Hố sâu ngăn cách. COVAX.

Và nỗ lực tự chủ Việt Nam

“Chúng ta đang định phát thêm áo phao cho người đã có áo phao, trong khi để mặc những người khác chết đuối”. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine ngừa Covid-19 trên phạm vi toàn cầu đã được khắc họa đầy hình tượng như thế bởi Mike Ryan - một lãnh đạo cấp cao của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).


Mike Ryan nói như vậy vào thời điểm có không ít quốc gia phát triển về kinh tế, khoa học và công nghệ trên thế giới - như Mỹ, các nước châu Âu, Nhật Bản, Israel… - chuẩn bị xúc tiến tiêm mũi bổ sung thứ ba cho công dân của mình.

Và cuối cùng, những tiến trình ấy vẫn cứ được thực hiện, bất chấp WHO khẳng định rằng không có bằng chứng cho thấy mũi tiêm tăng cường có tác dụng đối với việc ngăn cản biến thể Delta, bất chấp cả việc hàng trăm triệu, thậm chí có thể là hàng tỷ người trên thế giới vẫn chưa được tiêm ngừa. Thí dụ, đến tháng 6/2021, mới chỉ có 2% dân số của cả châu Phi được tiêm ngừa.

Tuy vậy, thực tế đó là khó có thể thay đổi. Bất cứ nhà lãnh đạo quốc gia nào cũng phải ưu tiên bảo vệ sức khỏe cho công dân của mình trước hết, đặc biệt là với những thông tin về sự suy giảm hiệu lực của các loại vaccine sau khoảng 6 - 8 tháng.

Cũng gần như không thể thay đổi, chuyện các tập đoàn dược phẩm lớn trên thế giới từ bỏ, dù chỉ là tạm thời, quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vaccine ngừa Covid-19, như một gợi ý từng được đưa ra cuối năm ngoái và đầu năm nay. Điều đó liên quan trực tiếp đến động lực nghiên cứu và cống hiến của Moderna, Pfizer hay BioNTech.

Và hơn thế, điều đó là “chuyện làm ăn”. Chỉ tính trong nửa đầu năm 2021, doanh số của Pfizer và BioNTech đã lên đến 10,8 tỷ USD, còn dự kiến doanh số cả năm sẽ có thể đạt tới 33,5 tỷ USD.

Vaccine ngừa Covid-19, hiện tại, đã trở thành cả một kho vàng.

Vaccine ngừa Covid-19, hiện tại, đã trở thành cả một kho vàng.

Còn hàng trăm triệu người dân châu Phi chưa được tiêm ngừa Covid-19.

Còn hàng trăm triệu người dân châu Phi chưa được tiêm ngừa Covid-19.

Vaccine ngừa Covid-19 đã trở thành một kho vàng vô tận, nhất là khi nhu cầu luôn lớn gấp bội nguồn cung, và khi các nước giàu cũng luôn sẵn sàng trả nhiều tiền gấp bội để sớm có được vaccine trước phần còn lại của thế giới. Đến mức độ, từ những lô hàng đầu tiên đến tận bây giờ, các “đại gia” ngành dược quốc tế vẫn luôn thừa “kiêu kỳ” để từ chối ký các hợp đồng tư nhân, mà chỉ chấp nhận thương thảo với các chính quyền quốc gia.

Thực tế cũng là đây: Rất ít quốc gia trên thế giới có khả năng tự sản xuất vaccine, và rất nhiều quốc gia khác gặp khó khăn, nếu không muốn nói là không đủ khả năng tự mình mua vaccine ngừa Covid-19. Chính vì vậy, một nghịch lý nữa cũng xuất hiện: Trong khi hàng trăm triệu liều vaccine ở một cường quốc như Mỹ có nguy cơ bị tiêu hủy do quá hạn sử dụng, thì hàng triệu triệu người ở những nước nghèo vẫn sống dưới “móng vuốt” dịch bệnh.

Và bởi vậy, COVAX - Cơ chế tiếp cận toàn cầu với vaccine ngừa Covid-19 – có vai trò là một cánh cửa xoay thoát hiểm.

Ra đời sau những kinh nghiệm cay đắng về chuyện bất bình đẳng vaccine qua những đợt đại dịch trong quá khứ, COVAX được phối hợp dẫn dắt bởi Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), Liên minh vì đổi mới phòng chống dịch bệnh (CEPI) và WHO, với tôn chỉ hợp tác toàn cầu nhằm thúc đẩy quá trình phát triển và sản xuất các sản phẩm chẩn đoán và điều trị cùng với vaccine ngừa Covid-19, đồng thời bảo đảm khả năng tiếp cận nhanh chóng, công bằng và bình đẳng trên toàn thế giới. 

