Họa sĩ Phạm Luận:

“Hạnh phúc vì
giữ được bền lâu ngọn lửa nghề”

50 năm cầm cọ, năm nào cũng dồi dào tác phẩm mới, lúc nào cũng đầy ắp nhiệt huyết, trăn trở với nghề. Ông, hiện nay là một trong những họa sĩ có tranh bán chạy nhất thị trường hội họa Việt Nam.

Những ngày cuối tháng 10 này họa sĩ Phạm Luận đang gấp rút cho triển lãm cá nhân với bộ hình ảnh về TP Hồ Chí Minh mang tên: Tích tắc... Sài Gòn. Hỏi điều gì khiến ông say mê, bền bỉ vậy, Phạm Luận chậm rãi, mắt ánh niềm kiêu hãnh: “50 năm, tôi vẫn giữ được ngọn lửa nghề. Không gì hạnh phúc hơn thế!”

Một chiều thu, trong căn hộ - xưởng vẽ yên tĩnh và tiện nghi tọa lạc trên phố Thụy Khuê nhìn ra sóng nước Hồ Tây, Phạm Luận âm trầm và lịch lãm chia sẻ về nghề, về cuộc sống.

50 năm trôi qua, ông còn nhớ bức tranh đầu tiên mình đã vẽ như thế nào không? Ông còn giữ nó không?

Tôi may mắn vẫn giữ được nó. Với tôi, nó rất đặc biệt, mỗi khi nhìn lại, bao nhiêu ký ức ùa về. Nhớ những ngày tuổi thơ, say mê đọc cuốn “Bước đầu học vẽ” của bác Nguyễn Văn Tỵ, rồi mày mò để biết làm thế nào vẽ tranh tĩnh vật. Vào đại học, học xong năm thứ nhất thì giặc Mỹ ném bom miền bắc, chúng tôi gác bút nghiên lên đường nhập ngũ. Đêm ấy, bố tôi đưa tôi ra ga vào Thanh Hóa huấn luyện. Tàu chạy thì trời mưa tầm tã. Hết mưa, trăng mọc. Trong toa tàu, một cậu mang đàn guitar ra đánh. Đám lính trẻ khóc sụt sùi. Đứa nào cũng lần đầu xa nhà. Tàu dừng, chúng tôi tiếp tục hành quân vào Thạch Thành. Hạ ba lô xuống căn nhà sàn nơi đóng quân, lòng tôi ngổn ngang cảm xúc. Như có điều gì thôi thúc mạnh mẽ trong lòng, tôi  cầm cuốn sổ và cây bút chạy xuống sân nhà, ngồi xệp mà vẽ. Đó là lần đầu trong đời tôi mạnh dạn đi ra ngoài đứng trước cảnh sắc thiên nhiên để vẽ.  Bức ấy tôi đề: “Nhà sàn nơi tôi đóng quân” và ký tháng 5 năm 1972,

Giờ, mỗi khi nhìn lại nó tôi cứ miên man ý nghĩ: từ những ký họa nhỏ nhoi ngày nào, nay Phạm Luận đã gần 70 tuổi, vẫn sung sức vẽ những bức tranh khổ lớn, có bức gần 6 mét vuông. Thật tuyệt! Với một người nghệ sĩ,khônggì hạnh phúc hơn là niềm đam mê, ngọn lửa nghề và xúc cảm trong mình vẫn giữ được ngần ấy năm, dài lâu như thế...

Họa sĩ Phạm Luận trong xưởng vẽ.

Họa sĩ Phạm Luận trong xưởng vẽ.

Ông có vẻ nâng niu, trân trọng đến thiêng liêng những tháng ngày trong quân ngũ?

Đúng vậy! Tôi thấy mình là người may mắn khi được  cống hiến những ngày tháng đó. Những tháng năm trong quân ngũ khiến tôi trưởng thành hơn về con người, về hội họa, thấy mình tự tin, làm được nhiều điều tưởng không thể. Tôi còn giữ nhiều ký họa vẽ trong thời kỳ ấy và nó luôn nhắc tôi một điều: lao động nghệ thuật cần sự nghiêm túc, phải lăn lộn vào thực tế thì tác phẩm mới có ý nghĩa, mới sinh động, mới có nhiều cảm xúc.

Nhà sàn nơi tôi đóng quân - bức ký hoạ đầu tiên của họa sĩ Phạm Luận.

