HOÀNG THÀNH THĂNG LONG - NƠI HỘI TỤ CÁC GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HÓA CỦA DÂN TỘC

 Di sản Văn hóa thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là biểu tượng của lịch sử-văn hóa Đại Việt qua nhiều thế kỷ. Đây là nơi triều đình quân chủ thời xưa bàn bạc, ban hành những quyết sách quan trọng của đất nước, nơi chứng kiến những thăng trầm qua những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, nơi hội tụ những nét tinh hoa kiến trúc-mỹ thuật của dân tộc… Những công trình kiến trúc từ xa xưa; những dấu tích kiến trúc và những hiện vật khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long là niềm tự hào vô giá của Thăng Long-Hà Nội nói riêng, của nước Việt Nam nói chung.

TỪ QUYẾT ĐỊNH LỊCH SỬ

Năm 1009, Vua Lý Thái Tổ lên ngôi tại kinh đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình ngày nay), mở ra triều Lý. Khi ấy, Hoa Lư đã đóng vai trò là kinh đô của hai nhà Đinh và Tiền Lê. Hoa Lư có địa thế hiểm yếu, những dãy núi bao bọc chung quanh, thuận lợi cho việc phòng thủ.

Nhưng khi lên ngôi báu, Vua Lý Thái Tổ nhận thấy thế đất hiểm trở, chật hẹp của Hoa Lư không còn phù hợp để cáng đáng vai trò là kinh đô của một đất nước thái bình. Chỉ một năm sau khi lên ngôi, Vua Lý Thái Tổ ban Thiên đô chiếu (Chiếu dời đô). Trong văn bản lịch sử này, Vua Lý Thái Tổ nói rõ mong muốn “đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu” để “vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh”.

Chiếu dời đô được ban ra, vua tôi trên dưới một lòng đồng thuận di chuyển kinh đô ra thành Đại La.

Mùa thu năm Canh Tuất (1010), Lý Thái Tổ cùng quần thần khởi sự dời đô ra thành Đại La.

Sử cũ ghi lại, đoàn dời đô của nhà vua vừa đến đất Đại La, vua trông thấy có hình ảnh rồng vàng bay lên trời, bèn quyết định đặt tên cho vùng đất này là Thăng Long (rồng bay lên). Bắt đầu từ đây, Thăng Long chính thức trở thành kinh đô của một nhà nước độc lập, thống nhất; dù trải qua thăng trầm của các triều đại, Thăng Long tiếp tục đóng vai trò kinh đô qua các triều đại: Trần, Lê, Mạc, Lê Trung hưng.

Sử cũ ghi lại, đoàn dời đô của nhà vua vừa đến đất Đại La, vua trông thấy có hình ảnh rồng vàng bay lên trời, bèn quyết định đặt tên cho vùng đất này là Thăng Long (rồng bay lên). Bắt đầu từ đây, Thăng Long chính thức trở thành kinh đô của một nhà nước độc lập, thống nhất; dù trải qua thăng trầm của các triều đại, Thăng Long tiếp tục đóng vai trò kinh đô qua các triều đại: Trần, Lê, Mạc, Lê Trung hưng.

Dời đô ra Thăng Long, nhà Lý bắt đầu cho xây dựng các công trình kiến thiết kinh đô. Thăng Long gồm hai phần: Hoàng thành là nơi ở của nhà vua và Hoàng gia, cũng là nơi nhà vua thiết triều; toàn bộ triều đình - cơ quan đầu não của nhà nước phong kiến - đều tập trung làm việc ở nơi này, khu vực thuộc quận Ba Đình ngày nay. Trong đó, nơi thiết triều được đặt tên là Điện Càn Nguyên (rồi đổi thành Điện Thiên An, Điện Kính Thiên qua các thời kỳ lịch sử). Bên ngoài Hoàng thành là khu vực cư dân sinh sống. Toàn bộ khu vực này được bao bọc bởi một vòng thành lớn, gọi là thành Đại La, hay La Thành.

Hoàng thành Thăng Long ngày nay.

Hoàng thành Thăng Long ngày nay.

Với việc quy hoạch kinh đô Thăng Long gồm hai khu vực như trên, nhà Lý đã đặt nền móng cấu trúc cơ bản của kinh đô Thăng Long trong suốt nhiều thế kỷ sau này. Hoàng thành có sự thay đổi về diện tích, quy mô qua các triều đại, nhiều công trình bị phá hủy bởi chiến tranh hay thời gian, nhưng không gian chung không có nhiều biến đổi qua suốt nhiều thế kỷ.

