

HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT, NÂNG CAO HIỆU QUẢ HỢP TÁC QUỐC TẾ TRONG XỬ LÝ VỤ ÁN BỊ CAN BỎ TRỐN
Những năm gần đây, công tác phòng, chống và xử lý tội phạm, đặc biệt là các trường hợp bị can, bị cáo bỏ trốn ra nước ngoài, đã được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, tình trạng bị can, bị cáo bỏ trốn ra nước ngoài diễn biến ngày càng phức tạp, đồng thời việc xử lý vắng mặt hoặc dẫn độ về nước cũng gặp rất nhiều khó khăn. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về tư pháp hình sự và đối ngoại an ninh.
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; đồng thời xem xét, thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Tương trợ tư pháp về hình sự và dự án Luật Dẫn độ. Đây là những bước đi quan trọng, thể hiện quyết tâm cao của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cùng các cơ quan hữu quan trong việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại an ninh và hỗ trợ tư pháp hình sự. Mục tiêu xuyên suốt là xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ án có bị can bỏ trốn, bảo đảm không để xảy ra khoảng trống pháp lý, phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
Trong chuyên đề này, Báo Nhân Dân sẽ làm rõ thực trạng, nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp trọng tâm nhằm góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh với loại tội phạm này trong giai đoạn hiện nay.
Trước thực trạng nhức nhối nhiều đối tượng bị buộc tội bỏ trốn ra nước ngoài, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trọng tâm là quy định xử lý tài sản, vật chứng để tránh thất thoát, cho phép điều tra, truy tố, xét xử kể cả khi bị can, bị cáo vắng mặt, bảo đảm pháp luật nghiêm minh, không có “khoảng trống” trong xử lý. Đây là bước tiến quan trọng, thể hiện tư duy đổi mới trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Những năm gần đây, khi Đảng và Nhà nước quyết liệt đẩy mạnh công tác phòng, chống, xử lý vi phạm pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực hình sự, hàng loạt vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, liên quan tội phạm kinh tế, tham nhũng với giá trị thiệt hại lớn đã được đưa ra điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh.
Đáng chú ý, trong một số vụ án, một số bị can từng giữ vị trí chủ chốt tại các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước đã lợi dụng kẽ hở pháp luật, sự chậm trễ trong áp dụng biện pháp tố tụng để bỏ trốn ra nước ngoài trước khi các cơ quan tiến hành biện pháp tố tụng. Việc này không chỉ gây khó khăn cho quá trình xử lý vụ án mà còn dẫn đến tình trạng đình trệ trong thu hồi tài sản, làm thất thoát, lãng phí nguồn lực của Nhà nước.
Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tăng cường hợp tác tư pháp và đối ngoại an ninh nhằm ngăn chặn hiệu quả các hành vi bỏ trốn, bảo đảm nguyên tắc không có “vùng an toàn” cho tội phạm dù ở trong hay ngoài lãnh thổ.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: BÙI GIANG)
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: BÙI GIANG)
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) nêu thực trạng, trong thời gian qua, có những trường hợp đối tượng bị can sau khi Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án thì đã “cao chạy xa bay”, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, theo đại biểu, việc bổ sung quy định điều tra, truy tố vắng mặt là hết sức cần thiết, phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước và “phù hợp lòng dân”.
“Không thể chấp nhận khi đã sai phạm, vi phạm luật pháp Việt Nam rồi, anh tìm mọi cách trốn ra nước ngoài, coi như đã bình lặng, yên ổn, không xử lý được gì nữa”, đại biểu Phạm Văn Hòa bức xúc nói.
Ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa cũng là tiếng nói chung của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đối với vấn đề này, bởi khi bị can bỏ trốn, quá trình truy tố, xét xử sẽ gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, việc xử lý, thu hồi tài sản, nhất là các tài sản có giá trị lớn nhằm tránh thất thoát, lãng phí cũng gặp rất nhiều trở ngại.
Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Trong phần trình bày của mình tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV mới đây, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, thực tiễn xảy ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại rất lớn cho tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhưng bị can bỏ trốn, truy nã không có kết quả hoặc bị can ở nước ngoài không thể triệu tập. Hành vi phạm tội của các bị can này có liên quan chặt chẽ đến hành vi phạm tội của các bị can khác trong vụ án.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến phát biểu tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: DUY LINH)
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến phát biểu tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: DUY LINH)
Theo Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao, mặc dù cơ quan tiến hành tố tụng đã có đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội và ra kết luận điều tra, đề nghị truy tố bị can nhưng vẫn phải quyết định tạm đình chỉ điều tra/tạm đình chỉ vụ án mà không thể xử lý vắng mặt. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến việc giải quyết kịp thời vụ án, xử lý các bị can khác trong vụ án, ảnh hưởng đến việc thu hồi tài sản.
