Isabelle Muller là người Pháp gốc Việt. Năm 2015 bà thành lập Quỹ LOAN - lấy theo tên người mẹ Việt của mình. Các dự án của Quỹ LOAN tập trung vào xây dựng nhà bán trú và trao học bổng cho trẻ em, thanh thiếu niên ở các địa bàn khó khăn thuộc phía Bắc Việt Nam.
Năm 2023, Quỹ LOAN đoạt Giải thưởng “Hành động vì Cộng đồng” (Human Act Prize 2023) ở Hạng mục “Dự án truyền cảm hứng” do Báo Nhân Dân tổ chức.
Nhân dịp Ngày Quốc tế phụ nữ, Báo Nhân Dân có buổi phỏng vấn với bà Muller về quan điểm và trải nghiệm của bà trong việc giáo dục cho trẻ em nữ tại Việt Nam.
Bài phỏng vấn nằm trong series “Những người phụ nữ mang thế giới về Việt Nam”, đề cập tới những điều mà phụ nữ quốc tế mong mỏi mang tới Việt Nam trong hành trình của mình. Với Isabelle Muller, bà mong muốn đem những “mái ấm” về Việt Nam.
PV: Tại sao bà lại chọn giáo dục trẻ em mà không phải là một lĩnh vực khác?
Bà Isabelle Muller: Mẹ tôi là lý do đầu tiên.
Là một phụ nữ Việt Nam sống ở thế kỷ trước, mẹ tôi không được phép đến trường. Nhiều cô gái nông thôn thời đó cũng thế. “Đó là một sự bất công” - Bà nói với chúng tôi như vậy.
Do đó, giáo dục luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của bà dành cho chúng tôi. Giáo dục là một điều rất quan trọng để có cuộc sống tốt hơn. Tôi muốn đấu tranh về quyền được đi học, quyền được giáo dục cho trẻ em gái và cho chính mẹ của mình.
PV: Vậy bà đã làm gì để giúp trẻ em gái ở Việt Nam được giáo dục tốt hơn?
Bà Isabelle Muller: Tháng 12 năm 2015 tôi đến Hà Giang. Những người phụ nữ ở đó đã khiến tôi nhận ra rằng, không giống như khu vực thành thị hay các thành phố lớn, ở những vùng cao còn nhiều khó khăn.
Mẹ tôi từng sống trong một túp lều, sàn nhà không có gạch. Để cả nhà có nước dùng, bà phải đem thùng đi gánh từ khi còn là một đứa trẻ, một cô gái cho đến khi trở thành một phụ nữ.
Ở Hà Giang cũng vậy, nhiều gia đình vẫn sống trong những ngôi nhà mà sàn nhà không có gạch.
Vậy nên, tôi muốn bắt đầu bằng việc tạo ra một nơi ở tốt cho trẻ em gái - nhà bán trú. Ở đó có mái che, tường kiên cố, cửa thông gió, điện và nước. Tôi nhận thấy rằng các em được sống thoải mái và thích ở lại trường hơn. Ở đó, các em có bạn bè, giáo viên và một cái căng tin!
Về chương trình trao học bổng, ban đầu Quỹ dự định tài trợ cho trẻ mồ côi và có hoàn cảnh khó khăn từ lớp 1 tới lớp 12. Nhưng số lượng trẻ cần tài trợ quá lớn. Và thực tế đã chỉ ra rằng, chúng tôi không biết những đứa trẻ được tài trợ có thể tiếp tục kiên trì cho đến khi học đại học hay chúng sẽ bỏ ngang.
Mặc dù điều đó khiến trái tim tôi tan nát nhưng tôi buộc phải lựa chọn. Vì tôi muốn thúc đẩy những đứa trẻ thực sự muốn đi học.
Học bổng của Quỹ LOAN tập trung vào học sinh từ lớp 11 và 12. Sau đó, nếu các em đủ khả năng và muốn vào đại học, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ cho đến khi các em học xong.
PV: Một người nước ngoài xây dựng dự án ở các khu vực đô thị, đồng bằng hay các vùng dễ tiếp cận cũng đã rất khó khăn. Bà xoay sở như thế nào khi làm việc tại các vùng núi xa xôi của Việt Nam?
Bà Isabelle Muller: Cũng khá nhiều thử thách, thử thách phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm. Tôi đã làm việc ở Việt Nam được 8 năm. Hầu hết địa bàn làm việc đều là các vùng giáp biên của Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai,…
Khó khăn lớn nhất có lẽ là những con đường.
Chuyện có đường hay không, đường tốt hay không sẽ quyết định đến việc chúng tôi có thể tiếp cận các dự án, các điểm trường hay các ngôi làng hay không. Hầu hết thời gian tôi làm việc ở Việt Nam là để đi lái xe jeep! Nếu không có xe jeep thì tôi phải đi xe máy, xe đạp và chặng cuối cùng thì thường là đi bộ.
