HOÀNG VÂN - LÊ PHI PHI

Bao nhiêu năm đất nước chia cắt là bấy nhiêu năm hàng chục triệu trái tim đau đớn cháy bỏng khát khao thống nhất, hòa bình. Có một thế hệ nhạc sĩ đã dành cả cuộc đời và sự nghiệp cho những “tình tự dân tộc” ấy: Hoàng Việt, Hoàng Hiệp, Phan Huỳnh Điểu, Huy Du, Hoàng Vân... May mắn hơn các bạn đồng nghiệp đồng chí hướng, sự nghiệp âm nhạc đồ sộ của nhạc sĩ Hoàng Vân còn được kế thừa bởi hai người con tài danh : TS, nhà nghiên cứu âm nhạc Lê Y Linh và nhạc trưởng Lê Phi Phi.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi với nhạc trưởng Lê Phi Phi - nhạc trưởng Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Macedonia diễn ra vào những ngày tháng tư lịch sử, và anh cũng bồi hồi chia sẻ với người yêu âm nhạc của cha mình những ký ức của 50 năm trước: một thời đạn bom, một thời mơ hòa bình.

Vị nhạc trưởng không kìm nén được nước mắt khi nhớ đến người cha đã khuất.

Vị nhạc trưởng không kìm nén được nước mắt khi nhớ đến người cha đã khuất.

NHỮNG SÁNG TÁC VỀ TÌNH YÊU, LÝ TƯỞNG CỦA MỘT DÂN TỘC ANH HÙNG

Thưa anh, anh có thể chia sẻ về thời điểm mà anh và chị gái biết là cha mình sáng tác những bài ca mang đậm khao khát hòa bình thống nhất: Hà Nội-Huế-Sài Gòn; Quảng Bình quê ta ơi, Hai chị em, Tôi là người thợ lò...? Anh nghe những tác phẩm ấy lần đầu ngay trong nhà mình hay trên đài?

Tôi (sinh năm 1967) và chị gái Y Linh (sinh năm 1963) là thế hệ những đứa trẻ được sinh ra trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ đang khốc liệt nhất. Cả tuổi thơ của chúng tôi cho đến năm 1973 là những chuỗi ngày đi sơ tán triền miên, xa bố mẹ, xa Hà Nội. Chính vì thế mà những tác phẩm của bố sáng tác trong giai đoạn này chỉ được chúng tôi biết đến khi hòa bình lập lại sau Hiệp định Paris 1973. Tôi nhớ, căn hộ nhỏ của gia đình tôi ở 14 Hàng Thùng được bố dành riêng một phòng để cây đàn piano, cửa và tường đều được bọc thêm dạ cách âm để ông sáng tác, và đôi khi thậm chí thu thanh luôn một ca khúc mới nào đó của ông với ca sĩ. Thường là các bài hát ông đều sáng tác trong quá trình đi thực tế ở một nơi nào đó, nên khi về Hà Nội thì sẽ được dàn dựng và thu thanh ở Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ. Rất nhiều lần tôi đã được bố cho đến chơi cả buổi thu thanh một tác phẩm mới. Không khí tập dượt, phòng thu đã vô cùng quen thuộc với chúng tôi và rất nhiều ca khúc sau này trở nên nổi tiếng đã được tôi nghe từ lúc khai sinh.

Bố anh có hay chia sẻ với gia đình về hoàn cảnh ra đời của mỗi bài ca mà ông tâm đắc hay tâm trạng, cảm xúc của ông khi đó không? Nghệ sĩ biểu diễn, dàn nhạc trình tấu mà ông hài lòng nhất?

Lúc tôi còn nhỏ, bố không có thời gian và cơ hội để chia sẻ nhiều với chúng tôi về công việc của mình. Ông giáo dục và dạy chúng tôi bằng thực tế, bằng những chuyến đi công tác về các vùng miền, tới các nhà máy, nông trường, hợp tác xã, đoàn ca múa… mà ông luôn cho con đi cùng vì một lẽ đơn giản là mẹ tôi là bác sĩ nên luôn bận rộn với công việc, trực ca đêm không có thời gian trông các con.