Nhà sàn nơi tôi đóng quân - bức ký hoạ đầu tiên của họa sĩ Phạm Luận.

Ký họa của họa sĩ Phạm Luận (vẽ năm 1975).

Ký họa của họa sĩ Phạm Luận (vẽ năm 1975).

Sự lăn lộn thực tế ấy của ông diễn ra thế nào trong một đề tài gần như cật ruột: phong cảnh Hà Nội với vẻ đẹp thâm trầm kinh điển và sự lãng mạn của những góc phố cổ thân quen, những làng hoa ngoại ô Hà Nội?

Hà Nội hiện hữu trong tôi như máu thịt, như hơi thở hằng ngày. Tôi vẽ Hà Nội bằng sự tự nhiên đến trong cảm xúc. Hồi trẻ tôi mê tranh bác Bùi Xuân Phái lắm và luôn tự hỏi sao bác vẽ đơn giản mà đẹp thế. Tôi nhớ bức tranh bác vẽ phố Hàng Buồm, có bức tường xô lệch và có cái chum đặt sát vỉa hè. Nó đẹp gần gũi! Một lần lang thang qua phố ấy, tôi chợt phát hiện cái chum trong tranh bác Phái cũng nằm đúng vị trí như thế ở ngoài đời. Tôi chợt hiểu: người nghệ sĩ dù tài giỏi đến đâu cũng phải trải nghiệm thực tế cuộc sống và tìm ra hiện thực. Nghệ thuật cần sự lao động nghiêm túc chứ không phải hời hợt, đóng cửa ngồi trong nhà “bịa ra mà vẽ”.

Hoạ sĩ Phạm Luận chia sẻ cùng nhà báo Phan Thanh Phong.

Hoạ sĩ Phạm Luận chia sẻ cùng nhà báo Phan Thanh Phong.

Để vẽ được hồn cốt, con người, tính cách Hà Nội, tôi nhẫn nại, bền bỉ theo sát, ngắm và ngấm nó từng chút, mỗi ngày. Một góc phố nhỏ thôi, một tán cây quen thuộc thôi, nhưng nó mang trong mình bao nhiêu sự chuyển động của mỗi tiết mùa, thậm chí của mỗi số phận. Tôi thuộc nó như thuộc tâm trạng mình. Nắng hôm nay nó như thế này nhưng mùa sau cũng chỗ này nắng lại khác. Năm trước nắng thế này, năm sau có hai tòa nhà mọc lên thì nắng đã khác... Cái đó mình phải quan sát, theo dõi và phải học từ thiên nhiên. Thiên nhiên mách bảo cho mình cần vẽ thế nào.

Trước đây tôi hay đi vẽ làng hoa, qua bên kia đê là gặp những vườn hoa đẹp. Bây giờ xây dựng ồ ạt, những làng hoa bị thu hẹp dần. Mỗi một nămlại mất đi một chút.Có những thứ làm mình buồn! Ngày trước đi làng hoa, tôi hay gặp một bà cụ, tôi thường trò chuyện với bà và mua hoa về để cắm, để vẽ. Nhưng giờ ra làng hoa, khách vừa giơ máy lên đã có người chạy ra hỏi tiền...

Phạm Luận chia sẻ về một bức tranh đề tài cuộc sống vùng cao.

Phạm Luận chia sẻ về một bức tranh đề tài cuộc sống vùng cao.

Có phải cũng bởi vậy mà tranh ông thường phảng phất nét đẹp Hà Nội xưa, một cái gì đó như hoài niệm...

Tôi muốn lưu giữ trong tranh mình những vẻ đẹp, những giá trị Hà Nội trong tâm thức của những người yêu nó, nhớ nó. Khi vẽ, tất nhiên dựa vào cả những cái mới nhưng tôi cũng xen cài những nét đẹp cũ. Cuộc sống dẫu thế nào người nghệ sĩ phải có bộ lọc. Giữ điều gì, gạt bỏ điều gì, nó như thái độ sống mà mình cần lựa chọn!

Tranh ông thường thấy hiện diện trong không gian sang trọng như các khách sạn 5 sao, các gia đình đại gia, doanh nhân trong nước và nước ngoài. Những không gian ấy chọn tranh ông hay ông chủ định chọn cho tranh mình những không gian đẳng cấp thế?