Việc kết nối sẽ còn khó khăn khi mạng lưới đường bộ ở một số khu vực tại Việt Nam còn kém. Tuy nhiên, trong hai năm gần đây, tôi đã thấy rất nhiều sự thay đổi, cơ sở hạ tầng được cải thiện đáng kể. Có lẽ Chính phủ đã nhận ra việc đầu tư vào đường sá là rất cần thiết.
Nếu bạn không thể tiếp cận được dự án, bạn không thể đến được với những người có nhu cầu được học thì bạn dạy học như thế nào? Bạn không thể.
Đó là khó khăn lớn nhất.
Còn lại, tôi nghĩ mình không gặp nhiều khó khăn trong ngôn ngữ hay tâm lý. Làm việc với người dân tộc thiểu số có rất nhiều đặc điểm khác biệt nhưng chúng tôi luôn có những phiên dịch viên rất giỏi và sự hỗ trợ tốt từ địa phương. Mọi việc luôn rất trơn tru.
PV: Bà thấy tác động của những dự án giáo dục của mình ảnh hưởng thế nào đến đời sống của trẻ em gái ở miền núi?
Bà Isabelle Muller: Tôi thấy chúng trưởng thành lên rất nhiều. Ban đầu, tụi trẻ rất nhút nhát, không chỉ tiếng Anh mà chúng còn không nói được cả tiếng Việt.
“Nếu không chịu nói, con sẽ không bao giờ giao tiếp được. Lâu dần, người muốn giúp con cũng mất đi nỗ lực” - Tôi đã “ép” chúng nói và viết thư gửi những người đã giúp đỡ, đóng góp cho quá trình học tập của tụi nhỏ.
Sau 8 năm đã có rất nhiều học sinh tốt nghiệp, các em cởi mở và nói tiếng Anh rất trôi chảy. Những cậu bé, cô bé mà chúng tôi hỗ trợ 8 năm trước đã trở thành những chàng trai, cô gái, những người lớn có công việc, có trách nghiệm, biết quản lý và sắp xếp kế hoạch cho tương lai.
Có một điều rất dễ thương nữa là các em biết quan tâm đến cộng đồng của mình. Tôi có một vài học sinh chọn học y vì làng của họ không có bác sĩ.
Chúng không còn là những đứa trẻ tôi gặp ngày đầu. Đó là một sự thay đổi lớn, rất lớn.
Cũng có không ít trường hợp khiến tôi thấy rất đáng tiếc. Sau khi đưa ra cảnh báo lần một, lần hai và lần ba, chúng tôi đã buộc phải buông tay tiếc những đứa trẻ không muốn đến trường. Nguồn lực là có hạn trong khi rất nhiều người và trẻ em đang cần giúp đỡ.
Chỉ cần nhìn thấy trên đường, tôi sẽ nhận ra đứa trẻ nào là của Quỹ LOAN.
PV: Quỹ LOAN đã giúp đỡ bao nhiêu trẻ em gái?
Bà Isabelle Muller: Tôi không nhớ nhưng chắc chắn tôi biết tất cả các khuôn mặt. Chỉ cần nhìn thấy chúng trên đường, tôi sẽ nhận ra đứa trẻ nào là của Quỹ LOAN.
PV: Vậy đứa trẻ nào khiến bà ấn tượng nhất?
Bà Isabelle Muller: H. là một cô gái tôi đặc biệt ấn tượng. Em muốn học đại học ở Hà Nội nhưng gia đình em lại không muốn.
Bố mẹ muốn em ở nhà làm ruộng vì nhà họ rất nghèo. Em vẫn lấy một ít quần áo rồi bắt xe xuống Hà Nội nhập học nhưng em vẫn chưa biết mình sẽ ngủ đâu, ăn gì? Cô giáo cấp III của em đã gọi đến Quỹ LOAN: “Tôi có một học sinh nữ ở miền núi. Em ấy ngoan, học tốt và đã đậu đại học nhưng không thể đi học vì quá nghèo”.
Quỹ LOAN cấp học bổng là tiền để H sinh hoạt. Em không mất học phí vì hoàn cảnh gia đình. Khi đang đi học, H đã làm ba công việc bán thời gian cùng lúc.
Sau một năm, em ấy nói với tôi: “Con đã tự biết cách kiếm sống. Con sẽ vẫn tiếp tục đi học đại học. Hãy trao học bổng này cho một người khác”.
Đó là lúc tôi phải thốt lên: “Wow”.
Khi thấy nỗ lực của H., cuối cùng bố mẹ em đã ủng hộ con đường đi học của em.
Chúng ta còn có thể mong điều gì hạnh phúc hơn thế nữa?
Trẻ em ở Việt Nam, đặc biệt là ở những vùng sâu vùng xa, rất tài năng. Nhưng tiềm năng đó lại chưa được khai phá. Tôi muốn thúc đẩy các em khao khát phát triển bản thân mình.