Ngoại trừ một thời gian ngắn cuối thời Trần và thời Hồ, kinh đô chuyển vào Thanh Hóa, Thăng Long đóng vai trò là kinh đô gần như liên tục trong tám thế kỷ. Mãi đến đầu thế kỷ 19, nhà Nguyễn định đô ở Huế, Thăng Long không còn là kinh đô của đất nước. Hoàng thành Thăng Long chứng kiến những thay đổi lớn lao. Đại thi hào Nguyễn Du từ kinh đô Huế ra Thăng Long trước khi đi sứ nhà Thanh đã viết hai bài thơ về “cố đô” Thăng Long. Trong đó, Thăng Long I có câu:

“Thiên niên cự thất thành quan đạo
Nhất phiến tân thành một cố cung”

tức:

“Nghìn năm dinh lớn thành đường cái
Một dải thành xây lấp cố cung”

(bản dịch của Trần Thanh Mại (1911-1965).

CHẠM VÀO QUÁ KHỨ

Dẫu trải qua những biến đổi lớn lao của lịch sử, nhiều công trình bị phá hủy, Hoàng thành Thăng Long xưa vẫn lưu giữ được một số kiến trúc đồ sộ.

Hoàng thành Thăng Long được xây theo trục bắc-nam, với cửa chính quay về phía nam. Trục chính giữa được gọi là trục “thần đạo” hay “ngự đạo” (đường vua đi).

Cột cờ Hà Nội

Cột cờ Hà Nội

Từ phía nam đi vào, hạng mục kiến trúc đầu tiên là Kỳ đài, người dân vẫn quen gọi là Cột cờ Hà Nội. Đây là nơi đánh dấu sự khởi nguyên ở đầu phía nam trục chính tâm của tòa thành.

Kỳ đài xây dựng thời Nguyễn, gồm ba tầng đế và một thân cột. Đây là nơi treo cờ, đồng thời là đài quan sát. Kỳ đài có quy mô bề thế, cao 33,4m, nếu kể cả cán cờ thì là 41,4m.

Từ đây theo đường “ngự đạo” sẽ tới Đoan Môn. Đoan Môn hay còn gọi là Cửa Nam, là một công trình đồ sộ khác, gồm năm cổng lớn.

Đoan Môn hôm nay.

Đoan Môn hôm nay.

Trung tâm của Hoàng thành Thăng Long là Điện Kính Thiên - nơi thiết triều, nơi Hoàng đế tiếp đón các vị Đại khoa, sứ thần các nước. Đây chính là trung tâm quyền lực quan trọng nhất của Đại Việt suốt nhiều thế kỷ. Điện Kính Thiên đã không còn, nhưng bậc thềm đá với đôi rồng được làm từ thời Lê sơ vẫn được gìn giữ nguyên vẹn.

Đôi rồng đá thời Lê sơ – dấu tích duy nhất còn lại của Điện Kính Thiên xưa.

Đôi rồng đá thời Lê sơ – dấu tích duy nhất còn lại của Điện Kính Thiên xưa.

Hạng mục quan trọng cuối cùng còn tồn tại tại Hoàng thành xưa là cổng thành Cửa Bắc, nằm trên phố Phan Đình Phùng. Đây là chiếc cổng lớn, nhìn ra phía bắc. Trên thân cổng còn lưu dấu hai phát đại bác thực dân Pháp bắn vào khi tấn công thành Hà Nội cuối thế kỷ 19.

Cổng thành Cửa Bắc

Cổng thành Cửa Bắc

Bên cạnh những hạng mục kiến trúc thời phong kiến, Hoàng thành Thăng Long còn lưu giữ nhiều kiến trúc thời Pháp và những công trình được xây dựng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đặc biệt nhất trong đó là Nhà và hầm D67. Tên đầy đủ của công trình này là Phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương.

Do sự đánh phá ác liệt của Mỹ, để bảo đảm nơi làm việc của cơ quan Tổng hành dinh trong chiến tranh, Bộ Quốc phòng quyết định xây dựng Nhà và hầm D67.

Bên trong di tích Nhà và hầm D67

Bên trong di tích Nhà và hầm D67

Trong di tích Nhà và hầm D67 có Phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Phòng làm việc của Đại tướng Văn Tiến Dũng. Tòa nhà nối với căn hầm sâu 9m, được xây dựng kiên cố để chống bom. Hầm có ba tầng cầu thang lên xuống. Nơi đây Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã ra nhiều quyết sách quan trọng, trong đó, có những cuộc họp để đưa ra quyết định về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.

