
- Mục tiêu: Chia cắt 2 lực lượng địch ở Sài Gòn và miền Đông với lực lượng địch ở đồng bằng sông Cửu Long; Tiến công biệt khu Thủ đô; Tổng Nha cảnh sát, sau đó hợp điểm tại Dinh Độc Lập, 1 bộ phận tiến công vào căn cứ Tư lệnh Hải quân Sài Gòn (Ba Son và Bạch Đằng).
Đoàn 232 thành lập đầu tháng 2 năm 1975, biên chế ban đầu của Đoàn gồm Sư đoàn 5, Sư đoàn 3, Trung đoàn 16, các đơn vị pháo binh, xe tăng, thông tin, công binh. Đến đầu tháng 4-1975, trên cơ sở ý kiến đề xuất của Bộ Tư lệnh Miền, Bộ Chính trị hoàn chỉnh kế hoạch đánh chiếm Sài Gòn, và ngày 8-4-1975, công bố quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định (từ ngày 14-4-1975 mang tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh). Thực hiện kế hoạch trên giao, Đoàn 232 đổi tên thành Binh đoàn cánh Tây Nam. Bộ Tư lệnh Binh đoàn gồm: Trung tướng Lê Đức Anh (Sáu Nam) làm Tư lệnh, Thiếu tướng Lê Văn Tưởng (Hai Chân) làm Chính ủy, Đại tá Lê Quốc Sản (Tám Phương) làm Phó Tư lệnh), Đại tá Trần Văn Nghiêm làm Tham mưu trưởng. Đồng thời, Binh đoàn được bổ sung thêm Sư đoàn 9, Trung đoàn 271B, 2 trung đoàn chủ lực Quân khu 8 (24, 88), 1 tiểu đoàn xe tăng T54, 1 tiểu đoàn pháo 130 mm, 6 khẩu pháo cao xạ và một số đơn vị binh chủng kỹ thuật khác.
Nhiệm vụ của Binh đoàn là sử dụng lực lượng Sư đoàn 5, tăng cường binh khí kỹ thuật thực hiện tiến công chia cắt, chặn đứng giao thông trên Quốc lộ 4, cô lập Sài Gòn trước hai ngày toàn chiến dịch đồng loạt tiến công địch. Tập trung lực lượng Sư đoàn 9, Sư đoàn 3, các trung đoàn độc lập và lực lượng vũ trang Quân khu 7, Quân khu 8 thực hiện đột kích thọc sâu từ hướng tây, hướng nam vào nội ô Sài Gòn, đánh chiếm làm chủ các mục tiêu Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát, Tổng kho xăng dầu Nhà Bè, Trung tâm rađa Phú Lâm. Kết hợp với lực lượng vũ trang địa phương, quần chúng nổi dậy tiến công giải phóng địa bàn các quận 10, 11, 6, 4, Tân Bình, Bình Chánh và các huyện, thị xã Tân An của tỉnh Long An.
Để chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, ngay từ ngày 9-4-1975, các đơn vị của Binh đoàn nổ súng tiến công chi khu Mộc Hóa, áp sát Thủ Thừa và Tân An. Sư đoàn 5 tiến công hệ thống đồn bốt địch ở phía bắc Quốc lộ 4, giải phóng một vùng rộng lớn dọc bờ sông Vàm Cỏ Tây và kênh Bo Bo. Sư đoàn 9 và Trung đoàn 16 đưa toàn bộ binh khí kỹ thuật đến đầu cầu phía tây sông Vàm Cỏ Đông. Sư đoàn 3 áp sát Đức Hòa - Hậu Nghĩa… hoàn thành nhiệm vụ chia cắt chiến lược, mở bàn đạp sẵn sàng đánh chiếm các mục tiêu được phân công.
Ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Binh đoàn cánh Tây Nam đồng loạt tiến công đánh chiếm các mục tiêu được phân công. Sư đoàn 5 đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 22 quân đội Sài Gòn. 3 giờ sáng ngày 27 tháng 4, ta làm chủ Quốc lộ 4 đoạn từ Bến Lức tới Tân An. Sư đoàn 8 cùng quân và dân tỉnh Tiền Giang thực hiện đánh cắt Quốc lộ 4 đoạn từ Trung Lương - Tân Hiệp - Long Định, từ Mỹ Tho đến bờ sông Tiền. Tiểu đoàn đặc công 263, Tiểu đoàn công binh 314 của Quân khu 8 cùng bộ đội địa phương chiếm đoạn từ Cai Lậy đến An Hữu, lập các chướng ngại vật để ngăn chặn không cho xe của địch từ miền Tây chi viện cho Sài Gòn. Đường 4 hoàn toàn bị cắt đứt, Đoàn 232 đã hoàn thành nhiệm vụ cô lập Sài Gòn với miền Tây Nam Bộ, làm phá sản âm mưu, kế hoạch của địch sử dụng lực lượng Quân đoàn 4 tiếp viện cho Sài Gòn cũng như rút toàn bộ lực lượng còn lại xuống “tử thủ” ở miền Tây trong trường hợp Sài Gòn thất thủ.
Cùng thời gian, Sư đoàn 3 tiến công đánh chiếm đầu cầu khu vực An Ninh - Lộc Giang, sau đó vượt sông Vàm Cỏ Đông áp sát địch để bảo đảm cho lực lượng đột kích – chủ yếu là Sư đoàn 9 cùng binh khí kỹ thuật vượt sông vào vị trí tập kết tại cầu Bông, Mỹ Hạnh, Đức Hòa. Khi xe tăng, thiết giáp của ta vượt qua sông Vàm Cỏ Đông thì trời đổ mưa, đoạn thuộc huyện Đức Huệ (Long An) sình lầy, xe không thể cơ động đã được nhân dân ủng hộ, giúp đỡ bằng cách vác cây và dỡ nhà mình ra lót đường cho xe tăng và pháo ta vượt qua. Các trung đoàn 24 và 88 mở rộng vị trí đứng chân ở phía Bắc Cần Giuộc, áp sát vào nội đô phía Nam Sài Gòn.
Ngày 29 tháng 4, cánh quân Tây Nam đồng loạt tiến công chặn và tiêu diệt các lực lượng chủ yếu của địch ở vòng ngoài. Sư đoàn 3 đánh chiếm thị xã Hậu Nghĩa, các chi khu Đức Hòa, Đức Huệ và căn cứ Trà Cú, tạo điều kiện cho Sư đoàn 9 vượt qua Mỹ Hạnh, Vĩnh Lộc, tiến vào hướng Bà Quẹo, Bà Hom. Phía bên trong, lực lượng vùng ven cũng tăng cường hoạt động: Trung đoàn đặc công 429 tiến công Tiểu đoàn 8 biệt động địch tại Tân Tạo, Bà Hom, ra chi khu Phú Lâm; đánh chiếm ấp 2 (Bình Trị Đông), ấp Bình Hưng, Ký Thúc On và cầu Nhị Thiên Đường. Trung đoàn đặc công 117 bắn 200 viên ĐKB vào sân bay Tân Sơn Nhất. Bộ đội địa phương Bình Chánh đánh chiếm các phân chi khu Tân Túc, Tân Tạo (quận Tân Bình). Sư đoàn 5 tiếp tục giữ vững Đường 4, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch.
Sáng ngày 30 tháng 4, các đơn vị đồng loạt tổng công kích vào nội thành. Sư đoàn 3 hoàn thành đánh chiếm khu vực Hậu Nghĩa, hai bên sông Vàm Cỏ Đông. Sư đoàn 9 tiến thẳng vào nội đô, chia thành 2 mũi: Mũi thứ nhất, Trung đoàn 1 sau khi đánh tan một tiểu đoàn dù địch ở ngã ba Bà Quẹo, đánh chiếm phân chi khu Vĩnh Lộc, tiến vào ngã tư Bảy Hiền đập tan sự kháng cự của địch ở đây và phát triển theo đường Lê Văn Duyệt, đánh chiếm Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, bắt tướng Lâm Quang Phát. Mũi thứ hai, Trung đoàn 3 tiến công tiêu diệt Sở Chỉ huy Liên đoàn 8 và Tiểu đoàn Biệt động quân 88 của địch trên tuyến vành đai Đại Hàn; tiếp đó, đánh tan Tiểu đoàn Bảo an 327 ở nam Vĩnh Lộc, tiến công chốt của Tiểu đoàn bảo an 317, diệt chi khu Bà Hom, đánh chiếm trường đua Phú Thọ và phái một bộ phận sang hợp điểm với các lực lượng của ta ở dinh Độc Lập.