Tôi không yêu cầu bọn trẻ hay những học sinh được nhận học bổng của Quỹ LOAN phải là người giỏi nhất. Nhưng chúng tôi muốn, các em phải là những người cố gắng nhiều nhất.
PV: Giáo dục là một hành trình dài. Quỹ LOAN đã từng tính tới “tuổi thọ” các dự án của mình và làm thế nào để đảm bảo tính bền vững và lâu dài trong các dự án đó?
Bà Isabelle Muller: Tôi nghĩ là tôi có một câu trả lời rất phù hợp cho câu hỏi này. Không có gì là đảm bảo cả. Đó là một thực tế.
Tôi sẽ không hứa những điều mình không thể giữ được. Nhưng tôi sẽ làm những gì tôi cho là cần thiết. Miễn là tôi còn sức, có được sự giúp đỡ của các nhà tài trợ, miễn là tôi có thể ngồi trên yên một chiếc xe, tôi sẽ nỗ lực hết sức để kéo dài tính bền vững của các dự án.
PV: Bà có bao giờ nghĩ đến việc nuôi dưỡng thế hệ tiếp theo cho Quỹ LOAN không?
Bà Isabelle Muller: Có chứ. Vợ chồng tôi có hai con gái. Cả hai đều là thành viên, tình nguyện viên của Quỹ LOAN ở Đức. Một trong hai con gái của chúng tôi đang làm nghề thiết kế. Mỗi năm cô ấy đều trích một phần lợi nhuận từ sản phẩm bán được để quyên góp cho quỹ. Cô còn lại giúp tôi kiểm tra tin tức, xây dựng trang web cho Quỹ LOAN.
PV: Theo bà, giáo dục đóng vai trò như thế nào trong việc phá vỡ vòng đói nghèo?
Bà Isabelle Muller: Tôi nghĩ rằng giáo dục là chìa khóa dẫn đến một tương lai tốt đẹp hơn. Khi bạn có trình độ học vấn, bạn có thể tìm một công việc tốt hơn và kiếm được nhiều tiền hơn.
Nhưng không dừng lại ở đó, giáo dục giúp bạn biết tiết kiệm tiền và quản lý đồng tiền. Nó khiến bạn trở thành một người có trách nhiệm.
Có tiền, bạn có thể đi mở mang đầu óc, học hỏi về thế giới.
Năm 20 tuổi, tôi rời Pháp với hai valy gần như trống rỗng nhưng tôi có một vài ngoại ngữ trong đầu, một tấm bằng trong túi. Tôi sống sót và phát triển được.
Giáo dục còn là cơ sở để xây dựng nhân cách, nền tảng của con người. Nhân đây, có một chuyện tôi rất muốn kể. Khi nghĩ về vùng núi, nhiều người thường nghĩ đến sự tụt hậu về công nghệ, hay các thiết bị công nghệ.
Nhưng trong lần tới thăm Hà Giang cùng một nhà tài trợ người Đức, chúng tôi thấy một cậu bé nông dân với chiếc tai nghe mới cóng của Apple.
“Cái gì cơ? Tôi đã đợi sáu tháng để đến đây, tài trợ cho những điểm trường khó khăn nhất của Việt Nam. Cậu bé đó nói mình không được học hành nhưng lại có một cái tai nghe Apple?!” - Bà ấy thốt lên.
Công nghệ giá rẻ và hàng nhái đã phủ các thiết bị thông minh lên những vùng núi xa xôi nhất của Việt Nam. Tôi đã có một thời gian rất dài để quan sát, khi điện thoại thông minh xuất hiện, hầu hết những đứa trẻ trở nên không thể kiểm soát, và thực ra, cũng không ai kiểm soát. Chúng ngập chìm trong mạng xã hội, video ngắn, nội dung xấu,…
Ở thành thị, công nghệ thay đổi 6 tháng một lần với nhiều bản báo cáo từ Chính phủ và sự giáo dục từ nhà trường, từ cha mẹ,… Nhưng ở những vùng hẻo lánh, không có sự giám sát nào cả. Đó là điều mà tôi rất sợ.
Giáo dục sẽ tạo nền tảng để con người phản ứng, xử lý và kiểm soát nghịch cảnh.
PV: Khi ngồi sau trên yên xe máy để đi đến các điểm trường hẻo lánh, bà thường nghĩ gì ?
Bà Isabelle Muller: Tôi thường ngắm biên giới và nghĩ: Làm thế nào để một đứa trẻ ở tít một nơi xa xôi như thế này, có thể được hưởng một nền giáo dục tốt như một đứa trẻ ở thành thị.
PV: Trong chuyến hành trình, bạn muốn mang gì đến Việt Nam?
Bà Isabelle Muller: Home (Mái ấm/quê nhà)
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà.