Hỗ trợ thị trường lao động phục hồi sau đại dịch:

Kinh nghiệm từ các quốc gia

Người lao động làm việc tại nhà máy của Công ty Hanmi Pharm ở Pyeongtaek, Hàn Quốc (Ảnh: REUTERS/Heo Ran)

Người lao động làm việc tại nhà máy của Công ty Hanmi Pharm ở Pyeongtaek, Hàn Quốc (Ảnh: REUTERS/Heo Ran)

Trong hơn một năm qua, mỗi giai đoạn bùng phát của dịch bệnh Covid-19 đều làm bộc lộ ngày một sâu sắc những vấn đề của thị trường lao động các quốc gia. Chính phủ các nước đã và đang nỗ lực thực hiện đa dạng chính sách hỗ trợ người lao động cũng như bảo vệ việc làm nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho phục hồi kinh tế sau khi các lệnh giãn cách được dỡ bỏ. Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng, nhiều biện pháp hỗ trợ thị trường lao động sẵn sàng khi “mở cửa” cần được thực hiện ngay từ bây giờ.

Ảnh: Đăng Khoa.

Ảnh: Đăng Khoa.

Ảnh: Đăng Khoa.

Ảnh: Đăng Khoa.

Ảnh: Trần Hải.

Ảnh: Trần Hải.

Tác động của Covid-19 lên thị trường lao động - những vấn đề hiện hữu

Theo Báo cáo triển vọng việc làm và xã hội thế giới của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), số lượng người thất nghiệp dự báo sẽ ở mức 220 triệu năm 2021 và 205 triệu năm 2022; tương ứng tỷ lệ thất nghiệp 6,3% năm 2021 và 5,7% năm 2022 [1]. Tình trạng thiếu việc làm toàn cầu do khủng hoảng gây ra vẫn sẽ ở mức cao, ước tính khoảng 75 triệu năm 2021 và 23 triệu năm 2022. Thời giờ làm việc thiếu hụt tương ứng năm 2021 là 3,5%, tương đương với 100 triệu việc làm toàn thời gian.

Số lượng người thất nghiệp dự báo trên thế giới sẽ ở mức 220 triệu năm 2021 (Nguồn: ILO).

Số lượng người thất nghiệp dự báo trên thế giới sẽ ở mức 220 triệu năm 2021 (Nguồn: ILO).

Ở góc nhìn không mấy lạc quan, chất lượng việc làm mới được dự báo sẽ có năng suất thấp và chất lượng kém. Đặc biệt, các nước có thu nhập thấp sẽ phải đối diện với tình trạng thiếu cơ hội việc làm hiệu quả, tăng trưởng năng suất lao động trung bình dự báo sẽ giảm từ mức vốn đã thấp 0,9% giai đoạn 2016-2019 xuống mức âm -1,1% trong giai đoạn 2019-2022. Sự chuyển dịch sang hình thức lao động tự làm, với đặc trưng là công việc năng suất thấp và phi chính thức, là một dấu hiệu khác về chất lượng việc làm giảm sút.

Tỷ lệ lao động có việc làm ước tính trong năm 2021 (Nguồn: ILO).

Tỷ lệ lao động có việc làm ước tính trong năm 2021 (Nguồn: ILO).

Bên cạnh đó, ảnh hưởng tới các nhóm lao động cụ thể dễ bị tổn thương cũng là vấn đề đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng lực lượng lao động các quốc gia.

Lao động phi chính thức có nguy cơ mất việc do khủng hoảng cao hơn gấp ba lần so với lao động chính thức và cao hơn 1,6 lần so với lao động tự làm, và sẽ ít có khả năng được hưởng các chế độ an sinh xã hội.

Lao động có trình độ kỹ năng thấp chủ yếu làm việc trong các ngành nghề bị tác động mạnh dẫn đến mất việc làm và/hoặc khó khăn trong lựa chọn làm việc từ xa.

Phụ nữ là đối tượng bị mất việc làm nhiều hơn trong khi thời gian làm công việc không được trả lương của họ tăng lên.

