
Mục tiêu: Thực hiện bao vây tiêu diệt quân ngụy ở căn cứ Phú Lợi, Bình Dương, Lai Khê, Bến Cát, Tân Uyên, ngăn chặn và tiêu diệt Sư đoàn 5 ngụy, không cho địch co cụm về Sài Gòn. Tổ chức một lực lượng binh chủng hợp thành (cỡ sư đoàn tăng cường) thọc sâu vào nội đô đánh chiếm mục tiêu chủ yếu là Bộ Tổng Tham mưu ngụy, các bộ tư lệnh binh chủng ngụy ở Gò Vấp; tổ chức một bộ phận hợp điểm ở Dinh Độc Lập, chiếm các quận Gò Vấp, Bình Thạnh.
Địa bàn/địa điểm: Sài Gòn - Gia Định
Tướng chỉ huy: Thiếu tướng Nguyễn Hòa - Tư lệnh; Thiếu tướng Hoàng Minh Thi - Chính ủy.
Tương quan lực lượng:
- Lực lượng ta: Sử dụng đội hình của Quân đoàn 1, gồm Sư đoàn 312 và 320B, được tăng cường Trung đoàn bộ binh 95B, 1 tiểu đoàn đặc công, 1 tiểu đoàn xe tăng, 1 trung đoàn phòng không tự hành (khoảng 31.000 quân) phối hợp với lực lượng vũ trang Bình Phước, Bình Dương và một trung đoàn đặc công vùng ven.
- Lực lượng quân ngụy Sài Gòn: gồm Sư đoàn đoàn 5 ngụy có trên 8.000 quân, 4 tiểu đoàn pháo binh, gần 200 xe tăng, xe thiết giáp.
Kết quả chiến dịch: Quân đoàn đã tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn Sư đoàn bộ binh 5 ngụy; các thiết đoàn 1, 18, 22 và một bộ phận thiết đoàn 25; 2 tiểu đoàn bảo an 306 và 316; tiêu diệt 795 tên địch (trong đó có Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ - Tư lệnh Sư đoàn 5 ngụy buộc phải tự sát); bắt làm tù binh 13.580 tên (trong đó có 3 đại tá, 26 trung tá; 114 thiếu tá, 927 sĩ quan cấp úy). Bắn cháy và phá hủy 60 xe tăng địch, 3 khẩu pháo 105mm, 2 cối 81mm, bắn rơi 1 máy bay trực thăng, thu 113 xe tăng thiết giáp, 583 quân sự, 105 khẩu pháo cối các loại, 22 tàu, xuồng chiến đấu, 12 bộ siêu tần số, 100 máy vô tuyến điện các loại và toàn bộ trang bị kỹ thuật, phương tiện chiến tranh trong khu vực Bộ Tổng Tham mưu ngụy, khu binh chủng và lục quân công xưởng ngụy Sài Gòn[1].
Ý nghĩa: Với thắng lợi giành được trên hướng bắc Sài Gòn, đã làm tan rã hoàn toàn Sư đoàn bộ binh 5 ngụy, thọc sâu đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu và khu vực bộ tư lệnh các binh chủng, góp phần phối hợp, tạo điều kiện để các cánh quân khác đánh chiếm các mục tiêu theo kế hoạch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, kết thúc thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Với lối đánh “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ chắc thắng”, Quân đoàn đã tiến công mãnh dũng, đánh chiếm các mục tiêu quan trọng như Bộ Tổng Tham mưu ngụy, giải phóng Tiểu khu Gia Định, quận lỵ Gò Vấp, tiểu khu Bình Dương và các chi khu Bến Cát, Châu Thành, Tân Uyên, Lái Thiêu, giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Dương, phần lớn tỉnh Gia Định và góp phần quan trọng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, xây đắp nên truyền thống vẻ vang của Quân đoàn 1: “Thần tốc - Quyết thắng.
