Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngày càng giành được những thắng lợi quan trọng, để đẩy mạnh kháng chiến tiến tới, cần phải tiến hành những chiến dịch lớn, dài ngày, giành lấy những thắng lợi quyết định nhằm xoay chuyển tình thế trên chiến trường. Bên cạnh “rèn cán, chỉnh quân”, đẩy mạnh xây dựng bộ đội chủ lực, công tác bảo đảm hậu cần cũng được Trung ương Đảng hết sức chú trọng.

Rút kinh nghiệm bảo đảm hậu cần cho các chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc,… ngày 27/7/1953, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 284/TTg thành lập “Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương” do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Hội đồng có nhiệm vụ chỉ đạo các cấp, các ngành ở trung ương và địa phương huy động sức người, sức của bảo đảm cho chiến trường. Từ thực tiễn hoạt động của “Hội đồng cung cấp mặt trận” cho Chiến dịch Điện Biên Phủ đã khẳng định đây là sự sáng tạo về tổ chức bảo đảm hậu cần:

1. “Hội đồng cung cấp mặt trận” phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, của toàn dân trong việc tổ chức bảo đảm hậu cần cho Chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tổ chức và chỉ đạo hậu cần chiến dịch có bước phát triển mới. “Hội đồng cung cấp mặt trận” từ Trung ương đến các liên khu và tỉnh đã phát huy vai trò hậu cần hậu phương, tạo điều kiện cho hậu cần chiến dịch tập trung hoạt động ở phía trước, bảo đảm các yêu cầu chiến đấu.

Từ kinh nghiệm các chiến dịch trước, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã tổ chức các tuyến hậu cần, thống nhất chỉ huy các ngành, các lực lượng bảo đảm trên từng tuyến, từng khu vực, phát huy sức mạnh hiệp đồng của từng ngành, từng lực lượng. Việc bảo đảm thông tin liên lạc thường xuyên từ “Hội đồng cung cấp mặt trận” với các đơn vị, với lực lượng vận tải, còn tạo điều kiện cho Hậu cần chiến dịch nắm được số lượng nhân lực, vật lực được huy động từ các địa phương cho các hướng; tình hình cụ thể ở từng tuyến để thực hiện kế hoạch bảo đảm và kịp thời giải quyết các tình huống đột xuất về hậu cần trong quá trình diễn biến chiến dịch.

Theo phương châm tác chiến ban đầu, dự kiến nhu cầu vật chất bảo đảm cho Chiến dịch Điện Biên Phủ là 434 tấn đạn, 7.730 tấn gạo, 140 tấn muối, 465 tấn thực phẩm khô. Nhưng sau khi chuyển sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc” tổng số đạn cần cho chiến dịch lên tới l.455 tấn, gạo gần 15.000 tấn[1]. Đây là lượng gạo, đạn lớn nhất kể từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp mà ngành Hậu cần phải bảo đảm cho một chiến dịch.

Bộ đội cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc xẻ núi, làm đường vào trận địa. (Ảnh: TTXVN)

Bộ đội cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc xẻ núi, làm đường vào trận địa. (Ảnh: TTXVN)

Để thực hiện được nhu cầu trên, chúng ta phải huy động lực lượng bộ đội và dân công lên đến 86.800 người gồm 53.800 quân, 33.000 dân công và thanh niên xung phong phục vụ hỏa tuyến. Do đó công tác bảo đảm hậu cần là nhiệm vụ hết sức nặng nề. Chỉ tính riêng về lương thực, bình quân chiến dịch phải sử dụng khoảng 90 tấn mỗi ngày để bảo đảm cho các lực lượng từ Sơn La trở vào, đồng thời tại Điện Biên Phủ phải có khoảng 50 tấn; tức là mỗi ngày phải có hơn 3.000 dân công hỏa tuyến luồn rừng, leo núi đưa gạo và các loại thực phẩm đến từng trận địa[2].

