Jeff Bezos và khát vọng của đế chế thương mại điện tử Amazon

Trái đất là hữu hạn và nếu như nền kinh tế cũng như dân số tiếp tục mở rộng và gia tăng thì không gian là nơi duy nhất ta có thể hướng đến” – ý tưởng được chạm vào không gian, bước lên mặt trăng đã luôn là một phần của Jeff Bezos từ khi ông còn là một thiếu niên. Và cho đến hiện tại, giấc mơ này của Jeff Bezos đã được hiện thực hóa trên nền tảng của đế chế thương mại điện tử mà ông nhiều năm gầy dựng.

“Trái đất là hữu hạn và nếu như nền kinh tế cũng như dân số tiếp tục mở rộng và gia tăng thì không gian là nơi duy nhất ta có thể hướng đến”

– Jeff Bezos –

Jeffrey Preston Bezos (Jeff Bezos) sinh ngày 12 tháng 1 năm 1964 tại Albuquerque. Ông được biết đến là một doanh nhân, nhà đầu tư và ông trùm truyền thông của Mỹ. Jeffrey Bezos là người sáng lập, CEO và Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty công nghệ đa quốc gia Amazon.

Với thành công và mức độ lan tỏa của Amazon, Jeff Bezos là gương mặt tiêu biểu cho cuộc cách mạng thương mại điện tử, bước chuyển mình của điện toán đám mây và là cánh tay nổi bật trong cuộc đua vào vũ trụ.

Văn phòng của Jeff Bezos, nơi ra đời Amazon. Nguồn: CNBC

Văn phòng của Jeff Bezos, nơi ra đời Amazon. Nguồn: CNBC

Để biết về con người của Jeff Bezos, không có hình ảnh nào thể hiện được tốt hơn chính “con đẻ” Amazon của ông. Công ty đa quốc gia này chính là xác thịt và cả giấc mơ của người đàn ông này. Sáng tạo, kiên định và có cả những mặt trái của một đế chế hình thành và phát triển gần 30 năm.

NHỮNG THỨ TO LỚN ĐỀU BẮT ĐẦU TỪ RẤT NHỎ

Bạn bè hỏi Jeff Bezos:

- Tại sao mọi người lại muốn mua một thứ gì đó từ cậu, thay vì từ những nơi mà họ đã có?
- Bởi vì chúng tôi sẽ có nhiều hơn bất kỳ ai.

Đây là điều nằm vững chắc trong suy nghĩ của Jeffrey Bezos.

Gốc rễ của đế chế Amazon không xuất phát từ thung lũng Silicone mà từ phố Wall, đó là nơi mà anh chàng sinh viên tốt nghiệp trường Princeton nhìn thấy những cơ hội của mình khi còn làm việc tại quỹ đầu tư Deshaw & Co.

Jeff Bezos và thư viện của mình. Nguồn: Rex Rystedt - The LIFE Images Collection/Getty Images

Jeff Bezos và thư viện của mình. Nguồn: Rex Rystedt - The LIFE Images Collection/Getty Images

Vào năm 1994, Deshaw & Co là công ty đã thúc đẩy phố Wall bước vào thời kỳ nhảy vọt khi giới thiệu và cung cấp cho thị trường các dữ liệu được phân tích trên nền tảng Internet. Và thời điểm đó, sự bùng nổ lần thứ hai của Internet khiến Jeff Bezos cảm thấy hấp dẫn. Trong một xã hội mà việc giao tiếp, kết nối được thực hiện đa phần bằng các cách thức truyền thống, thì sự bùng nổ Internet như mang đến một đại lộ cao tốc giữa những con đường nhỏ.

Deshaw & Co – Nơi Jeff Bezos gắn bó trước khi chuyển hướng thành lập Amazon. Nguồn: Wikipedia

Deshaw & Co – Nơi Jeff Bezos gắn bó trước khi chuyển hướng thành lập Amazon. Nguồn: Wikipedia

Với suy nghĩ cực nhạy bén khi nhìn tốc độ phát triển lên tới 2.300% một năm của cuộc cách mạng Internet lần thứ 2, Jeff quyết định đi tìm một phương án kinh doanh phù hợp với sự tăng trưởng khủng khiếp trên “xa lộ” này, dù khi đó Jeff không có kinh nghiệm về bán hàng cũng như không hiểu quá rõ về Internet.

 Và sách là những gì chàng trai này lựa chọn. Một cửa hàng sách lớn hơn tất cả những gì từng có, đó là những gì Jeff mường tượng.

Anh quyết định nghỉ việc chứ không chỉ thực hiện kế hoạch này song song với công việc tại quỹ tài chính. Tất nhiên, dù bạn sống ở đất nước nổi tiếng với “giấc mơ Mỹ”, việc này nghe cũng không ổn cho lắm.

