![](./assets/itcJyayNiG/huy-dong-nhan-dan-2560x1440.jpg)
Theo quan điểm của các nhà quân sự phương Tây, trong chiến tranh bên nào có kinh tế mạnh hơn, lực lượng vật chất dồi dào hơn thì bên đó sẽ thắng. Chính từ cách nhìn như vậy nên khi quay lại xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp chủ quan cho rằng có thể nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Nhưng rồi sau hơn 7 năm tiến hành chiến tranh, thực tế diễn ra không giống như kỳ vọng, cuộc chiến tranh Đông Dương ngày càng trở thành một gánh nặng quá sức chịu đựng của nước Pháp.
Trong tình thế đó, Pháp đã dựa vào Mỹ, tìm kiếm viện trợ của Mỹ để duy trì, kéo dài chiến tranh. Tuy nhiên, viện trợ của Mỹ cũng chẳng thể nào thay đổi được kết quả cuối cùng của cuộc chiến, không những thế còn khiến cho nội bộ chính quyền Pháp ngày càng mâu thuẫn, xã hội càng mất ổn định, nước Pháp ngày càng bị lệ thuộc vào Mỹ.
Trái lại, đối với Việt Nam, sau những năm kháng chiến, kiến quốc, hậu phương ngày càng vững mạnh. Tuy chúng ta chưa có một cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, nhưng vẫn có đủ khả năng cung cấp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến lâu dài. Đây là cơ sở để chúng ta huy động nguồn lực trong dân bảo đảm cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Để tiến hành cuộc quyết chiến chiến lược đi tới kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, phải sử dụng một lực lượng quân sự đủ mạnh và lượng vật chất trang bị đủ bảo đảm cho lực lượng đó. Do vậy, cần huy động lực lượng nhân lực tham gia phục vụ chiến đấu và bảo đảm hậu cần cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
![](./assets/hKIEjQx7sF/anh-4-dsc_3069-1980x1320.jpg)
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và lời kêu gọi của Hồ Chí Minh: “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này ”, trên khắp từ vùng tự do Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4, vùng mới giải phóng Tây Bắc đến vùng du kích và căn cứ du kích ở đồng bằng Bắc Bộ đều dồn sức người, sức của cho trận quyết chiến chiến lược.
Các tầng lớp nhân dân tích cực đóng thuế nông nghiệp, bán thực phẩm, cho vay, ủng hộ để tiếp tế ra tiền tuyến. Khi ta chuyển sang phương châm "đánh chắc tiến chắc", theo tính toán, khối lượng vật chất phải bảo đảm cho tuyến chiến dịch lên đến 20.000 tấn, trong đó có 1.200 tấn đạn. 1.733 tấn xăng dầu, 14.500 tấn gạo, 268 tấn muối, 577 tấn thịt, 1.034 tấn thực phẩm, 177 tấn vật chất khác, gấp hàng chục lần so với dự kiến bảo đảm cho phương án đánh nhanh, thắng nhanh.
Trong cả chiến dịch ta đã huy động 261.451 dân công bằng 12 triệu ngày công (tuyến chiến dịch sử dụng 3 triệu ngày công) . Riêng ở tuyến chiến đấu lúc cao nhất có tới hơn 87.000 người gồm 53.830 quân và 33.300 dân công .
Để tăng cường quân số cho chiến dịch, chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 1954, Liên khu 4 đã bàn giao cho Bộ 14.550 tân binh, trong đó 3 tỉnh Thanh-Nghệ-Tĩnh đã động viên được 9.400 tân binh .
![](./assets/hxCgrTJvDO/bk.1477_resize-1417x1076.jpg)
Nhân dân các thị trấn ở Thanh Hóa tiễn đưa các đoàn dân công xe đạp thồ lên đường phục vụ tiền tuyến năm 1954. (Ảnh: TTXVN)
Nhân dân các thị trấn ở Thanh Hóa tiễn đưa các đoàn dân công xe đạp thồ lên đường phục vụ tiền tuyến năm 1954. (Ảnh: TTXVN)
Tỉnh Thanh Hóa trong đợt 1 chiến dịch đã huy động hơn 5.000 dân công cùng nhiều xe đạp thồ, thuyền nan, xe ngựa thực hiện vận chuyển hàng lên mặt trận. Sang đợt 2, tuy đang phải tập trung cho chống hạn nhưng tỉnh vẫn huy động được 3.000 dân công. Trong đợt 3 chiến dịch, Thanh Hóa huy động dân công, thanh niên xung phong đạt tới 120.000 người, 10.075 xe đạp thồ, hàng nghìn thuyền gỗ, thuyền nan, xe ngựa, hình thành một đội quân vận tải hết sức hùng hậu. Số lượng lương thực Thanh Hóa huy động cho mặt trận vượt 7.000 tấn so với chỉ tiêu trên giao.
