoàn tàu thì chúng tôi sẽ đi tàu, nhưng sau một năm giải phóng còn nhiều khó khăn, vất vả nên đường sắt chưa kịp hoàn thiện, thế nên chúng tôi đi máy bay vào. Xuống đến sân bay Tân Sơn Nhất thì đã thấy rất đông khán giả, bà con, có người cầm cờ Tổ quốc, có người cầm hoa, rồi các vận động viên cũng ra sân bay để đón tiếp chúng tôi.
Cảm giác rất gần gũi, tình cảm sâu đậm như anh em một nhà lâu ngày gặp lại. Từ sân bay cho đến khi về khách sạn, hai bên đường vẫn còn bà con đứng phất cờ, vẫy tay. Chúng tôi cũng hiểu đó là thứ tình cảm không thể nào mà chia cắt được.
Quỳnh Trang: Vâng, sau 49 năm nhưng cảm xúc vẫn còn nguyên vẹn giống như ngày đó, nhất là trong trận cầu đặc biệt đấy cầu thủ trung phong Mai Đức Chung lại là người ghi bàn thắng mở tỉ số đúng không ạ?
HLV Mai Đức Chung: Thời điểm đó với mỗi cầu thủ ai cũng rất vinh dự, tự hào vì đội Tổng cục Đường sắt đang là đội mạnh nhất miền Bắc, đội được Tổng công đoàn Lao động Việt Nam cử vào miền Nam phục vụ bà con nhân dân. Lần đầu tiên, hai đội bóng ở hai miền Nam - Bắc thi đấu trong hoàn cảnh đất nước đã thống nhất và tình anh em đã nối kết lại. Đối với cá nhân tôi còn tự hào hơn nữa khi tôi là cầu thủ trực tiếp ghi bàn thắng trong trận đấu.
Pha đánh đầu ghi bàn mở tỷ số của cầu thủ Mai Đức Chung trong trận đấu giữa đội Tổng cục Đường sắt và Cảng Sài Gòn năm 1976. Ảnh tư liệu
Pha đánh đầu ghi bàn mở tỷ số của cầu thủ Mai Đức Chung trong trận đấu giữa đội Tổng cục Đường sắt và Cảng Sài Gòn năm 1976. Ảnh tư liệu
Trận cầu đá với Cảng Sài Gòn phải nói là hai đội đá rất căng nhau về mặt chuyên môn. Mỗi đội đều thể hiện một sự quyết tâm lớn, nhưng mục đích cao nhất vẫn là phục vụ bà con, với tinh thần đoàn kết, không có va chạm hoặc có lời nói gì. Điều đó cũng chứng tỏ sự thấu hiểu lẫn nhau giữa các vận động viên của hai đội.
Cũng có lẽ bởi đây là bóng đá, một môn thể thao có sức mạnh gắn kết tất cả mọi người lại với nhau.
Tôi còn nhớ khán giả chật kín sân. Trận đấu diễn ra lúc năm giờ chiều thì ngay mười một giờ trưa khán giả đã đông nghịt rồi. Có những khán giả còn trèo lên cây, trèo lên cột đèn, trèo lên bờ tường nhà dân để xem. Lực lượng bộ đội rất vất vả duy trì trật tự.
Trước khi thi đấu bà con đã đứng hết ngoài sân, thậm chí nhiều người còn cố gắng chạm tay vào các cầu thủ, rồi còn có những lời nói rất thật thà, đáng yêu: Chu cha, các anh vận động viên ngoài Bắc rất to, cao, khỏe mạnh, đẹp giai như thế này. Chúng tôi cứ tưởng các anh gầy bé lắm cơ... Lời nói đấy thốt lên làm cho chúng tôi rất vui. Những lời nói đó làm toát lên hình ảnh tươi đẹp của miền Bắc xã hội chủ nghĩa chúng ta lúc bây giờ.



TÔI KHÔNG THOÁT KHỎI ĐƯỢC CÁI NGHỀ BÓNG ĐÁ
Quỳnh Trang: Vào thời điểm đó, đất nước mới thống nhất chắc chắn còn rất nhiều khó khăn. Ngành thể thao cũng không ngoại lệ. Để theo được thể thao chắc hẳn ông phải có niềm đam mê đặc biệt. Ông có thể chia sẻ cơ duyên đưa mình đến với thể thao và chặng đường khó khăn mà ông đã phải nỗ lực vượt qua?