Theo đó, Bộ luật Tố tụng hình sự (trước khi được sửa đổi và có hiệu lực từ ngày 1/7/2025) mới chỉ có quy định về xét xử vắng mặt tại Điều 290 mà chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục này trong giai đoạn điều tra, truy tố.
Để giải quyết vướng mắc nêu trên, Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, các cấp có thẩm quyền có yêu cầu, chỉ đạo các cơ quan xây dựng hướng dẫn trình tự, thủ tục điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt bị can, bị cáo trong những trường hợp đã có đầy đủ chứng cứ để giải quyết vụ án, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, răn đe các đối tượng phạm tội có ý định bỏ trốn.
Thực tế cơ quan tiến hành tố tụng đã phối hợp, thực hiện điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt nhiều bị can, bị cáo trong các vụ án lớn, thu hồi nhiều tài sản có giá trị lớn, được dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ. Trong đó đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt đối với Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng một số người khác trong vụ AIC Đồng Nai.
Do vậy, cần thiết phải bổ sung ngay quy định về căn cứ, trường hợp điều tra, truy tố vắng mặt trong Bộ luật Tố tụng hình sự để có cơ sở pháp lý cụ thể trong thực hiện.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính (Đoàn thành phố Hà Nội) cho biết, thực tiễn rất nhiều vụ án lớn có tính chất phức tạp, thời gian điều tra kéo dài. Có những vụ kéo dài từ 1-2 năm, thậm chí hơn, đến khi Tòa án giải quyết thì vật chứng là nhà xưởng, thiết bị, máy móc, phương tiện hầu như bị hỏng, không thể sử dụng được, chỉ còn là đống sắt vụn, gây lãng phí và thiệt hại lớn cho các bên đương sự.
Sáng 28/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự với tỷ lệ tán thành cao. Ảnh: quochoi.vn
Sáng 28/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự với tỷ lệ tán thành cao. Ảnh: quochoi.vn
Khó khăn trong việc xử lý vật chứng, tài sản trong các vụ án là thực trạng đã tồn tại từ nhiều năm. Để giải quyết từng bước các vấn đề nêu trên, ngay tại Kỳ họp thứ 8, ngày 28/11/2024, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự với tỷ lệ tán thành rất cao (450/455 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành). Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 và được thực hiện trong 3 năm.
Việc ban hành Nghị quyết nhằm khẩn trương triển khai thực hiện Kết luận số 87-KL/TW ngày 13/7/2024 của Bộ Chính trị, tạo cơ sở pháp lý nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giải quyết các vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Qua đó, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về kinh tế, tham nhũng, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan, cũng như giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh…
Việc thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án hình sự là bước tiến quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tố tụng và hạn chế tình trạng thất thoát, lãng phí tài sản. Đáng chú ý, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, trong đó quy định rõ quy trình điều tra, truy tố trong trường hợp bị can vắng mặt do bỏ trốn. Đây là là bước đi quan trọng nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật tố tụng hình sự chặt chẽ, đồng bộ hơn, đặc biệt trong xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng có tính chất phức tạp, liên quan các bị can tìm cách trốn tránh trách nhiệm hình sự.
Đại biểu Quốc hội Lê Xuân Thân (Đoàn Khánh Hòa). Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Lê Xuân Thân (Đoàn Khánh Hòa). Ảnh: quochoi.vn
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Lê Xuân Thân (Đoàn Khánh Hòa) thể hiện tán thành, nhất trí cao trong việc bổ sung thêm những nội dung liên quan tới việc điều tra, truy tố và xét xử đối với những bị can, bị cáo mà khi phát hiện vụ án thì không còn ở Việt Nam nữa. Theo đại biểu, đây là những nội dung bổ sung cần thiết để thực hiện quy trình tố tụng vừa bảo đảm xét xử, điều tra, truy tố không lọt người, không lọt tội nhưng cũng để bảo đảm quyền tự bào chữa, bào chữa cho người xét xử vắng mặt.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: quochoi.vn
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ việc bổ sung quy định cho phép truy tố trong trường hợp bị can bỏ trốn hoặc ở nước ngoài không thể triệu tập.
“Đây là một giải pháp quan trọng để giải quyết tình trạng tồn đọng nhiều vụ án, đặc biệt là các vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp, có yếu tố bỏ trốn, thể hiện sự quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm”, đại biểu nhấn mạnh.