Tỷ lệ thanh niên không có việc làm mà cũng không tham gia học tập hay đào tạo đã tăng trong giai đoạn từ năm 2019-2020 tại 24 trên tổng 33 quốc gia ILO có số liệu. Và cuối cùng là lao động di cư bị chấm dứt công việc đột ngột mà không được trả lương/chậm trả lương. Đồng thời, họ cũng gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận với các chế độ an sinh xã hội để bù đắp thu nhập bị mất.

Tất cả những vấn đề nảy sinh trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự gián đoạn trong thị trường lao động, khi các quốc gia buộc phải dỡ bỏ các biện pháp đóng cửa nơi làm việc do thâm hụt ngân sách và gia tăng nợ công, nền kinh tế không thể chống chịu thêm được nữa.

Các nước đã chuẩn bị gì cho trạng thái “bình thường mới”?

Tiêm vaccine phòng Covid-19 của Pfizer-BioNTech tại một trung tâm tiêm chủng ở Seoul, Hàn Quốc vào tháng Ba năm 2021 (REUTERS/Kim Hong-Ji).

Tiêm vaccine phòng Covid-19 của Pfizer-BioNTech tại một trung tâm tiêm chủng ở Seoul, Hàn Quốc vào tháng Ba năm 2021 (REUTERS/Kim Hong-Ji).

Đứng trước tác động tiêu cực của dịch bệnh tới thị trường lao động, song song với các biện pháp y tế, hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp theo nhiều hình thức đa dạng và quy mô khác nhau.

Có thể phân ra thành 3 nhóm chính sách chính: (1) nhóm chính sách hỗ trợ xã hội; (2) nhóm chính sách bảo hiểm xã hội và (3) nhóm chính sách thị trường lao động tích cực.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), từ ngày 20/3/2020 đến 14/5/2021, có tổng số 3.333 biện pháp bảo trợ cho người lao động được hoạch định hoặc thực hiện ở 222 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 148% kể từ tháng 12/2020 [2]. Đặc biệt, các hoạt động hỗ trợ thị trường lao động tích cực tăng gần 330%.

Từ ngày 20/3/2020 đến 14/5/2021: Có tổng số 3.333 biện pháp bảo trợ cho người lao động được hoạch định hoặc thực hiện ở 222 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 148% kể từ tháng 12/2020 [2]. Đặc biệt, các hoạt động hỗ trợ thị trường lao động tích cực tăng gần 330%. "

(Nguồn: WB)

Trong nhóm các biện pháp hỗ trợ xã hội, biện pháp hỗ trợ bằng tiền mặt được các quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng tương đối rộng rãi, tương đương khoảng 31% GDP bình quân đầu người hằng tháng với quy mô tăng trưởng trợ cấp trung bình đạt 92% trong đại dịch. Có tổng số 734 biện pháp hỗ trợ tiền mặt đã được lên kế hoạch hoặc triển khai tại 186 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó gần 69% là các chương trình trợ cấp mới.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ khác như phiếu giảm giá hiện vật/tiền ăn, miễn/hoãn thanh toán tiện ích và các nghĩa vụ tài chính… cũng được sử dụng. Đây được xem là nhóm các biện pháp hữu ích nhằm hỗ trợ thu nhập bị giảm sút của người lao động bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tiếp đó, nhóm chính sách bảo hiểm xã hội, bao gồm miễn/hỗ trợ đóng góp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp, nghỉ ốm được hưởng lương, các biện pháp liên quan tới lương hưu và hỗ trợ bảo hiểm y tế, cũng được các quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng mạnh mẽ, tạo lưới an sinh an toàn cho người lao động bị mất việc, nghỉ giãn việc, dừng việc.

Đáng nói nhất là nhóm chính sách thị trường lao động tích cực bao gồm: (1) trợ cấp tiền lương; (2) điều chỉnh quy định lao động; (3) giảm thời gian làm việc; và (4) đào tạo kỹ năng cho người lao động, giới thiệu việc làm.

