Trang mới trong hoạt động R&D của doanh nghiệp

Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) của một quốc gia có mối tương quan thuận chiều với mức độ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao, Việt Nam cần có chiến lược tổng thể nhằm nâng tỷ lệ đầu tư cho R&D lên 2% GDP vào năm 2030.

Trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế về Trí tuệ nhân tạo và Bán dẫn 2025, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Tập đoàn Meta và Tổ chức AI for Vietnam công bố triển khai thực hiện dự án ViGen với mục tiêu tạo ra các bộ dữ liệu tiếng Việt mã nguồn mở toàn diện và chất lượng cao. Đây là cách để tăng sự hiện diện của Việt Nam trong các mô hình AI thế giới đang được phát triển rất nhanh, thúc đẩy ứng dụng AI sâu rộng tại Việt Nam, tận dụng cơ hội biến AI thành công cụ để phát triển kinh tế, tạo lợi thế cạnh tranh quốc gia trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

BẮT NHỊP VÀO KỶ NGUYÊN AI

Các đối tác chiến lược cùng tham gia thực hiện dự án gồm Viettel, NVIDIA, Viện Công nghệ Thông tin (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Chia sẻ về mục tiêu của dự án, TS Trần Việt Hùng - người tham gia sáng lập tổ chức AI for Vietnam cho biết, đây là cách thức nhanh nhất và hiệu quả để Việt Nam có thể đi cùng các nước phát triển trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Hiện nay, tiếng Việt chỉ chiếm khoảng 1% trong các mô hình AI đang được phát triển. Do đó, những người Việt đang làm việc tại Thung lũng Silicon (Hoa Kỳ) mong muốn tham gia ngay khi Generative AI (AI tạo sinh) vẫn còn đang mới mẻ với cả thế giới, với kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành một điểm sáng trên toàn cầu về ứng dụng AI. ViGen là một trong số rất nhiều dự án công nghệ cao đang được khởi động từ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đang được hình thành từ mắt xích quan trọng là NIC.

Đi vào hoạt động từ năm 2023, cơ sở NIC Hòa Lạc đang trở thành môi trường ươm dưỡng cho khởi nghiệp và thúc đẩy R&D thông qua hoạt động giao lưu kết nối giữa các doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước. Nhiều tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ như NVIDIA, Meta, Google… đã có sự hợp tác với NIC và các doanh nghiệp lớn của Việt Nam trong các ngành công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn. Đây là tín hiệu lạc quan về triển vọng tăng trưởng trong hoạt động đầu tư R&D, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển kỹ năng và tiếp cận với các công nghệ hàng đầu thế giới.

Bắt nhịp vào kỷ nguyên AI. Ảnh: Internet

Bắt nhịp vào kỷ nguyên AI

Dẫn đầu trong hoạt động đầu tư vào R&D tại Việt Nam là Tập đoàn Samsung. Năm 2023, Trung tâm R&D (SRV) của Tập đoàn Samsung đặt tại Hà Nội chính thức đi vào hoạt động. Thời gian đầu, năng lực chủ yếu của Trung tâm (SRV) do các kỹ sư người Hàn Quốc đảm nhiệm. Bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của các kỹ sư người Việt tại đây là khi Tập đoàn Samsung quyết định đưa tiếng Việt trở thành 1 trong 13 ngôn ngữ trong tính năng phiên dịch của sản phẩm Galaxy S24 - dòng điện thoại smart phone đầu tiên ứng dụng công nghệ AI. Nhóm nghiên cứu chỉ có khoảng 4 tháng triển khai nhiệm vụ. Tuy nhiên với nỗ lực vượt bậc, các kỹ sư người Việt tại SRV đã tự mình làm chủ công nghệ và hoàn thiện AI cho tiếng Việt trên dòng sản phẩm S24 đúng thời hạn quy định, giúp người Việt có thể tương tác với AI bằng tiếng mẹ đẻ, tương tự như các ngôn ngữ phổ biến trên thế giới khác. Từ kết quả này, các kỹ sư Việt Nam tại SRV đã có thể chuyển giao công nghệ, chuyển giao quy trình kiểm thử cho hệ thống của Samsung tại các nước Đông Nam Á. Hiện nay, SRV có hơn 2.400 nhân sự nhưng chỉ có hơn 10 kỹ sư người Hàn Quốc đóng vai trò là cầu nối, các công việc còn lại đều do đội ngũ kỹ sư người Việt đảm nhiệm.

“Do đặc thù của hoạt động khoa học, cần bãi bỏ cơ chế chi theo định mức, theo quy trình hoặc cho từng công việc. Việc chấp nhận mạo hiểm trong đầu tư giúp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo ra cơ hội đầu tư và mở rộng không gian phát triển. Từ đó, gia tăng nhu cầu R&D của doanh nghiệp”.
TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG

Quang cảnh Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: Phạm Thắng

Quang cảnh Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: Phạm Thắng

KỲ VỌNG TỪ NGHỊ QUYẾT MỚI

Thu hút các tập đoàn công nghệ lớn đầu tư vào R&D là một hướng đi của Việt Nam nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phát triển nhân tài địa phương, theo chiến lược “đứng trên vai người khổng lồ”. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước cũng sớm ý thức được vai trò của R&D trong việc tạo ra sản phẩm và công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của mình, như Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Gốm sư Minh Long, Vinafood…

Không thể phát triển khoa học công nghệ nói chung và R&D nói riêng nếu không có nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, về nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo, cũng theo dữ liệu của WB, năm 2021, Việt Nam đứng thứ 57/91 quốc gia, với khoảng 780 người/1 triệu dân. Quốc gia có số nhà nghiên cứu trên một triệu dân cao nhất là Hàn Quốc, gấp hơn 10 lần Việt Nam với khoảng 9.087 người/1 triệu dân. Thực tế, chỉ số nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo của Việt Nam lại thấp hơn so với các nước trong khu vực, các quốc gia mà chúng ta muốn bắt kịp như Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản...

