Làng Đường Lâm được ví như bảo tàng sống về làng quê đồng bằng, trung du Bắc Bộ.
Rất hiếm ngôi làng còn giữ được nguyên vẹn gần như toàn bộ cấu trúc không gian và các thiết chế của một làng Việt cổ: Cổng làng, cổng ngõ, đình, chùa, điếm, quán, giếng cổ, các nhà thờ họ... như ở Đường Lâm.
Làng Đường Lâm được ví như bảo tàng sống về làng quê đồng bằng, trung du Bắc Bộ. Nơi ấy là quê hương của hai vị vua có công lớn trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc: Phùng Hưng và Ngô Quyền. Đến Đường Lâm để được “xuyên không” về quá khứ.
Bảo tàng sống về làng Việt cổ
Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 50 km, làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) là nơi đậm đặc các di sản văn hoá cổ truyền. Hiếm nơi nào có đầy đủ các công trình liên quan đến đời sống văn hoá, xã hội, tâm linh từ xưa để lại như người dân nơi đây: Cổng làng, đình, chùa, quán, giếng cổ, nhà thờ họ… Xã Đường Lâm có 9 thôn khác nhau, trong đó các thôn: Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp, Cam Lâm là nơi tập trung nhiều di tích, nhà cổ. Trong đó, hoàn chỉnh nhất, đẹp nhất là thôn Mông Phụ.
Làng Mông Phụ đón khách bằng một chiếc cổng cổ ẩn mình dưới cổ thụ xoè tán rộng, kế bên là rặng duối lâu năm tuổi. Phía trước là cánh đồng, hồ sen, tạo cảnh quan không gian hài hoà, như một bức tranh quê. Cổng làng Mông Phụ giống như một ngôi nhà, phía trên lợp ngói ta, nhưng chỉ có tường hai bên cùng hệ thống cột trụ phía trước, phía sau tạo nên sự vững chãi. Cổng làng Mông Phụ không lớn, nhưng mang vẻ đẹp mộc mạc, với những bức tường đá ong để mộc.
Đi qua chiếc cổng làng ấy, cảm giác như bước vào một “thế giới khác”, với màu nâu đặc trưng của những bức tường đá ong, màu nâu của mái ngói đã ghi dấu thời gian.
Đi qua chiếc cổng làng ấy, cảm giác như bước vào một “thế giới khác”, với màu nâu đặc trưng của những bức tường đá ong, màu nâu của mái ngói đã ghi dấu thời gian. Đình làng Mông Phụ nằm ở trung tâm làng cũng rất khác lạ. Ngôi đình không có tường bao, thay vào đó là những hàng lan can thông thoáng, thuận tiện cho sinh hoạt cộng đồng. Theo người xưa kể lại, làng Mông Phụ nằm trên thế đất hình con rồng. Đầu rồng chính là nơi tọa lạc của đình Mông Phụ. Ngôi đình được xây dựng vào năm 1684 (đời vua Lê Hy Tông). Từ khu vực trung tâm này, những con đường lát gạch đỏ au toả đi đến các xóm nhỏ.
Ở bất cứ ngõ ngách nào, người ta cũng bắt gặp những nếp nhà cổ.
Phần lớn những ngôi nhà cổ được xây cất bằng các loại vật liệu truyền thống của Đường Lâm là đá ong. Hệ thống cột, kèo thường làm bằng gỗ mít, gỗ xoan. Chỉ một số ít gia đình có điều kiện làm bằng gỗ lim. Mái nhà thường lợp ngói ta (ngói ri). Kiến trúc phổ biến nhất là năm gian. Ba gian chính là nơi thờ cúng, tiếp khách. Hai gian hai bên là nơi sinh hoạt cá nhân. Những người thợ Việt xưa với bàn tay tài hoa cũng không quên chạm khắc công phu, tỉ mỉ nhiều hoa văn giản dị nhưng mềm mại trên nhiều phần chất liệu gỗ của căn nhà, tạo nên sự duyên dáng cho căn nhà.