NHỮNG BÍ ẨN ĐƯỢC GIẢI MÃ

Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (gồm Khu Thành cổ và Khu Khảo cổ học số 18, Hoàng Diệu) được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 2010.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nhiều lần bị phá hủy, cho nên trước đây, hiểu biết về Hoàng thành Thăng Long chủ yếu qua sử sách và một số dữ liệu ít ỏi từ khảo cổ học.

Năm 2002, khi xây dựng Nhà Quốc hội, những di sản quý báu về Hoàng thành Thăng Long xưa đồng loạt phát lộ trên diện tích hàng chục héc-ta với hàng triệu hiện vật. Khu vực đó nay là Khu Khảo cổ số 18 phố Hoàng Diệu. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà khoa học phát hiện nhiều loại hình dấu tích kiến trúc, di vật khảo cổ xếp chồng lên nhau suốt chiều dài hàng chục thế kỷ.

Viên ngói hình rồng phủ men vàng tiêu biểu cho kiến trúc cung điện tại Hoàng thành Thăng Long.

Viên ngói hình rồng phủ men vàng tiêu biểu cho kiến trúc cung điện tại Hoàng thành Thăng Long.

Xa nhất là thời kỳ Đại La (khi nước ta còn trong thời kỳ Bắc thuộc, thế kỷ VII-IX). Tiếp đó là di vật thời Đinh, Tiền Lê (thế kỷ 10). Đặc biệt quý báu là lớp khảo cổ liên quan đến thời Lý (1009-1225), thời Trần (1226-1400) cho chúng ta biết nhiều thông tin quý báu về hai triều đại quân chủ này.

Nằm trên lớp Lý-Trần là các tầng văn hóa liên quan đến các triều Lê sơ (1428-1527), Mạc (1527-1592), Lê Trung Hưng (1593-1789) và Nguyễn (1802-1945). 

Các nhà khoa học trao đổi về kết quả khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long.

Các nhà khoa học trao đổi về kết quả khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long.

Với những giá trị đặc biệt này, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (gồm Khu Thành cổ và Khu Khảo cổ học số 18, Hoàng Diệu) được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 2010.

Sau khi được ghi danh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục khai quật khảo cổ tại khu vực Thành cổ. Qua hơn mười năm liên tục khai quật, diện tích khai quật hiện đạt hơn 10 nghìn m2. Những cuộc khai quật đó chính là một hành trình khẳng định giá trị.

Giếng cổ được tìm thấy tại Hoàng thành Thăng Long.

Giếng cổ được tìm thấy tại Hoàng thành Thăng Long.

Thời Lý, nổi bật nhất là những đường nước lớn, rộng khoảng 2m, được thi công, gia cố kỹ càng, vẫn bền vững sau hàng nghìn năm lịch sử. Kiến trúc bằng gỗ dễ bị hư hại bởi thời gian, nhưng những hố móng cột qua các thời kỳ giúp thế hệ hôm nay hình dung nơi đây đã từng tồn tại những công trình thổ mộc quy mô.

Tương tự là những phế tích kiến trúc dày đặc thời Trần, mà đáng chú ý nhất là con đường trang trí hình hoa chanh nối từ Đoan Môn đến khu vực Điện Kính Thiên - trục Thần đạo, lối vua ngự giá của Hoàng thành thời Trần dần hiển lộ.

Bộ sưu tập gốm sứ ngự dụng được khai quật tại Hoàng thành Thăng Long, nay được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Bộ sưu tập gốm sứ ngự dụng được khai quật tại Hoàng thành Thăng Long, nay được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Rõ nét nhất là những dấu tích kiến trúc thời Lê và Lê Trung hưng, để ta có thể hình dung ra nơi thiết triều - Điện Kính Thiên, sân Đan Trì - nơi bách quan tụ họp dưới thềm rồng khi dự thiết triều.

Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trung Tín nhấn mạnh: “Những lớp đất mang dấu ấn đủ các thời kỳ lịch sử suốt 13 thế kỷ có diễn biến theo trật tự và liên tục, không gián đoạn. Đặc biệt là khu trung tâm của Hoàng thành và Cấm thành Thăng Long. Khu vực này là tài sản vô giá của Việt Nam nói chung, của Thủ đô Hà Nội nói riêng”.