Năm 2011, Rạng Đông quyết định thành lập Trung tâm R&D chiếu sáng Rạng Đông trên cơ sở hợp tác giữa doanh nghiệp và Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam với mức đầu tư 20 tỷ đồng. Mô hình hoạt động của Trung tâm dựa trên nguồn nhân lực từ các Viện, Trường đại học cùng với đội ngũ kỹ thuật của Rạng Đông để triển khai các dự án nghiên cứu phát triển sản phẩm, công nghệ mới. Từ thành công của mô hình này, Rạng Đông tiếp tục thành lập 3 Trung tâm R&D trong các lĩnh vực chuyển đổi số, mô hình kinh doanh và dành 20% lợi nhuận sau thuế đầu tư cho R&D. Qua đó, hệ sinh thái sản phẩm/dịch vụ 4.0 của Rạng Đông đã được hoàn thiện và phát triển với các thuộc tính: Thông minh hóa, cá thể hóa; xanh hóa và kinh tế tuần hoàn; ứng dụng vào Smart Home, Smart City, Smart Farm… Nhờ vào hệ sinh thái này, năng suất lao động của doanh nghiệp đã tăng hơn 30% và liên tục thiết lập mức doanh thu mới. Từ chỗ phải chật vật cạnh tranh với hàng nhập khẩu, các sản phẩm Rạng Đông đã xuất khẩu sang gần 50 quốc gia, khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế.

Các chuyên gia kỳ vọng sẽ có sự đột phá trong việc đầu tư R&D. Ảnh: Internet

Các chuyên gia kỳ vọng sẽ có sự đột phá trong việc đầu tư R&D. Ảnh: Internet

Tuy nhiên xét trên bình diện chung, đầu tư R&D của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn ở mức thấp hơn so với tỷ lệ trung bình của các nước trong khu vực. Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2023 do Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo mở BambuUP công bố cho thấy mức đầu tư R&D trong các doanh nghiệp Việt Nam năm 2023 chỉ đạt 0,4% GDP, xếp thứ 66 toàn cầu, giảm 7 bậc so với năm 2022. Trong khi đó các nước trong khu vực đều có sự gia tăng về đầu tư cho hoạt động R&D và thăng hạng về chỉ số này, như Thái Lan tăng 4 bậc, Singapore tăng 3 bậc, Malaysia và Philippines đều tăng 2 bậc… Một dữ liệu khác từ Ngân hàng Thế giới cho thấy, trong khu vực tư nhân, chỉ có một số ít doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu và phát triển trong các ngành sản xuất còn rất thấp, đơn cử, ngành sản xuất thiết bị điện chỉ có 17% doanh nghiệp có hoạt động R&D, tỷ lệ này ở ngành sản xuất hóa chất là 15%, ngành sản xuất chế biến thực phẩm là 9%, ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và nhựa là 7%... (số liệu năm 2017).

Trong bối cảnh đó, việc đạt được mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là nhiệm vụ đầy thách thức. TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam nhận định, việc doanh nghiệp Việt Nam không chú trọng đầu tư cho hoạt động R&D có nguyên nhân từ nhiều yếu tố. Về phía doanh nghiệp, 98% doanh nghiệp có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ nên chủ doanh nghiệp coi kinh doanh là sinh kế, chưa có nhiều hoài bão đổi mới sáng tạo để có những sản phẩm, dịch vụ mới đóng góp cho xã hội. Bên cạnh đó, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ còn nhiều hạn chế cũng là nguyên nhân quan trọng khiến doanh nghiệp không nỗ lực đầu tư cho R&D. “Không có đổi mới sáng tạo và đầu tư đúng mức cho R&D, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam rất khó phát triển vượt trội về hiệu suất và năng lực cạnh tranh”, TS Lê Duy Bình nói.

Trong định hướng phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung đề xuất cần sửa đổi, bổ sung các luật về sở hữu trí tuệ, Luật Thuế thu nhập cá nhân, luật về khoa học công nghệ nhằm tạo khung khổ pháp lý cho vận hành và phát triển thị trường khoa học công nghệ, tăng nhu cầu và năng lực nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp cũng như đội ngũ các tổ chức nghiên cứu phát triển của quốc gia. Theo đó, mỗi doanh nghiệp được thành lập Quỹ Nghiên cứu phát triển với kinh phí đầu tư hằng năm trích 5-10% từ lợi nhuận trước thuế. Doanh nghiệp có quyền tự chủ trong sử dụng Quỹ để đầu tư nghiên cứu phát triển hoặc thuê các nhà nghiên cứu bên ngoài theo cơ chế khoán sản phẩm.

Với diễn biến mới từ việc thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ trong hoạt động đổi mới sáng tạo với các doanh nghiệp Hoa Kỳ và sự ra đời của Nghị định 57 của Bộ Chính trị cuối năm 2024, các chuyên gia kỳ vọng sẽ có sự đột phá trong việc đầu tư R&D tại các doanh nghiệp trong thời gian tới, nhất là khi bản thân các doanh nghiệp Việt Nam đang thay đổi tư duy và nhận thức về tầm quan trọng của việc đầu tư cho hoạt động R&D.

Nội dung: Hiền Lương
Trình bày: Ngọc Thúy
Ảnh: Phạm Thắng, internet