Những ngôi nhà cổ nhất ở Mông Phụ nay đã trở thành điểm tham quan ưa thích của du khách là nhà của ông Nguyễn Văn Hùng, ông Hà Hữu Thể, ông Hà Nguyên Huyến... Trong đó, ngôi nhà cổ nhất là của ông Nguyễn Văn Hùng, niên đại xây dựng là năm 1649. Ngôi nhà đã trải qua gần 400 mưa nắng vẫn được giữ gìn. Cũng như nhiều ngôi nhà cổ khác ở Mông Phụ nói riêng, Đường Lâm nói chung, ngôi nhà của ông Hùng có một chiếc cổng nhỏ, dẫn vào khu vực sân, vườn. Đường Lâm có nghề làm tương nổi tiếng, cho nên trong sân nhà ai cũng có những chum tương người dân làm để sử dụng cũng như để bán. Những chiếc sân đầy chum tương bây giờ trở thành địa điểm check-in ưa thích của nhiều du khách.
Ở Đường Lâm, không chỉ những nếp nhà cổ, ta còn dễ gặp những nét xưa trong cuộc sống.
Ở Đường Lâm, không chỉ những nếp nhà cổ, ta còn dễ gặp những nét xưa trong cuộc sống. Đàn bò đủng đỉnh đi qua cánh cổng làng ra đồng gặm cỏ. Những cụ già bên quán nước đầu làng. Những bà cụ bỏm bẻm nhai trầu. Những ông lão tóc bạc phơ, chống gậy đi trên con đường lát gạch đỏ au… Điều mà người ta thường chỉ thấy trong phim, ảnh tư liệu.
Ngoài đình làng, nhà cổ, Đường Lâm có một ngôi chùa lớn là chùa Mía. Ở đây có đến 287 pho tượng thờ, trong đó có 174 tượng bằng đất nung sơn son thếp vàng, 107 tượng mộc và sáu pho tượng bằng đồng. Chùa Mía được người dân trong ngoài vùng biết đến bởi sự tôn nghiêm, cổ kính. Nếuxã Đường Lâm, đặc biệt là làng Mông Phụ là bảo tàng về làng Việt cổ thì chùa Mía là bảo tàng về tượng Phật giáo cổ.
Dấu ấn những danh nhân
Đường Lâm được biết đến là “ấp hai vua”. Nơi đây là quê hương của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và Ngô Quyền Vương.
Sinh vào thời đất nước bị giặc ngoại xâm, Phùng Hưng (thế kỷ thứ 8) sớm hình thành ý chí đánh đuổi giặc, độc lập, tự chủ. Ông chiêu mộ nghĩa quân hào kiệt, dấy binh, nổi dậy chống lại ách thống trị đô hộ của nhà Đường. Nghĩa quân đánh đuổi quân đô hộ nhà Đường khỏi thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay). Phùng Hưng xây dựng nền độc lập tự chủ cho đất nước được 7 năm thì qua đời. Tại quê hương thôn Cam Lâm của ông, nhân dân đã lập đền tưởng nhớ ông. Ngôi đền hiện nay mang dáng vẻ kiến trúc thế kỷ 19, gồm các hạng mục: Cổng nghi môn, Tả hữu mạc, Đại bái và Hậu cung. Lễ hội Đền Phùng Hưng được tổ chức vào ngày 8 tháng Giêng âm lịch (là ngày mất của Bố Cái Đại Vương) với đông đảo nhân dân các địa phương về dự
Chỉ cách đền thờ Phùng Hưng một quãng ngắn là lăng Ngô Quyền (Ngô Vương, 898-944). Ngô Quyền được biết đến là Tổ Trung hưng của dân tộc, khi là người đầu tiên gây dựng nền độc lập của đất nước sau nghìn năm Bắc thuộc. Sau khi đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng vương, định đô ở Cổ Loa với mong muốn kế thừa nhà nước Âu Lạc xưa kia. Lăng Ngô Quyền được xây những năm đầu thế kỷ 20, theo kiến trúc nhà bia bốn mái. Đền thờ được xây cách lăng khoảng 100m. Phía trước lăng là một cánh đồng rộng nằm giữa hai sườn đồi, cạnh đó là đồi Hổ Gầm, tương truyền xưa là nơi thuở nhỏ Ngô Quyền thường cùng bạn chăn trâu, cắt cỏ và tập luyện võ nghệ. Đặc biệt, ở đây còn có một rặng duối cổ thụ 18 cây, tương truyền là nơi Ngô Quyền cho quân sĩ buộc voi chiến.