Sau này lớn lên, ông cũng ít chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của các bài hát một cách tỉ mỉ, trừ những bài được sáng tác khi ông cho chúng tôi đi thực tế cùng thì tôi có thể biết lịch sử ra đời.

Về các ca sĩ thể hiện, bố tôi là một người rất độ lượng, không khó tính, khắt khe đối với các nghệ sĩ thể hiện tác phẩm của ông. Ông để cho họ tự cảm nhận và xử lý theo cách của họ. Ông quan niệm là miễn sao tác phẩm của mình càng được vang lên nhiều, đa dạng càng tốt. Chính vì vậy mà rất nhiều ca khúc của ông có rất nhiều dị bản so với bản gốc do nhiều cách thể hiện khác nhau của các nghệ sĩ qua nhiều thời kỳ. Nhưng ông không bao giờ thấy phiền lòng và đính chính gì cả.

Anh có bao giờ ngạc nhiên khi chiêm ngưỡng lại kho tàng âm nhạc đồ sộ của cha mình: khối lượng khổng lồ, loại hình đa dạng, từ ca khúc đến giao hưởng, đề tài trải rộng từ người lính, ngành nghề, địa phương đến những ca khúc thiếu nhi tuyệt vời nuôi dưỡng tuổi thơ của biết bao thế hệ? Anh có hỏi ông lấy đâu ra năng lượng và tình yêu để sáng tạo, đúng vào những năm đất nước gian lao và nghèo đói nhất không?

Cho đến giờ phút này, khi tôi đã ở độ tuổi trung niên và đã hoạt động âm nhạc hơn 30 năm thì tôi càng thấy sự vĩ đại của bố mình và càng ngày càng cảm phục hơn! Phải là một con người, nghệ sĩ phi thường như thế nào, tràn đầy năng lượng, tình yêu quê hương đất nước, con người bao nhiêu để có thể rút ruột ra những tác phẩm đầy tính thời sự, cổ vũ trực tiếp cho tinh thần chiến đấu, hy sinh, chiến thắng trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc và sau đó là xây dựng đất nước. Lúc đó, nghệ sĩ cũng là chiến sĩ- Hoàng Vân bằng ngòi bút của mình đã góp phần vào chiến thắng của hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Thời đó không ai nghĩ đến việc sáng tác để kiếm tiền, mà sáng tác về tình yêu, về lý tưởng của một dân tộc anh hùng với truyền thống chống giặc ngoại xâm hàng thế kỷ…

KIM CHỈ NAM CHO CUỘC ĐỜI NGHỆ THUẬT

Du học, lập nghiệp và thành danh ở châu Âu, cái nôi của nhạc cổ điển, điều gì thôi thúc anh nhất khi nhận lời về nước làm nhạc trưởng cho những chương trình hòa nhạc lớn kỷ niệm Ngày thống nhất đất nước, Ngày Quốc khánh, những chương trình mà bao giờ tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Vân cũng được trang trọng nhắc tới gần như là đầu tiên?

Mặc dù sinh sống và làm việc ở nước ngoài nhưng 30 năm qua tôi thường xuyên về nước cộng tác với các dàn nhạc, nhà hát của Việt Nam. Tôi muốn mình cùng tham gia đóng góp vào sự phát triển đời sống âm nhạc hàn lâm ở quê hương mình. Ngoài những chương trình về chuyên môn thuần túy giao hưởng, tôi vô cùng tự hào khi được chỉ huy, dàn dựng những chương trình âm nhạc Việt Nam gắn liền với những mốc lịch sử của dân tộc. Dân tộc Việt Nam có nhiều trang sử hào hùng về các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, rồi công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong hòa bình. Và phải nhấn mạnh rằng cha tôi - nhạc sĩ Hoàng Vân có rất nhiều tác phẩm thanh nhạc cũng như khí nhạc có lịch sử ra đời gắn liền với những sự kiện trọng đại của đất nước. Tôi rất tự hào khi được dàn dựng những tác phẩm đó.

Tác phẩm nào của nhạc sĩ Hoàng Vân do anh dàn dựng ở Việt Nam mà anh ưng ý nhất?

