Trang trí trên đường phố để chào đón năm mới ở Bắc Kinh. (Ảnh: VI SA)

Trang trí trên đường phố để chào đón năm mới ở Bắc Kinh. (Ảnh: VI SA)

Hổ là một trong 12 con giáp trong văn hóa truyền thống phương Đông. Hình tượng hổ có nhiều ý nghĩa tích cực, phong phú trong quan niệm của người dân Trung Quốc, điều này khiến cho việc đón một cái Tết “năm Dần” ở đất nước đông dân nhất thế giới cũng có nhiều nét độc đáo với những phong tục truyền thống khác nhau.

Hổ là một trong những loài động vật lớn nhất thuộc họ mèo. Hổ hầu như không có thiên địch trong tự nhiên và là một trong những loài ăn thịt trên cạn mạnh nhất. Vì vậy, hổ là mãnh thú của núi rừng, được coi là chúa tể sơn lâm hay thủ lĩnh của muôn thú.

Tuy nhiên, quần thể hổ hiện đang ở trong tình trạng nguy cấp toàn cầu, được liệt kê trong Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES), Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) , là loài động vật hoang dã được bảo vệ trọng điểm cấp quốc gia của Trung Quốc.

Hổ chỉ phân bố ở châu Á, không có sự phân bố tự nhiên tại bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới. Trong đó, Trung Quốc là đất nước có sự tồn tại của nhiều loài hổ nhất, gồm hổ Siberia, hổ Hoa Nam, hổ Đông Dương và hổ Bengal.

Hiện nay, số lượng hổ hoang dã trong tự nhiên tại Trung Quốc và cả thế giới đều rất ít. Trong đó, loài hổ Hoa Nam đã không tìm thấy những bằng chứng xác thực về sự tồn tại trong môi trường hoang dã; loài hổ Siberia có số lượng nhiều nhất ở Trung Quốc, số cá thể hoang dã qua số liệu theo dõi là hơn 60 con.

Sản phẩm thủ công đẹp mắt nhân năm con hổ.

Sản phẩm thủ công đẹp mắt nhân năm con hổ.

Theo Giáo sư Trương Minh Hải, Đại học Lâm nghiệp Đông Bắc Trung Quốc, loài hổ từng có thời kỳ phát triển mạnh cả về số lượng và phạm vi phân bố ở Trung Quốc với hàng nghìn cá thể. Trong đó, hổ Siberia chủ yếu ở ba tỉnh đông bắc và một phần Nội Mông, hổ Hoa Nam thì có mặt tại các tỉnh Chiết Giang, Phúc Kiến đến Tứ Xuyên, Quảng Tây, Hà Nam; hổ Ấn Độ phân bố ở tỉnh Vân Nam, còn hổ Bengal thì ở một số khu vực của Tây Tạng.

Cũng theo giáo sư Trương Minh Hải, loài hổ xuất hiện ở Trung Quốc khoảng hai triệu năm về trước, ở khu vực trung lưu sông Hoàng Hà, sau đó dần dần mở rộng phạm vi phân bố ra các vùng miền khác của Trung Quốc.


Nếu như người phương Tây coi sư tử là vua của muôn loài, thì người Trung Quốc lại coi hổ là chúa tể rừng xanh. Người Trung Quốc từ xa xưa đã tôn thờ loài hổ và ngưỡng mộ sự dũng mãnh và sức mạnh của hổ. Họ tin rằng, hổ có thể chế ngự cả núi rừng mà làm cho muôn loài phải khiếp sợ và phục tùng, là biểu tượng của sức mạnh và quyền lực.


Trong xã hội nông nghiệp cổ xưa ở Trung Quốc, hổ là một trong bốn loài thú có thể "trấn ác trừ tà", mang ý nghĩa như một vị thần bảo vệ cuộc sống của con người (bạch hổ cùng với thanh long, chu tước và huyền vũ).

Trong văn hóa Trung Quốc, văn hóa hổ là một trong những nền văn hóa thờ vật tổ (Totem) ra đời sớm nhất, bắt nguồn từ tín ngưỡng sùng bái thiên nhiên và vật tổ, là một trong những nội dung văn hóa của cư dân nguyên thủy và bộ phận quan trọng trong nền văn hóa truyền thống Trung Hoa.

Đáng chú ý, trong quá trình diễn tiến văn hóa, tuy hổ không trở thành biểu tượng của các bậc đế vương, nhưng lại luôn được coi là hiện thân của quyền lực và sức mạnh, như dùng "hổ phù" để điều binh khiển tướng, dùng "hổ tướng" để chỉ vị tướng dũng mãnh, "hổ sư" để chỉ đội quân thiện chiến...