KỲ VỌNG VỀ PHỤC DỰNG ĐIỆN KÍNH THIÊN

Nơi thiết triều là không gian quan trọng nhất ở Hoàng thành Thăng Long. Qua các thời kỳ khác nhau, nơi thiết triều có tên gọi: Điện Càn Nguyên, Điện Thiên An. Thời Lê sơ và tiếp đó là thời Mạc, thời Lê Trung hưng, vị trí thiết triều không thay đổi và có tên gọi Điện Kính Thiên. Một thời gian sau khi nhà Nguyễn định đô ở Huế, Điện Kính Thiên bị phá, thay bằng Điện Long Thiên. Người Pháp một lần nữa lại phá Điện Long Thiên, xây Trụ sở Bộ chỉ huy Pháo binh ngay trên nền Điện Kính Thiên.

Do thời nhà Lý, nhà Trần đã quá xa xôi, cho nên các nhà khoa học đều mong muốn giải mã được bí ẩn kiến trúc Điện Kính Thiên thời Lê. Khó khăn rất lớn là công trình đã bị phá hủy cách đây hai thế kỷ.

Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu.

Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu.

Những cuộc khai quật đã giúp diện mạo Điện Kính Thiên dần hiển lộ. Trong kiến trúc phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng, các cây cột đóng vai trò chịu lực chính. Người xưa làm những móng cột và đặt đá tảng kê chân cột. Cuộc khai quật khảo cổ năm 2023 đã tạo ra bước ngoặt khi trên nền Điện Kính Thiên đã xác định mười móng đơn, bảy móng kép, quy ra là 24 đơn vị móng đơn.

Căn cứ vào móng cột đào được, các nhà khoa học bước đầu nhận định, Điện Kính Thiên có quy mô chín gian, gian giữa rộng 6,8m, các gian bên rộng 5,35m, hai gian hồi mỗi gian rộng 3,4m. Tổng diện tích Điện Kính Thiên thời Lê Trung hưng khoảng 1.485m2.

Căn cứ vào móng cột đào được, các nhà khoa học bước đầu nhận định, Điện Kính Thiên có quy mô chín gian, gian giữa rộng 6,8m, các gian bên rộng 5,35m, hai gian hồi mỗi gian rộng 3,4m. Tổng diện tích Điện Kính Thiên thời Lê Trung hưng khoảng 1.485m2.

Phục dựng những nghi lễ cung đình tại Hoàng thành Thăng Long.

Phục dựng những nghi lễ cung đình tại Hoàng thành Thăng Long.

Cùng với nền móng, quy mô, mái và bộ khung chịu lực đỡ mái của Điện Kính Thiên rất đáng chú ý. Nếu như các công trình tín ngưỡng, tôn giáo còn tồn tại đến ngày nay thường dùng ngói vảy cá, ngói mũi hài bằng đất nung, để mộc, thì ngói ở Điện Kính Thiên là ngói ống tráng men vàng (hoàng lưu ly, màu vàng tượng trưng cho hoàng đế). Mỗi viên ngói ở diềm mái có đầu rồng, các viên ngói tiếp theo là thân rồng, viên áp mái là đuôi rồng. Cả bộ mái ngói là cả một đàn rồng sinh động.

Với bộ đỡ mái, dấu mốc quan trọng nhất là năm 2017-2018, các nhà khoa học tìm được 70 cấu kiện gỗ. Trong đó, có nhiều cấu kiện nằm trong kết cấu của hệ “đấu củng”. Năm 2021, phía đông Điện Kính Thiên còn tìm thấy một mô hình kiến trúc men xanh lục phản ánh chân thực bộ khung gỗ đỡ mái là hệ “đấu củng” - một loại kết cấu đỡ mái theo kỹ thuật chồng rường, nằm ở vị trí dưới mái hiên và mái nhà, vừa có tác dụng mở rộng diện tích hiên nhà, vừa có khả năng chịu lực và đóng vai trò trang trí tạo vẻ đẹp cho công trình.

Phục dụng mô hình kiến trúc Điện Kính thiên

Phục dụng mô hình kiến trúc Điện Kính thiên

Tiến sĩ Bùi Minh Trí, Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, người trực tiếp nghiên cứu về bộ khung và mái của Điện Kính Thiên cho biết: “Mặc dù chưa tìm thấy hoàn toàn đầy đủ bộ đấu củng, nhưng kết hợp giữa những tư liệu khảo cổ, dựa vào hình thái kiến trúc cung điện vẽ trên đồ gốm và tư liệu mô hình kiến trúc thời Lê sơ, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã có đủ cơ sở để xác định chắc chắn kiến trúc Điện Kính Thiên thuộc dạng đấu củng. Đây là phát hiện quan trọng, là chìa khóa nghiên cứu giải mã bí ẩn về hình thái kiến trúc Điện Kính Thiên”.

