HÒA BÌNH CÓ ĐẸP KHÔNG?

Tôi khép lại cuộc nói chuyện cùng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Thảo khi cái nắng chớm hạ đã rắc những mảnh vàng len lỏi vào căn phòng khách của bà. Từ khu Phú Nhuận, tôi chạy ra vòng xoay Lăng Cha Cả, kiếm một quán cà-phê lóc cóc để ngó dòng người đang hối hả phố xá thị thành. Trong đầu mình như tái hiện lại trận đánh khốc liệt cuối cùng của ngày 30/4/1975.

Đại tá Nguyễn Thị Thảo bên những tấm hình thời hoạt động điệp báo.

Đại tá Nguyễn Thị Thảo bên những tấm hình thời hoạt động điệp báo.

1. Trong những ngày ngồi cùng nữ điệp báo này, cô vẫn hay nhắc đến hai chữ “Sống rồi”, đó là cảm xúc tuôn trào của những người có mặt trên đất này vào thời khắc lịch sử dân tộc.

Cả gia đình với 6 người hy sinh cho cuộc vệ quốc từ chống Pháp đến chống Mỹ, nên mới 16 tuổi, cô nối bước những người anh mình thoát ly, đi theo tiếng gọi trái tim. Cuộc đời cách mạng dẫn bước cô từ Bình Dương lên tận Sài Gòn, về Trung ương Cục miền Nam, rồi ngược xuôi về miền Tây để tạo dựng mạng lưới điệp báo. Hai lần bị địch bắt, cô vẫn kiên cường chịu đựng đòn roi tra tấn.

Có lần tưởng cô chết, chúng vứt xác ra khu đồng cỏ của trại giam, may nhờ các nữ tù chính trị tìm mọi cách hồi sinh cho cô. Sống lại, và kiên cường hơn bao giờ hết, cái tên Sáu Thảo khiến cho bọn tai mắt khắp Sài Gòn - Chợ Lớn khi đó dè chừng kỹ càng. Ngày Giải phóng, cô tất tả chạy đến các cơ sở trong mạng lưới để thăm từng đồng đội. Buổi trưa lịch sử ấy, cô mừng tuôn nước mắt, bởi mạng lưới điệp báo số 6 của mình với hơn 60 người vẫn vẹn nguyên.

Họ ôm nhau, hứa với nhau về tương lai tận hiến sức mình kiến thiết đất nước. Nửa thế kỷ trôi qua, nữ điệp báo ngày ấy đã về hưu với hàm Đại tá, với những chiến công thầm lặng trong những chuyên án đặc biệt của TP Hồ Chí Minh để bảo vệ mảnh đất này bình yên như tâm nguyện ngày đầu tham gia cách mạng.

Nhắc đến những chiến tích của mình như vụ án Hồ con rùa, vụ T081, vụ MA90…, người nữ Anh hùng chỉ cười hiền, không nhận hết chiến công về mình, bà cho đó là lòng yêu nước của tập thể các chiến sĩ để giữ vững bờ cõi nước nhà trước âm mưu phá hoại của kẻ thù. Cô cũng chính là người đặt những nền móng đầu tiên để phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh, với vai trò Giám đốc Sở Du lịch vào thập niên 90 thế kỷ trước, khi được biệt phái từ bên Công an sang.

Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh phát triển năng động, hiện đại bên dòng sông Sài Gòn

Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh phát triển năng động, hiện đại bên dòng sông Sài Gòn

Từ việc tìm kiếm rồi đi xin trụ sở đầu tiên của Sở Du lịch đến tổ chức các lớp tập huấn an ninh du lịch và những cơ chế, chính sách để đưa du lịch thành phố phát triển trở thành điểm sáng những năm đầu đất nước hội nhập cùng sự phát triển của thế giới. Cô Sáu Thảo cũng đã nhận được Bằng khen của Thành ủy và ngành du lịch cho những cống hiến với đất nước thời đổi mới.