Nhưng có vẻ như Jeff khá chắc chắn với kế hoạch của mình. Anh và người bạn gái MckenZie Scott (người sau này là vợ và trở thành người phụ nữ giàu thứ 3 thế giới) quyết định từ bỏ mọi thứ đang có, chuyển tới Seattle và thành lập công ty bán sách trực tuyến.

Bạn bè hỏi Jeff Bezos:

- Tại sao mọi người lại muốn mua một thứ gì đó từ cậu, thay vì từ những nơi mà họ đã có?

- Bởi vì chúng tôi sẽ có nhiều hơn bất kỳ ai.

Những người xung quanh đánh giá Jeff Bezos là một người “kiên định và không nao núng”. Anh cũng đủ cứng đầu để thực hiện một công việc cho đến khi bị chứng minh là sai hoặc là đạt được thành công với nó.

Nguồn: Amazon Empire The Rise and Reign of Jeff Bezos – FRONTLINE

Nguồn: Amazon Empire The Rise and Reign of Jeff Bezos – FRONTLINE

 Tháng 7 năm 1994, Amazon chính thức ra đời.

Có thể nói, Jeff Bezos vận dụng rất tốt câu nói: “If the mountain will not come to Mohammed, Mohammed will go to the mountain”. Nghĩa rằng, nếu ngọn núi không tới với Mohammed thì Mohammed sẽ tới với ngọn núi. Với tư duy của một người khởi nghiệp, nếu như khách hàng không biết đến và không tiếp cận tôi, vậy tôi sẽ tiếp cận khách hàng và để họ biết đến mình.

Jeff Bezos chứng minh sự khác biệt của mình khi mang đến cho độc giả quyền lựa chọn số lượng sách khổng lồ, hoàn toàn không phải di chuyển, tất cả những gì người dùng cần đó là một màn hình máy tính. Chọn đúng thời điểm, đánh trúng nhu cầu khách hàng đó là lý do Amazon ngay khi ra mắt đã trở thành “thư viện Online” có quy mô lớn nhất nước Mỹ khi đó. 

Sau những cuốn sách, Jeff nghĩ rằng “cửa hiệu online” Amazon, không nên chỉ là nơi bán sách. Điều này sẽ lãng phí tiềm năng khổng lồ. Amazon phải là nơi có thật nhiều hơn thế, như Jeff Bezos nói: “Người ta có thể mua một chiếc thuyền kayak từ Amazon. Khi mua được chiếc thuyền, chúng ta sẽ cung cấp cho họ nhiều nơi thích hợp để sử dụng nó và cả dịch vụ di chuyển, du lịch”.

Những tham vọng này là rất rõ ràng.

Nguồn: Amazon Empire The Rise and Reign of Jeff Bezos – FRONTLINE

Nguồn: Amazon Empire The Rise and Reign of Jeff Bezos – FRONTLINE

 Jeff Bezos là anh chàng có tiếng cười sảng khoái, hơi đứt đoạn và điều đó vẫn tiếp diễn từ khi còn trẻ và đến hiện tại. Cách thể hiện của Jeff trước công chúng cũng vậy, thoải mái, tự nhiên và có phần hơi…trẻ con. Đó cũng là sự thể hiện cho một kẻ muốn “bán tất cả mọi thứ” trong vũ trụ.

Tại Amazon thời điểm đó, Jeff Bezos tiếp tục từng bước cải thiện mô hình và hệ thống của mình với phương châm: Khách hàng là ưu tiên số một. “Anh chàng không khoan nhượng” luôn rõ ràng và nghiêm túc để giữ cho thương hiệu Amazon, khi còn là một cửa hàng sách lớn nhất thế giới, luôn được tin tưởng.

“Luôn có một chiếc ghế trống trong các cuộc họp của chúng tôi. Chiếc ghế đó tượng trưng cho khách hàng, người luôn ở đó mà chúng tôi phải thấu hiểu. Chúng tôi luôn tự nhắc mình rằng cần nghe tiếng nói từ khách hàng” - John Rossman, một cựu lãnh đạo của Amazon cho biết.

Bên cạnh việc kinh doanh đang vận hành, Jeff luôn đặt “dữ liệu” ở một vị trí quan trọng vì sự nhạy cảm với tương lai của mình. Trên thế giới “ảo”, một điều cực kỳ “thật” mà cơ sở kinh doanh có thể biết và nắm được đó là “hành vi người dùng”. Thu thập các dữ liệu này cũng chính là điều rất nghiêm túc mà Amazon chú ý đến và song song triển khai từ thời điểm đầu. Tất cả các dữ liệu này đều được ghi lại và theo dấu và chúng được coi là một “nguồn tài nguyên mới” - thứ vô cùng giá trị.