Không có người nghệ sĩ nào định đoạt được vị trí cho tác phẩm của mình. Tác phẩm ra đời rồi nó có số phận độc lập. Tranh tôi nếu được xuất hiện trong những không gian ấy, tôi nghĩ, đó là sự may mắn và cũng là vinh hạnh của tôi, của những tác phẩm ấy. Chúng được chọn và tôi được chọn. Vậy thôi!

Một ngày của ông diễn ra thế nào?

Ngày bình thường của tôi rất đơn giản. Ngủ dậy, ăn sáng, 8hbắt đầu vẽ. 11h ăn trưa. Đọc mạng một lúc. 12 h15 chợp mắt15 phút trên ghế sofa. 12h30 tiếp tục vẽ. 15h30dọn màu, đóng cửa, lên nhà tập luyện 20 phút, sau đó ăn nhẹ và xem tài liệu.18h30 ăn cơm tối và nghỉ ngơi. Gần như ngày nào cũngthế!

Tác phẩm Cuối tuần của họa sĩ Phạm Luận.

Tác phẩm Cuối tuần của họa sĩ Phạm Luận.

Có lúc nào ông thấy chán, tẻ nhạt bởi lập trình lặp đi lặp lại và có ít thời gian để giao du như nhiều nghệ sĩ vẫn thích thế?

Chán làm sao được khi hằng ngày tôi vẫn có các tác phẩm mới ra đời. Mỗi bức tranh như người bạn tâm giao, như tri kỷ. Tôi đối diện và đối thoại hằng ngày với nó, buồn vui cùng nó. Tôi đi đâu cũng chỉ muốn mau chóng quay về để làm nốt công việc dang dở. Về giao du, tôi có những người bạn thân thiết nhóm nhỏ, thi thoảng chúng tôi gặp nhau, chia sẻ chuyện nghề, chuyện đời. Tôi thấy ấm áp và thấy đủ. Còn thực sự tôi không có nhiều thời gian để rong chơi la đà. Tôi tiếc thời gian và dành hầu như toàn bộ cuộc sống cho vẽ và luôn tìm được cảm xúc, niềm vui trong nó. Tôi thấy đó là điều hạnh phúc!

Tôi chỉ mệt khi không vẽ được. Có khi mất ngủ quay quắt. Như với bức tranh lớn về thành phố Hồ Chí Minh vừa rồi. Từ Sài Gòn về tôi hào hứng, quyết tâm vẽ nó đầu tiên. Nhưng khi dựng lên, ngắm lại thì thấy không ổn. Tôi nhận ra mình thiếu thực tế, cần thực tế nhiều hơn. Bứt rứt mấy ngày liền, tôi gọi con gái xem vé máy bay ngày mai còn chỗ không, đặt đi luôn. Sáng hôm sau, tôi lặng lẽ bay trở lại Sài Gòn, không báo cho bạn bè nào. Suốt một tuần, tôi đi lang thang trên khắp các con phố Sài Gòn, hòa mình vào không khí và dòng chảy của cuộc sống để thấy được rõ hơn, mạch lạc hơn về cảnh sắc, tính cách, con người Sài Gòn. Và khi trở về tôi rất hài lòng với bức tranh được hoàn thiện.

Tác phẩm Nắng sớm của họa sĩ Phạm Luận.

Tác phẩm Nắng sớm của họa sĩ Phạm Luận.

Từ trước đến giờ, Phạm Luận được định danh đi kèm những tác phẩm về đề tài phố cổ Hà Nội. Vậy mà nay, gần 70 tuổi ông lại “ đột nhập” vùng đất sôi động, trung tâm kinh tế lớn của đất nước với bộ hình ảnh hoành tráng về Sài Gòn qua lối vẽ trẻ trung, phá cách. Ông có thể chia sẻ vài điều về bộ tranh này?