"Với sức mạnh như vũ bão của tác chiến hiệp đồng binh chủng của Quân đoàn kết hợp với nổi dậy của quần chúng, quân ta đã đập tan tuyến phòng thủ cuối cùng của địch ở hướng bắc Sài Gòn. Quân đoàn đã cùng với các đơn vị bạn giải phóng hoàn toàn Sài Gòn - Gia Định”.
(Quân đoàn 1 - Báo Quân đội nhân dân, Kỷ yếu tọa đàm Binh đoàn quyết thắng 45 năm “Thần tốc quyết thắng”, tháng 10 năm 2018, tr. 23 và 88).
Trải qua hơn một tháng liên tục tổng tiến công và nổi dậy, với các thắng lợi liên tiếp đã giành được trong Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Trị Thiên Huế, Chiến dịch Đà Nẵng, đã mở ra cục diện mới; thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam đã xuất hiện. Trong các ngày 30 và 31 tháng 3 năm 1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương liên tiếp có những phiên họp, phân tích, đánh giá tình hình và quyết định những chủ trương quân sự quan trọng để chỉ đạo Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định.
Bộ Chính trị khẳng định: “Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất”[1].
Căn cứ vào quyết tâm chiến lược mới của Bộ Chính trị, theo đề nghị của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tham mưu lệnh cho Quân đoàn 1: “Để lại Sư đoàn 308 làm nhiệm vụ dự bị chiến lược và bảo vệ miền Bắc, khẩn trương cơ động toàn bộ lực lượng và binh khí kỹ thuật vào hướng bắc Sài Gòn”[2].
Ngày 31 tháng 3 năm 1975, tại Tổng hành dinh ở Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trực tiếp giao cho đồng chí Nguyễn Thế Bôn - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 1 gấp rút hành quân vào miền Đông Nam Bộ, hiệp đồng với các đơn vị bạn tham gia trận quyết chiến chiến lược giải phóng Sài Gòn - Gia Định.
Nhận được mệnh lệnh hành quân vào Nam chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn vô cùng phấn khởi, khẩn trương làm công tác chuẩn bị, sẵn sàng lên đường ra trận. Sau 12 ngày hành quân với tinh thần “thần tốc”, vượt qua bao khó khăn, gian khổ, hy sinh, ngày 14 tháng 4 năm 1975, Quân đoàn 1 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; toàn Quân đoàn đã hành quân trên chặng đường dài 1.700km vào đúng vị trí tập kết ở Đồng Xoài, vượt thời gian quy định của Bộ 1 ngày, sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu.
Cuộc hành quân “Thần tốc” của Quân đoàn 1 thực hiện nhiệm vụ trên hướng bắc Chiến dịch Hồ Chí Minh là một cuộc hành quân lịch sử, khẳng định bước trưởng thành vượt bậc của Quân đoàn trong thực hiện nhiệm vụ cơ động chiến đấu. Lần đầu tiên, quân đội ta đã tổ chức một cuộc hành quân “thần tốc” xuyên Đông Dương - cuộc hành quân trên chặng đường dài nhất, qua nhiều địa hình phức tạp nhất, được thực hiện trong thời gian ngắn nhất và vận chuyển lực lượng lớn nhất về người và vũ khí, trang bị vào tham gia chiến đấu trên một hướng quan trọng của chiến dịch; đồng thời, đã góp phần quan trọng chuyển yếu tố thời gian thành lực lượng, thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, sẵn sàng đập tan toàn bộ lực lượng và sức đề kháng cuối cùng của địch, giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Xe tăng của Quân đoàn 1 vượt sông, chuẩn bị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, ngày 2/4/1975. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)
Xe tăng của Quân đoàn 1 vượt sông, chuẩn bị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, ngày 2/4/1975. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)
Cuộc hành quân “Thần tốc” của Quân đoàn 1 thực hiện nhiệm vụ trên hướng bắc Chiến dịch Hồ Chí Minh là một cuộc hành quân lịch sử, khẳng định bước trưởng thành vượt bậc của Quân đoàn trong thực hiện nhiệm vụ cơ động chiến đấu. Lần đầu tiên, quân đội ta đã tổ chức một cuộc hành quân “thần tốc” xuyên Đông Dương - cuộc hành quân trên chặng đường dài nhất, qua nhiều địa hình phức tạp nhất, được thực hiện trong thời gian ngắn nhất và vận chuyển lực lượng lớn nhất về người và vũ khí, trang bị vào tham gia chiến đấu trên một hướng quan trọng của chiến dịch.