Mặt khác, việc cung cấp tiếp tế lại phải giải quyết trong điều kiện chiến trường ở xa hậu phương lên đến 600km, trong địa hình rừng núi hiểm trở, đường vận tải cơ giới hư hỏng, đường thủy không thuận lợi, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, dân cư thưa thớt, kinh tế nghèo nàn lạc hậu, địch lại tập trung đánh phá ác liệt trên các tuyến trọng điểm ngăn chặn sự chi viện từ hậu phương lên Điện Biên Phủ của ta.

Trước tình hình trên, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh hạ quyết tâm “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện cho Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này”[3]. Thực hiện quyết tâm, “Hội đồng cung cấp mặt trận” các cấp đã kết hợp với các tổ chức kinh tế, tài chính của Nhà nước, nhất là các ngành có liên quan mật thiết với Quân đội, với ngành Hậu cần như kho thóc, mậu dịch, tài chính, ngân hàng... chi viện ngày càng nhiều và kịp thời nhân lực, vật lực cho chiến dịch Điện Biên Phủ. “Hội đồng cung cấp mặt trận” tiến hành một cuộc vận động nhân dân chi viện tiền tuyến lớn chưa từng có trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đã huy động một khối lượng sức người, sức của lớn lao ở cả vùng tạm bị địch chiếm, ở vùng tự do Thanh-Nghệ-Tĩnh, Việt Bắc và Tây Bắc.

Mỗi ngày phải có hơn 3.000 dân công hỏa tuyến luồn rừng, leo núi đưa gạo và các loại thực phẩm đến từng trận địa.

Do địa bàn Chiến dịch Điện Biên Phủ xa hậu phương, việc tổ chức vận chuyển tiếp tế lương thực, vũ khí, đạn dược được “Hội đồng cung cấp mặt trận” tham gia ở cả hai tuyến. Ở tuyến hậu phương do “Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương”, “Hội đồng cung cấp mặt trận” các Liên khu Việt Bắc, Liên khu 3 và 4 cùng với Tổng cục Cung cấp ở hậu phương đảm nhiệm. Tuyến tiền phương do “Hội đồng cung cấp mặt trận” Liên khu Tây Bắc cùng Tổng cục Cung cấp ở tiền phương đảm nhiệm. Từ giữa tháng 2/1954, tuyến vận chuyển của “Hội đồng cung cấp mặt trận” được kéo dài lên đến Sơn La.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ “Hội đồng cung cấp mặt trận” từ Trung ương đến liên khu, khu, tỉnh cùng với Hậu cần Quân đội, hậu cần địa phương và hậu cần nhân dân phát triển đồng bộ, quan hệ mật thiết và hỗ trợ nhau đã phát huy vai trò huy động nhân lực, vật lực của địa phương bảo đảm ngày càng đầy đủ, kịp thời cho chiến dịch chiến đấu thắng lợi.

"Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo". (Ảnh: TTXVN)

"Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo". (Ảnh: TTXVN)

Kết quả “Hội đồng cung cấp mặt trận” các cấp cùng các lực lượng bảo đảm hậu cần đã huy động hơn 260.000 dân công, hơn 20.000 xe đạp thồ, 17.000 ngựa thồ, hơn 11.800 thuyền bè mảng và 628 xe ô-tô phục vụ vận chuyển hàng hóa, vũ khí, đạn dược cho chiến dịch. Tổng khối lượng vật chất bảo đảm lên tới 20.000 tấn, trong đó có 1.200 tấn đạn, 1.783 tấn xăng dầu, 14.950 tấn gạo, 268 tấn muối, 577 tấn thịt, 1.034 tấn thực phẩm và 177 tấn vật chất khác[4]. Nhờ có sự góp sức của “Hội đồng cung cấp mặt trận” các cấp nên công tác hậu cần đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm cho Chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi lớn.

2. “Hội đồng cung cấp mặt trận” huy động nguồn lực tại chỗ góp phần bảo đảm nhanh chóng, kịp thời nhu cầu nhân, vật lực cho Chiến dịch Điện Biên Phủ

Địa phương địa bàn chiến dịch là nơi có điều kiện đẩy mạnh xây dựng và thực hiện hậu cần tại chỗ, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ quân sự. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ việc tổ chức “Hội đồng cung cấp mặt trận” các cấp đã thể hiện đúng đắn, sáng tạo trong tổ chức bảo đảm hậu cần ở địa phương.