Trên hướng Sư đoàn 5, từ 5 giờ đến 12 giờ, ta tiến công và bức hàng toàn bộ Sư đoàn 22 ngụy và các liên đoàn biệt động quân, cùng lực lượng tại chỗ, đánh chiếm thị xã Tân An, chi khu Thủ Thừa. Các đơn vị đặc công nhanh chóng tổ chức lực lượng tiến công, 8 giờ chiếm quận Tân Bình; 10 giờ chiếm quận Bình Chánh; 12 giờ chiếm Đặc khu Rừng Sác.
Trung đoàn 16 đánh chiếm khu Xa cảng miền Tây, An Lạc, Bình Điền. Trên hướng tiến công của Trung đoàn 24, Trung đoàn nhanh chóng chiếm bốt cảnh sát Quận 8, cầu Nhị Thiên Đường, cầu Chữ Y, Tổng nha Cảnh sát, sau khi hoàn thành nhiệm vụ thì tiếp tục chia thành 2 mũi: Một mũi tiến vào hợp điểm tại dinh Độc Lập, một mũi phát triển đánh chiếm căn cứ hải quân địch. Trung đoàn 88 tiến công diệt đồn chi khu Bà Thước, sau đó phát triển tiến công và làm chủ đồn Ông Thìn, ngã ba An Phú, khu Nhà Bè.
Đến 11 giờ ngày 30 tháng 4, các đơn vị của Binh đoàn đã tiến công loại bỏ hoàn toàn Sư đoàn 22, các liên đoàn biệt động quân cùng các lực lượng địa phương quân, chính quyền Sài Gòn, cắm cờ Giải phóng trên nóc nhà Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát, dinh Tỉnh trưởng Long An và các căn cứ khác. Hai mũi thọc sâu của Binh đoàn cánh Tây Nam đã phát triển hợp điểm với các cánh quân khác tại dinh Độc Lập đúng theo kế hoạch.
Như vậy, Binh đoàn cánh Tây Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, không chỉ thực hiện thành công nhiệm vụ chia cắt chiến lược Sài Gòn với miền Tây Nam Bộ mà còn thực hiện một đòn tiến công hiểm, đánh từ phía sau vào hệ thống phòng thủ của quân đội Sài Gòn, là nút thắt cuối làm thất bại ý đồ “tử thủ” của chính quyền Sài Gòn.
Kết quả hoạt động của Đoàn 232 – Binh đoàn cánh quân Tây Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện ý chí khắc phục khó khăn, sự mưu trí và tinh thần chiến đấu dũng cảm của toàn thể cán bộ, chiến sĩ mà còn chứng tỏ khả năng của các cấp ủy đảng, các cấp chỉ huy của cánh quân hướng Tây Nam trong việc vận dụng đúng đắn và sáng tạo đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng về xây dựng lực lượng vũ trang, về nghệ thuật tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng giữa các đơn vị chủ lực với hoạt động tác chiến phối hợp tạo thế của lực lượng vũ trang địa phương, sự nổi dậy giải phóng quê hương của quần chúng trong thế trận chiến tranh nhân dân ở địa bàn đặc thù sông nước Nam Bộ.
“Nếu nói tới Chiến thắng 30-4 mà chỉ nói nhiều đến đơn vị xe tăng của Quân đoàn 2 tiến vào Dinh Độc Lập thôi thì không đủ. Mà phải thấy rõ cả 5 cánh quân từ 5 hướng, lực lượng vũ trang và lực lượng quần chúng tại chỗ trong nội đô cùng nổi dậy và tiến công đồng loạt vào sào huyệt cuối cùng của quân địch với một quyết tâm và nỗ lực rất cao, trong đó kết quả tác chiến của đơn vị này đã mở ra điều kiện thuận lợi, thậm chí rất thuận lợi cho đơn vị kia”.
Ngày xuất bản: 17/4/2025
Tổ chức sản xuất: Bùi Nam Đông
Nội dung: Nguyễn Ngọc Toán
Trình bày: Thùy Lâm