Ảnh: TƯ LIỆU
Ảnh: TƯ LIỆU
HLV Mai Đức Chung: Bố mẹ tôi đều là công nhân. Chúng tôi cũng rất thấu hiểu hoàn cảnh đất nước khó khăn lúc bấy giờ nên bản thân luôn nỗ lực vượt qua nghịch cảnh. Ngày đó, mẹ tôi làm ở sân vận động Hàng Đẫy, Hà Nội, nhà tôi ở ngay cạnh sân, phố Trịnh Hoài Đức. Bởi thế tôi luôn được vào sân tập luyện và xem các cầu thủ đàn anh thi đấu ở đấy.
Tôi luôn có suy nghĩ là mình sẽ chơi thể thao, và chỉ có thể thao, mặc dù đứng trước vô vàn vất vả.
Năm 1965, tôi có giấy gọi nhập học vào hệ dự bị Văn hóa Thể thao của trường Đại học Thể thao Từ Sơn. Khi đó tôi vừa tập luyện và vừa thi đấu. Những năm đó cũng là đỉnh điểm của chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, lớp vận động viên phải đi sơ tán khắp nơi. Mặc dù vậy tôi vẫn tiếp tục cố gắng học lên Đại học Thể dục thể thao. Đến cuối năm 1971, vừa tốt nghiệp đại học thì tôi may mắn được ông Bùi Nghẽn lúc đó là huấn luyện viên đội Xe Ca để mắt tới và sang trường xin trực tiếp tôi về, dù trước đó tôi có quyết định về Sở Giáo dục Hà Nội.
Chơi được nhiều môn thể thao, nhưng nhiều lúc tôi thấy đi đá bóng cũng tốt, làm cầu thủ cũng hay. Thế nên khi đó tôi quyết định về xí nghiệp đóng xe ca, vừa sản xuất, vừa tập luyện, vừa chiến đấu.
Đến đầu năm 1975, xí nghiệp đóng xe ca chuyển đổi cơ sở về Thanh Xuân và giải tán đội bóng, cùng thời điểm đó đội Tổng cục Đường sắt sang mời tôi về đội.
Về được một thời gina thì đội Đường sắt giải tán, tôi sang công tác ở phòng thể dục thể thao của Tổng cục Đường sắt. Tôi vừa đá bóng vừa làm công việc khác như đi dạy, dạy võ, dạy các môn quốc phòng cho cán bộ công nhân viên của ngành đường sắt ở Thái Nguyên. Tôi còn nhớ mãi!
Dần dần, đất nước chúng ta thống nhất, thể thao phát triển đội Tổng cục Đường sắt cũng được thi đấu liên tục, ra nước ngoài thi đấu, rồi đá trong nước, rất có tiếng tăm. Cuôc đời bóng đá của tôi bắt đầu như thế và luôn cho đến bây giờ.
Vô địch giải A1 toàn quốc năm 1980 cùng đội bóng Tổng cục Đường sắt với thành tích bất bại. Ảnh tư liệu
Vô địch giải A1 toàn quốc năm 1980 cùng đội bóng Tổng cục Đường sắt với thành tích bất bại. Ảnh tư liệu
Quỳnh Trang: Trong cuộc đời làm thể thao của mình có một quãng thời gian rất dài ông gắn bó với nghề huấn luyện viên. Có những thời điểm, có những nhiệm vụ không ai muốn đứng ra đảm nhận nhưng ông luôn là người sẵn sàng gánh lấy nó với tất cả trách nhiệm. Vậy thưa ông, động lực nào đã khiến cho ông không bao giờ từ chối những nhiệm vụ khó khăn như vậy?


HLV Mai Đức Chung: Tôi xuất thân từ gia đình công nhân nghèo, tôi vẫn luôn luôn suy nghĩ phải lao động tốt. Phải chăm chỉ làm ăn thì cuộc sống mới đổi thay được. Từ suy nghĩ đó tôi cũng phấn đấu, từ một cậu học sinh lên sinh viên rồi trở thành một cán bộ, BÓNG ĐÁ với tôi cũng là một cái nghiệp. Tức là tôi không thoát khỏi được cái nghề bóng đá. Ngoài nghề đó không thể làm việc gì khác. Nên tôi luôn tận tâm với công việc của mình.
Tất nhiên thì mỗi một người còn có sự may mắn, kèm theo đó là sự hỗ trợ, hợp lực của tất cả mọi người, và tôi là người có được may mắn như vậy.
50 năm hoạt động thể thao, gần 30 năm làm việc với bóng đá nữ, tôi lúc nào cũng được các em, các cháu yêu kính, quý mến. Có lẽ cũng bởi sống hòa đồng, luôn luôn chăm sóc các bạn để các bạn làm tốt nhiệm vụ của mình chứ không có nề hà việc gì cả.