 Cửa hàng trực tuyến của Amazon lúc này thêm một chức năng, đó là một phòng thí nghiệm với Jeff. Và đội ngũ quản lý của Amazon nhìn nhận, ai có thể nắm giữ, truy cập và sử dụng những thông tin này - sẽ trở thành Vua. Chúng ta xem những gì, trong bao nhiêu lâu, những thứ tương đồng mà bạn quan tâm…hệ thống đều ghi lại. Từ đây, cửa hàng sẽ mang đến những gợi ý tương tự, nhắc nhở liên quan. Điều này trước hết sẽ giúp cho việc phục vụ khách hàng được tốt hơn. Ở thời điểm hiện tại, điều này hầu hết đều đã được các tổ chức, công ty trên thế giới thực hiện. Tuy nhiên, ở thời điểm trước những năm 2000 thì đó là một khái niệm vô cùng xa lạ hay thậm chí là…kỳ lạ.

Tất nhiên, trong nội bộ công ty cũng đã có những suy nghĩ trái ngược. Khách hàng - những người đối với Amazon, đáng lẽ được coi như chúa trời, thì nay lại trở nên giống với những chú bò sữa, bị lùa vào cùng một nơi và chờ để bị vắt sữa. Việc sử dụng thông tin từ khách hàng nay lại trở thành vấn đề khi chính nhân viên của hãng cảm thấy thiếu tôn trọng khách hàng.

Tuy nhiên vấn đề này bị gác sang một bên bởi các con số phát triển ấn tượng. Lượng khách hàng của Amazon liên tục gia tăng theo cấp số nhân. Và sau mỗi lần thống kê, số người tham gia sử dụng dịch vụ lên tới hàng trăm ngàn người.

“THỊ TRƯỞNG” CỦA THÀNH PHỐ ẢO

"Bỗng nhiên Amazon trở nên giống như Bố già”

Từ những con đường nhỏ chuyển sang chạy trên cao tốc, lúc này Jeff Bezos muốn xây dựng lên một thành phố ngập tràn những con đường đa chiều.

 Amazon giờ đây không chỉ là sàn độc diễn mà Jeff muốn tất cả các cá nhân hay các công ty, không quan trọng lớn hay nhỏ, đều có thể bán những thứ mình có và mua những thứ mình muốn.

Tức là Jeff sẽ đưa những sự cạnh tranh trực tiếp lên sân chơi của mình. Đây là một suy nghĩ rất “cấp tiến”. Bởi độc quyền miếng bánh nghe có vẻ sẽ an toàn hơn nhưng Jeff chọn hướng đi ngược lại. Và từ việc “mở lòng” này, chúng ta có thể thấy hàng vạn nhãn hiệu từ nghiệp dư tới chuyên nghiệp đang giao dịch trên hệ thống Amazon ngày nay.

Khi các doanh nghiệp được bước vào sân nhà của Amazon, những “con đường tơ lụa online” tấp nập hình thành, chúng ta có thể thấy một “thành phố” đã được mọc lên. Ở đó, Amazon và những gian hàng của mình như những trung tâm mua sắm lớn, nằm tại các tuyến phố chính. Trong khi các đối tác – cũng đối thủ trực tiếp nằm trên những con đường nhỏ hơn. Và Jeff chính là “thị trưởng” của thành phố này với quyền kiểm soát tất cả.

Từ đây, “bỗng nhiên Amazon trở nên giống như Bố già” - một đối tác của sàn thương mại điện tử này mô tả đối thủ cạnh tranh của mình.

Lý do bởi khi lớn mạnh, và cho phép đối thủ chơi trên sân của mình, Amazon là kẻ đặt ra luật lệ. Thậm chí Amazon được cho là đã đặt ra một chiến lược mang tên “Báo và những con linh dương”.

Ở đó, các nhà xuất bản nhỏ sẽ như những con linh dương run rẩy, yếu đuối và Amazon sẽ như báo Chetah, dùng uy quyền khiến con mồi phải nghe theo lệnh của mình.

Amazon yêu cầu gia tăng phần trăm lợi nhuận của mình với đối tác. Bắt buộc họ phải nghe theo bởi sự hiệu quả từ kênh phân phối của mình, nếu không sẽ bóp nghẹt đối thủ.

 Gia tăng các gợi ý về hàng hóa từ các đối thủ cạnh tranh, tắt nút mua hàng để không cho người mua chọn sản phẩm của nhà xuất bản…là một trong những cách mà đơn vị này đã thực hiện.

Cho thấy, khi thị trường xuất hiện sự độc quyền, hay gần như vậy - với những đơn vị nắm phần lớn thị phần hoặc đi đầu trong một lĩnh vực, luật chơi sẽ được viết lại. Và những điều luật đó sẽ không hề công bằng hoặc dễ chịu.