Ngày 14 tháng 4 năm 1975, giữa lúc quân và dân ta trên các hướng đang khẩn trương tạo thế, tạo lực cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, theo đề nghị của Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn, Bộ Chính trị gửi đến mặt trận bức điện đồng ý lấy tên Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch tiến công hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn có kết hợp với nổi dậy của quần chúng kết thúc chiến tranh. Đó là chiến dịch quyết chiến chiến lược lịch sử”[3].
Trên cơ sở chủ trương chiến lược của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Chiến dịch xác định quyết tâm và những nét lớn của kế hoạch chiến dịch nhằm: Đánh đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng, kết thúc cuộc chiến tranh, giành thắng lợi triệt để. Cụ thể là: Tập trung lực lượng và binh khí kỹ thuật, phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo thành các ưu thế áp đảo, nhanh chóng tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch thuộc Quân khu 3 và tàn quân còn lại, đập tan ngụy quyền từ trung ương đến cơ sở, giải phóng Sài Gòn - Gia Định, tạo điều kiện giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Quán triệt phương châm chỉ đạo tác chiến chiến dịch: “Chuẩn bị chu đáo, đánh chắc thắng; chú trọng những trận đánh quan trọng ở vòng ngoài, không cho địch co cụm về Sài Gòn, tạo và thúc đẩy nhanh sự tan rã lớn của chúng. Tổ chức các mũi thọc sâu có đầy đủ sức mạnh để đột kích thật nhanh đánh thẳng vào các mục tiêu chủ yếu để nhanh chóng đánh ngã địch... Phát huy sức mạnh tổng hợp, đột kích liên tục, dồn dập cho đến ngày toàn thắng...”[4].
Bộ Tư lệnh Chiến dịch xác định cách đánh: “Thực hiện chia cắt chiến lược, cắt đường bộ, đường không, khống chế sân bay, triệt để bao vây, cô lập Sài Gòn, bao vây, chặn và tiêu diệt chủ lực địch ở vòng ngoài, không cho chúng co cụm về Sài Gòn, đánh thắng những trận then chốt quan trọng. Tổ chức những binh đoàn, binh chủng hợp thành (cỡ sư đoàn tăng cường) từ nhiều hướng, nhiều mũi tiến công vào nội đô, kết hợp chặt chẽ với đặc công, biệt động, lực lượng địa phương ở bên trong, kết hợp với quần chúng nổi dậy, thực hiện trong ngoài cùng đánh, nhanh chóng táo bạo đánh chiếm các mục tiêu chiến lược, đập tan đầu não chỉ huy quân sự, đầu não ngụy quyền, tiêu diệt và làm tan rã, bắt toàn bộ quân địch đầu hàng; trong đó, lấy thọc sâu nhanh chóng đánh ngã quân địch bên trong là chính”[5]. Hướng tiến công chủ yếu của chiến dịch là hướng bắc và tây bắc; trong đó, hướng tây bắc là chủ yếu nhất. Hướng đông, đông nam và hướng tây nam là những hướng hiểm yếu và quan trọng.
Sau một thời gian làm công tác chuẩn bị, ngày 25 tháng 4 năm 1975, các lực lượng chiến dịch đã vào đến vị trí triển khai, sẵn sàng chờ lệnh nổ súng. Cùng ngày, tại Sở chỉ huy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 phổ biến quyết tâm chiến đấu của Quân đoàn, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị. Đến trước giờ nổ súng, Quân đoàn 1 đã triển khai xong đội hình xuống nam Sông Bé, sẵn sàng bước vào chiến đấu. Tuyến 1: Sư đoàn 320B và Sư đoàn 312 cùng binh chủng kỹ thuật triển khai sát mục tiêu 500m. Tuyến 2: đội dự bị và Sở Chỉ huy Quân đoàn.