Khi mà tôi nhận nhiệm vụ làm huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá Nam đi dự nốt hai trận đấu của cúp Châu Á để chúng ta tiếp tục vào trong, có người khuyên tôi không nên nhận nhiệm vụ đó nữa, vì mình đã quá nổi tiếng rồi. Lúc đó đội bóng đá Nam vừa bị loại ngay từ vòng bảng khi thi đấu tại SEA Games. Huấn luyện viên trưởng xin thôi việc, trong khi đó các trận đấu đã cận kề. Cuối cùng, Liên đoàn mời đến tôi. Trong lúc đó tôi sẵn sàng nhận.
Tôi không sợ mất hết uy tín hoặc thành tích của mình trước đó, mình dám làm, mọi người sẽ thông cảm với mình về quyết định đó.



Quỳnh Trang: Quãng thời gian làm huấn luyện viên của ông rất dài, cũng có những nốt thăng và cả những nốt trầm nhưng hình ảnh của ông luôn hiện lên là một người có một tinh thần thép mạnh mẽ, vững chãi. Liệu rằng có khoảnh khắc nào đó sự vững chãi này bị lung lay không?
HLV Mai Đức Chung: Trong cuộc đời mỗi người thì đều có lúc thăng có lúc trầm, có lúc vui có lúc buồn nữa. Và nhất với nghề thể thao mà nhất là bóng đá thì nó luôn ở bên cạnh, song hành với nhau.
Có trận trước vừa mới thắng, trận sau đã thua, cũng có những lúc chán nản định xin thôi không làm nữa. Đến hôm nay tôi dám thốt lên những lời như vậy vì trong bóng đá cũng lắm KHẮC NGHIỆT, nó đòi hỏi mỗi một huấn luyện viên, người làm bóng đá phải có thần kinh vững vàng.
Huấn luyện viên Mai Đức Chung chỉ đạo các học trò từ ngoài đường biên. Ảnh: VFF
Huấn luyện viên Mai Đức Chung chỉ đạo các học trò từ ngoài đường biên. Ảnh: VFF
Bản thân tôi, cái đầu tiên là luôn rèn luyện để có cho mình một sức khỏe tốt, thể lực tốt thì mới đảm đương được nhiều nhiệm vụ quan trọng. Thứ hai là phải rèn luyện tinh thần. Tinh thần dám làm, dám chịu, mà không sợ hãi! Phải có tư tưởng đấy, nếu cứ suy đi tính lại trước sau mà không dám làm thì rõ ràng là không thể làm được điều gì.
Tôi cũng luôn luôn động viên các bạn vận động viên là trên ngực các bạn có lá cờ Tổ quốc Việt Nam. Chúng ta đi thi đấu, chúng ta phải vì màu cờ sắc áo. Chúng ta không coi thường đối phương, nhưng cũng không sợ đối phương. Nếu chúng ta chưa đá chúng ta đã sợ rồi thì không thể làm một cái gì cả!
Quỳnh Trang: Cũng đã từng dẫn dắt cả đội tuyển bóng đá nam và bóng đá nữ, với ông công tác huấn luyện đội nào khó khăn hơn?
HLV Mai Đức Chung: Đầu tiên tôi phải nói là rất vất vả. Tôi đã từng làm bóng đá nam và bóng đá nữ, kể cả đội tuyển. Giáo án hai đội gần như nhau. Đội nam tập được thì đội nữ cũng tập được. Nhưng đội nữ có một cái khác biệt đó là tinh thần thi đấu, là sự dẻo dai bền bỉ.
Chỉ có vậy thì người ta mới tập được, mới đảm bảo được giáo án huấn luyện đưa ra. Phải nói là nghị lực của các cầu thủ bóng đá nữ Việt Nam chúng ta, đến bây giờ tôi vẫn âm thầm khen ngợi các bạn và rất coi trọng các bạn.

Bàn thắng đầy cảm xúc của Hải Yến trong trận chung kết với đội tuyển Thái Lan tại SEA Games 30.
Bàn thắng đầy cảm xúc của Hải Yến trong trận chung kết với đội tuyển Thái Lan tại SEA Games 30.
“Trong công việc bất kỳ khó khăn nào tôi sẵn sàng tôi nhận vì tôi vẫn tâm niệm tôi là người Đảng viên, và người Đảng viên phải luôn xung phong đi mọi vấn đề phía trước, khi mọi người vẫn đang suy nghĩ hay dùng dằng thì mình phải dám đương đầu với khó khăn chứ đừng có sợ hi sinh.”