Jeff Bezos đánh bạc với sự ra đời của Amazon Prime. Nguồn: Thenextweb

Jeff Bezos đánh bạc với sự ra đời của Amazon Prime. Nguồn: Thenextweb

 Cứ trong mỗi khoảng thời gian phát triển, Jeff Bezos lại có những quyết định có tính “điên rồ”. Lần này, quyết định đó là đánh bạc với Amazon Prime, một dịch vụ dành cho các thành viên đã đăng ký của Amazon.

Với 79 USD/năm, khách hàng sẽ nhận được sản phẩm trong vòng 2 ngày.

Với chiến lược mới, Amazon muốn thu hút người dùng đến với mua sắm trực tuyến, thay đổi triệt để thói quen khách hàng.

Nói điều này là “điên rồ” hay nhẹ nhàng hơn, một canh bạc cược bằng uy tín và kết quả kinh doanh, bởi thời điểm đó toàn bộ Amazon chỉ có…dưới 10 kho hàng. Một thách thức khủng khiếp với tham vọng của họ.

Để thực hiện chiến dịch này, một “cơn mưa” các “trung tâm dự trữ” trên khắp cả nước được Amazon xây dựng và phủ đầy bởi hàng triệu món hàng - ngay giữa thời điểm Đại suy thoái năm 2009.

Nguồn: Amazon Empire The Rise and Reign of Jeff Bezos – FRONTLINE

Nguồn: Amazon Empire The Rise and Reign of Jeff Bezos – FRONTLINE

Và đáng ngạc nhiên những không bất ngờ, nó đã hiệu quả và trở thành chương trình thành viên thành công nhất lịch sử đồng thời thay đổi hoàn toàn cách thức mua hàng.

Amazon Prime tạo ra một cơ chế hấp dẫn người mua, khiến họ bị cuốn vào guồng tìm kiếm - mua sắm khi định sẵn trong đầu suy nghĩ “mình có thể có và có ngay lập tức thứ bản thân muốn”. Hơn 150 triệu người tham gia chương trình này, đánh dấu thêm một bước phát triển “tăng vọt” của Amazon.

 Phải nói rằng Jeff cũng đã gặp may. Bởi cũng trong thời gian đó, việc không đánh thuế tiêu thụ (sales tax) thương mại điện tử của chính phủ đã giúp cho Amazon có một bước nhảy vọt trong phát triển kinh doanh. Khách hàng thường xem sản phẩm trực tiếp tại các cửa hàng sau đó lên Amazon để mua hàng, đây là giấc mơ của Jeff đồng thời cũng là ác mộng với mọi cửa hàng khác.

Trong quá trình này một vấn đề lớn nảy sinh. Các kho hàng quá lớn, nhân viên phải liên tục di chuyển giữa các khu vực từ 15-25km mỗi ngày, các mặt hàng sắp xếp lộn xộn, phải quét các món hàng để nhận biết chủng loại. Cảnh báo đỏ xuất hiện khi các nhân viên liên tục có vấn đề về sức khỏe.

Nhân viên phải liên tục di chuyển giữa các khu vực từ 15-25km mỗi ngày.

CÔNG NGHỆ LÀ CHÌA KHÓA PHÁT TRIỂN

Mặt trái của ứng dụng công nghệ, phân tích dữ liệu… ảnh hưởng đến cả thể chất và tâm thần của hệ thống lao động.

Qua quá trình phát triển, Amazon trở thành công ty tạo ra việc làm nhiều nhất nước Mỹ. Việc tăng thêm hàng ngàn người làm, mở rộng thêm gần 1 triệu mét vuông nhà kho cũng chính là thời điểm cho Amazon tiến bước sang nhiều lĩnh vực mới như điện máy, đồ chơi, âm nhạc…Tuy nhiên, ở một công ty cỡ Amazon, việc thúc đẩy mọi tiêu chí hoạt động chưa bao giờ có điểm dừng.

Nguồn: Amazon Empire The Rise and Reign of Jeff Bezos – FRONTLINE

Nguồn: Amazon Empire The Rise and Reign of Jeff Bezos – FRONTLINE

Khi Kiva Systems (một công ty công nghệ về Robot tự động) hoàn thiện dòng Robot làm việc cho nhà xưởng, Amazon quyết định…mua đứt toàn bộ công ty này và những phát minh tại đây. Bước nhảy này đã thay đổi môi trường làm việc tại các kho chứa của hãng. Vào năm 2012, Amazon thuê thêm 300,000 nhân công, đồng thời đưa vào hoạt động 200,000 robot. Điều này giúp cho con người không phải di chuyển quá nhiều, công việc nhanh hơn, chuyên nghiệp hơn và hiệu suất cao hơn.