Tây Bắc là hậu phương, hậu cần tại chỗ của chiến dịch nên đã tạo điều kiện khai thác được đầy đủ, sử dụng được hợp lý mọi cơ sở vật chất, tạo nên khả năng bảo đảm vững chắc trên tất cả các mặt công tác hậu cần cho tác chiến. Trên cơ sở động viên và tổ chức toàn dân làm công tác bảo đảm hậu cần cho chiến dịch, “Hội đồng cung cấp mặt trận” đã kết hợp được chặt chẽ mọi khả năng bảo đảm hậu cần tại chỗ tại các địa phương ở vùng Tây Bắc trên địa bàn chiến dịch với trung ương, tạo nên sức mạnh tổng hợp lớn nhất trong tổ chức bảo đảm hậu cần cho lực lượng vũ trang chiến đấu và chiến thắng.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ việc tổ chức “Hội đồng cung cấp mặt trận” các cấp đã thể hiện đúng đắn, sáng tạo trong tổ chức bảo đảm hậu cần ở địa phương.

Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra trên địa bàn xa hậu phương chiến lược. Trong chiến dịch, nhờ có “Hội đồng cung cấp mặt trận” đã huy động được một nguồn dân công, phương tiện, lương thực, thực phẩm... lớn từ đồng bào các dân tộc Tây Bắc mà không phải vận chuyển từ xa tới.

Cụ thể: Huyện Tuần Giáo do có nhiều khó khăn, lúc đầu “Hội đồng cung cấp mặt trận” dự kiến không huy động nhưng đồng bào vẫn đóng góp 1.270 tấn gạo, 300 tấn thịt và 100 tấn rau; bình quân mỗi người dân đã góp cho chiến dịch 116kg gạo. Huyện Điện Biên đã có 3.000 người xung phong đi dân công, đóng góp 64.670 ngày công, cung cấp cho chiến dịch 55 tấn gạo, 36 tấn thịt[5].

Huyện Mường Tè, có nhiều dân tộc ít người, song cũng đóng góp được 76 tấn gạo, 2.700 ngày công và 43 ngựa thồ, 14 thuyền mảng phục vụ chiến dịch. Nhân dân tỉnh Lai Châu đã đóng góp cho chiến dịch 2.666 tấn gạo, 226 tấn thịt, 210 tấn rau xanh, 16.972 dân công được huy động với số ngày công là 517.210 ngày, 348 ngựa thồ, 58 thuyền mảng, 25.070 cây gỗ để chống lầy, làm đường cho xe pháo và bộ đội vượt qua[6].

Vâng lệnh Hồ Chủ Tịch, Trung ương Đảng và Chính phủ, các đơn vị bộ đội ta băng rừng, lội suối tiến vào Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Vâng lệnh Hồ Chủ Tịch, Trung ương Đảng và Chính phủ, các đơn vị bộ đội ta băng rừng, lội suối tiến vào Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Tỉnh Sơn La trong 5 đợt huy động, đồng bào đã đóng góp 3.607,728 tấn gạo; 130,165 tấn thịt lợn; 14,228 tấn thịt trâu, bò; 2,976kg mỡ; 13,730 tấn rau; 21.678 dân công được huy động với số ngày công là 1.075.755 ngày và còn đóng góp nhiều lừa, ngựa thồ, thuyền mảng, các vật liệu làm đường, chống lầy, dựng cầu vượt qua sông, suối[7]. Số gạo nhân dân Sơn La, Lai Châu đóng góp chiếm khoảng 27% lượng gạo phải huy động và gần 50% gạo sử dụng tại chiến dịch. Tính chung trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng bào Tây Bắc đã tiếp tế vượt mức huy động 1.311,389 tấn thịt (bằng 2.100 con trâu hoặc 13.000 con lợn) và 800 tấn rau tươi[8].