HLV Mai Đức Chung
HUẤN LUYỆN VIÊN MAI ĐỨC CHUNG VÀ “NHỮNG ĐỨA CON TRONG GIA ĐÌNH”
Quỳnh Trang: 30 năm gắn bó với bóng đá nữ, chắc chắn những khoảnh khắc đặc biệt không phải chỉ một lần đúng không ạ? Nhất là khi các cầu thủ gặp một vấn đề gì đó thì "bố" Chung còn xót xa hơn rất là nhiều?
HLV Mai Đức Chung: Trong luyện tập và thi đấu, huấn luyện viên của đội nữ gặp nhiều vấn đề lắm. Ví dụ vận động viên nam có thể chỉ chấn thương hoặc ốm đau nhưng mà bóng đá nữ thì lại phát sinh rất nhiều thứ: vấn đề cá nhân hoặc cả tình cảm gia đình. Ngoài chấn thương, ngoài đau ốm thì có bệnh nữ hàng tháng nữa. Ban huấn luyện luôn thay đổi giáo án để làm cho phù hợp với các trận thi đấu hoặc các buổi tập của đội nữ.
Ví dụ một buổi tập tôi đưa ra là 12 x 2 tức là 24 người, tạo thành cặp đôi để tập đối kháng với nhau. Thế nhưng có hôm bạn 3 bạn nghỉ, có hôm một bạn nghỉ thì chúng tôi lại phải đảo lại.
Và hai là nắng mưa. Nữ người ta sợ đen lắm. Nhưng mà đây các bạn bóng đá nữ của chúng ta thì luôn luôn hy sinh. Nhiều hôm phải bôi kem thật nhiều rồi ra tập ngoài nắng. Có hôm đang tập thì mưa, chúng tôi vẫn phải tiếp tục tập. Đấy rồi, một ngày hai buổi tắm giặt, gội đầu là chuyện bình thường. Khó khăn và thiệt thòi nhiều lắm.
Quỳnh Trang: Huấn luyện viên không chỉ là huấn luyện về chuyên môn, rõ ràng thầy Chung còn là người ở rất sát với các bạn để chia sẻ về cả những tâm tư tình cảm. Những lúc các cầu thủ có những tâm tư, có những phút yếu lòng trong quá trình luyện tập thì thầy Chung sẽ phải động viên và hỗ trợ như thế nào?
HLV Mai Đức Chung: Huấn luyện viên bóng đá nếu ở nước ngoài thì chúng tôi chỉ đảm nhiệm về chuyên môn, luyện tập ròi ra sân thi đấu, chỉ có thế, nhưng mà đây, phải quản lý hết tất cả về tinh thần, về sinh hoạt, về mọi mặt, quản cả về tình cảm tâm lý nữa.
Tôi coi các bạn như là con là cháu, có nhiều người chỉ bằng cháu nội của tôi ở nhà. Nhưng mà tôi rất coi trọng, tôi không có phân biệt ai với ai cả, tất cả đều giống nhau, vì tình thương, vì tình đồng đội với nhau trong một tập thể.
Trong mỗi cuộc họp tôi nói các bạn là: Các bạn hãy coi đây là ngôi nhà thứ hai sau ngôi nhà của gia đình, các bạn phải thương yêu nhau, phải biết đoàn kết với nhau chứ nếu các bạn không biết đoàn kết, không biết thương yêu nhau thì chúng ta không thể hoàn thành nhiệm vụ được. Và tôi luôn luôn lấy ví dụ về bó đũa, nếu bó đũa chập lại thì không ai có thể bẻ được, nhưng nếu tách từng cái ra mà chúng ta bẻ thì dễ lắm.
Chính vì thế, các bạn đã biết khắc phục được khó khăn, vượt qua gian khổ.Có những hoàn cảnh rất là đặc biệt, đến bây giờ, trong tôi vẫn luôn luôn nhớ.
Năm 2003, tức là năm đầu tiên đất nước ta tổ chức SEA Games tại Việt Nam, lúc đó bóng đá nữ được tổ chức tại Hải Phòng, bóng đá nam tổ chức ở Hà Nội. Chúng tôi đã vượt qua hết tất cả đối thủ trong vòng bảng. Bấy giờ còn một trận chung kết nữa với đội tuyển Myanmar. Lúc ấy Myanmar rất mạnh, mạnh hơn Thái Lan nhiều.
Đến ngày hôm sau đá thì hôm nay có bác sĩ bảo tôi là: báo cáo anh, có một vận động viên trong đội hình chính của chúng ta ngày mai đúng kỳ nhạy cảm, rất khó khăn.