Amazon nâng mức cược với Amazon Prime – giao hàng trong ngày. Nguồn: Getty Images 

Amazon nâng mức cược với Amazon Prime – giao hàng trong ngày. Nguồn: Getty Images 

Vào năm 2019, Amazon trở nên “điên rồ” hơn khi thúc đẩy hoạt động của mình lên một mức độ mới khi thay đổi gói Amazon Prime từ giao hàng trong 2 ngày giảm xuống còn 1 ngày.

Nhưng hiệu suất cao hơn đồng nghĩa với…rắc rối mới. Công nhân tại các nhà kho liên tục có ý kiến về các yêu cầu quá khắc nghiệt mà Amazon đưa ra như tốc độ, số lượng hàng mà họ phải thực hiện. là quá cao. Chính vì thế mà họ đã tìm cách…gian lận. Tuy nhiên, khi gian lận để đạt được con số thì Amazon lại nghĩ rằng họ có thể thực sự đạt được yêu cầu và tiếp tục…tăng khối lượng công việc. Luôn luôn là sự thúc đẩy cho đến khi họ không thể đạt được các con số và bị sa thải.

Có thể thấy mặt trái của ứng dụng công nghệ, phân tích dữ liệu… ảnh hưởng đến cả thể chất và tâm thần của hệ thống lao động. Các công nhân nghĩ rằng họ không được đối xử đúng mực. Họ cảm thấy mình chỉ như những cột dữ liệu, để phân tích và để khai thác. Và khi chạm đến một ngưỡng nhất định, sẽ là yêu cầu gia tăng - điều mà họ không thể đáp ứng.

1. Người thuần kinh doanh?

Dù thể hiện mình là một người “thuần” kinh doanh và phát triển, tuy nhiên Jeff Bezos có những bước đi hoàn toàn không đơn giản như vậy.

2. Mua lại Washington Post

Việc mua lại Washington Post, trở thành một ông trùm truyền thông; sở hữu hai biệt thự rộng lớn tại thủ đô Washington - nơi có vị trí và những chức năng “hoàn toàn phù hợp” để đón tiếp những chính trị gia, những nhà làm luật hay người có ảnh hưởng…đều được đánh giá là những hành động có chủ đích của ông chủ Amazon.

BƯỚC VÀO “MÂY”

Một hợp đồng 600 triệu USD, trong 10 năm với Cơ quan Tình báo Trung ương C.I.A, được ký kết vào tháng 10 năm 2013.

Với tầm nhìn của mình trước sự phát triển của công nghệ, chắc chắn Jeff nhận ra tiềm năng của điện toán đám mây - Cloud Computing. Và cuộc cách mạng của Amazon tiếp tục với Amazon Web Services.

Jeff nhận ra rằng ở lĩnh vực này, họ không là duy nhất, với những kẻ cạnh tranh sừng sỏ. Vì vậy họ phải tìm cách vượt lên, tạo ra một hệ thống điện toán chưa từng tồn tại trước đó, cùng với đối tác mà không phải ai cũng có thể đồng hành - đó là chính phủ Mỹ.  

Điều mà Jeff theo đuổi đó là “nền tảng”. Giống như giao thông hay năng lượng, Jeff muốn công nghệ điện toán đám mây mà mình phát triển trở thành một “nền tảng” căn bản - điều sẽ trở thành không thể thiếu cho các công ty khác dựa vào để phát triển. Tương tự như Amazon ở những phiên bản đầu tiên, khi bạn tạo ra được sân chơi, mọi người sẽ tham gia và phải theo luật của bạn, đó là “sức mạnh”.

Nguồn: Amazon Empire The Rise and Reign of Jeff Bezos – FRONTLINE

Nguồn: Amazon Empire The Rise and Reign of Jeff Bezos – FRONTLINE

Một hợp đồng 600 triệu USD, trong 10 năm với Cơ quan Tình báo Trung ương C.I.A, được ký kết vào tháng 10 năm 2013. Amazon sẽ giúp C.I.A tạo dựng hệ thống bảo mật điện toán đám mây.

Hợp đồng này mang đến hai ý nghĩa. Thứ nhất, về giá trị kinh tế. Thứ hai, một ý nghĩa lớn hơn rất nhiều, đó là mọi hoài nghi về chất lượng, hiệu quả và độ bảo mật của hệ thống từ Amazon đều sẽ bị loại bỏ. Thông điệp cho thế giới đó là: “Nếu C.I.A tin Amazon, các cá nhân hay chính phủ khác cũng có thể làm thế”. Và tất nhiên, chuỗi Domino đã đổ vào lòng Amazon. Hàng trăm nhãn hiệu “siêu size” và hàng ngàn các doanh nghiệp các cỡ đã “gửi gắm” mình cho Amazon.

