Đường lối của Đảng trong chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam

Dân tộc Việt Nam với hơn bốn nghìn năm lịch sử, trải qua bao biến đổi, thăng trầm đã tích lũy, tạo ra được nhiều giá trị, bản sắc văn hóa riêng, làm nên hồn cốt của dân tộc và góp phần đóng góp vào nền văn hóa của nhân loại. Vai trò quan trọng của văn hóa được Đảng ta khẳng định xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Đường lối văn hóa của Đảng định hướng cho sự phát triển văn hóa Việt Nam, đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ qua từng giai đoạn cách mạng; phát huy tác dụng tích cực trong đời sống xã hội và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam.


Những chặng đường lãnh đạo phát triển văn hóa của Đảng

Lịch sử khẳng định, từ ngày thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Nhận thức sâu sắc được vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển của đất nước, dân tộc ta, ngay từ trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930, Đảng đã đề cập đến vấn đề phải phát triển văn hóa của dân tộc; và năm 1943, khi nước nhà còn chưa giành được độc lập, Đảng ta đã đề ra "Đề cương văn hóa Việt Nam", trong đó chỉ rõ "Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa)", và chủ trương phát triển văn hóa theo hướng: Dân tộc - Khoa học - Đại chúng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem bản dập đúc trên mặt trống đồng Đông Sơn trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam) ngày 13/2/1961.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem bản dập đúc trên mặt trống đồng Đông Sơn trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam) ngày 13/2/1961.

Tháng 2/1943, "Đề cương văn hóa Việt Nam" được thông qua tại Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng. Đây được coi là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa. "Đề cương văn hóa Việt Nam" giải quyết những vấn đề cơ bản về tư tưởng, học thuật và mục tiêu, nhiệm vụ của nền văn hóa nước nhà, tạo nền tảng ban đầu cho sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa mới. "Đề cương văn hóa Việt Nam" đã góp phần thức tỉnh, tập hợp những nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ và đông đảo quần chúng nhân dân tham gia cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc do Đảng ta lãnh đạo.

Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai, ngày 16/7/1948, Tổng Bí thư Trường Chinh đã đọc bản báo cáo “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam”, xác định rõ đường lối, phương châm phát triển văn hóa Việt Nam từ trong cuộc kháng chiến của dân tộc. Văn hóa - văn nghệ được xác định là một mặt trận và văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Những định hướng đó còn tiếp tục chỉ đạo nền văn hóa trong cả cuộc kháng chiến chống xâm lược tiếp theo và sự nghiệp thống nhất đất nước của dân tộc. Sức mạnh văn hóa từ truyền thống được tỏa sáng và nâng cao trong Thời đại Hồ Chí Minh đã phát huy sức mạnh to lớn, góp sức để quân và dân Việt Nam chiến đấu và chiến thắng. 

Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, quyết định, chỉ thị rất quan trọng để tập trung xây dựng và phát triển văn hóa. Tổng kết những thành tựu đã đạt được về lĩnh vực văn hóa những năm đầu thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII và đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, năm 1998, về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là những nghị quyết có ý nghĩa chiến lược về phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đảng ta khẳng định vai trò của văn hóa, là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Đây là một bước phát triển trong tư duy lý luận của Đảng về văn hóa, đã đặt đúng vị trí, vai trò của văn hóa trong những nhân tố phát triển, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới.  

 “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (bổ sung, phát triển năm 2011) một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu và nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam, làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển.

Hội nghị Trung ương lần thứ 9, khóa XI (6/2014) ra “Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Nghị quyết chỉ rõ văn hóa “là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc”.

Bác Hồ thăm và trò chuyện với các diễn viên Điện ảnh Khóa I tại Xưởng phim Hà Nội năm 1961.

Bác Hồ thăm và trò chuyện với các diễn viên Điện ảnh Khóa I tại Xưởng phim Hà Nội năm 1961.

Từ các quan điểm chỉ đạo liên tục và xuyên suốt của Đảng, cuối nhiệm kỳ khóa XII, Bộ Chính trị đã ra Kết luận số 76-KL/TW, ngày 4/6/2020 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của BCH T.Ư khóa XI, nhấn mạnh: “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị”.