Ảnh: VFF
Ảnh: VFF
Tôi rất thương các bạn bởi nếu mà bị thế, tập luyện rồi thi đấu căng thẳng thì không hiểu tương lai sau này như thế nào, ảnh hưởng ra sao. Tôi cũng phải lo nghĩ cho bạn ngày sau này nữa. Sau đó tôi gọi vận động viên lên gặp thì bạn ấy cũng thú nhận. Lúc đó tôi chỉ nói: bị thế này rồi, thì mai phải dự bị thôi, không thể đá được. Xong bạn ấy lăn ra dưới đất bạn ấy khóc. Bạn ấy lăn lộn mà khóc, rồi bảo ngày mai chúng con lấy huy chương vàng cho Tổ quốc Việt Nam, sao bác lại để cho con ở ngoài là thế nào?
"Quyết định cho con đá" - cô ấy khẳng định như vậy! Trong thâm tâm tôi lúc đó là thương, thương cháu lắm! Nó quyết tâm như vậy, mình cũng mừng nhưng nhỡ sau này không hiểu cháu nó có oán trách mình không. Bản thân tự lương tâm mình cũng suy nghĩ chứ.
Đấy có nhiều sự việc như thế mà mình phải dám giải quyết, dám đương đầu. Ở trận đấu đó Việt Nam thắng Myanma 2-1 và dành chức vô địch SEA Games.
Quỳnh Trang: Đến tháng 5 này đội tuyển nữ sẽ tập trung. Vậy ông có thể chia sẻ một chút về mục tiêu trong năm nay của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam không ạ?
HLV Mai Đức Chung: Mục tiêu của đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Việt Nam chúng tôi năm nay rất quan trọng. Mùng 6 tháng 5 chúng tôi sẽ tập trung, sau đó mười ngày, chúng tôi sẽ có một trận đấu quốc tế với câu lạc bộ bóng đá nữ của Đức. Tháng 6 chúng tôi sẽ thi đấu vòng loại bóng đá nữ châu Á tại Việt Trì, Phú Thọ.
Và đến tháng 8, chúng tôi tiếp tục thi đấu vòng chung kết AFF cúp. Sau đó đầu tháng 12 thì thi đấu SEA Games tại Thái Lan. Đấy là 3 nhiệm vụ quan trọng phải nói rất là nặng nề của đội tuyển nữ. Ngoài thời gian thi đấu quốc tế, thời gian trống các bạn sẽ về thi đấu giải Vô địch Quốc gia trong nước, đây cũng là cơ hội để ban huấn luyện tuyển lựa những gương mặt mới cho đội tuyển.
Quỳnh Trang: Lịch trình cũng rất dày đúng không ạ? Vậy xin được chúc ông cũng như các tuyển thủ của đội tuyển nữ Việt Nam sẽ giữ được thể lực và phong độ tốt nhất để đạt được mục tiêu cao nhất mình đã đặt ra. Một lần nữa xin được cảm ơn huấn luyện viên Mai Đức Chung đã đến với "Cà phê Nhân Dân" ngày hôm nay.
HLV Mai Đức Chung: Vâng, xin cảm ơn khán giả mọi miền tổ quốc trên "Cà phê Nhân Dân". Chúc mọi người có sức khỏe và thành đạt trong cuộc sống. Chúc tòa soạn của chúng ta ngày càng phát triển hơn, lớn mạnh hơn nữa.
Ngày xuất bản: 4/2025
Tổ chức sản xuất: DUY HƯNG - KHÁNH SƠN
Thực hiện: QUỲNH TRANG
Trình bày: NHƯ TRANG
Video: HỒNG QUÂN - HIẾU MINH - LÊ CHÍ - ANH ĐỨC , Ảnh: TRẦN HẢI



Thầy trò huấn luyện viên Mai Đức Chung với hành trình lịch sử tại World Cup nữ 2023. Ảnh: TAM NINH
Thầy trò huấn luyện viên Mai Đức Chung với hành trình lịch sử tại World Cup nữ 2023. Ảnh: TAM NINH
Huấn luyện viên Mai Đức Chung có cuộc trò chuyện với "Cà phê Nhân Dân".
Huấn luyện viên Mai Đức Chung có cuộc trò chuyện với "Cà phê Nhân Dân".
Thủ tướng Phạm Minh Chính ân cần hỏi thăm, động viên Ban huấn luyện, Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính ân cần hỏi thăm, động viên Ban huấn luyện, Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện, động viên Huấn luyện viên Mai Đức Chung.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện, động viên Huấn luyện viên Mai Đức Chung.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo VFF và HLV Mai Đức Chung.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo VFF và HLV Mai Đức Chung.