Cho đến ngày nghỉ hưu, cô Sáu Thảo vẫn miệt mài bước chân tình nguyện tìm về những vùng miền còn khó khăn để hỗ trợ và chia sẻ. Gần 1.000 ca mổ mắt; hơn 200 chiếc xe lăn cho các thương, phế binh và người khuyết tật; 8 căn nhà tình nghĩa; dựng bia tưởng niệm các chiến sĩ trận vong, các du kích chống càn…, đó là những con số mà cô Sáu Thảo chưa thể nhớ hết. Nhưng, cứ còn có thể đi được là cô sẽ còn làm, làm để trả ơn cuộc đời và non sông đã cho cô một cuộc sống bình yên như ngày hôm nay

Địa đạo Củ Chi

2. Trong những ngày cuối tháng ba, tôi về lại quê hương của địa đạo Củ Chi vốn dĩ nằm gọn trong ký ức của người TP Hồ Chí Minh bởi đây là nơi hứng chịu nhiều trận bom tìm diệt khủng khiếp nhất sau trận Mậu Thân năm 1968. Sau cuộc chiến ấy, nhiều năm trôi qua, hậu quả của nó vẫn chưa thể nguôi ngoai. Huỳnh Thanh Thảo có cha mẹ là du kích địa phương trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ ngày đó.

Thảo được sinh ra khi nước nhà đã thống nhất 20 năm, nhưng chất độc hóa học dioxin vẫn gieo lên thân thể cô những dấu tích tàn ác. Nhưng thay vì hỏi mẹ, hỏi ba, hỏi mọi người những câu “tại sao và vì sao?”, thì Thảo lựa chọn chấp nhận những điều đó một cách rất tự nhiên, như chính mình tự khắc phải mặc vừa vặn chiếc áo số phận đời mình.

Năm 2010, sang Việt Nam thăm các nạn nhân chất độc da cam, anh Stephen - nhiếp ảnh gia người Mỹ đã chụp rất nhiều ảnh, trong đó có tấm ảnh của Thảo. Nhờ bức ảnh, Thảo quen đạo diễn phim người Mỹ Elizabeth Van Meter. Rồi đoàn làm phim của chị sang Việt Nam…

Bộ phim “Thao’s Library” được công chiếu ở một số rạp tại New York. Rất nhiều người đã biết đến hành trình của cô gái bé nhỏ nghị lực với một tủ sách miễn phí trên vùng chiến địa xưa. Từ tủ sách nho nhỏ cho mọi người đọc miễn phí ngày ấy, đến nay với nhiều sự hỗ trợ, tủ sách đã phát triển thành Thư viện mi-ni Cô Ba với không gian rộng, thoáng hơn...

Thêm nhiều lượt độc giả tìm đến, nhiều báo, đài đưa tin. Thảo đã nhận thêm nhiều nguồn sách bổ ích đầy yêu thương. Hiện ngoài thư viện mi-ni Cô Ba, Thảo còn vận động và điều hành 2 hoạt động xuyên suốt là Quỹ Học bổng Cô Ba Ấp Ràng dành cho trẻ em nghèo, hiếu học trên địa bàn huyện Củ Chi và Quỹ Hỗ trợ vốn cho người khuyết tật trên khắp cả nước.

Song song với các chương trình định kỳ hằng năm như Quốc tế Thiếu nhi 1/6; Trung thu Yêu thương; Bóng Cả - chương trình dành cho các cụ cao niên nhân Quốc tế Người cao tuổi; Vui Xuân đón Tết - trao hết yêu thương…, hành trình miệt mài của cô gái thủy tinh này đã được trao tặng nhiều bằng khen của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam… Tháng 12/2024, Huỳnh Thanh Thảo được TP Hồ Chí Minh tuyên dương là tấm gương bình dị mà cao cả.

Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng

3. Trong số 14 gương Công dân trẻ TP Hồ Chí Minh năm 2024 được tuyên dương, tôi đặc biệt ấn tượng với Cáp Hoàng Dũng, nhỏ tuổi nhất, đang học lớp 6A2, Trường trung học Thực hành Sài Gòn. Từ năm 2022 đến 2024, cậu bé 11 tuổi đã giành nhiều giải thưởng cao tại Đấu trường VioEdu, Violympic Toán cấp trường đến cấp quốc gia, cùng Huy chương Olympic Toán AMO, SASMO, VTMO, VMTC…

Hoàng Dũng còn đoạt giải nhất tại nhiều cuộc thi tin học trẻ trường, quận, Giải nhất bảng A Hội thi Tin học trẻ TP Hồ Chí Minh năm 2024, Giải nhất bảng A khu vực miền nam và Giải khuyến khích bảng A Hội thi Tin học trẻ toàn quốc năm 2024, Giải khuyến khích Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng TP Hồ Chí Minh năm 2024, Giải nhất cuộc thi “Sáng tạo cùng AI” năm 2024.

Cáp Hoàng Dũng cùng gia đình trong ngày được tuyên dương "Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM" 2024

Cáp Hoàng Dũng cùng gia đình trong ngày được tuyên dương "Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM" 2024

Dũng còn tạo ra nhiều phần mềm ứng dụng vào thực tế học đường như phần mềm toán “Tập tính nhẩm”, phần mềm lịch sử “Hành trình văn hóa di sản Hồ Chí Minh”. Hai phần mềm đã giành Giải nhất và Giải ba Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng TP Hồ Chí Minh năm 2022 và 2023, Giải khuyến khích Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc năm 2023. Đặc biệt, phần mềm “Điểm danh thông minh và đánh giá cảm xúc học sinh” sử dụng ngôn ngữ mở Pictoblox kết hợp AI do Dũng tạo ra trong đợt dịch Covid-19 đã giúp giáo viên chủ nhiệm điểm danh học sinh qua camera của máy laptop và có khả năng nhận diện 6 biểu cảm của học sinh.

Với phần mềm này, Dũng đã được trao Huy chương vàng Giải thưởng Thiết kế chế tạo ứng dụng TP Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo thành phố năm 2023, cùng với Giải nhì Bảng Sản phẩm sáng tạo Hội thi Tin học trẻ thành phố năm 2024. Dũng và các bạn đang phát triển dự án Chatbot Happy School - dự án hỗ trợ tư vấn tâm lý học đường cho các bạn học sinh. Qua đó kỳ vọng tạo dựng không gian tư vấn tâm lý - sức khỏe cho các bạn.

“Niềm vui của thống nhất chính là tương lai”

4. Tôi chọn đi Metro từ trạm Bến Thành về trạm Suối Tiên, rồi đi ngược lại vào một ngày cuối tuần thành phố vàng nắng. Khắc giây đoàn tàu chầm chậm chạy ngang các mái phố, nóc nhà, các công trình nguy nga, tôi nhớ như in lời người nữ Anh hùng Sáu Thảo: “Niềm vui của thống nhất chính là tương lai”. Nửa thế kỷ của hòa bình, thành phố này phát triển rực rỡ quá.

Từ thế hệ Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, đến lớp trẻ tận hiến sức mình dẫu bé mọn nhưng thảo thơm lòng thương, và cả một lứa công dân thời đại 4.0 đầy khát vọng, chính những con người yêu thành phố bằng trái tim thành toàn này đã trả lời cho câu hỏi: “Hòa bình có đẹp không?”. Đôi khi cái đẹp không nằm ở lời nói, mà ở chính hành động của những người biết yêu dân tộc và phụng sự Tổ quốc

Nội dung: Tống Phước Bảo
Trình bày: Mạnh Hoàng
Ảnh: TTXVN, Nguồn Tạp chí Cộng sản