Sri Lanka thúc đẩy hòa giải dân tộc như thế nào?

Vào những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, sinh viên và thanh niên người Tamil bắt đầu các hoạt động khủng bố, tấn công vũ trang chống chính phủ. Năm 1976, tổ chức Những con hổ giải phóng Tamil (LTTE) ra đời. Là một tổ chức chính trị vũ trang, LTTE chủ trương đòi ly khai, lập lãnh thổ riêng cho người thiểu số Tamil.

Năm 2002, Chính phủ Sri Lanka và LTTE ký hiệp định ngừng bắn, tiến hành đối thoại để tìm giải pháp hòa bình. Tuy nhiên, hiệp định này sớm bị vi phạm, LTTE tiếp tục giao tranh với quân Chính phủ. Tháng 1/2008, Chính phủ chính thức rút khỏi hiệp định ngừng bắn và đẩy mạnh tấn công các lực lượng LTTE.

Tháng 5/2009, quân đội Sri Lanka giành thắng lợi trong cuộc tổng tiến công vào khu vực cuối cùng do lực lượng LTTE kiểm soát, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 30 năm.

Mặc dù thắng lợi, tạo tiền đề cho quá trình thống nhất, ổn định và phát triển đất nước, Sri Lanka cũng phải đối mặt với cuộc khủng khoảng nhân đạo, với khoảng 6.000 dân thường thiệt mạng, hơn 200.000 dân thường phải ở tạm trong 19 trại tị nạn. Chính phủ Sri Lanka chịu nhiều sức ép từ Mỹ và phương Tây.

Binh sĩ đứng gác ngoài tòa nhà Quốc hội Sri Lanka tại thủ đô Colombo, ngày 16/7/2022. (Ảnh: AP)

Binh sĩ đứng gác ngoài tòa nhà Quốc hội Sri Lanka tại thủ đô Colombo, ngày 16/7/2022. (Ảnh: AP)

Song song với nỗ lực ổn định chính trị, Chính phủ Sri Lanka đẩy mạnh công cuộc hòa giải dân tộc và tái thiết đất nước và đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.

Chính phủ xây dựng nhiều chương trình tái hòa nhập cho các lực lượng ly khai trước đây, ổn định cuộc sống cho những người buộc phải di cư vì nội chiến; cơ bản hoàn tất rà phá bom mìn, tái định cư dân lánh nạn, cải tạo và tái hòa nhập cộng đồng cho gần hết tù binh LTTE, triển khai xây dựng nhiều tuyến đường cao tốc, đường liên tỉnh, xây mới và mở rộng các cảng biển, sân bay, triển khai nhiều chương trình phát triển đô thị, khuyến nông.