Còn trong quan niệm dân gian, hổ tượng trưng cho chính nghĩa, sự dũng mãnh và uy nghiêm, có thể xua đuổi tà ác và tai họa. Chính vì thế, trong truyền thuyết dân gian, hội họa và kịch truyền thống, cũng như các lĩnh vực văn hóa khác, hình tượng hổ xuất hiện ở khắp mọi nơi, như trong tranh Tết dân gian, nghệ thuật cắt giấy, điêu khắc, thêu truyền thống... được khắc họa như là một loài thú đem lại may mắn, có thể bảo vệ nhà cửa, tài sản, trừ tà…

Bày bán vật dụng trang trí hình hổ ở một chợ bán lẻ, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.

Bày bán vật dụng trang trí hình hổ ở một chợ bán lẻ, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc.

Mở rộng ra đối với các cá thể trong xã hội, người Trung Quốc cho rằng, những người sinh năm hổ (năm Dần) sẽ có tính cách lạc quan, cởi mở, thẳng thắn, cương trực, có khả năng truyền cảm hứng cho người khác, sẽ trở thành "tâm điểm" nổi bật giữa mọi người.

Xuất phát từ sự tôn thờ đối với loài hổ, mà trong dân gian Trung Quốc, xuất hiện nhiều danh xưng gắn liền với hổ, như các địa danh: tháp Hổ Khâu ở thành phố Tô Châu, suối Hổ Bào ở thành phố Hàng Châu, ải Hổ Lao ở tỉnh Hà Nam, kênh Lão Hổ ở tỉnh Thiểm Tây, thung lũng Hổ Khiêu ở tỉnh Vân Nam...

Xưa kia, người Trung Quốc đón Tết không chỉ dán "môn thần" mà còn dán hình ảnh con hổ lên cổng nhà, bởi quan niệm dân gian cho rằng hổ có thể trừ tà, phù hợp với tâm lý cầu mong bình an và hạnh phúc vào đầu năm mới. Có nhiều nơi còn treo tranh hổ ở phòng khách và phòng ngủ với ý nghĩa "thần hổ trấn trạch", gửi gắm mong muốn chiến thắng tà ác, giữ gìn cuộc sống bình an.

Ở miền nam Trung Quốc, hổ còn gắn liền và trở thành biểu tượng của "phúc"; trong các loại tranh dân gian truyền thống để cầu tài lộc và may mắn, thường có một hoặc vài hình ảnh "mãnh hổ" rất sặc sỡ.

Nghệ nhân ở thành phố Tây An, Trung Quốc, vẽ tranh hổ.

Nghệ nhân ở thành phố Tây An, Trung Quốc, vẽ tranh hổ.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trung Quốc Cao Nguy, trong quan niệm của người dân Trung Quốc, hình tượng hổ rất là đặc biệt. Người ta không thấy nó hung dữ, đáng sợ, mà còn gắn cho nó những ý nghĩa tích cực như mạnh mẽ, dũng cảm, uy nghiêm, công bằng, chính nghĩa..., khiến hổ trở thành một biểu tượng thường gặp trong đời sống hằng ngày.

Ông Cao Nguy cho rằng, hổ được chọn là một trong 12 con giáp, trong khi cùng là động vật thuộc họ mèo như sư tử, báo hay các loài thú ăn thịt khác thì lại không, điều này gắn liền với hình tượng các loại vật này trong văn hóa con người. 12 con giáp thể hiện những ước vọng tốt đẹp của con người, hổ là chúa tể sơn lâm, tượng trưng cho sự dũng cảm và sức mạnh, có thể bảo vệ cho con người tránh được tai họa... 

Với nhiều ý nghĩa tích cực, hổ đã đi vào nhiều phong tục của người dân Trung Quốc, nhất là những dịp đón chào năm mới là năm Dần, trẻ em thường đi giày đầu hổ, đội mũ hình hổ, mặc áo hổ, ngủ gối thêu hổ, đầu năm đi cầu khấn thần hổ, với mong muốn có được sự khỏe khoắn, dũng cảm và sức mạnh như loài hổ...

Ở các địa phương như Thiểm Tây, Sơn Tây (Trung Quốc), khi trẻ em mới ra đời, người thân sẽ tặng nhiều vật phẩm liên quan đến hổ, như con hổ làm bằng vải, vòng cổ và chăn gối hình hổ, dán giấy hình hổ…, để cầu chúc tốt đẹp cho sự phát triển và trưởng thành của đứa trẻ về sau.

Các nghệ nhân làm hổ bằng vải ở thành phố Trương Gia Khẩu.

Các nghệ nhân làm hổ bằng vải ở thành phố Trương Gia Khẩu.

Trong xã hội hiện nay, với sự hỗ trợ của công nghệ, Chính phủ và người dân Trung Quốc đã có nhiều cách thức giữ gìn những nét phong tục truyền thống, vừa thổi vào đó hơi thở hiện đại, để đón năm Nhâm Dần 2022 với nhiều ấn tượng đặc biệt.

Tại thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Triển lãm con giáp năm hổ được tổ chức hướng tới đối tượng là người dân, nhất là thanh thiếu niên không thể đi du lịch xa trong kỳ nghỉ lễ năm mới vì yêu cầu phòng chống Covid-19. Bảo tàng Nam Kinh tổ chức các nghệ nhân dân gian giới thiệu và chế tạo các sản phẩm văn hóa truyền thống như đèn lồng hình hổ, mũ đầu hổ và giầy đầu hổ, chia sẻ những phong tục văn hóa truyền thống năm hổ đến với người trẻ.