Đường Lâm xứng danh là
"ĐỊA LINH NHÂN KIỆT"
Đường Lâm xứng danh là “địa linh sinh nhân kiệt”. Đây còn là quê hương Thám hoa Giang Văn Minh (1573-1638), một nhà ngoại giao nổi tiếng của nước ta. Khi đi sứ nhà Minh, vua Minh ra vế đối “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (Cột đồng đến nay vẫn phủ rêu xanh) nhắc lại sự kiện Mã Viện đàn áp nhân dân ta thời Hai Bà Trưng, thể hiện sự ngạo mạn của “thiên triều”. Giang Văn Minh đã đối lại bằng câu: “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng” (Sông Bạch Đằng từ ngàn xưa máu đỏ). Bị làm nhục, vua Minh giết hại ông. Nể người có tiết tháo, nhà Minh cho ướp xác Giang Văn Minh bằng thuỷ ngân và cho sứ bộ mang thi hài ông về nước. Những dấu ấn liên quan đến Giang Văn Minh đều được người dân gìn giữ, gồm mộ phần, ngôi quán nơi làm lễ mai táng, đền thờ Thám hoa Giang Văn Minh.
Những góc nhỏ “không đụng hàng”
Nơi tổ chức lễ mai táng Thám hoa Giang Văn Minh là một ngôi quán, người dân gọi là quán Giang. Đây là một trong nhiều quán hiện còn được giữ gìn ở Đường Lâm. Ngoài ngôi quán này còn nhiều quán khác. Riêng làng Mông Phụ còn ba quán: Quán Rô, quán Đồng Nẳng và quán Lồ Biêu. Trong tập tục nơi đây, người làng nếu qua đời ở phương xa thì không được đưa vào làng. Để giải quyết vấn đề đó, người làng đã cho xây dựng công quán. Ngôi quán đẹp nhất hiện nay chính là quán Lồ Biêu.
Quán Lồ Biêu được xây bằng gạch đá ong, như một ngôi đình thu nhỏ, với bốn mái và những đầu đao cong vút. Để phục vụ cho việc công, bốn mái được xây trên những trụ đá ong, quán để trống, không xây tường. Tường chỉ được gia cố thêm ở các góc. Quán Lồ Biêu đẹp cho nên được nhiều người ghé thăm, cho dù vốn dĩ nó là không gian dành cho người đã khuất.
Điều đặc biệt nữa là hiếm có ngôi làng nào ở miền Bắc còn nhiều giếng cổ như Đường Lâm.
Điều đặc biệt nữa là hiếm có ngôi làng nào ở miền Bắc còn nhiều giếng cổ như Đường Lâm. Những chiếc giếng ở Đường Lâm không phải kè thành như giếng ở các vùng đất khác do loại đá dưới lòng đất rất cứng. Miệng giếng ghép bằng những tảng đá ong, hoặc gạch đỏ. Qua thời gian, các giếng đều cổ kính.
Trong các giếng cổ, hai chiếc giếng tương truyền là mắt của rồng có tên “giếng xóm Phủ” và “giếng xóm Miễu”. Giếng xóm Phủ được coi là mắt phải, là nơi người dân thường ra khấn tạ vào ngày mùng 5 Tết hằng năm. Giếng xóm Miễu nằm khuất trong một con ngõ và được coi là mắt trái của rồng.