Đến thăm Hoàng thành Thăng Long ngày nay, người dân khó hình dung và cảm nhận được vẻ đẹp kiến trúc, hiểu được thông điệp của người xưa, do phần lớn các công trình đều chỉ còn là phế tích. Bởi thế, Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc cũng như nhiều nhà khoa học khác đều nhấn mạnh: Với những ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Điện Kính Thiên, việc phục dựng là trách nhiệm của chính quyền, của các nhà khoa học với nhân dân, với lịch sử và cần được tập trung triển khai trong thời gian tới.

Với những ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Điện Kính Thiên, việc phục dựng là trách nhiệm của chính quyền, của các nhà khoa học với nhân dân, với lịch sử và cần được tập trung triển khai trong thời gian tới.
Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc

LAN TỎA NHỮNG TINH HOA

Hoàng thành Thăng Long là di sản quan trọng bậc nhất của Thủ đô, đồng thời là một trong những địa chỉ du lịch hấp dẫn. Mỗi năm Hoàng thành Thăng đón hàng trăm nghìn lượt khách du lịch trong nước và quốc tế.

Một trong những tour tham quan hấp dẫn nhất tại đây là tour trải nghiệm đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”.

Hành trình trải nghiệm tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” kéo dài khoảng 90 phút, xuất phát từ Đoan Môn - cửa dẫn vào Cấm thành, nơi ở và làm việc của nhà vua xưa kia.

Tham gia tour, du khách được trải nghiệm không gian Hoàng thành xưa, chiêm ngưỡng những hiện vật, cổ vật quý giá được tìm thấy tại Hoàng thành Thăng Long trong nhà trưng bày với chủ đề “Thăng Long Hà Nội - Lịch sử nghìn năm từ lòng đất”, dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên đế tại khu vực thềm điện Kính Thiên.

Điểm tham quan cuối cùng trong lộ trình là Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Tại đây, sau nhiều năm khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm được hàng triệu hiện vật có niên đại xen lẫn nhau, chồng xếp lên nhau qua suốt 1.300 năm. Kết thúc tour là trò chơi Giải mã Hoàng thành Thăng Long dành cho tất cả du khách. 

Khám phá Hoàng thành Thăng Long đem lại cho tôi một cảm xúc rất đặc biệt. Tôi hy vọng thành phố có thêm nhiều hoạt động hấp dẫn khác để phát huy giá trị di sản đặc biệt này.

Chia sẻ sau khi trải nghiệm, anh Trịnh Hoàng Dũng (phố Quan Nhân, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Khám phá Hoàng thành Thăng Long đem lại cho tôi một cảm xúc rất đặc biệt. Tôi hy vọng thành phố có thêm nhiều hoạt động hấp dẫn khác để phát huy giá trị di sản đặc biệt này”.

Cùng với phần nghiên cứu giá trị vật thể, những hoạt động, nghi lễ cung đình xưa được đơn vị quản lý triển khai phục dựng. Với nỗ lực của các nhà khoa học, nhiều nghi lễ xưa trong triều được phục dựng: Lễ Táo quân, Lễ Thượng nêu (dựng cây nêu), Lễ Tiến lịch, Tết Trung thu, Tết Đoan ngọ… Hằng năm, những nghi lễ này trở thành dịp thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.

Học sinh tìm hiểu các giá trị Hoàng thành Thăng Long.

Học sinh tìm hiểu các giá trị Hoàng thành Thăng Long.

Cùng với đó, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội còn tổ chức những lớp học giáo dục di sản để thế hệ trẻ hiểu hơn, gắn bó hơn với di sản thông qua các chương trình: “Em tìm hiểu di sản” và “Em làm nhà khảo cổ”. Mỗi năm, không tính hàng trăm nghìn lượt khách trong nước và quốc tế tham quan, đã có hàng chục nghìn học sinh các cấp tham gia hoạt động trải nghiệm, qua đó, nuôi dưỡng tình yêu di sản trong các em.

Với việc UNESCO chấp thuận nghiên cứu, phục dựng Điện Kính Thiên, công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long bước sang một trang mới. Những giá trị độc đáo đại diện cho văn hóa dân tộc tiếp tục được lan tỏa ngày một xa hơn.

Tổ chức thực hiện: Kiều Hương - Nam Đông
Nội dung: Giang Nam
Ảnh: Giang Nam - Thành Đạt - Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội
Trình bày: Bảo Minh