Hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam-Trung Quốc ở mức độ nào?
Việt Nam liên tục là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN từ năm 2016 và là nước đối tác thương mại lớn thứ 6 trên thế giới từ năm 2020 của Trung Quốc.
Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt nhận thức chung về việc tăng cường phối hợp, cùng thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế-thương mại, năng lực sản xuất và đầu tư, cơ sở hạ tầng, tài chính-tiền tệ phát triển ổn định, bền vững. Hai bên đã thiết lập, ký kết nhiều cơ chế, như: Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng và Nhóm công tác về hợp tác tiền tệ; Hiệp định gia hạn và bổ sung Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Trung Quốc giai đoạn 2017-2021; Hiệp định thương mại biên giới sửa đổi (2016); và nhiều bản ghi nhớ hợp tác về cùng xây dựng kế hoạch hợp tác cơ sở hạ tầng, hợp tác năng lực sản xuất… qua đó, tiếp tục tạo khuôn khổ để tăng cường, thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại song phương.
Về thương mại, trong bối cảnh dịch bệnh tác động tiêu cực đến thương mại của hầu hết các quốc gia trên thế giới, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Trung Quốc duy trì đà tăng trưởng ấn tượng. Từ mức 32 triệu USD năm 1991, kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng mạnh mẽ, nhanh chóng lên mức 165,9 tỷ USD năm 2021.
Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam-Trung Quốc đạt 165,9 tỷ USD, tăng 24,6% so năm 2020 (theo số liệu của Trung Quốc là 230,2 tỷ USD, tăng 19,7% và chiếm 1/4 tổng kim ngạch thương mại Trung Quốc-ASEAN). Trong 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 117,4 tỷ USD, tăng 10,8% so cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu hoa quả của Việt Nam sang Trung Quốc đạt được nhiều tiến triển nổi bật, trong đó chanh leo Việt Nam được thí điểm xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc kể từ tháng 7/2022 và sầu riêng tươi xuất khẩu từ Việt Nam cũng đã chính thức thông quan tháng 9/2022. Trung Quốc đã và đang trở thành thị trường quan trọng hàng đầu của nông, lâm, thủy sản Việt Nam, với giá trị thương mại hai chiều Việt Nam-Trung Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp tăng nhanh và liên tục trong những năm qua, được dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ thời gian tới.
Về đầu tư, lũy kế đến tháng 8/2022, Trung Quốc đứng thứ 6/139 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với 3.453 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 22,42 tỷ USD. Riêng 8 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc đứng thứ 4/94 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 143 dự án, tổng vốn đạt 1,4 tỷ USD.