Ở Nghệ An, ngay những ngày đầu năm mới Giáp Ngọ, hơn 32.000 dân công hỏa tuyến được tổ chức chu đáo đã có mặt đông đủ tại vị trí tập kết, trong đó có 2.000 dân công xe đạp thồ, thanh niên xung phong, thợ kỹ thuật cầu phà. Theo kế hoạch của Hội đồng cung cấp mặt trận Điện Biên Phủ, dân công Nghệ An có nhiệm vụ chuyển 5.000 tấn lương thực, thực phẩm từ Hoàng Mai (Nghệ An) đến Suối Rút (Hòa Bình).
Do thay đổi phương thức tác chiến chiến dịch, đoàn Nghệ An phải vượt qua Mộc Châu đưa hàng lên Sơn La, đường đi dài thêm 100km, phải qua nhiều vùng núi non hiểm trở và bom đạn của địch, nhưng tất cả đều hăng hái không quản ngại hy sinh, đói rét, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Đoàn dân công đã phải tìm ăn thêm khoai sắn, rau rừng để dành nhiều gạo đến tay bộ đội ở mặt trận . Số lượng lương thực, thực phẩm Nghệ An đã huy động cho chiến dịch là 4.630 tấn thóc; hơn 10.300 tấn ngô, đậu, lạc, vừng, rau quả các loại; 2.500 tấn thịt, cá khô cùng nhiều trâu bò, gà vịt.
![](./assets/TWSI52pNmY/dbp-web-02-4001x2251.jpg)
![](./assets/EgZdOpXuYy/dan-cong-hoa-tuyen-dung-xe-trau-van-chuyen-vu-khi-ra-mat-tran-anh-bao-tang-chien-thang-dien-bien-phu-605x407.png)
![](./assets/hUtuP1Cp67/cong-binh-dung-mang-vuot-song-nam-na-dua-hang-ve-dien-bien-phu.-750x497.jpg)
![](./assets/dqGHCTnQz2/binh-doan-xe-dap-tho-tre-n-du-o-ng-ra-chie-n-dich.-anh-ttxvn-1960x1469.jpg)
Tỉnh Hà Tĩnh tuy ở xa mặt trận, trong lúc đang được Trung ương giao nhiệm vụ chi viện cho mặt trận Trung Lào, Hạ Lào, nhưng vẫn huy động được 35.200 lượt dân công, 4.030 xe đạp thồ, 130 thuyền vận tải, đóng góp 1,5 triệu ngày công vận chuyển hàng nghìn tấn lương thực, hàng hóa quân sự đến điểm tập kết chiến dịch .
Trong toàn chiến dịch, quân và dân Liên khu 4 đã huy động hơn 10.000 tấn lương thực 2.147 tấn thực phẩm, 12.000 xe đạp thồ, 750 con trâu bò, gần 50 vạn lượt dân công, 16.602 dân công xe đạp thồ, trên 2.000 thuyền mảng. Tham gia vận chuyển phục vụ cho chiến dịch 30.339 tấn hàng trong đó có 16.829 tấn lương thực, thực phẩm, 12.436 tấn đạn dược, 1083 tấn xăng dầu .
Với vai trò hậu phương trực tiếp của mặt trận, Liên khu ủy Việt Bắc động viên quân và dân các địa phương ra sức bảo đảm giao thông, hoàn thành vượt mức mọi kế hoạch vận chuyển ra tiền tuyến. Với nỗ lực không ngừng, quân và dân Việt Bắc đã làm mới 1.600km đường, bắc 214 cầu với tổng chiều dài 2.482m huy động hơn 2.368.876 ngày công lao động.