Đại hội XIII của Đảng xác định những quan điểm, chủ trương mới, sâu sắc và toàn diện, đột phá về phát triển văn hóa, con người và nguồn nhân lực: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”. “Lấy con người là trung tâm của phát triển và được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển”. Đảng ta xác định chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta trong thời gian tới là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững; bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó: Phát triển kinh tế là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định và định hướng phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam, những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam là cội rễ của sức mạnh mềm văn hóa dân tộc, là sức mạnh nội sinh, là nguồn lực và động lực to lớn của đất nước trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội Đảng, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược (Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII) …

Khuê Văn Các trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Thiếu nữ Lô Lô (Mèo Vạc, Hà Giang) đi hội.

Thiếu nữ Lô Lô (Mèo Vạc, Hà Giang) đi hội.

Đội múa truyền thống dân tộc Tày Bản Liền (Bắc Hà, Lào Cai) biểu diễn phục vụ khách du lịch.

Đội múa truyền thống dân tộc Tày Bản Liền (Bắc Hà, Lào Cai) biểu diễn phục vụ khách du lịch.

Lễ hội đền Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội)

Lễ hội đền Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội)

Học sinh Hà Nội thi vẽ tranh.

Học sinh Hà Nội thi vẽ tranh.

Nghệ nhân trẻ làng Kim Hoàng in tranh đỏ truyền thống.

Nghệ nhân trẻ làng Kim Hoàng in tranh đỏ truyền thống.

Các nghệ sĩ tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ 1 năm 2010.

Các nghệ sĩ tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ 1 năm 2010.


Những thành tựu lớn về văn hóa sau 35 năm Đổi mới

Bức tranh tổng thể của văn hóa Việt Nam sau 35 năm Đổi mới mang những sắc thái mới, đa dạng và năng động. Đáng chú ý là sự đa dạng hóa về các chủ thể văn hóa, sự chuyển đổi từ nguồn lực đơn tuyến của Nhà nước cho văn hóa đến sự nhập cuộc, hợp lực và phối hợp đa chiều, đa thành phần từ nhiều chủ thể khác nhau cho các hoạt động văn hóa. Quan điểm văn hóa văn nghệ là sự nghiệp của toàn xã hội, huy động tiềm năng, nguồn lực của mọi lực lượng xã hội cùng tham gia phát triển sự nghiệp văn hóa đã mang lại những chuyển biến tích cực trong thực tiễn. Sự tham gia của nhiều chủ thể văn hóa đã thúc đẩy sự đa dạng trong loại hình, ý tưởng, xu hướng và phong cách của các biểu đạt văn hóa, đem đến cho công chúng những món ăn tinh thần phong phú hơn.

Đời sống văn hoá ở cơ sở đã có bước phát triển, thu hút quần chúng nhân dân tham gia hoạt động, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Các hoạt động văn hoá dân gian truyền thống được phục hồi và tổ chức với sự hưởng ứng rộng rãi của nhân dân. Đời sống văn hóa ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đã có những cải thiện rõ rệt. Một chủ trương, chính sách văn hóa lớn của Đảng là xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân được hưởng thụ và tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, cũng là một trong những nội dung trọng tâm của Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đã tạo điều kiện cho phong trào văn hóa, văn nghệ và thể dục thể thao quần chúng cả ở khu vục nông thôn, đô thị và cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được duy trì và phát triển.

Qua nhiều năm thực hiện chính sách văn hóa đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được những thành tựu nhất định. Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc. Giữa các bộ, ban, ngành đoàn thể đã có sự phối hợp hiệu quả trong việc thực hiện, triển khai các chương trình phối hợp nhằm giúp đỡ đồng bào giữ gìn, phát triển ngôn ngữ, chữ viết dân tộc thông qua các chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc, lồng tiếng dân tộc trong phim, dịch tiếng song ngữ tiếng dân tộc qua các ấn phẩm, sáng tác ca khúc tiếng dân tộc. Sách báo, tạp chí và các ấn phẩm văn hóa phù hợp đã được đưa tới các bản làng, vùng sâu, vùng xa.