Người Đường Lâm còn có các câu như: “Nước giếng Giang, khoai lang đồng Bường”, “Nước giếng Hè, chè Cam Lâm” để chỉ giếng Giang và giếng Hè có nguồn nước ngon có tiếng. Đặc biệt, ở Đường Lâm còn có một chiếc “giếng thiêng”, được truyền tai nhau có thể giúp được những phụ nữ đang nuôi con mà bị mất sữa hay không có sữa, đó là giếng Chuông Sa, có tên dân gian là “giếng sữa”.
Một trong những mục tiêu quan trọng khác là tiến tới lập hồ sơ đề nghị xếp hạng Làng cổ ở Đường Lâm trở thành Di tích cấp quốc gia đặc biệt, hướng tới được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Gìn giữ cho
mai sau
Xác định bảo tồn, phát huy giá trị di sản làng cổ Đường Lâm là nhiệm vụ quan trọng, năm 2013, thành phố phê duyệt Quy hoạch Bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm. Tiếp đó, năm 2014, Hà Nội ban hành Đề án “Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ ở xã Đường Lâm”.
Từ Quy hoạch, Đề án này, thị xã Sơn Tây đã triển khai bằng các giải pháp cụ thể: Đầu tư, tu bổ những di tích quan trọng; đầu tư, tu bổ những nhà cổ có giá trị; bảo tồn, gìn giữ những không gian công cộng của làng cổ… Đặc biệt, thị xã Sơn Tây đã ban hành thiết kế 20 mẫu nhà. Song song với gìn giữ nhà cổ, nhà có giá trị, các cơ quan chức năng vận động các hộ gia đình xây dựng những ngôi nhà mới tuân thủ theo chiều cao, ứng dụng các thiết kế được đưa ra. Tháng 9/2019, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ra Quyết định số 4851/QĐ-UBND “Về việc công nhận điểm du lịch làng cổ ở Đường Lâm”, tạo đà cho việc phát triển du lịch ở làng cổ.
Ngoài các biện pháp bảo tồn, thị xã Sơn Tây còn triển khai các hoạt động chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo sinh kế cho người dân, nổi bật nhất là Đề án Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với thương mại, dịch vụ tại làng cổ ở Đường Lâm, khuyến khích các thành phần kinh tế, doanh nghiệp đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch nhằm khai thác hiệu quả các giá trị của di tích Làng cổ ở Đường Lâm. Đề án này được cụ thể hoá bằng các dự án như: Bảo tồn và phục hồi giống gà Mía, chè Cam Lâm, khoai lang; phát triển nghề làm tương và các sản phẩm từ tương, các sản phẩm bánh kẹo truyền thống như: kẹo lạc, kẹo dồi...; xây dựng điểm giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP.
Người dân Đường Lâm cũng được tập huấn nghiệp vụ du lịch. Nhờ đó, hàng trăm hộ gia đình ở Đường Lâm trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào hoạt động du lịch.
Người dân Đường Lâm cũng được tập huấn nghiệp vụ du lịch. Nhờ đó, hàng trăm hộ gia đình ở Đường Lâm trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào hoạt động du lịch. Bí thư Đảng ủy xã Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo cho biết: “Hiện nay, thị xã Sơn Tây đang xây dựng Đề án “Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ ở Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, giai đoạn 2024 - 2030, định hướng đến năm 2035”, tiếp nối đề án giai đoạn 2014 - 2020. Một trong những mục tiêu quan trọng khác là tiến tới lập hồ sơ đề nghị xếp hạng Làng cổ ở Đường Lâm trở thành Di tích cấp quốc gia đặc biệt, hướng tới được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đường Lâm phấn đấu đến năm 2030 thu hút từ 150.000 - 200.000 lượt khách du lịch mỗi năm”.
