Kế hoạch Na-va

Ngày 22/4/1954, vị trí 206 đã bị quân ta tiêu diệt, bọn còn sống sót đang giơ tay xin hàng. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Ngày 22/4/1954, vị trí 206 đã bị quân ta tiêu diệt, bọn còn sống sót đang giơ tay xin hàng. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Trải qua gần 8 năm kể từ ngày nổ súng xâm lược trở lại Nam Bộ, cho đến mùa hè năm 1953, nước Pháp đã đổ vào cuộc chiến tranh trên bán đảo Đông Dương 2.130 tỷ franc, bị thu hút và giam chân ở chiến trường này hàng chục vạn quân chính quy. Đến tháng 11/1953, phía Pháp đã bị thiệt hại hơn 320 nghìn binh lính và sĩ quan (kể cả lính Âu-Phi và lính ngụy).

Cuộc chiến tranh hao người, tốn của kéo dài vẫn ở trong “đường hầm không lối thoát” đã khiến cho các tầng lớp nhân dân lao động Pháp - những người chịu tác động trực tiếp của chính sách thuế khóa, bình định..., liên tục đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh. Mặt khác, chính bản thân giai cấp cầm quyền Pháp cũng mâu thuẫn gay gắt. Trong 8 năm, nước Pháp đã 18 lần thay đổi Chính phủ. Vấn đề được xem như “căn bệnh mạn tính” của Pháp trong chiến tranh xâm lược Đông Dương là sự bế tắc về cách thức tiến hành chiến tranh.

Lính Pháp ở Điện Biên Phủ lũ lượt ra hàng, chiều 7/5/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Lính Pháp ở Điện Biên Phủ lũ lượt ra hàng, chiều 7/5/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Giờ đây, sau thất bại ở Tây Bắc Việt Nam và Thượng Lào, một lần nữa đòi hỏi Chính phủ Pháp tiến hành cải tổ bộ máy lãnh đạo và chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương, may chăng có được chính sách mới, tìm cho nước Pháp một “lối thoát danh dự”.

Với hy vọng đó, Hăng-ri Na-va, một vị tướng tài năng, đang giữ chức Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Lục quân Trung Âu thuộc khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) được điều sang giữ chức Tổng Chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương thay cho tướng Xa-lăng bị triệu hồi.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi H. Na-va sang Đông Dương thì viên thủ tướng thứ 18, Rơ-nê May-e từ chức và Chính phủ mới được thành lập do J. La-ni-en làm Thủ tướng. Được sự ủng hộ của Chính phủ mới, ngay sau khi sang Đông Dương, H. Na-va đã ráo riết hoạt động để nhanh chóng tìm ra một kế hoạch chiến lược mới, hy vọng xoay chuyển cục diện chiến tranh theo hướng có lợi cho Pháp.

Dựa theo ý đồ chính trị của Chính phủ Pháp và thái độ của tập đoàn cầm quyền Mỹ đối với cuộc chiến tranh Đông Dương và sau khi dành một thời gian nghiên cứu chiến trường, H. Na-va cố gắng tìm ra giải pháp cho những vấn đề gay cấn, bức xúc nhất đang đặt ra đối với bộ tổng chỉ huy Pháp ở Đông Dương, như: mâu thuẫn giữa phân tán binh lực ra các nơi để bình định, giữ đất với tập trung lực lượng để hình thành những binh đoàn cơ động chiến lược mạnh, có khả năng tiến hành những chiến dịch mạnh, những chiến dịch quy mô lớn; hoặc, mâu thuẫn giữa thực trạng binh lực có hạn, nhưng yêu cầu phải cùng lúc giữ vững cả ba vùng quan trọng về chiến lược ở Bắc Đông Dương là: đồng bằng Bắc Bộ, Lai Châu (Tây Bắc) và Luông Phrabăng, Cánh Đồng Chum (Thượng Lào)...

Ngày 24/7/1953, H. Na-va trình bày một chương trình hành động mới trước Hội đồng Quốc phòng tại Paris. Bản chương trình hành động gồm hai phần chính: Phần thứ nhất nói về những điều kiện chính trị chi phối kế hoạch quân sự. Phần thứ hai là kế hoạch quân sự.

Về kế hoạch quân sự, việc đầu tiên là Na-va xác định “tìm một lối thoát ra khỏi sự bế tắc ở Đông Dương”. Theo viên tướng này thì “lối thoát” chỉ có thể là “lối thoát chính trị”, tức là phải tạo nên những điều kiện quân sự làm cơ sở cho một giải pháp chính trị có danh dự đối với Chính phủ Pháp. Cụ thể là Pháp sẽ bằng mọi cố gắng để chứng minh cho “Việt Minh” biết rằng, nếu Pháp không thắng trong cuộc chiến tranh này, thì Việt Minh cũng không thể thắng Pháp bằng quân sự. Và, con đường tất yếu là hai bên phải nói chuyện với nhau trên bàn hội nghị. H. Na-va cho rằng: Muốn có giải pháp chính trị tốt thì điều kiện quân sự của cuộc chiến tranh là phải bảo vệ những vị trí của chúng ta và cải thiện nó trong điều kiện có thể.

