Hồ Baikal
Vẻ đẹp lộng lẫy mùa đông
Cuối tháng ba, khi tuyết dần tan, nắng chan hòa như mật trải dài khắp phố phường Moskva, thì có một nơi ở nước Nga, mùa đông vẫn còn ngự trị. Nơi ấy, với vẻ đẹp hùng vĩ, dù muôn trùng giá lạnh, vẫn tiếp tục thu hút du khách từ khắp nơi đổ về, mong được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp mùa đông còn kéo dài tới tận tháng 5, tháng 6. Nơi ấy chính là hồ Baikal và hòn đảo nổi tiếng Olkhon, nơi duy nhất có sự sống con người trong số 27 hòn đảo lớn nhỏ vùng hồ này.
Nằm ở phía nam vùng Đông Siberia thuộc Liên bang Nga, giữa tỉnh Irkutsk ở phía tây bắc và Cộng hòa Buryatia ở phía đông nam, thuộc Cộng hòa Buryatia và vùng Irkutsk, hồ Baikal có hình dạng lưỡi liềm nên nó còn được gọi là “con mắt xanh Siberia” hay “nước mắt Siberia”. Baikal được biết đến với rất nhiều kỷ lục đáng ngưỡng mộ.
Điểm sâu nhất của hồ là 1.642 mét. Sau này các nhà khoa học đã tính toán lại và cho rằng điểm sâu nhất của hồ Baikal là 1.637 mét. Tuy nhiên, dù với độ sâu nào, Baikal là hồ sâu nhất thế giới. Trên Trái đất, chỉ có 6 hồ có độ sâu hơn 500 mét. Đây cũng là hồ chứa nước ngọt lớn nhất hành tinh với trữ lượng khoảng 23.615 km3, vượt quá lượng nước chứa trong Ngũ đại hồ ở Bắc Mỹ cộng lại. Nói một cách khác, có khoảng 20% trữ lượng nước ngọt không bị đóng băng quanh năm trên bề mặt thế giới, tập trung ở lưu vực Baikal.
Với diện tích 31.722 km vuông (không kể diện tích các đảo), hồ Baikal cũng được coi là hồ nước ngọt lớn nhất thế giới và rộng gần bằng Vương quốc Bỉ. Baikal cũng là nhà của hàng ngàn loài động thực vật, nhiều loài trong số đó không thể tìm thấy ở nơi nào khác trên thế giới. Bởi thế, vào năm 1996, Baikal được Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới.
Hồ Baikal ước tính có tuổi đời từ 25-30 triệu năm, được coi là hồ nước lâu đời nhất thế giới. Từ xa xưa, Baikal đã được mệnh danh là Biển hồ linh thiêng, nguồn nước ngọt của thế giới. Bao quanh hồ là trùng điệp những dãy núi, những cánh rừng taiga, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, những thảm thực vật vô cùng phong phú. Hồ được nuôi dưỡng bởi hơn 330 con sông lớn nhỏ, và chỉ có duy nhất sông Angara mang nước hồ chảy ra ngoài. Chính vì lý do này, người ta còn gọi Angara là “con gái” của Baikal.
Thiên nhiên ở Baikal mùa nào trong năm cũng đều rất đẹp. Nhưng sự thực, mùa đông mới là thời điểm đáng mong chờ nhất trong năm. Toàn bộ mặt hồ đóng băng. Bên những vách đá, muôn vàn nhũ băng trắng muốt đổ xuống từ những đỉnh núi, tạo nên cảnh tượng vô cùng ngoạn mục. Vào những ngày lạnh sâu, tuyết ngừng rơi, người ta sẽ được chiêm ngưỡng mặt hồ Baikal với những lớp băng trong suốt, lung linh huyền ảo cùng sắc màu xanh lam tuyệt đẹp.
Sóng nước ngầm dưới lòng hồ ngày đêm đập vào vách núi, phá vỡ lớp băng bề mặt, tạo thành những cảnh tượng có một không hai.
Nhũ băng luôn đem lại niềm vui cho du khách
Trượt xe chó kéo, đi xe đạp, hay đua mô tô đều là những trải nghiệm lý thú trên mặt hồ Baikal vào mùa đông.
Có thể khẳng định dù rằng mùa hè là mùa du lịch chính tại Balkal, song tháng 2 và tháng 3 mới là thời điểm lý tưởng nhất để thăm hồ Baikal. Bão tuyết đã thưa hơn, trời trong và ngày dài hơn đêm. Khi ấy, hồ Baikal trở thành một sân băng khổng lồ, thách thức mọi đôi giày trượt.
Một địa điểm thu hút khách du lịch trên đảo Olkhon chính là Vách đá pháp sư, một trong 9 thánh địa của châu Á. Vách đá pháp sư là một trong những biểu tượng tiêu biểu khi nhắc đến hồ Baikal, nơi đây được xem là nơi tập trung năng lượng đặc biệt, cũng là điểm linh thiêng, nơi các pháp sư thực hiện nghi lễ từ ngàn xưa đến nay.
Du khách dán đồng xu lên tượng băng pháp sư sao cho nó không bị rớt xuống, và như thế điều ước sẽ thành hiện thực.
Tại Mũi Burkhan trên đảo Olkhon, bạn có thể nhìn thấy 13 trụ cột nghi lễ Serge theo tín ngưỡng Shaman giáo của người Buryat và Yakut. Cột Serge được các shaman quyết định dựng ở đâu thì có nghĩa rằng nơi đó đã có chủ nhân chăm sóc phần hồn. Mười ba chiếc cột Serge ở Mũi Burkhan, gần Vách đá Pháp sư, tượng trưng cho 13 bộ lạc đã từng sống trên đảo Olkhon. Cạnh mỗi cột gỗ là những tảng đá lớn, nơi dâng lễ vật cho chủ nhân.
Shaman đời thứ 13 đang làm lễ trên bên những cột gỗ Serge.
Vào mùa đông, đảo Olkhon được nối với đất liền bằng một tuyến đường dài 12 km bắt đầu từ Irkutskaya Guba trên đảo Olkhon, đến làng Kurkut bên hồ. Lớp băng của tuyến đường này dày khoảng 60 cm, đủ sức bền chịu đựng các loại xe cộ trọng tải tối đa 10 tấn. Tuyến đường đặc biệt này chỉ hoạt động trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến cuối tháng 3, là khi tiết trời lạnh giá và lớp băng còn chắc chắn.
Con đường ở chốn thần tiên có tên gọi Baikal ấy đã đưa bạn ra đảo Olkhon. Và cứ mỗi khi đông về, con đường đặc biệt ấy lại hiện ra, cùng vẻ đẹp lộng lẫy của hồ Baikal, sẽ còn mời gọi bước chân du khách.
Ngày xuất bản: 10/4/2022
Bài và ảnh: QUẾ ANH
Trình bày: NGỌC BÍCH