Do điều kiện tự nhiên địa bàn khu vực Điện Biên Phủ là vùng đất không rộng, có nhiều rừng núi và sông suối chia cắt, giao thông vận tải kém phát triển, khí hậu thời tiết khắc nghiệt và hoạt động đánh phá của địch làm gián đoạn sự chi viện của trung ương, nên việc tổ chức bảo đảm hậu cần tại chỗ là biện pháp rất quan trọng nhằm tiết kiệm được sức người, sức của và tạo điều kiện cho hậu phương tập trung sức bảo đảm những nhu cầu thiết yếu mà hậu cần tại chỗ chưa đủ sức giải quyết được.

...việc tổ chức bảo đảm hậu cần tại chỗ là biện pháp rất quan trọng nhằm tiết kiệm được sức người, sức của...

Thực tế trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, “Hội đồng cung cấp mặt trận” đã tạo được nguồn bảo đảm tại chỗ vững chắc, kết hợp giữa nguồn bảo đảm tại chỗ của các địa phương vùng Tây Bắc với nguồn chi viện từ hậu phương trên miền Bắc nên tổ chức bảo đảm hậu cần cho lực lượng vũ trang được kịp thời, chủ động, đầy đủ trên mọi địa bàn tác chiến của chiến dịch. Mặt khác, việc “Hội đồng cung cấp mặt trận” huy động nhân, vật lực bảo đảm hậu cần tại chỗ còn là cách chuẩn bị chiến trường về hậu cần một cách tích cực chủ động để sẵn sàng tổ chức bảo đảm cho bộ đội chủ lực cơ động đến tác chiến trên những địa bàn chiến lược lựa chọn; đồng thời đây cũng là một phương thức bảo đảm hậu cần cơ bản trong chiến tranh giải phóng.

3. “Hội đồng cung cấp mặt trận” trong chiến dịch Điện Biên Phủ là sự kế thừa sáng tạo các tổ chức tiếp tế hậu cần, được phát triển trong kháng chiến chống Mỹ và là kinh nghiệm quý trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, việc tổ chức bảo đảm hậu cần cho lực lượng vũ trang chiến đấu đặt ra yêu cầu lớn và bức thiết. Quán triệt chủ trương của Đảng, thời gian đầu toàn quốc kháng chiến ở Bắc Bộ tổ chức ra “Ban tiếp tế” từ tỉnh tới xã (sau đổi thành Ủy ban Binh lương) và các “Ban tài mậu” lo việc cung cấp lương thực, quân trang, vũ khí, tài chính cho bộ đội và cán bộ các cơ quan dân chính đảng.

Liên tỉnh ủy Hải-Kiến lãnh đạo xây dựng mạng lưới tiếp tế, tổ chức ra các “Ban tiếp tế” cung cấp lương khô, vũ khí cho các lực lượng chiến đấu trong nội và ngoại thành; Mặt trận Hà Nội thành lập “Ban tiếp tế khí giới và quân nhu” có nhiệm vụ nhận đạn dược, quân nhu ở La Khê, Ba La, Bông Đỏ giao cho các đơn vị chiến đấu.

Ở Nam Bộ cấp ủy, ủy ban nhân dân và ủy ban kháng chiến các cấp quan tâm tổ chức các cơ quan tiếp tế với nhiều biện pháp linh hoạt và phong phú theo điều kiện cụ thể của địa phương. Tại thị trấn Phước Long (Rạch Giá), Bộ Tư lệnh Khu 9 thành lập “Ban quân nhu tiếp tế” (lực lượng tập hợp từ “Ban tiếp tế” các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long) dùng xuồng, ghe cơ động tiếp nhận lương thực, thực phẩm, đạn và lựu đạn vận chuyển tiếp tế cho bộ đội.

Các đơn vị bộ binh cơ giới đang chuẩn bị xuất phát đưa quân vào Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Các đơn vị bộ binh cơ giới đang chuẩn bị xuất phát đưa quân vào Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Tiếp đó, tháng 5/1948, Chính phủ quyết định thành lập “Cục tiếp tế vận tải” thuộc Bộ Kinh tế ở trung ương và “Chi cục tiếp tế vận tải” của các tỉnh; ở Nam Bộ, các “Ban tiếp tế vận tải” quân dân chính liên tỉnh được thành lập đảm nhiệm tổ chức vận chuyển bảo đảm hậu cần cho chiến đấu.

Từ năm 1950 đến hết năm 1952, cuộc kháng chiến của quân và dân ta có bước phát triển mới, ta tổ chức một số chiến dịch tập trung. Để có được lượng vật chất theo yêu cầu của các chiến dịch, trên địa bàn các chiến dịch ta thành lập các “Ban đại diện cung cấp” do bí thư tỉnh ủy và chủ tịch ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh phụ trách.

Cuối tháng 11/1950, cơ quan Hậu cần chiến dịch Trung du được thành lập. Các tỉnh Hồng Quảng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc nằm trên địa bàn đã kịp thời thành lập “Ban đại diện cung cấp” bảo đảm huy động dân công, vật chất cho chiến dịch. Sau đó, Trung ương cho giữ nguyên tổ chức “Ban đại diện cung cấp” các tỉnh phục vụ cho Chiến dịch Đường số 18.

Tổng cục Cung cấp khẩn cấp đề nghị Trung ương Đảng, Chính phủ thành lập một cơ quan làm nhiệm vụ huy động nhân lực, vật lực ở các địa phương tham gia bảo đảm cho kháng chiến.

Đến giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, vấn đề bảo đảm vũ khí trang bị, lương thực, thực phẩm cho bộ đội tác chiến ngày càng nhiều khó khăn phức tạp, nên Tổng cục Cung cấp đã khẩn cấp đề nghị Trung ương Đảng, Chính phủ thành lập một cơ quan làm nhiệm vụ huy động nhân lực, vật lực ở các địa phương tham gia bảo đảm cho kháng chiến.

Kế thừa sáng tạo các tổ chức tiếp tế, tháng 1/1953 Ban Bí thư chỉ thị cho các Liên khu Việt Bắc, 3 và 4 thành lập “Hội đồng cung cấp mặt trận” của liên khu và tỉnh. Ở Liên khu 4, trên hướng Trung và Hạ Lào, thành lập “Hội đồng cung cấp mặt trận Liên khu”. Nhiệm vụ của các “Hội đồng cung cấp mặt trận” là xây dựng kế hoạch, huy động nhân lực, vật lực tiếp ứng, yêu cầu cho tác chiến như: “Hội đồng cung cấp mặt trận” Liên khu 4 đã huy động dân công mở đường vận tải cơ giới từ Liên khu 3 đến Chu Lễ và đường từ Tân Ấp đến Mụ Giạ, sang Trung và Hạ Lào.

Tỉnh Hà Tĩnh tổ chức “Hội đồng cung cấp mặt trận” huy động nhân lực, vật lực cho nhiệm vụ vận tải từ Linh Cảm lên Na Pê. Tỉnh Quảng Bình tổ chức “Hội đồng cung cấp mặt trận” huy động nhân vật lực phục vụ vận tải từ Phong Nha đến phía đông bắc Sê Pôn và các đơn vị chiến đấu trên hướng Đường số 9… Đó là những cơ sở, tiền đề để tiến tới thành lập “Hội đồng cung cấp mặt trận”, nhằm bảo đảm huy động được nguồn lực hậu cần cao nhất cho các chiến dịch lớn.

Các đơn vị bộ binh cơ giới đang khẩn trương đưa bộ đội vào Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Các đơn vị bộ binh cơ giới đang khẩn trương đưa bộ đội vào Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Như vậy, trong kháng chiến chống Pháp, từ hình thức tổ chức “Ban tiếp tế”, “Ban tài mậu”, “Ban tiếp tế vận tải”, “Ban đại diện cung cấp” mới chỉ cung cấp vật chất hậu cần cho từng trận đánh, từng chiến dịch… đến “Hội đồng cung cấp mặt trận” các cấp đã huy động nhân lực, vật lực của các địa phương và cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đồng thời thắng lợi này đã khẳng định sự kế thừa sáng tạo các tổ chức bảo đảm cho Quân đội ta về công tác hậu cần.

Phát triển sáng tạo tổ chức “Hội đồng cung cấp mặt trận” bảo đảm cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ta tổ chức “Cơ quan kinh tài” từ miền xuống khu, tỉnh, huyện ở chiến trường Khu 5. Khi Mỹ đưa quân trực tiếp vào miền Nam, để bảo đảm nhân, vật lực chống Mỹ trên cả 2 miền Nam Bắc ta tổ chức “Ban cung cấp quốc phòng”, “Ban điều hòa giao thông” ở các tỉnh trọng điểm của Khu 4, “Hội đồng cung cấp tiền phương” từ miền xuống khu, tỉnh ở miền Nam.

Khi địch đánh phá ác liệt miền Bắc lần thứ hai và phản kích quyết liệt trên chiến trường miền Nam, ta thành lập “Hội đồng chi viện tiền tuyến Trung ương”. Đến giai đoạn cuối cuộc kháng chiến, Bộ Chính trị quyết định thành lập “Hội đồng chi viện miền Nam” của Trung ương. Việc tổ chức các mô hình hội đồng cung cấp khác nhau để bảo đảm hậu cần cho chiến đấu, hình thức cao nhất là tổ chức “Hội đồng chi viện miền Nam” của Trung ương và các tổ chức này đã phát huy tác dụng động viên, huy động cho từng chiến dịch, từng mặt trận để khai thác có hiệu quả nguồn nhân lực, vật lực bảo đảm kịp thời cho kháng chiến thắng lợi.

“Hội đồng cung cấp mặt trận” các cấp cho Chiến dịch Điện Biên Phủ trong kháng chiến chống Pháp, các “Hội đồng chi viện” trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hoạt động rất linh hoạt, có tổ chức hội đồng mang tính chất tư vấn, tham mưu đề xuất, có hội đồng mang tính chất của một tổ chức chỉ đạo, điều hành thực hiện; có hội đồng mang cả hai tính chất, vừa tham mưu đề xuất, vừa chỉ đạo điều hành thực hiện huy động nhân lực, vật lực bảo đảm cho tác chiến, thực hiện theo phân cấp được giao. Mô hình tổ chức “Hội đồng cung cấp mặt trận”, “Hội đồng chi viện tiền tuyến” thực sự là sáng tạo phù hợp với công tác tổ chức bảo đảm hậu cần cho chiến tranh nhân dân của ta hiện nay và trong tương lai.

Trong những năm qua, khu vực phòng thủ ở các địa phương đã tổ chức một số tổ chức bảo đảm hậu cần với các tên gọi khác nhau như “Ban hậu cần địa phương”, “Hội đồng hậu cần”, “Hội đồng hậu cần-kỹ thuật”, “Hội đồng cung cấp”, “Hội đồng cung cấp quốc phòng của khu vực phòng thủ tỉnh”…

Các tổ chức liên ngành trên đã giúp cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo, điều hành các hoạt động hậu cần nhân dân bảo đảm cho các lực lượng vũ trang trong khu vực phòng thủ tỉnh và đã phát huy tác dụng nhất định qua các cuộc diễn tập. Vì vậy trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay những kinh nghiệm từ “Hội đồng cung cấp mặt trận” ở Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng và các tổ chức tiếp tế, chi viện tiền tuyến trong các cuộc kháng chiến nói chung vẫn là những bài học quý để Đảng, Nhà nước, Quân đội ta tiếp tục kế thừa, chọn lọc sáng tạo và phát triển phù hợp trong tình hình mới.

Đại tá, ThS Ngô Nhật Dương, Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử kỹ thuật quân sự, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Tham luận tại Hội thảo khoa học "Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực (7/5/1954 – 7/5/2019)"
Trình bày: T. Nguyên