Trong lần tới TP Hồ Chí Minh đầu năm 2022 để bàn về triển lãm cá nhân, tôi cảm nhận một Sài Gòn sôi động khác biệt với Hà Nội, đặc biệt sự hồi sinh mạnh mẽ của một thành phố vừa trải qua đỉnh dịch khiến tôi rất trăn trở. Và tôi quyết định vẽ về nó. Bộ tranh lần này gồm 22 bức trong ba đề tài: TP Hồ Chí Minh, Ballet và Hip Hop. Có một bước chuyển trong vẽ phong cảnh của tôi qua bộ tranh này: vẽ cảnh nhưng tôi muốn gắn nó vào một cái gì đó, một câu chuyện, một con người, một thân phận... Đang quen vẽ phong cảnh tĩnh, cổ kính và lãng mạn của Hà Nội, chuyển sang vẽ Sài Gòn với sự sôi động, hiện đại nhiều màu sắc, điều đó cũng có những thử thách khó với tôi. Nhưng chinh phục được cái khó mới sướng! (cười). Và tôi đã chinh phục được nó!

Tác phẩm: Nhà thờ Đức Bà.

Tác phẩm: Công viên trong phố.

Tác phẩm: Chủ nhật.

Tác phẩm: Nhà thờ Đức Bà.

Tác phẩm: Công viên trong phố.

Tác phẩm: Chủ nhật.

Nhiều người nói Phạm Luận có một gia đình hoàn hảo, hậu thuẫn, họ có vai trò thế nào trong sự nghiệp của ông?

Cuộc đời tôi  có nhiều may mắn và may mắn nhất là tôi có một gia đình êm ấm, mọi người thông hiểu và chia sẻ công việc của tôi. Vợ và các con luôn bên cạnh, hỗ trợ, setup mọi điều để tôi hoàn toàn chuyên tâm vẽ. Chúng tôi luôn tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau. Có người hỏi tại sao tôi giữ được một gia đình như thế, mấu chốt là tôi yêu công việc trên tất cả và không muốn gia đình xảy ra bất cứ điều gì ảnh hưởng đến vẽ tranh. Điều đó là tối thượng.

Tức là ông yêu nghệ thuật và tác phẩm của mình đến độ đánh đổi mọi thú vui khác cho sự bình yên để làm việc. Nghe cũng như một sự hy sinh ấy nhỉ? (cười)

Chắc chắn vậy! Với tôi, giữ gia đình bình yên cũng là cách để giữ nghệ thuật. Tôi không muốn làm điều gì ảnh hưởng đến gia đình cũng chỉ vì muốn để cho các tác phẩm của mình được hoàn hảo. Khi tôi có được sự thành công nào đó thì đó cũng là hạnh phúc của gia đình, tôi nghĩ thế. Cuộc sống mỗi người một lựa chọn. Có người yêu nghệ thuật, yêu nghề nghiệp nhưng cũng muốn yêu thêm nhiều thứ khác nữa. Tôi không làm được thế. Tôi là người đủ độ và biết dừng đúng giới hạn. Tôi lựa chọn cho mình cách đấy!

Phạm Luận của mấy chục năm trước và bây giờ có gì thay đổi và phủ nhận mình không?

Không, vẫn thế, vẫn trung thành quan niệm vẽ gì cũng phải có thực tế, đúng thực tế,nhưng phải có cái nhìn riêng, dấu ấn riêng thì tác phẩm mới có ý nghĩa. Vẽ làm sao để người ta nhìn vào biết ngay đó là tranh mình, không phải tranh người khác!

Tác phẩm Hoa hồng của họa sĩ Phạm Luận.

Tác phẩm Hoa hồng của họa sĩ Phạm Luận.

Ông thích Phạm Luận của giai đoạn nào?

Dĩ nhiên tôi thích và tôi hài lòng về mình của bây giờ, trải nghiệm hơn, tác phẩm có chiều sâu, có thân phận hơn. Những điều ấy trước đây không làm được. Kinh nghiệm bao nhiêu năm dồn nén làm cho mình chín hơn. Và cao trào, tôi nghĩ để mọi người đánh giá qua cuộc triển lãm về chân dung bè bạn và gia đình mà tôi đã chuẩn bị từ lâu nay, sẽ ra mắt vào dịp kỷ niệm tuổi 70 vào năm 2024!

Trân trọng cảm ơn cuộc chia sẻ  và chờ đợi những tác phẩm mới sắp tới của ông!

Tác phẩm Hoàng hôn của họa sĩ Phạm Luận.

Tác phẩm Hoàng hôn của họa sĩ Phạm Luận.

Thực hiện : Phan Thanh Phong
Trình bày mỹ thuật : Duy Thanh
Ảnh : Trần Hải
Tranh: Họa sĩ Phạm Luận