Kế hoạch quân sự của H. Na-va nêu rõ hai vấn đề: tổ chức quân đội và tác chiến.

Về tổ chức quân đội, từ nghiên cứu thực tế, tương quan lực lượng giữa quân khối liên hiệp Pháp với “bộ đội Việt Minh”, H. Na-va khẳng định: điều chủ yếu là phải xúc tiến xây dựng một quân đoàn tác chiến mạnh và một lực lượng tổng dự bị chiến lược đông đảo. Theo H. Na-va thì quân đoàn tác chiến gồm 6 sư đoàn bộ binh và 1 sư đoàn dù, được biên chế thành 24 binh đoàn cơ động (trong đó có 12 binh đoàn quân ngụy Việt Nam), 3 binh đoàn dù. Để có lực lượng tổ chức các binh đoàn cơ động, phải thực hiện 2 yêu cầu:
1. Rút các đơn vị Âu-Phi đang phân tán đóng giữ các vị trí về làm nhiệm vụ tác chiến cơ động; thay vào đó là các đơn vị quân bổ sung Âu-Phi hoặc quân ngụy chính quy.
2. Tuyển mộ quân bổ sung (Âu-Phi) và phát triển nhanh quân ngụy.

Về tác chiến, H. Na-va chủ trương: trong đông xuân 1953-1954 tránh giao chiến toàn bộ với chủ lực đối phương, tập trung vào việc tổ chức quân đoàn tác chiến mạnh; đến chiến cuộc 1954-1955 (khi quân đoàn cơ động tác chiến đủ mạnh) sẽ tiến hành giao chiến toàn bộ với đối phương. Xét trên hai khu vực miền bắc và miền nam (lấy vĩ tuyến 18 - Đà Nẵng làm ranh giới), Na-va định ra kế hoạch tác chiến 2 năm tới cụ thể như sau:
- Trong chiến cuộc 1953-1954 thực hiện phòng ngự chiến lược ở phía bắc vĩ tuyến 18, tránh giao chiến toàn diện; nhưng cố gắng thực hiện tiến công ở phía nam vĩ tuyến 18, nhằm bình định miền nam và miền trung Đông Dương, đặc biệt là tiến công chiếm đóng vùng tự do Liên khu 5.
- Sau khi đã có được ưu thế về lực lượng cơ động, từ mùa thu 1954 sẽ chuyển lên tiến công phía bắc vĩ tuyến 18, tạo nên một cục diện quân sự khiến cho Pháp có được một giải pháp chính trị cho cuộc chiến tranh.

Bản kế hoạch chiến lược của H. Na-va được chính giới Pháp và Mỹ đánh giá rất cao, được mang tên là “kế hoạch Na-va".

Tù binh Pháp ở Điện Biên Phủ được áp giải về hậu phương. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Tù binh Pháp ở Điện Biên Phủ được áp giải về hậu phương. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Để thực hiện kế hoạch tác chiến phòng ngự chiến lược ở phía bắc vĩ tuyến 18 và tiến công ở chiến trường phía nam, trong 2 năm 1953-1954, Bộ Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương định ra hai giai đoạn tác chiến cụ thể như sau:

+ Giai đoạn thứ nhất (hè-thu 1953), Pháp tập trung bình định đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ; đồng thời mở những cuộc hành quân lên miền Tây Bắc và Lào nhằm quấy rối hậu phương của ta, mở rộng vùng chiếm đóng ra các vùng chung quanh Luông Phrabăng, Cánh Đồng Chum.
+ Giai đoạn hai (mùa khô 1953-1954), tiến hành những chiến dịch lớn nhằm phá hoại các cuộc tiến công của ta trong mùa khô và mở những chiến dịch lớn nhằm đánh chiếm vùng tự do của ta ở phía nam vĩ tuyến 18.

Với những âm mưu, thủ đoạn kể trên, ngay từ khi sang Đông Dương (tháng 5/1953) đến đầu mùa thu, trên các chiến trường Đông Dương đã diễn ra nhiều cuộc hành quân nhằm càn quét vùng địch hậu hoặc quấy rối hậu phương ta. Cuộc đấu tranh giữa ta và địch cũng vì thế mà trở nên gay go quyết liệt.

Tù binh Pháp bị quân ta bắt trong đợt tấn công thứ hai vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Tù binh Pháp bị quân ta bắt trong đợt tấn công thứ hai vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Nguồn: Sách "Điện Biên Phủ - Mốc vàng thời đại", NXB Thông tin và Truyền thông, 2018, tr40-tr42
Ảnh: TTXVN
Trình bày: VŨ HẢI