Các thiết chế văn hóa (nhà văn hóa, thư viện, câu lạc bộ…) ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai xây dựng ở các địa phương. Ở các cấp cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được quan tâm hỗ trợ xây dựng các nhà văn hoá là nơi sinh hoạt, tổ chức các hoạt động văn hoá - văn nghệ và hội họp chung của cộng đồng. Đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt. Gần 100% số xã vùng dân tộc, miền núi có nhà văn hóa hoặc bưu điện văn hóa; nhiều thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng.

Trên lĩnh vực văn học - nghệ thuật, các hoạt động sáng tạo có bước phát triển mới, với sự phong phú, đa dạng của sản phẩm văn hóa. Tính chủ động trong hoạt động và sáng tạo văn hoá, tính tích cực xã hội của nhân dân bước đầu được phát huy; dân chủ trên các lĩnh vực đời sống văn hoá - xã hội được mở rộng. Nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống tuy gặp nhiều khó khăn khi chuyển đổi cơ chế, nhưng vẫn được giữ gìn và phát huy. Nhiều dự án sưu tầm, tư liệu hoá di sản văn hóa được thực hiện. Nhiều tư liệu quý từ kho tàng văn hóa Việt Nam được sưu tầm, công bố tạo cơ sở cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị tư tưởng, học thuật và thẩm mỹ của dân tộc. Bên cạnh những nỗ lực bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống (tuồng, chèo, cải lương, quan họ, rối nước…), các loại hình nghệ thuật hiện đại (ca, múa, nhạc, kịch, xiếc, điện ảnh…) cũng có bước tiến mới; một số tác phẩm mỹ thuật, âm nhạc, điện ảnh đã nhận được giải thưởng cao trong nước và quốc tế; từng bước ứng dụng kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào việc sản xuất và lưu trữ phim, bảo tồn và phát huy các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Bước đầu nâng cao được nhận thức về bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan theo quy định của pháp luật, hình thành tổ chức bảo hộ quyền tác giả, bảo vệ quyền lợi của người sáng tạo.

Hoạt động lý luận, phê bình đã đạt được những kết quả tích cực, bước đầu đã có những đổi mới về quan niệm, về phương pháp nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; tính chủ thể của văn nghệ sĩ được coi trọng. Nhiều tác phẩm lý luận, trường phái nghiên cứu văn học, nghệ thuật nước ngoài được giới thiệu tạo điều kiện nâng cao trình độ lý luận văn học, nghệ thuật trong nước.

Các di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển bền vững đất nước. Việt Nam có gần 40.000 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, có 54 dân tộc với nhiều sắc thái văn hóa đa dạng, cùng với đó là hơn 61 nghìn di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 26 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được UNESCO ghi danh. Hệ thống di sản văn hóa phong phú, cảnh quan kỳ vĩ và thơ mộng là tài sản vô giá, có tiềm năng chuyển hóa thành những sản phẩm, dịch vụ độc đáo, đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế, thương mại cũng như tạo dựng thương hiệu, vị thế của văn hóa Việt Nam.

Giao lưu văn hoá từng bước được mở rộng cùng với quá trình đa phương hóa, đa dạng hoá các mối quan hệ quốc tế. Hoạt động giao lưu các đoàn biểu diễn nghệ thuật và trao đổi sách báo, phim ảnh, triển lãm, nghiên cứu, đào tạo… giữa nước ta với các nước trong khu vực và thế giới ngày càng được đẩy mạnh. Nhiều hiệp định văn hoá với các nước và nhiều tổ chức quốc tế, các điều ước quốc tế song phương và đa phương về di sản văn hoá, về quyền tác giả và quyền liên quan đã được ký kết; nhiều dự án về hợp tác văn hóa được thực hiện có hiệu quả. Chúng ta có nhiều cơ hội tiếp xúc rộng rãi hơn với văn hoá thế giới và chọn lọc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, đồng thời giới thiệu với nhân dân các nước những giá trị tốt đẹp, độc đáo của văn hóa Việt Nam. Nhiều hoạt động hợp tác, giao lưu văn hoá quốc tế trên quy mô lớn đã được tổ chức ở Việt Nam và nước ngoài gây được tiếng vang và tạo được ấn tượng tốt đẹp về truyền thống văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Các liên hoan phim quốc tế, triển lãm mỹ thuật nhiếp ảnh quốc tế ở Việt Nam và của Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua cũng đã làm tốt việc giới thiệu văn hóa, đất nước, con người bạn bè quốc tế và con người Việt Nam, góp phần vào sự hiểu biết lẫn nhau và quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và các nước.