Theo kế hoạch, 17 giờ ngày 26 tháng 4 năm 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Trên hướng bắc Sài Gòn, Quân đoàn 1 sử dụng Sư đoàn 320B cùng một số đơn vị đảm nhiệm tiến công, thọc sâu vào trung tâm Sài Gòn, chiếm Bộ Tổng tham mưu và chi khu Gia Định. Hướng thứ yếu, Sư đoàn 312 và một số đơn vị khác đảm nhiệm tiến công, chia cắt, ngăn chặn, bao vây cô lập tiến tới tiêu diệt sư đoàn 5 ngụy, không cho chúng co cụm hoặc rút chạy về Sài Gòn.
Thực hiện quyết tâm chiến đấu đã được cấp trên phê duyệt, 16 giờ 30 phút ngày 27 tháng 4, Thiếu tướng Nguyễn Hòa - Tư lệnh Quân đoàn 1 ra lệnh cho Sư đoàn 312 nổ súng tiến công cứ điểm Bình Cơ và Bình Mỹ (thuộc tỉnh Bình Dương). 18 giờ cùng ngày, quân ta đã tiêu diệt và làm tan rã quân địch ở 2 cứ điểm trên, mở thông đường 16, tạo điều kiện cho các đơn vị di chuyển nhanh từ Chánh Lưu tiến về Lái Thiêu triển khai lực lượng theo kế hoạch.
Sau hai ngày đêm hành quân vừa chiến đấu, vừa tiến công địch, các đơn vị luồn sâu của Sư đoàn 320B vào Lái Thiêu mới tiến được 30km. Nửa chặng đường còn lại phải tiến quân trong thời gian rất gấp, lại gần địch nên càng khó khăn nguy hiểm. Để nhanh chóng áp sát cơ quan đầu não của địch ở nội đô, Bộ Tư lệnh Quân đoàn lệnh cho Sư đoàn 320B bỏ qua các ô đề kháng của địch dọc đường để tiến quân nhanh vào mục tiêu với tinh thần quyết thắng. Đến ngày 28 tháng 4 năm 1975, Quân đoàn đã cơ bản đưa lực lượng, phương tiện và vũ khí trang bị vào chiếm lĩnh trận địa trên dải tiến công Bắc Sài Gòn. Như vậy, các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ mở cửa đánh chiếm một số căn cứ địch án ngữ đường 16 từ Bình Mỹ về bắc Tân Uyên, đưa lực lượng vào triển khai cài thế chiến dịch, tạo ra được thế trận tiến công linh hoạt.
Sáng 29 tháng 4, các cánh quân đồng loạt tiến công vào sào huyệt cuối cùng của của quân ngụy tại Sài Gòn. Trong khi Sư đoàn 312 tổ chức tiến công, bao vây, chia cắt, cô lập Sư đoàn 5 ngụy Sài Gòn, thì Sư đoàn 320B tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiến công vào trung tâm nội đô.
Sau một ngày chiến đấu, Trung đoàn 209 (Sư đoàn 312) đã cắt đứt hoàn toàn đường 13 và 14, không cho sư đoàn 5 của địch ứng cứu cho nhau. 4 giờ 15 phút ngày 30 tháng 4, Trung đoàn 27 (Sư đoàn 320B) nổ súng tiến công Lái Thiêu, sau 2 giờ chiến đấu, ta hoàn toàn làm chủ Lái Thiêu, mở toang cánh cửa phía bắc Sài Gòn.
Trận đánh quá bất ngờ, quân địch không kịp phản kích. Mờ sáng ngày 30 tháng 4, một đoàn xe của địch tiến vào Lái Thiêu vì không biết đã bị quân ta chiếm. Tiểu đoàn 5 của Trung đoàn 27 liền triển khai đội hình tiêu diệt tốp đi đầu khoảng 20 xe có xe tăng yểm trợ trên đường 13. Tốp sau hơn 10 xe liều chết vượt qua đường 13 về phía bắc Lái Thiêu để về Sài Gòn cũng bị quân ta nhanh chóng tiêu diệt.