(Cười) Tác phẩm nào của bố tôi cũng hay, cũng ưng ý cả. Nó có rất nhiều nên không thể kể đại diện một vài tác phẩm được.

Khi anh nói với bố sẽ lập gia đình và ở lại châu Âu, nhạc sĩ Hoàng Vân buồn hay ủng hộ con trai?

Bố mẹ tôi luôn động viên và ủng hộ những quyết định cá nhân của con trai trong cuộc sống và trong sự nghiệp. Ông bà quan niệm là ở đâu, làm gì mà con mình cảm thấy hạnh phúc thì đó cũng chính là hạnh phúc của ông bà. Tất nhiên về mặt tình cảm mà nói thì đó là sự hy sinh cao cả của những người làm cha mẹ khi không có những đứa con ở bên cạnh. Hiểu rất rõ điều này nên suốt hơn 30 năm qua tôi luôn luôn sắp xếp công việc, cuộc sống của mình ở nước ngoài để một năm ít nhất hai, ba lần về với bố mẹ. Những năm cuối đời khi bố mẹ không được khỏe thì các con luôn thu xếp thời gian về túc trực và chăm sóc bố mẹ. Căn gác nhỏ ở gần hồ Gươm vẫn luôn là địa chỉ đi về thường xuyên của chúng tôi.

Khi anh dàn dựng lại các tác phẩm của ông trên sân khấu lớn mà có ông ngồi dưới, cảm xúc của anh như thế nào? Và ông đã nói gì với anh sau đó?

Cảm xúc thật hồi hộp, cảm động và cảm phục bố mình vô cùng. Trước khi tôi chỉ huy một tác phẩm nào của bố mình, tôi luôn hỏi ông về lịch sử ra đời của tác phẩm, lắng nghe ý kiến ông về những phong cách thể hiện. Những lúc như vậy ông rất vui, nói dài, nói nhiều câu chuyện rất hay. Đêm diễn ông bao giờ cũng ngồi hàng đầu, chăm chú căng người nghe từng nốt nhạc, từng câu chữ do cậu con trai và các đồng nghiệp đang chơi trên sân khấu tác phẩm của mình. Thường thì buổi sáng hôm sau hai bố con đi ăn sáng, cà-phê, và đó là lúc bố đưa ra những nhận xét về đêm nhạc tối hôm qua. Hay thì khen, chưa chuẩn thì có những nhận xét rất thẳng thắn nhưng đầy tính vị tha, tình thương yêu. Tôi không bao giờ có thể quên những giây phút như vậy với bố mình, nó sẽ đi mãi suốt cuộc đời nghệ thuật của tôi như một kim chỉ nam.

Nếu được quyền lựa chọn, tiếp theo, anh sẽ dàn dựng tác phẩm nào của bố mình cho Ngày kỷ niệm 50 năm đất nước hòa bình - thống nhất tới đây? Anh có nghĩ bố cũng sẽ hài lòng với cách lựa chọn và dàn dựng của anh?

Khi nói về âm nhạc của Hoàng Vân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi nhớ đến những tác phẩm mà tôi rất yêu thích như: Chào anh giải phóng quân, Chào mùa xuân đại thắng được viết năm 1968 nhân cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, Bài ca giao thông vận tải về những chuyến xe vượt rừng Trường Sơn đi cứu nước, Người chiến sĩ ấy về hình tượng người lính và cũng là Bác Hồ kính yêu, Quảng Bình quê ta ơi năm 1964 vào những ngày đầu tiên đế quốc Mỹ ném bom miền bắc, giao hưởng thơ Thành đồng Tổ quốc về miền nam thân yêu, giao hưởng hợp xướng Việt Nam muôn năm…

Tôi tin rằng bố tôi sẽ rất hài lòng với lựa chọn trên của tôi nếu được biểu diễn vào dịp 30/4/2025 nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước.

Xin chân thành cảm ơn anh!

Nội dung: Đỗ Thu Hà
Trình bày: Dương Thịnh
Ảnh: Nhân Dân, hoguomopera.vn, dantri.com.vn