Việc quảng bá, giới thiệu đất n­ước, con ng­ười, văn hóa nghệ thuật Việt Nam được đẩy mạnh thông qua những hoạt động xúc tiến văn hoá, thể thao và du lịch ở nhiều nước hoặc qua các phương tiện công cộng, truyền thông, báo chí, làm phim quảng bá trong nước và quốc tế, tổ chức thành công các hoạt động văn hóa đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ở nước ngoài trên diện rộng, trọng điểm tại những địa bàn truyền thống, những đối tác quan trọng.


Những hạn chế, khó khăn còn cản bước

Sự nghiệp xây dựng văn hóa, phát triển con người trong những năm vừa qua vẫn còn những thách thức. Việc xây dựng thể chế văn hóa vẫn chưa đồng bộ và hiệu quả. Các văn bản luật về văn hóa nhiều khi chưa theo kịp với tình hình thực tiễn, việc tổ chức thực hiện còn yếu, một số quy phạm pháp luật về văn hóa chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam chưa tạo được sự chuyển biến rõ rệt. Hạn chế lớn nhất trong xây dựng con người những năm vừa qua là sự suy thoái về tư tưởng, xuống cấp về đạo đức, tha hóa về lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân. Lối sống thiếu lý tư­ởng, hoài bão, thiếu ý chí phấn đấu có phần gia tăng trong thế hệ trẻ. Văn hóa gia đình chưa được chăm lo, củng cố. Gia đình chưa thực sự trở thành cái nôi hình thành và nuôi dưỡng nhân cách con người. Văn hóa học đường có những biểu hiện đáng báo động. Hệ giá trị của người Việt Nam trong xã hội đang có nhiều biến đổi, có cả chiều hướng tiêu cực.

Mặc dù đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển văn hóa nhưng đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu. Khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa khu vực đô thị và các khu vực khác vẫn chậm được thu hẹp. Các thiết chế văn hóa, thể thao tuy đã được quan tâm đầu tư xây dựng, nhưng hoạt động thiếu hiệu quả, nội dung, phương thức nghèo nàn, trùng lặp, một số nơi còn không phù hợp với truyền thống văn hóa và điều kiện kinh tế, địa lý của người dân sở tại.

Nhiều sản phẩm văn hoá không phù hợp với truyền thống văn hoá của dân tộc, thậm chí độc hại, ảnh hưởng tiêu cực đối với thị hiếu, lối sống của một phần không nhỏ người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Số lượng các tác phẩm văn học, nghệ thuật xuất hiện ngày một nhiều, song còn ít tác phẩm đạt đỉnh cao, tương xứng với những thành tựu phát triển đất nước trong thời kỳ Đổi mới. Một số tác phẩm, lý tưởng xã hội, thẩm mỹ không rõ nét, chưa thể hiện được tính chất tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc. Thậm chí một số tác phẩm có nội dung tư tưởng lệch lạc, khai thác những mặt tiêu cực, phủ nhận quá khứ hào hùng của dân tộc, xuyên tạc sự thật lịch sử. Không ít tác phẩm còn thể hiện sự dễ dãi, chiều theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng.

Xu hướng xã hội hoá, phát triển thị trường văn hóa tạo sự đa dạng cho diện mạo văn học, nghệ thuật, song cũng khuyến khích xu hướng thương mại hóa văn hóa, nghệ thuật theo lợi nhuận của kinh tế thị trường. Còn thiếu vắng những tác phẩm sáng tạo mới, thực sự có giá trị cách tân, phản ánh sâu sắc những thay đổi to lớn của xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Những khó khăn khách quan từ tình hình thế giới, đặc biệt là những biến động sau khi bùng phát đại dịch covid trên phạm vi toàn cầu, đã đòi hỏi toàn xã hội phải dốc sức để giải quyết những nhiệm vụ chống dịch cấp bách mới đặt ra và chuyển trạng thái để chủ động ứng phó, thích nghi. Những ưu thế từ bề dày truyền thống làm nên sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam đòi hỏi được phát huy. Một lần nữa sức mạnh đoàn kết dân tộc, tinh thần giúp đỡ nhau, tương thân tương ái, sự năng động, sáng tạo ứng phó với hoàn cảnh, tinh thần kiên cường vượt qua thử thách… được động viên và tỏa sáng đã là những nhân tố tinh thần quan trọng để chúng ta từng  bước kiểm soát và chiến thắng dịch bênh. Chúng ta càng thấy sức mạnh và vai trò của văn hóa, càng thấy rõ tầm quan trọng của vấn đề xây dựng, phát triển toàn diện nền văn hóa Việt Nam trong bối cảnh mới.

“Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”
- Đại hội XIII của Đảng -


Hội nghị Diên Hồng” về văn hóa 

Trong những ngày này, người dân cả nước cùng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phấn khởi, tự tin với sự kiện lớn, sâu sắc, đầy ý nghĩa: Hội nghị Văn hóa toàn quốc, một “Hội nghị Diên Hồng” về văn hóa, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, do Bộ Chính trị - Ban Bí thư T.Ư Đảng tổ chức vừa thành công rất tốt đẹp.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc khai mạc ngày 24/11/2021.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc khai mạc ngày 24/11/2021.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc tập trung trí tuệ của toàn Đảng, các tầng lớp trí thức, đại biểu nhân dân đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị đã nghe báo cáo tóm tắt về việc “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; Các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, do đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư trình bày. Báo cáo nhận định, sau 35 năm đổi mới đất nước, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng.

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.
- Kết luận số 76-KL/TW, ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị -

Nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa tiếp tục được đổi mới, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn; Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa từng bước được nâng cao; Xây dựng môi trường văn hóa đạt được một số kết quả tích cực; Việc xây dựng văn hóa trong chính trị được triển khai gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Xây dựng văn hóa trong kinh tế bước đầu có chuyển biến về nhận thức và hành động; Bản sắc, giá trị văn hóa, con người Việt Nam tiếp tục được kế thừa, phát huy cao độ khi đất nước gặp khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 từ cuối năm 2019 đến nay; Tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Hội nghị đồng thời là diễn đàn và là dịp cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Văn hóa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Văn hóa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo Hội nghị. Tổng Bí thư chỉ rõ những thành tựu, đồng thời mong muốn chúng ta nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa. Tổng Bí thư nhấn mạnh “Những yếu kém, bất cập nêu trên chậm được giải quyết mặc dù đã được nhắc đi, nhắc lại trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng. Sự yếu kém, khuyết điểm này đã gây hệ lụy, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, đến xây dựng con người và môi trường văn hóa của chúng ta”. Từ Hội nghị, thêm một lần đặt ra yêu cầu tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục.


Nền văn hóa, văn nghệ nước ta xứng đáng đứng vào "Vị trí tiên phong của nền văn hóa văn nghệ chống đế quốc, phong kiến trên phạm vi toàn thế giới trong thời đại ngày nay".
-Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam-


Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, xã hội số, văn hóa số... đã và đang đem lại những cơ hội, vừa tạo ra thách thức mới trong việc xây dựng và phát triển văn hóa nước nhà. Nêu lại lời Bác Hồ "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi"! Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội; kế thừa những truyền thống văn hóa tốt đẹp của Dân tộc, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, tinh hoa văn hóa của thế giới, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao.

Tổng Bí thư đồng thời nhấn mạnh “Đảng ta cũng đã xác định, chủ thể xây dựng và phát triển văn hóa là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng; nhấn mạnh đến phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hóa”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ một số nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp cần tập trung để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc (nội dung trên báo Nhân Dân ngày 25/11).


“Vai trò quan trọng của văn hóa được khẳng định xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, những quan điểm, định hướng phát triển văn hóa của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy ý thức tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước của mỗi người dân Việt Nam. Nhờ vậy, đã quy tụ và nhân lên sức mạnh của toàn dân hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đường lối văn hóa của Đảng trong thời kỳ đổi mới đã tạo sự chuyển biến tích cực trên lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống, hình thành các giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức mới. Đường lối phát triển văn hóa thời kỳ đổi mới của Đảng đã thu được nhiều thành tựu và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới”.
 
- PGS, TS Nguyễn Danh Tiên -
Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (thuộc Học viện CTQG Hồ Chí Minh)




Những di sản văn hóa phi vật thể

Hát xoan Phú Thọ được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại năm 2011.