Điểm du lịch làng quê hấp dẫn
Đường Lâm là địa chỉ hiếm hoi còn giữ được tổng thể những nét đẹp của làng cổ, vừa có nét chung, vừa có những đặc thù riêng, tạo nên sự hấp dẫn. Tổng hoà những giá trị trên đã đưa Đường Lâm trở thành một trong những địa chỉ du lịch hấp dẫn nhất tại Hà Nội. Hiện nay, đến Đường Lâm, khách tham quan có nhiều lựa chọn: Tham quan các di tích quan trọng: Đình, chùa, nhà thờ…, tham quan, trải nghiệm ở những ngôi nhà cổ, những con ngõ đậm đặc màu đá ong, gạch đỏ; khám phá những nét độc đáo: Cổng làng, giếng cổ, quán… Cả ngôi làng là một “phim trường” cho du khách.
Tuy nhiên, sẽ rất thiếu sót nếu không nói đến ẩm thực Đường Lâm. Hiện nay, trong làng có một số nhà hàng phục vụ nhu cầu ẩm thực; nhiều chủ nhà cổ cũng tổ chức dịch vụ ẩm thực cho khách quê.
Đường Lâm là vùng đất có nhiều đặc sản thôn quê. Thí dụ giống gà Mía là một trong những giống gà nổi tiếng cho thịt thơm ngon. Nhưng công phu nhất trong các món ẩm thực ở Đường Lâm là món thịt quay đòn. Thịt lợn ba chỉ được tẩm ướp với húng lìu, hạt tiêu, hành khô, mắm, muối... Nguyên liệu làm nên sức hấp dẫn của thịt quay đòn gánh Đường Lâm là lá ổi. Lá ổi non được băm nhỏ, ướp với thịt khoảng một tiếng, trong khi phần lá bánh tẻ lót vào miếng thịt trước khi đem đi quay. Sau khi được tẩm ướp xong xuôi, thịt được cuốn gọn vào một chiếc đòn tre đã lót lá chuối bên trong. Quá trình quay cũng rất công phu, thịt chín bằng hơi than và để quay xong một “đòn” thường mất tới 6 tiếng. Mâm cỗ đón khách du lịch của Đường Lâm thường không thể thiếu gà Mía, thịt quay đòn, bánh tẻ, các loại rau chấm tương nếp… Các món quà có chè lam, kẹo bột, kẹo dồi…
Cuộc sống bình yên bên những nếp nhà cổ.
Công phu nhất trong các món ẩm thực ở Đường Lâm là món thịt quay giòn.
Nhiều nhiếp ảnh gia tìm tới thăm thú ngôi làng cổ để ghi lại khoảnh khắc bình yên, xưa cũ.
Hình ảnh cụ già cần mẫn chuẩn bị tương nếp trước sân nhà.
Sàng ngô dưới ánh nắng.
Hiện nay, khách du lịch đến Đường Lâm được tham gia nhiều trải nghiệm: Tham quan các di sản, đạp xe khám phá không gian làng quê, thưởng thức ẩm thực, nghỉ ngơi trong những căn nhà cổ…
Mới đây, chính quyền địa phương phối hợp Ban Quản lý làng cổ Đường Lâm tổ chức chương trình “Đêm làng cổ” vào thứ bảy hàng tuần tại khu vực cổng làng Mông Phụ. Tại đây có các gian hàng bày bán sản phẩm do chính bàn tay người dân trong làng làm ra. Đó là đồ lưu niệm phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch; ẩm thực đặc trưng của làng cổ.
Khách du lịch đến Đường Lâm sẽ được tham gia nhiều trải nghiệm.
“Đêm làng cổ” là nơi trình diễn các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống như: Múa rồng, múa trống, hát chầu văn, thổi sáo, hát quan họ… do thành viên các câu lạc bộ trong làng biểu diễn; các trò chơi dân gian. Bên cạnh đó, tại các không gian sáng tạo trong làng như Đoài Creative, Nghề làng, du khách có thể tìm hiểu về nghề làm sơn mài, trải nghiệm các hoạt động workshop, hoạt động sáng tạo...
Làng cổ
ĐƯỜNG LÂM
Ngày xuất bản: 9/2024
Tổ chức thực hiện: Kiều Hương - Hồng Minh
Nội dung: Giang Nam
Trình bày: Ngọc Diệp
Ảnh: Nina May, Đăng Khôi, Giang Nam