Tại triển lãm, với cách bài trí trực quan sinh động, cùng với không gian thực tế, nhiều bạn trẻ đã trực tiếp chế tác các món đồ mình yêu thích dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân, từ đó có được một trải nghiệm thú vị với văn hóa truyền thống.

Tại thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ, tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc, đông đảo người dân đã tham dự Triển lãm văn hóa hổ với nhiều nội dung như giới thiệu truyền thuyết về con giáp năm hổ, nhân vật nổi tiếng sinh năm Dần, trưng bày các hiện vật liên quan đến hình tượng hổ trong văn hóa truyền thống. Người xem rất thích thú khi triển lãm còn kết hợp nhiều hoạt động trải nghiệm miễn phí như vẽ tranh bằng kẹo mạch nha, nặn bột, cắt giấy hình hổ, vẽ tranh hổ...

Nghệ nhân Tào Chân Vinh đang chế tác hàng chục tác phẩm đèn lồng xoay quanh hình tượng con hổ.

Nghệ nhân Tào Chân Vinh đang chế tác hàng chục tác phẩm đèn lồng xoay quanh hình tượng con hổ.

Nhân dịp năm mới Nhâm Dần, Cục Lâm nghiệp quốc gia Trung Quốc đã đem lại một trải nghiệm thú vị cho người dân nước này, khi sử dụng công nghệ điện toán đám mây và các thiết bị chụp ảnh flycam, giúp người dùng quan sát trực tiếp những chú hổ Siberia hoang dã đang được bảo tồn tại Vườn quốc gia hổ và báo Siberia, với những hình ảnh chân thực, sinh động, có độ rõ nét cao, giúp người dùng có thể không cần ra khỏi nhà, vẫn có thể xem những chú hổ sống động vào đúng dịp đón năm mới.

Đáng chú ý, năm mới âm lịch 2022 đúng vào dịp khai mạc Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 (dự kiến vào ngày 4/2, tức mùng 4 Tết), người dân Trung Quốc đã có nhiều cách thức độc đáo để kết hợp hình tượng con hổ đáng yêu, ngộ nghĩnh với các môn thể thao băng tuyết, như là một cách để chào đón năm mới và sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh.

Hình tượng hổ được kết hợp với các khẩu hiệu chào mừng Thế vận hội.

Hình tượng hổ được kết hợp với các khẩu hiệu chào mừng Thế vận hội.

Người dân Trung Quốc đồng thời đón cả năm mới và sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. (Ảnh: PHƯƠNG THẢO)

Người dân Trung Quốc đồng thời đón cả năm mới và sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. (Ảnh: PHƯƠNG THẢO)

Item 1 of 2

Hình tượng hổ được kết hợp với các khẩu hiệu chào mừng Thế vận hội.

Hình tượng hổ được kết hợp với các khẩu hiệu chào mừng Thế vận hội.

Người dân Trung Quốc đồng thời đón cả năm mới và sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. (Ảnh: PHƯƠNG THẢO)

Người dân Trung Quốc đồng thời đón cả năm mới và sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. (Ảnh: PHƯƠNG THẢO)

Các ứng dụng nói chuyện trực tuyến và mạng xã hội đều cho ra mắt nhiều nhóm biểu tượng cảm xúc theo chủ đề Olympic "hổ đáng yêu chào năm mới", với nhiều hình ảnh ngộ nghĩnh như hổ trượt tuyết, hổ chơi khúc côn cầu trên băng, hổ lái xe trượt tuyết..., góp phần tăng thêm không khí háo hức, chờ đợi của cộng đồng mạng đối với Thế vận hội mùa đông lần này.

Bày bán nhiều đồ lưu niệm trước thềm năm mới ở Bắc Kinh. (Ảnh: PHƯƠNG THẢO)

Bày bán nhiều đồ lưu niệm trước thềm năm mới ở Bắc Kinh. (Ảnh: PHƯƠNG THẢO)

Trên khắp các con đường, phố xá, trung tâm thương mại, khu chung cư ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu… đến các vùng nông thôn xa xôi, người dân Trung Quốc đang háo hức chờ đón năm mới Nhâm Dần 2022 với kỳ vọng năm mới Nhâm Dần, có được sức mạnh và dũng khí như hổ, để tiếp tục phòng chống và kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, bảo đảm tổ chức thành công hai sự kiện lớn là Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 và Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc dự kiến diễn ra vào cuối năm.


Ngày xuất bản: 01/02/2022
Tổ chức thực hiện: TRƯỜNG SƠN
Nội dung: HỮU HƯNG (Phóng viên báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc)
Nguồn, ảnh: people.cn, xinhuanet.com, chinanews.com, beijingreview.com.cn
Trình bày: HOÀNG HÀ