Toàn Liên khu đã có 36.519 lượt người đi dân công hỏa tuyến. Trên các nẻo đường từ Việt Bắc lên Điện Biên các đoàn dân công ngày đêm gồng gánh, dắt ngựa thồ, đẩy xe đạp thồ ra mặt trận. Đội xe thồ Việt Bắc được trang bị hơn 6.000 xe đạp do đồng bào các dân tộc đã tự nguyện quyên góp tiền mua làm phương tiện chở hàng ra mặt trận. Nhân dân các dân tộc Việt Bắc đã huy động 4.680 tấn gạo, 454 tấn thịt, 113 tấn đậu, 800 tấn rau quả phục vụ cho chiến dịch. Nhân dân các địa phương thành lập các tổ bảo vệ thường xuyên bám đường, sửa chữa khắc phục cầu đường hư hỏng. Lực lượng bảo đảm vượt sông không quản ngại hy sinh, ngày đêm bám ngầm, bám bến bảo đảm đưa hàng ra mặt trận .
Cùng với hoạt động phối hợp tác chiến, nhân dân vùng đồng bằng Bắc Bộ hăng hái đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến. Chỉ trong mấy tháng đầu năm 1954 đã có gần 1 vạn thanh niên lên đường nhập ngũ, hàng vạn dân công tấp nập thồ, tải súng đạn, lương thực, thực phẩm ra phía trước. Mặc dù vừa trải qua vụ đói ngặt nghèo, nhân dân các tỉnh đồng bằng vẫn tự nguyện đóng góp hàng nghìn tấn lương thực. Nhiều địa phương huy động vượt chỉ tiêu quy định. Liên khu 3, Khu Tả Ngạn đã cung cấp cho chiến dịch 1.464 tấn gạo, 64 tấn thịt, 266 tấn muối, 51,66 tấn rau khô, 6.400 dân công, 1.712 xe đạp thồ 736 xe bò, ngựa .
Qua tính toán cho thấy, lượng gạo cần cho chiến dịch là 16.000 tấn. Muốn có lượng gạo đó phải huy động lên tuyến 25.000 tấn. Tuy vậy, trong chiến dịch Tây Bắc 1952, chúng ta sử dụng dân công gánh bộ chuyển 5.000 tấn gạo từ Yên Bái lên Cò Nòi (cách Điện Biên Phủ 220km) chỉ còn 400 tấn. Nếu đi tiếp 40km nữa đến Sơn La thì lượng gạo chỉ còn 200 tấn. Nghĩa là để có 1kg gạo đến đích thì phải có 24kg gạo tiêu thụ và tổn thất dọc đường. Vậy ở chiến dịch này, nếu cũng vận chuyển hoàn toàn bằng dân công gánh bộ, muốn có số gạo trên phải huy động từ hậu phương hơn 600.000 tấn gạo (khoảng 1 triệu tấn thóc).
Giả sử có huy động được số lương thực nói trên cũng không thể vận chuyển lên kịp vì đường quá xa, phải cần một lực lượng dân công khổng lồ. Để giải bài toán hóc búa này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị và Tổng quân ủy đã đề ra những giải pháp hết sức khoa học, cách mạng và sáng tạo. Đó là động viên nhân dân Tây Bắc dốc sức đóng góp tại chỗ. Trong toàn chiến dịch, nhân dân các dân tộc Tây Bắc đã đóng góp được 7.360 tấn gạo, chiếm gần 50% lượng gạo sử dụng tại tuyến chiến đấu và 27% lượng gạo phải chuẩn bị cho chiến dịch .
![](./assets/qOSoYhgZNv/ae.520_resize-1466x944.jpg)
Bộ đội cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc xẻ núi, làm đường vào trận địa. (Ảnh: TTXVN)
Bộ đội cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc xẻ núi, làm đường vào trận địa. (Ảnh: TTXVN)
Mặt khác, các địa phương huy động nhân dân đẩy mạnh việc làm đường, sửa đường, sử dụng tối đa số ô-tô vận tải hiện có, huy động tối đa các phương tiện thô sơ của nhân dân như ngựa thồ, xe đạp thồ, thuyền mảng phục vụ chiến dịch nhằm giảm đến mức tối đa lượng lương thực, thực phẩm tiêu thụ và tổn thất dọc đường do phải đưa từ xa tới.
Hình ảnh các đoàn xe đạp thồ nối đuôi nhau chở hàng lên Điện Biên là bằng chứng sinh động cho việc huy động nguồn lực trong dân phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong toàn chiến dịch, xe thồ của dân công chiếm 1/3 trọng tải cần vận chuyển. Xe đạp thồ được huy động tới mức tối đa, số lượng lên đến 20.000 xe. Mỗi xe thồ lúc đầu chỉ chở được 100kg, sau đó nâng lên 200 rồi 300kg. Cao điểm có xe đạp thồ chở tới 352 kg . Năng suất xe đạp thồ cao gấp hơn 10 lần dân công gánh bộ do vậy lượng gạo ăn đường cho người chuyên chở cũng giảm được khá nhiều.
Đánh giá kỳ tích huy động sức mạnh trong nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhiều học giả nghiên cứu về Chiến dịch Điện Biên Phủ đều cho rằng: bất ngờ lớn nhất đối với Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp chính là ở chỗ quân dân Việt Nam đã khắc phục được khó khăn, huy động sức mạnh toàn dân dốc toàn lực bảo đảm cho chiến dịch giành toàn thắng.
Không phải viện trợ Trung Quốc đã đánh bại tướng Navarre, mà chính là những chiếc xe đạp Peugeot thồ 200, 300kg hàng và đẩy bằng sức người - những con người ăn chưa đủ no và ngủ thì nằm ngay dưới đất trải tấm ny-lông.
Nhà báo Pháp Giuyn Roa khẳng định: “Không phải viện trợ Trung Quốc đã đánh bại tướng Navarre, mà chính là những chiếc xe đạp Peugeot thồ 200, 300kg hàng và đẩy bằng sức người - những con người ăn chưa đủ no và ngủ thì nằm ngay dưới đất trải tấm ny-lông” . Thừa nhận từ phía đối phương đã góp phần lý giải bản chất của vấn đề huy động sức mạnh trong nhân dân để làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
![](./assets/TWSI52pNmY/dbp-web-02-4001x2251.jpg)
![](./assets/DGaL2hnx74/anh-1-dsc_3080-1980x1320.jpg)
Trường đoạn “Chiến thắng”: Đối lập với hình ảnh thất bại của quân Pháp là hình ảnh quân ta vùng lên đánh chiếm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và điểm nhấn là lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries - Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi. (Ảnh chụp bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ do Đăng Khoa thực hiện)
Trường đoạn “Chiến thắng”: Đối lập với hình ảnh thất bại của quân Pháp là hình ảnh quân ta vùng lên đánh chiếm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và điểm nhấn là lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries - Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi. (Ảnh chụp bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ do Đăng Khoa thực hiện)
Từ thực tiễn huy động sức mạnh trong nhân dân làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ có thể rút ra một số vấn đề như sau:
Thứ nhất: Nắm vững quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, đặt công tác vận động quần chúng là một trong những công tác quan trọng hàng đầu.
Với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, Đảng ta luôn coi công tác vận động quần chúng là một trong những công tác quan trọng hàng đầu. Kết hợp giữa giáo dục nhân dân, tuyên truyền làm cho nhân dân thấy rõ âm mưu, thủ đoạn của địch với động viên nhân dân tự lực, tự cường, vượt qua thiếu thốn, hết lòng ủng hộ cho kháng chiến. Chính vì vậy, chúng ta đã huy động được toàn dân tham gia kháng chiến. Nhân dân vừa tích cực xây dựng hậu phương, vừa hết lòng chi viện cho tiền tuyến. Nhờ tạo được sự ủng hộ đóng góp to lớn của nhân dân mà chúng ta có được một hậu phương vững mạnh đủ sức đáp ứng mọi yêu cầu của kháng chiến.
![](./assets/RjmODVfu4F/bk.1479_resize-1417x945.jpg)
Đoàn dân công xe thồ phục vụ tiền tuyến. (Ảnh: TTXVN)
Đoàn dân công xe thồ phục vụ tiền tuyến. (Ảnh: TTXVN)
Thứ hai: Xây dựng các chi bộ, đảng bộ địa phương vững mạnh; coi trọng giáo dục đường lối chủ trương chính sách của Đảng; phát huy vai trò “nêu gương” của cán bộ, đảng viên.
Thấu triệt nhận thức Đảng là người lãnh đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi sự nghiệp kháng chiến, các tỉnh ủy, liên khu ủy luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng các chi bộ, đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đi đôi với việc tăng cường giáo dục đường lối, chủ trương chính sách của Đảng. Bên cạnh đó thường xuyên phát huy vai trò lãnh đạo, tính xung kích, tinh thần nêu gương, nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện đường lối chủ trương của Đảng.
Mỗi đảng viên thực sự là người lãnh đạo, người lính xung kích trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu và lao động sản xuất, thực sự là những tấm gương cho nhân dân học tập và noi theo. Trong huy động nhân lực, vật lực cho chiến dịch Điện Biên Phủ các tổ chức đảng, các đảng viên đã thực sự đóng vai trò nòng cốt trong vận động, tổ chức nhân dân đóng góp tối đa cho chiến dịch.
Thứ ba: Kết hợp chặt chẽ xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang và nền kinh tế kháng chiến.
Cuộc kháng chiến của nhân dân ta tiến hành trong điều kiện vô cùng khó khăn, tiềm lực kinh tế và quân sự hết sức hạn chế. Nhưng với đường lối kháng chiến khoa học và sáng tạo, chúng ta đã từng bước đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của cuộc kháng chiến. Chúng ta đã xây dựng được lực lượng chính trị hùng hậu, có tổ chức chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, lực lượng vũ trang 3 thứ quân với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích được xây dựng với số lượng ngày càng lớn, chất lượng ngày càng cao.
![](./assets/aQWa3kfX3J/bk.1475_resize-1552x944.jpg)
Các đơn vị bộ binh cơ giới đang khẩn trương đưa bộ đội vào Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Các đơn vị bộ binh cơ giới đang khẩn trương đưa bộ đội vào Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Các địa phương cả vùng tự do và vùng địch hậu đều đẩy mạnh thi đua sản xuất nông nghiệp, công nghiệp quốc phòng, thương nghiệp, thủ công nghiệp, giao thông vận tải, văn hóa xã hội phục vụ cho kháng chiến. Đây chính là thành công của đường lối “kháng chiến toàn dân, toàn diện” đã đưa dân tộc ta vượt qua những khó khăn ban đầu “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc” để làm cho thế và lực của ta ngày càng mạnh, đủ sức tiến hành những trận đánh lớn có tính quyết định đến thắng lợi của kháng chiến mà trận Điện Biên Phủ là điển hình.
Thứ tư: Kết hợp chặt chẽ 2 nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ nguồn tiềm lực trong nhân dân.
Trong suốt những năm kháng chiến, kẻ địch luôn tìm mọi cách đánh phá, lấn chiếm hòng thu hẹp hậu phương, cướp bóc, phá hoại nguồn tiềm lực trong nhân dân của ta. Vì vậy kết hợp giữa 2 nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ nguồn tiềm lực trong nhân dân là điều kiện tiên quyết để huy động cho kháng chiến.
Để kết hợp xây dựng và bảo vệ nguồn tiềm lực trong nhân dân, chúng ta đã tiến hành xây dựng hậu phương toàn diện trên tất cả các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa xã hội, đồng thời chủ động xây dựng lực lượng vũ trang 3 thứ quân, lực lượng tại chỗ vững mạnh, luôn đề cao cảnh giác, kiên quyết trấn áp các cuộc bạo loạn, các thủ đoạn phá hoại của địch, sẵn sàng đập tan các cuộc tiến công, càn quét của địch để bảo vệ nguồn tiềm lực trong nhân dân.
Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra) sẽ có nhiều thay đổi. Đối tượng tác chiến của quân đội ta có ưu thế về sức mạnh quân sự; thời gian tác chiến ngắn, không gian rộng, ranh giới tiền tuyến và hậu phương khó phân biệt. Việc huy động nguồn lực trong nhân dân ở nền kinh tế thị trường sẽ diễn biến phức tạp.
Để huy động nguồn lực trong nhân dân trong điều kiện mới, cần nghiên cứu kế thừa phát triển và vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm về huy động nguồn lực trong nhân dân trong chiến tranh giải phóng. Trước hết, cần quán triệt sâu sắc quan điểm kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, chăm lo củng cố quốc phòng an ninh, xây dựng nguồn tiềm lực trong nhân dân vững mạnh. Đồng thời, phải đẩy mạnh xây dựng tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc; xây dựng, hoàn thiện cơ chế động viên quốc phòng phù hợp để sẵn sàng huy động khi có tình huống.
Sách xuất bản từ Hội thảo Khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực (7/5/1954 - 7/5/2019)”
![](./assets/TWSI52pNmY/dbp-web-02-4001x2251.jpg)
Nội dung: Đại tá PGS, TS DƯƠNG HỒNG ANH
Trình bày: PHƯƠNG NAM