Tôn chỉ của COVAX là hợp tác toàn cầu nhằm thúc đẩy quá trình phát triển và sản xuất vaccine ngừa Covid-19, đồng thời bảo đảm khả năng tiếp cận nhanh chóng, công bằng và bình đẳng trên toàn thế giới.

Tôn chỉ của COVAX là hợp tác toàn cầu nhằm thúc đẩy quá trình phát triển và sản xuất vaccine ngừa Covid-19, đồng thời bảo đảm khả năng tiếp cận nhanh chóng, công bằng và bình đẳng trên toàn thế giới.

Một cách ngắn gọn, COVAX đứng ra đảm nhận vai trò trung gian, mua vaccine hộ các quốc gia khó tiếp cận nguồn cung, bán hoặc viện trợ cho những nước bị bệnh dịch đe dọa hoặc tàn phá.

Các nước giàu, thông qua COVAX, cũng có thể mua thêm vaccine nhằm đa dạng hóa nguồn cung. Và dĩ nhiên, COVAX cũng giúp các nước giàu ngăn chặn việc tiêu hủy vaccine quá hạn một cách phí phạm, mà có thể sử dụng chúng cho những mục đích khác.

COVAX đảm nhiệm việc mua sắm và giao hàng cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp, đồng thời hỗ trợ mua sắm cho hơn 97 quốc gia có thu nhập trên trung bình và thu nhập cao, nghĩa là khoảng hơn bốn phần năm dân số thế giới.
UNICEF công bố

Cho dù phải đến tận ngày 24/2/2021, Ghana mới trở thành quốc gia nhận được vaccine nhờ cơ chế này, và cho dù càng ngày sự thiếu hụt nguồn cung vaccine càng làm phát sinh nhiều trắc trở, cũng đã có hàng trăm triệu liều vaccine đến được với những quốc gia cần chúng nhất, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia sớm, và là một thành viên tích cực, được COVAX xem là điển hình tiêu biểu về triển khai hiệu quả tiêm vaccine phòng Covid-19 - theo đánh giá của bà Aurelia Nguyen, Giám đốc điều hành COVAX, ngày 20/9. Việt Nam là một trong số ít các nước đang phát triển đã đóng góp tài chính cho cơ chế COVAX, thể hiện cam kết và hợp tác chặt chẽ của Việt Nam với COVAX và trách nhiệm trong các nỗ lực toàn cầu về phòng chống dịch. Trong những cam kết ấy, bao gồm cả việc Việt Nam sẽ cống hiến vaccine trở lại cho thế giới, sau khi hoàn thành nghiên cứu tự chế tạo.

Bà Aurelia Nguyen, Giám đốc điều hành COVAX, xem Việt Nam là một điển hình tiêu biểu về triển khai hiệu quả tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Bà Aurelia Nguyen, Giám đốc điều hành COVAX, xem Việt Nam là một điển hình tiêu biểu về triển khai hiệu quả tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Song, Việt Nam, cũng như một số nước, không chỉ đặt hết “hy vọng vaccine” vào COVAX. Chúng ta chủ động tìm kiếm những thỏa thuận với các tập đoàn dược phẩm, để không rơi vào tình trạng chờ đợi mỏi mòn và phó mặc tình thế. Chúng ta cũng chủ động vận dụng các công cụ ngoại giao với các nước anh em, các đối tác gần gũi, để gấp rút tự trang bị vaccine bảo vệ mình, qua đó đóng góp vào lợi ích chung toàn cầu.

Ghana là quốc gia đầu tiên trên thế giới nhận được vaccine viện trợ thông qua cơ chế COVAX.

Ghana là quốc gia đầu tiên trên thế giới nhận được vaccine viện trợ thông qua cơ chế COVAX.

COVAX đảm nhiệm việc mua sắm và giao hàng cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp.

COVAX đảm nhiệm việc mua sắm và giao hàng cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp.

Việt Nam cũng đã đóng góp 500.000 USD cho cơ chế COVAX.

Việt Nam cũng đã đóng góp 500.000 USD cho cơ chế COVAX.

Bộ Y tế đã cho biết: Từ nay đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có ít nhất một vaccine - trong ba ứng viên vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng: Covivac, ARCT-154, và Nanocovax do Công ty cổ phần công nghệ sinh học Dược Nanogen TP Hồ Chí Minh nghiên cứu phát triển - dự kiến được cấp phép khẩn cấp và triển khai tiêm trong nước từ đầu năm 2022.

Theo kết luận của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia, vaccine Nanocovax đạt yêu cầu về tính an toàn trong ngắn hạn cũng như tính sinh miễn dịch, dựa trên dữ liệu báo cáo kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba tính đến thời điểm hiện tại.

Hội đồng cũng đề nghị Công ty Nanogen và nhóm nghiên cứu tiếp tục triển khai bảo đảm chất lượng, tiến độ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng Nanocovax theo đề cương đã được phê duyệt, để hoàn tất nghiên cứu vào tháng 3/2022. Được biết, dựa trên kế hoạch và năng lực hiện tại, dự kiến đến cuối năm 2021, Nanogen sẽ sản xuất được 50 - 100 triệu và có thể lên đến 120 triệu liều vaccine Nanocovax ưu tiên trong nước.

Với vaccine Covivac do Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC) nghiên cứu, phát triển, hiện đã hoàn thành đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một. Từ ngày 15 đến 20/9, thực hiện tiêm liều hai của giai đoạn hai. Dự kiến, tháng 12/2021, vaccine này sẽ triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba.

Đơn vị đang chuẩn bị xây dựng đề cương thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba, triển khai trên 4.000 đối tượng ở ba tỉnh Khánh Hòa, Bắc Ninh và Thái Bình. Trong đó, có nhóm đối chứng sử dụng một loại vaccine đã được cấp phép
TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC

Ngoài ra, còn các vaccine chuyển giao công nghệ hiện có là ARCT-154 của Công ty Acturus Mỹ và khâu đóng ống vaccine Sputnik V của Nga. Với ARCT-154, trong tháng 9/2021, nhóm nghiên cứu triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai trên 300 tình nguyện viên và gối đầu thực hiện giai đoạn 3a trên 600 tình nguyện viên để đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch.

Trong giai đoạn 3b, Học viện Quân y và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện tiêm trên 20.000 tình nguyện viên để đánh giá tính an toàn, hiệu quả bảo vệ của vaccine. Dự kiến, tháng 12/2021, nhóm nghiên cứu sẽ có kết quả đánh giá giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba để xin cấp phép khẩn cấp cho vaccine ARCT-154.

Trong khi đó, vaccine được gia công đóng ống tại Việt Nam là Sputnik V, do Công ty Vabiotech (Bộ Y tế) triển khai với năng lực ban đầu khoảng năm triệu liều/tháng.

Ngày 24/9 vừa qua, Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Bộ Y tế đã công bố lô vaccine Sputnik V gia công tại Vabiotech đã được Viện Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật Gamaleya, Liên bang Nga phân tích, thẩm định và đánh giá đáp ứng yêu cầu. Trước đó, ngày 26/8, lô vaccine Sputnik V mã số SV-030721M sản xuất tại Vabiotech đã được Viện Gamalaya phân tích, thẩm định và đánh giá đáp ứng yêu cầu của tài liệu quy chuẩn.

“Thành công này sẽ giúp Việt Nam sớm tiếp cận được nguồn vaccine chất lượng cao, góp phần đẩy lùi dịch Covid-19. Công ty đang làm thủ tục nhập bán thành phẩm vaccine Sputnik V về Việt Nam để nhanh chóng đóng ống, đóng gói vaccine này tại Việt Nam, nhằm chủ động nguồn cung vaccine Sputnik V tại Việt Nam”, ông Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Vabiotech chia sẻ.

Lô vaccine Sputnik V đầu tiên được tiếp nhận - một trong những dấu mốc về khả năng chủ động nguồn cung vaccine của Việt Nam.

Lô vaccine Sputnik V đầu tiên được tiếp nhận - một trong những dấu mốc về khả năng chủ động nguồn cung vaccine của Việt Nam.

Mặc dù vậy, bên cạnh mục tiêu có vaccine trong nước nhanh nhất, sớm nhất, vẫn cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát theo quy định, cương quyết chống tiêu cực trong việc nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vaccine.


Tổ chức sản xuất: VŨ MAI HOÀNG
Nội dung:
NGÔ PHƯƠNG THẢO, LƯU HƯƠNG GIANG, VÕ HOÀNG
Trình bày: PHAN ANH, DUY LONG
Ảnh: ĐĂNG KHOA, TRẦN HẢI, DUY LINH, TTXVN,VTV, UNICEF, GAVI, CTV