Sáng 27/6/2025, Quốc hội Biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Ảnh: quochoi.vn
Sáng 27/6/2025, Quốc hội Biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Ảnh: quochoi.vn
Trên cơ sở ủng hộ của đại đa số đại biểu Quốc hội, sáng 27/6/2025, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng hình sự với 445/449 đại biểu có mặt tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 93,1 % tổng số đại biểu Quốc hội). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết các vụ án, trong đó có các vụ án có bị can, bị cáo bỏ trốn.
Theo đó, Điều 233 Bộ luật Tố tụng hình sự được sửa đổi quy định cơ quan điều tra có thể kết luận điều tra đề nghị truy tố bị can khi đã có đủ căn cứ và bảo đảm quyền bào chữa cho bị can theo quy định của Bộ luật này trong các trường hợp cụ thể. Điều 243 Bộ luật quy định Viện Kiểm sát có thể quyết định truy tố bị can khi đã có đủ căn cứ và bảo đảm quyền bào chữa cho bị can theo quy định của Bộ luật này trong các trường hợp sau: Bị can trốn hoặc không biết bị can ở đâu và việc truy nã không có kết quả; Bị can đang ở nước ngoài mà không thể triệu tập để phục vụ các hoạt động nhằm quyết định việc truy tố.
Như vậy, với những quy định mới này trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, pháp luật nước ta đã từng bước hoàn thiện hơn để có cơ sở pháp lý vững chắc xử lý các vụ án, vụ việc mà người bị cáo buộc phạm tội bỏ trốn; khẳng định sự nghiêm minh và kịp thời của pháp luật, để pháp luật luôn được thực thi một cách công bằng nhất.
Xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự; hoàn thiện quy trình điều tra, truy tố trong trường hợp bị can vắng mặt trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự là hai trong số những cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý những vụ việc, vụ án khi người bị cáo buộc phạm tội bỏ trốn, đặc biệt là bỏ trốn ra nước ngoài.
Cùng với đó, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan cũng đã tích cực hoàn thiện thể chế, xây dựng mới và sửa đổi, bổ sung các Luật hiện hành để đạt được hiệu quả cao nhất trong việc xử lý loại tội phạm này.
Đặc biệt, công tác đối ngoại an ninh, hợp tác giữa Bộ Công an, các cơ quan tư pháp của Việt Nam với các cơ quan tư pháp của các nước trong việc phòng, chống, xử lý bị can bỏ trốn ra nước ngoài cũng được không ngừng đẩy mạnh; khẩn trương thể chế hóa các luật liên quan như: dự án Luật Dẫn độ; dự án Luật Tương trợ tư pháp về hình sự… vừa được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 mới đây. Đây là những bước đi quan trọng để góp phần thúc đẩy hơn nữa công tác đối ngoại an ninh, hợp tác tư pháp nhằm xử lý hiệu quả các vụ án có các bị can bỏ trốn ra nước ngoài…
LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ QUY ĐỊNH NHƯ SAU:
“Điều 233. Kết luận điều tra trong trường hợp đề nghị truy tố
2. Cơ quan điều tra có thể kết luận điều tra đề nghị truy tố bị can khi đã có đủ căn cứ và bảo đảm quyền bào chữa cho bị can theo quy định của Bộ luật này trong các trường hợp sau:
a) Bị can trốn hoặc không biết bị can ở đâu và việc truy nà không có kết quả;
b) Bị can đang ở nước ngoài mà không thể triệu tập để phục vụ các hoạt động điều tra.
3. Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ban hành kết luận điều tra đề nghị truy tố đối với bị can quy định tại khoản 2 Điều này, kết luận điều tra phải được niêm yết nếu không thể giao được cho bị can.
4. Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều này.”.
Điều 243. Quyết định truy tố bị can
2. Viện kiểm sát có thể quyết định truy tố bị can khi đã có đủ căn cứ và bảo đảm quyền bào chữa cho bị can theo quy định của Bộ luật này trong các trường hợp sau:
a) Bị can trốn hoặc không biết bị can ở đâu và việc truy nà không có kết quả;
b) Bị can đang ở nước ngoài mà không thể triệu tập để phục vụ các hoạt động nhằm quyết định việc truy tố.
3. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra bản cáo trạng theo quy định tại khoản 2 Điều này, cáo trạng phải được niêm yết nếu không thể giao được cho bị can.
4. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều này”.


Ngày xuất bản: 9/7/2025
Tổ chức thực hiện: KIM PHƯƠNG BÌNH
Nội dung và trình bày: MAI ANH-VŨ QUANG CẢNH-NHỊ THU-GIANG KHÔI
Ảnh: BÁO NHÂN DÂN, QUOCHOI.VN