35 tỉ USD là doanh thu của AWS trong năm 2019. Amazon có nhiều bước tiến trong quá trình hình thành, tuy nhiên, hàng tỉ USD đến từ AWS là nấc thang cho công ty chuyển mình. Đây là bước chuyển mình đặc biệt lớn cho Amazon nói chung và Jeff Bezos nói riêng khi đế chế “có thể bán mọi thứ” bước sang “có thể làm mọi thứ”.

ALEXA – TRỢ LÝ ẢO, NGƯỜI ĐƯA AMAZON “THỐNG TRỊ” TRÍ TUỆ NHÂN TẠO

“Tôi tin rằng vấn đề bảo mật chính là vấn đề phổ biến và quan trọng nhất trong thế kỷ 21”.

– Jeff Bezos –

Chia sẻ đam mê bất tận của một bộ phận lớn người dân Mỹ với loạt phim huyền thoại về không gian StarTrek (các phần phim nói về du hành vũ trụ), Jeff đã ấp ủ một thiết bị, với trí thông minh nhân tạo có thể lắng nghe, suy nghĩ và thậm chí là ra quyết định cho con người như chiếc máy tính trong bộ phim nói trên.

 Trong thời gian gần đây, nhiều câu chuyện về trí tuệ nhân tạo, điển hình là ví dụ bởi chat GPT khiến câu chuyện AI và những ứng dụng của thứ công nghệ tương lai này trở nên vô cùng nóng bỏng. Nhưng xuyên suốt cả quãng đường dài, Amazon mới chính là kẻ “vững chân” và có những bước đi nhảy vọt.

Vào năm 2014, Alexa ra đời. Cô “trợ lý ảo” này đã có sự kết nối với hàng triệu gia đình. Alexa có thể trả lời những câu hỏi cơ bản, trao đổi các nội dung tin tức, thông báo tình hình thời tiết và…hát. Và nếu như bạn ở trong một ngôi nhà có các thiết bị có thể kết nối mạng, việc “nhờ” cô trợ lý ảo này bật/tắt điện, hẹn giờ lò nướng sẽ là điều hết sức dễ dàng. Người tiêu dùng có sự hỗ trợ hết sức hữu ích.

Ở chiều ngược lại, Alexa được “giáo dục” và học hỏi rất nhiều từ hàng vạn người dùng một cách rất tự nhiên. Cứ mỗi một câu hỏi từ người dùng, với sự thay đổi về giọng nói, câu từ…lại làm thuật toán của Alexa trở nên hoàn thiện hơn. Và “mỏ vàng” dữ liệu này liên tục được chính khách hàng mang đến cho Amazon. Đây chính là thời điểm Amazon bước lên vũ đài thống trị lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Nguồn: Amazon Empire The Rise and Reign of Jeff Bezos – FRONTLINE

Nguồn: Amazon Empire The Rise and Reign of Jeff Bezos – FRONTLINE

Cơ chế hoạt động của “vòng tròn xanh” (trạng thái khi Alexa hoạt động) đó là ghi lại những âm thanh mà nó nhận được. Việc Alexa kích hoạt sẽ ghi nhận những câu hỏi, mệnh lệnh đi kèm với đó là những cuộc trò chuyện khác mà nó không phân biệt được. Chính vì vậy, câu chuyện rò rỉ thông tin riêng tư, dữ liệu cá nhân gây lo ngại cho nhiều người, trong đó có cả những nhân viên cấp cao của Amazon.

 Nhưng “điên rồ” hơn, sau đó không lâu, Amazon cho ra đời Echo loop. Đây là một chiếc nhẫn, tích hợp trí tuệ nhân tạo với các tính năng như một Alexa – nhưng là bản nâng cấp. Thậm chí, chiếc nhẫn này sẽ đi cùng bạn đến khắp mọi nơi, lắng nghe mọi câu chuyện, ghi nhận mọi con đường thay vì chỉ ở phạm vi gia đình.

Bà Shoshana Zuboff, Giáo sư Đại học Harvard, chuyên gia về các vấn đề kỹ thuật số: "Chưa từng có một kiểu quyền lực nào như vậy tồn tại. Nó lan rộng ở quy mô rất lớn nhưng âm thầm nhất có thể - từ đó hòa vào cuộc sống hằng ngày". 

Vấn đề bảo mật, quyền riêng tư cũng là câu chuyện mà Jeff Bezos phải vật lộn trong hơn 20 năm. Ông nói: “Tôi tin rằng vấn đề bảo mật chính là vấn đề phổ biến và quan trọng nhất trong thế kỷ 21”.

