
Một trong những nội dung được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" là đồng chí nhấn mạnh rằng, trong khi xác định phương hướng chính trị và đề ra quyết sách, không thể chỉ xuất phát từ thực tiễn của đất nước và dân tộc mình mà còn phải nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm từ thực tiễn của thế giới và thời đại. Và rằng: Trong thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, sự phát triển của mỗi quốc gia - dân tộc không thể biệt lập, đứng bên ngoài những tác động của thế giới và thời đại, của thời cuộc và cục diện của nó.
Đây là cách tiếp cận mới, lần đầu tiên được đề cập trong bài viết của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới - một cách tiếp cận phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại và tình hình đất nước ngày nay. Nếu như trước đây, trong quá trình xây dựng và phát triển, chúng ta vận dụng cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp và tự cung tự cấp, thì nay chúng ta phải tiếp thu quy luật chung của loài người, lĩnh hội những thành tựu của nhân loại và vận dụng vào điều kiện cụ thể của đất nước.
Có thể nói, một trong những nét nổi bật trong đường lối cũng như thành tựu của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ đổi mới là hội nhập quốc tế, lúc đầu là kinh tế, sau là hội nhập nói chung. Ngay từ cuối năm 1946, Bác Hồ đã gửi cho Đại hội đồng Liên hợp quốc một bức thư, trong đó nêu rõ tinh thần là Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước, không gây thù oán với ai, sẵn sàng hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc. Đây có thể được coi là “bản tuyên ngôn” đầu tiên về cách tiếp cận của Việt Nam với thế giới bên ngoài.
Tuy nhiên, do phải tiến hành các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, bị phương Tây bao vây về kinh tế, cô lập về chính trị và chọn mô hình kinh tế tập trung, chúng ta chưa thực hiện được những tư tưởng lớn của Bác Hồ nêu trong thông điệp gửi Liên hợp quốc nói trên.
Muốn hòa bình và phát triển thì phải mở cửa với bên ngoài, hợp tác với các quốc gia khác. Hai yếu tố này luôn song hành, liên quan chặt chẽ với nhau.
Hội nhập quốc tế phù hợp với xu thế khách quan về toàn cầu hóa, qua mối quan hệ đan xen nước ta có điều kiện đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, tạo nền tảng cho công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, mở rộng thị trường, tranh thủ vốn đầu tư, công nghệ và kinh nghiệm quản lý kinh tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Nói cách khác, muốn hòa bình và phát triển thì phải mở cửa với bên ngoài, hợp tác với các quốc gia khác. Hai yếu tố này luôn song hành, liên quan chặt chẽ với nhau.
Việc Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc năm 1977 cho thấy chúng ta đã hội nhập về mặt chính trị với thế giới, bởi khi bước vào Liên hợp quốc, chúng ta có thể đóng góp lớn hơn cho hòa bình và phát triển, nâng cao vị thế quốc tế mà việc đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 là một biểu hiện sáng tỏ.
Cũng có thể khẳng định chắc chắn rằng, tiến trình hội nhập quốc tế đã mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Về mặt chính trị, hiện nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc và như vậy có thể nói rằng, chúng ta đã thiết lập và mở rộng quan hệ với toàn thế giới. Trên lĩnh vực kinh tế, thông qua việc tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các thỏa thuận về khu vực mậu dịch tự do, kim ngạch xuất nhập khẩu và vốn đầu tư bên ngoài của Việt Nam đã gia tăng mạnh mẽ, tạo ra hàng triệu công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho người dân, tiếp thu nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật tiến bộ của các nước phát triển.
Việt Nam đã phát huy vai trò tại nhiều tổ chức quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, APEC, ASEAN... và được cộng đồng quốc tế đánh giá là thành viên có tiếng nói xây dựng tại các tổ chức này.
Bên cạnh đó, việc hội nhập quốc tế theo những “luật chơi” mà mỗi quốc gia tự nguyện chấp nhận cũng là “cú hích” để Việt Nam đẩy nhanh quá trình đổi mới thể chế, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Hội nhập quốc tế đã giúp các doanh nghiệp của Việt Nam thoát khỏi cảnh “buôn bán theo kiểu ao làng”, từ đó bung ra làm ăn, giao lưu, hợp tác với thế giới dựa trên những luật lệ chung.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Bulgaria Plamen Vasilev Oresharski thăm chính thức Việt Nam, chiều 7/4/2014. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Bulgaria Plamen Vasilev Oresharski thăm chính thức Việt Nam, chiều 7/4/2014. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Một thành tựu quan trọng nữa là hội nhập quốc tế giúp Việt Nam nâng cao vị trí, vai trò trong các tổ chức quốc tế, tham gia vào việc hình thành các “luật chơi” quốc tế. Thực tế cho thấy, Việt Nam đã phát huy vai trò tại nhiều tổ chức quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, APEC, ASEAN... và được cộng đồng quốc tế đánh giá là thành viên có tiếng nói xây dựng tại các tổ chức này. Vị thế ấy không phải “hữu danh vô thực” mà mang lại cho đất nước và nhân dân Việt Nam những lợi ích có thể cân đong đo đếm được. Nếu không có vị thế đó, chúng ta không thể xây dựng được bức tranh chính trị và kinh tế xán lạn như hiện nay.
Song, nói đi thì cũng cần nói lại, tiến trình hội nhập quốc tế trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam cũng đứng trước những thách thức không nhỏ. Vẫn biết rằng lợi ích mà hội nhập quốc tế mang lại là rất lớn, nhưng khi mở cửa với quốc tế, hàng hóa bên ngoài đổ vào, sự cạnh tranh trên thương trường trở nên hết sức gay gắt. Thế nên, như Bác Hồ đã từng nhấn mạnh “phải trông ở thực lực”[1], chỉ có tự mình vươn lên, “miếng bánh lợi ích” từ hội nhập mới lớn lên được; nếu không thì hội nhập quốc tế có thể gây ra những tác dụng ngược!
Bên cạnh đó là tác động về mặt văn hóa, tư tưởng. Mở cửa đồng nghĩa với việc chúng ta tiếp cận nhiều hơn với văn minh nhân loại, nhưng nếu văn hóa dân tộc không phát triển thì chúng ta đâu còn là chính mình. Một thí dụ nho nhỏ là nếu điện ảnh nước nhà không nỗ lực vươn lên thì mãi mãi chúng ta chỉ toàn xem phim nước ngoài. Hội nhập quốc tế mở ra khả năng tiếp thu văn hóa bên ngoài, nhưng vẫn luôn luôn phải “gạn đục khơi trong!”.
Nguồn: Bài đăng trong sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - Dư luận trong nước và quốc tế về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng" | Nhà xuất bản: Chính trị quốc gia Sự thật | Năm xuất bản: 2021
Trình bày: Dương Dương
Ảnh: TTXVN