Ngày 30 tháng 4, vào lúc 8 giờ 30 phút, một cánh quân của Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320B) đã vượt qua cầu Bình Triệu qua ngã tư Phú Nhuận, theo Đường Võ Tánh vào đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu quân ngụy Sài Gòn. Đến 9 giờ 30 phút, cả ba mũi tiến công của Quân đoàn 1 đã gặp nhau ở khu vực cột cờ trước sân trụ sở Bộ Tổng Tham mưu ngụy quyền Sài Gòn.
Trước sức tiến công áp đảo của ta, binh lính, sĩ quan quân đội Sài Gòn thuộc tiểu đoàn biệt kích dù, bảo vệ Tổng hành dinh và các đơn vị khác đã phải lột bỏ quân phục, vứt bỏ súng đạn chạy thoát thân. Đồng chí Đoàn Trưng - Trung đoàn trưởng và đồng chí Chính ủy Lê Xuân Yến - Trung đoàn 48 tiến vào phòng chỉ huy của tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Sài Gòn, thu nhiều hồ sơ, tài liệu. Khoảng 10 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, cờ giải phóng đã tung bay trên nóc trụ sở Bộ Tổng Tham mưu ngụy quyền Sài Gòn. Như vậy, với lối đánh “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, Quân đoàn 1 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, mở thông cánh cửa và tiêu diệt toàn bộ quân địch trên trên hướng bắc chiến dịch, góp phần cùng 4 cánh quân còn lại đập tan toàn bộ bộ máy ngụy quyền, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Xe tăng và bộ binh quân giải phóng chiếm phủ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, trưa 30/4/1975. (Ảnh: Mai Hưởng/TTXVN)
Xe tăng và bộ binh quân giải phóng chiếm phủ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, trưa 30/4/1975. (Ảnh: Mai Hưởng/TTXVN)
Xe tăng quân giải phóng chiếm phủ Tổng thống ngụy, trưa 30/4/1975. (Ảnh: Quang Thành/TTXVN)
Xe tăng quân giải phóng chiếm phủ Tổng thống ngụy, trưa 30/4/1975. (Ảnh: Quang Thành/TTXVN)
Nét đặc sắc nhất của Quân đoàn trong tác chiến đánh địch trên hướng bắc của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là đã vận dụng sáng tạo cách đánh địch trong hành tiến, tiến hành đồng thời đột phá với thọc sâu chiến dịch, kết hợp chặt chẽ giữa tác chiến của binh đoàn chủ lực với tác chiến của các lực lượng vũ trang địa phương, dựa vào nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương để khắc phục khó khăn ở chiến trường mới lạ; tiến công quy mô lớn quân địch trong căn cứ, sào huyệt của chúng. Trong quá trình chiến đấu, Quân đoàn đã vận dụng nhiều hình thức chiến thuật phù hợp, đạt hiệu suất chiến dịch, chiến đấu cao. Đồng thời, trong bất cứ trên hướng nào, trận đánh cụ thể nào, Quân đoàn cũng chiến đấu hiệp đồng binh chủng, phát huy sức mạng tổng hợp, kiên quyết tiến công tiêu diệt địch.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 36, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2004, tr. 95-96.
[2] Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân đoàn 1, Lịch sử Quân đoàn 1 (1973-2013), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2013, tr. 108
[3] Tổ chức sự lãnh đạo của Đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam, tập 2, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr. 431.
[4] Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân đoàn 1, Lịch sử Quân đoàn 1 (1973-2013), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2013, tr. 138.
[5] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975),Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr. 509.
Ngày xuất bản: 12/4/2025
Tổ chức sản xuất: Bùi Nam Đông
Nội dung: Trung tá, ThS Lê Văn Thành
Trình bày: Bảo Minh