Trong một thế giới “số”, việc công nghệ “trắng” phát triển cũng là lúc những mảng “đen” trỗi dậy. Hàng loạt vụ việc liên quan đến việc hack vào các thiết bị của người dùng được thông tin. Lọt lộ thông tin cá nhân, bị theo dõi thông qua các thiết bị điện tử…đây là vấn đề vô cùng nguy hiểm. Và Amazon cùng Jeff Bezos đang phải cùng nhau chiến đấu với vấn đề này.

“Jeff Bezos đưa Amazon đến với thế giới từ một “giấc mơ” và hiện tại đang đưa thế giới vào một “phép màu” tiếp theo”, đây là lời của Warren Buffett, CEO huyển thoại của Berkshire Hathaway khi được hỏi về đối tác của mình.

CHẠM VÀO KHÔNG GIAN VÀ “CỨU TRÁI ĐẤT” 

Ngày 20/7/2021, Jeff Bezos đã bay lên rìa vũ trụ, trở thành tỷ phú thứ hai thám hiểm không gian trên chính tàu vũ trụ của mình.

Trở lại với giấc mơ của Jeff Bezos trong những ngày ấu thơ.

 Jeff Bezos chia sẻ, sự kiện phóng tàu Apollo mà ông xem ngày bé đã có ảnh hưởng rất lớn đến mình. Và dù là 5 tuổi hay 50 tuổi, niềm đam mê, ước ao đó chưa từng biến mất.

Con tàu Apollo thám hiểm không gian. Nguồn: 20_cradleofaviation

Con tàu Apollo thám hiểm không gian. Nguồn: 20_cradleofaviation

Với mong muốn “đời sau tốt hơn đời trước”, chúng ta dần sử dụng cạn tài nguyên và vấn đề này đã nảy sinh trong suốt quá trình phát triển và tồn tại của con người. Và khi có đủ tiềm lực trong tay, thêm những lý do để Jeff càng muốn bước vào vũ trụ bởi sự giới hạn của những nguồn lực, của năng lượng trên trái đất. Một nguồn lực gần như là vô tận đang nằm ngay phía trên chúng ta, trong chính hệ mặt trời. Chính vì vậy, chúng ta không thể dậm chân tại chỗ giữa thế giới đang dần cạn kiệt tài nguyên mà phải hướng đến sự bùng nổ và phát triển.

 Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Charlie Rose vào năm 2000, Jeff Bezos đã mô tả, tôi muốn đặt mình vào một chiếc tên lửa, phóng ra ngoài không gian và xem xét một vài thứ. 

Tàu vũ trụ của Amazon. Nguồn: Theguardian

Jeff Bezos bay khỏi trái đất, chạm vào mơ ước của bản thân từ khi còn nhỏ. Nguồn: Blueorigin

Jeff Bezos bay khỏi trái đất, chạm vào mơ ước của bản thân từ khi còn nhỏ. Nguồn: Blueorigin

Vào năm 2000, giấc mơ ấp ủ từ nhỏ của Jeff Bezos chính thức được đặt một dấu mốc khi Blue Origin, LLC thành lập. Công ty có trụ sở tại Kent, Washington này sẽ gánh vác nhiệm vụ khám phá không gian của Jeff Bezos nói riêng và nước Mỹ nói chung và là nhà sản xuất các thiết bị hàng không vũ trụ của Mỹ. 

Và không chỉ là “chạm” vào không gian, Jeff còn muốn tạo ra những tiểu hành tinh, những “thuộc địa” quay quanh trái đất. Những “thuộc địa” này có môi trường sống lý tưởng quanh năm, hệ sinh thái đa dạng và đặc biệt là có thể dễ dàng đi về trái đất. Đồng thời, con người sẽ đưa những ngành công nghiệp nặng, ô nhiễm ra ngoài phạm vi trái đất. Và địa cầu sẽ chỉ là nơi để sinh sống, để tới trường và dành cho những việc nhẹ nhàng hơn. Và khi gánh nặng về sinh sống, lưu trú, tài nguyên, năng lượng…giảm tải, trái đất sẽ được cứu. Và tất nhiên, đi cùng những điều đó là những phép toán và hiệu quả kinh doanh vượt tầm trái đất.

Đây là tầm nhìn của người đàn ông giàu nhất hành tinh.

Vào ngày 10/5/2019, Jeff Bezos đã giới thiệu con tàu vũ trụ Blue Moon. Ông nói về uớc mơ chinh phục và thiết lập một nơi con người có thể sống trên Mặt trăng.