Có tất cả 806 biện pháp thuộc nhóm này và có 80% các quốc gia và vùng lãnh thổ thực hiện ít nhất 1 trong các biện pháp đưa ra. Trợ cấp tiền lương và điều chỉnh các quy định lao động là 2 biện pháp được sử dụng rộng rãi và tương đối sớm. Việc sử dụng chúng phụ thuộc vào mức thu nhập của mỗi quốc gia.

Trên thực tế, trong khi các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình thấp tập trung nỗ lực vào việc sửa đổi các quy định lao động, thì các quốc gia và vùng lãnh thổ có thu nhập trung bình cao và thu nhập cao lại ưa chuộng việc đưa ra các khoản trợ cấp tiền lương để giúp người sử dụng lao động giữ chân công nhân hoặc thuê mới người lao động, đặc biệt quan tâm tới các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

Thí dụ, Romania hỗ trợ các công ty ký hợp đồng không xác định thời hạn với những lao động trên 50 tuổi [3]. Hoặc như Pháp với khoản thưởng 4.000 EUR/năm cho doanh nghiệp với mỗi lao động dưới 26 tuổi [4].

Chính phủ Hàn Quốc đã thiết lập “Lĩnh vực hỗ trợ việc làm đặc biệt” để có những hỗ trợ đặc biệt cho người lao động cũng như người sử dụng lao động ở các ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh [4]. "

Bên cạnh đó, các điều chỉnh trong quy định lao động và giảm thời gian làm việc được 63% các nước thu nhập trung bình thấp và 82% các nước nước thu nhập thấp áp dụng để ứng phó với khủng hoảng. Điều này được hiểu là sự cam kết của chính phủ các nước này trong bảo vệ người lao động (chính thức) khi mà nguồn ngân sách quốc gia cho các chính sách trợ cấp tài chính không dồi dào.

Một quán rượu với tấm biển “Chỉ dành cho khách đã được tiêm chủng” tại khu Chinatown ở Singapore vào tháng Tám năm 2021 (Ảnh: REUTERS/Edgar Su).

Cuối cùng, các chính phủ cũng triển khai nhóm các chính sách hỗ trợ đào tạo người lao động, định hướng người lao động vào các ngành nghề có nguy cơ thiếu hụt khi nền kinh tế mở cửa trở lại, góp phần ngăn chặn tình trạng thất nghiệp quá mức có thể cản trở sự phục hồi của thị trường và tạo điều kiện thuận lợi cho phân bổ lại lao động, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Song song với với các chính sách phía cung lao động, 87% các quốc gia và vùng lãnh thổ cũng triển khai đồng thời các chính sách về phía cầu như miễn, giảm thuế và các khoản tín dụng, hỗ trợ chi phí, cung cấp thanh khoản cho doanh nghiệp nhằm trang trải chi phí cho các doanh nghiệp và ngăn chặn phá sản, khuyến khích khởi nghiệp, gián tiếp bảo vệ việc làm cho người lao động.

Một số quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa ra các chính sách thị trường lao động quan trọng mang tính trung và dài hạn để giải quyết các tác động kinh tế của đại dịch Covid-19.

Thí dụ như ở Singapore, Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ SGUnited Jobs & Skills nhằm hỗ trợ chuyển đổi, nâng cao kỹ năng và dịch vụ kết nối việc làm thúc đẩy tái phân bổ người lao động sang những lĩnh vực ít bị ảnh hưởng hơn đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trả lương thuê mới lao động, đặc biệt là trong các lĩnh vực hấp dẫn có triển vọng dài hạn, tạo việc làm mới hiệu quả.

Việt Nam: Ứng phó và định hướng sắp tới

Tại Việt Nam, đại dịch chạm tới thị trường lao động và nguy cơ xáo trộn cơ cấu lao động rất rõ rệt. Đảng và Nhà nước ta cũng đã kịp thời chỉ đạo và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp ở quy mô và mức độ nhất định phù hợp với dư địa tài khóa cũng như đặc điểm, điều kiện của từng ngành nghề, khu vực bị ảnh hưởng.

Về phía người lao động, các chính sách hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng được ban hành rất sớm ngay trong làn sóng bùng phát dịch đầu tiên và đã có những điều chỉnh kịp thời mở rộng đối tượng thụ hưởng tới lao động tự do, F0, F1, cũng như các đối tượng thuộc một số ngành nghề đặc thù; người thực hiện “3 tại chỗ”; lực lượng y tế chống dịch. Đặc biệt, cũng đã có biện pháp hỗ trợ cho các đối tượng bổ sung như lao động đang mang thai, đang nuôi con nhỏ và trẻ em ảnh hưởng bởi đại dịch.

Nhóm chính sách miễn/giảm các khoản đóng góp như miễn đóng đoàn phí công đoàn; tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ từ khoản giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của doanh nghiệp... cũng góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và người lao động bị sụt giảm thu nhập.

Ngoài ra, nhóm chính sách giảm chi phí sinh hoạt cho dân cư các vùng áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg như giảm giá điện; hỗ trợ dịch vụ viễn thông, giảm giá nước sạch; hỗ trợ chi phí cách ly, xét nghiệm Covid-19; giảm phí, lệ phí một số dịch vụ công… đã góp phần không nhỏ bảo đảm cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn yên tâm phòng chống dịch.

Về phía doanh nghiệp, người sử dụng lao động cũng sẽ được giảm các khoản đóng góp như bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu  trí và tử tuất.

Cụ thể, sau hơn 2 tháng ban hành chính sách, đến ngày 23/9, hơn 1.300 lao động ở 17 đơn vị được hưởng chính sách đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm trong gói hỗ trợ của Nghị quyết số 68.

Đặc biệt, vào tháng 7 năm 2021, Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được ban hành đã tạo cơ chế hỗ trợ đơn vị sử dụng lao động kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp; có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để vừa duy trì việc làm vừa nâng cao trình độ người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trong thời gian tới. Nguồn kinh phí được lấy từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, với số tiền ước tính khoảng 4.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, những chính sách liên quan tới nghĩa vụ thuế và hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc, vay trả lương phục hồi sản xuất cũng đã được triển khai và phần nào giúp đỡ các doanh nghiệp được tháo gỡ những khó khăn về áp lực tài chính để duy trì bộ máy sản xuất - kinh doanh.

Trong bối cảnh thị trường lao động Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, mất cân bằng cung cầu lao động cả về cơ cấu ngành nghề, địa lý cũng như tuổi tác dẫn đến sự gián đoạn trong thị trường lao động trong trạng thái “bình thường mới”, Chính phủ sẽ cần ban hành tiếp các chính sách hỗ trợ thị trường phục hồi mà các kinh nghiệm quốc tế có thể được tham khảo, tận dụng.

Trong thời gian tới, các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp cần đi sâu hơn vào cơ chế chuẩn bị sẵn sàng cung - cầu lao động cho phục hồi kinh tế, nâng cao chất lượng lao động và chuyển dịch cơ cấu việc làm theo hướng bền vững hơn.

Tài liệu tham khảo
[1] ILO (2021), World Employment and Social Outlook: Trends 2021. https://www.ilo.org/wesodata/
[2] Worldbank (2021), Social Protection and Jobs Responses to COVID-19: A Real-Time Review of Country Measures
[3] Romanian Government introduces new measures to support business, https://www.cms-lawnow.com/ealerts/2020/06/romanian-government-introduces-new-measures-to-support-business?cc_lang=en
[4] Mise en place de l’aide à l’embauche de 4 000 euros PLAN « 1 JEUNE, 1 SOLUTION », https://travail-emploi.gouv.fr/actualites/presse/communiques-de-presse/article/mise-en-place-de-l-aide-a-l-embauche-de-4-000-euros
[5] Ministry of Employment and Labor Republic of Korea, Responding to COVID-19 - Emergency Employment Measures, https://www.moel.go.kr
[6] Monetary Authority of Singapore (2021), Macroeconomic Review Volume XX Issue 1, https://www.mas.gov.sg/publications/macroeconomic-review/2021/volume-xx-issue-1-apr-2021

Ngày xuất bản: 24/9/2021
Theo Hợp đồng tuyên truyền số 19/HĐTT-CVL

Item 1 of 3