Hát xoan Phú Thọ được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại năm 2011.

Không gian cồng chiêng Tây Nguyên được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2005.

Không gian cồng chiêng Tây Nguyên được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2005.

Nhã nhạc cung đình Huế trở thành Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu nhân loại năm 2003.

Nhã nhạc cung đình Huế trở thành Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu nhân loại năm 2003.

Trình diễn Mẫu Thượng Ngàn trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại năm 2016.

Trình diễn Mẫu Thượng Ngàn trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại năm 2016.

Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2009.

Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2009.

Item 1 of 5

Hát xoan Phú Thọ được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại năm 2011.

Hát xoan Phú Thọ được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại năm 2011.

Không gian cồng chiêng Tây Nguyên được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2005.

Không gian cồng chiêng Tây Nguyên được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2005.

Nhã nhạc cung đình Huế trở thành Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu nhân loại năm 2003.

Nhã nhạc cung đình Huế trở thành Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu nhân loại năm 2003.

Trình diễn Mẫu Thượng Ngàn trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại năm 2016.

Trình diễn Mẫu Thượng Ngàn trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại năm 2016.

Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2009.

Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2009.


Chấn hưng văn hóa, con người Việt Nam

Từ dẫn luận, hệ thống lại các chủ trương, đường lối quan điểm của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa, hưởng ứng sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Hội nghị sôi nổi bàn thảo các vấn đề về động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa trong sự phát triển của đất nước hiện nay; hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng môi trường văn hóa, nhiệm vụ quan trọng để phát triển văn hóa con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam và phát huy giá trị của các di sản văn hóa để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn... Hội nghị đã đưa ra một số định hướng và giải pháp trọng tâm nhằm xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong thời gian tới. Cụ thể xác định tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng trong giai đoạn mới là quán triệt đầy đủ trong nhận thức, triển khai đồng bộ, sâu rộng trong thực tiễn cả 5 quan điểm chỉ đạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước. 

Chưa bao giờ câu nói “Văn hóa còn thì dân tộc còn” lại quan trọng và sâu sắc như lúc này. Chúng ta cần sớm có những giải pháp thiết thực để chấn hưng văn hóa, mà nền tảng là hạnh phúc của nhân dân. 
- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam-

Tại diễn đàn quan trọng này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tâm huyết phát biểu: Chưa bao giờ câu nói “Văn hóa còn thì dân tộc còn” lại quan trọng và sâu sắc như lúc này. Chúng ta cần sớm có những giải pháp thiết thực để chấn hưng văn hóa, mà nền tảng là hạnh phúc của nhân dân. 

Các giải pháp trọng tâm cụ thể  được đưa ra tại “Hội nghị Diên Hồng về văn hóa 2021” nổi bật là: Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững; Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; Hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa;  Phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, văn nghệ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý; cho các lĩnh vực then chốt, đặc thù; Xây dựng văn hóa trong chính trị, trong kinh tế, đặc biệt là văn hóa trong Đảng trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội; văn hóa doanh nghiệp trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế- xã hội; Phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người tiêu dùng và thị trường ngoài nước; Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại; Tập trung nguồn lực từ Nhà nước và các thành phần kinh tế khác đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người; Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế.

Khẳng định, quyết tâm với mục tiêu chung, xuyên suốt được Đảng ta chỉ rõ: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, tính nhân văn, dân chủ và khoa học; làm cho văn hóa phải thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh. “Hội nghị Diên Hồng về văn hóa 2021” thêm một lần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Nghệ nhân ca trù Phó Thị Kim Đức.

“Đảng ta cũng đã xác định, chủ thể xây dựng và phát triển văn hóa là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng; nhấn mạnh đến phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hóa”
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng -

Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.

Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.

Ngày xuất bản: 26/11/2021
Tổ chức thực hiện: Lê Mậu Lâm, Hồng Minh
Nội dung: Lê Mậu Lâm, Bùi Hoài Sơn, Ngô Vương Anh, Tuyết Loan
Trình bày: Tuyết Loan, Minh Duy
Ảnh: Đăng Khoa, Nguyễn Nam, Ngô Vương Anh, Tuyết Loan