Nguồn: Amazon Empire The Rise and Reign of Jeff Bezos – FRONTLINE

Nguồn: Amazon Empire The Rise and Reign of Jeff Bezos – FRONTLINE

Blue Moon có khả năng sử dụng lâu dài, có thể nâng cấp và tải trọng cao để sử dụng đa mục đích như lưu trú và nghiên cứu. Nhìn theo một góc độ nào đó, đây như con tàu Noah của thời hiện đại. Và sau quá trình kinh doanh sách, thương mại điện tử, điện toán đám mây…thì hàng không vụ trụ sẽ giúp Jeff Bezos bước vào giấc mơ “bán lẻ” mặt trăng.

​Nhưng tầm nhìn xa cũng cần xây trên những nền tảng. Câu chuyện “vũ trụ” không thể chỉ do một vài cá nhân thực hiện mà cần sự chung tay của đông đảo những người có chung mục tiêu. Dựa vào nguồn lực các bên để có thêm những “người khổng lồ” đứng lên vai nhau, chạm vào thượng tầng phía trên.

Jeff Bezos bay khỏi trái đất, chạm vào mơ ước của bản thân từ khi còn nhỏ. Nguồn: Blueorigin

Jeff Bezos bay khỏi trái đất, chạm vào mơ ước của bản thân từ khi còn nhỏ. Nguồn: Blueorigin

 Ngày 20/7/2021, Jeff Bezos đã bay lên rìa vũ trụ, trở thành tỷ phú thứ hai thám hiểm không gian trên chính tàu vũ trụ của mình. Các hành khách của chuyến thám hiểm là Jeff Bezos, em trai Mark Bezos cùng một số người khác cũng đã chính thức được chạm vào không gian như mong muốn của ông ngày bé.

 Jeff Bezos lại một lần nữa, như trong cả hành trình của mình với Amazon trước đó, muốn biến tập đoàn này trở thành “nền tảng” trong ngành công nghiệp vũ trụ. Cụ thể, hãng sẽ cung cấp, hay “bán buôn” dịch vụ tên lửa của mình cho các công ty khác, giống như đối thủ lớn nhất trong mảng này, Tesla của Elon Musk. Để từ đó, những ai có tham vọng khám phá không gian, khai thác vụ trụ sẽ không cần phải “loay hoay” với câu chuyện làm sao để ra tới không gian mà chỉ cần trăn trở những công việc tiếp theo. Và lời “chào hàng” này đi kèm với con tàu New Shepard - động cơ đẩy có thể tái sử dụng, với chi phí “phải chăng” mà Blue Origin mang đến.

Nhìn lại con đường đã đi, có thể thấy, thời điểm trước khi quyết định từ bỏ tất cả và nắm bắt cơ hội để tạo nên Amazon, Jeff Bezos là một người khá “điển hình”. Ông tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng, có một công việc tốt và giữ cuộc sống đó trên một đường thẳng. Câu chuyện chỉ bước sang trang mới khi chàng trai trẻ ngày đó quyết định từ bỏ tất cả những gì đang có để “bơi” theo dòng chảy của khoa học công nghệ. Một điểm chúng ta có thể nhìn thấy xuyên suốt sự nghiệp của tỉ phú 59 tuổi này, đó là sự nhạy bén và sáng suốt. Ông luôn nhìn thấy cơ hội trong sự thay đổi. Bên cạnh đó, Jeff dựa vào những kinh nghiệm (dù ít ỏi), phán đoán (nhiều khi không chắn chắn) và cả sự liều lĩnh của mình để bước chân vào những vùng đất mới.

 Tạo nên thứ chưa từng có, biến nó thành đặc biệt rồi khiến chúng trở thành cần thiết ở mức - nền tảng - điều không thể thiếu, từ đó chia sẻ tới cộng đồng. Đây là mô hình có thể thấy trên các hoạt động của Amazon dưới sự điều hành của Jeff Bezos trong gần 30 năm qua. 

Trong cuộc phỏng vấn với David Rubenstei (Luật sư, thương gia người Mỹ) năm 2019, Jeff Bezos có nói rằng danh hiệu “Người giàu nhất hành tinh” không có nhiều ý nghĩa với mình. Được gọi là nhà đầu tư, khởi nghiệp hay bố của những đứa trẻ mới là điều ông mong muốn. Những tâm sự này cho thấy, một tên gọi dù nhỏ nhưng có ý nghĩa với người đàn ông khởi nghiệp này còn hơn danh vị to lớn với cả thế giới, nhưng không chứa đựng nhiều ý nghĩa cuộc sống ở trong đó.

Năm 

Doanh thu

2009

$24,509

2010

$34,204

2011

$48,077

2012

$61,093

2013

$74,452

2014

$88,988

2015

$107,006

2016

$135,987

2017

$177,866

2018

$232,887

2019

$280,522

- Ngày xuất bản: 12/10/2023

- Chỉ đạo sản xuất: Việt Anh

- Nội dung: Trung Hiếu

- Trình bày: Uyển Hương

- Đồ họa: Tạ Lư