
Để cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đại thắng, Chiến dịch Tây Nguyên được xác định là phát súng mở đầu, tiền đề then chốt. Thế nhưng, vào giai đoạn cuối năm 1974, đầu năm 1975, “bài toán” hàng đầu phải giải quyết là làm thế nào để mở và giữ được các tuyến đường vận chuyển tiếp cận vùng đất đỏ bazan?
50 năm sau ngày Giải phóng, Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Chính ủy Binh đoàn 12 – nhân chứng sống cho những ngày mở đường bí mật cho chiến dịch 275 vẫn nhớ như in quãng thời gian đặc biệt này.
TỪ VIỆC LẦN ĐẦU TIÊN THÀNH LẬP SƯ ĐOÀN Ô-TÔ PHỤC VỤ CHO MẶT TRẬN TÂY NGUYÊN
Năm nay đã ở độ tuổi "xưa nay hiếm", nhưng Thiếu tướng Võ Sở vẫn rất minh mẫn. Ông có thể ngồi cả giờ để kể chuyện bộ đội xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước ra sao. Biết chúng tôi quan tâm tới chuyện liên quan tới chiến dịch Tây Nguyên, vị tướng quân già lẩn mẩn lục lại tập tư liệu dày cộp, mang ra bức ảnh trắng đen đã xạm màu để dẫn chuyện.
“Khoảng đầu năm 1975, tôi được giao nhiệm vụ làm Phó Chủ nhiệm Chính trị, Đảng ủy viên Bộ Tư lệnh Trường Sơn, phái viên chiến trường. Lúc này, để trực tiếp phục vụ cho chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, Bộ Tư lệnh tiền phương đã khẩn trương được thành lập”, Thiếu tướng Võ Sở nhớ lại.
Tướng Sở, khi ấy đang mang quân hàm Thượng tá không chỉ là cán bộ chỉ huy tác chiến mà còn trực tiếp “đứng mũi, chịu sào” công tác hậu cần, kỹ thuật và vận tải.
“Đó là một Bộ Tư lệnh tiền phương đặc biệt”, ông kể, giọng trầm xuống giữa căn phòng nhỏ nơi góc phố Hà Nội. “Chúng tôi không chỉ đánh, mà còn phải lo đường, lo xe, lo từng chuyến hàng – từng nhịp thở của chiến dịch”.
Để đảm nhiệm nhiệm vụ nặng nề này, ngay lập tức, một hệ thống tổ chức hậu cần chưa từng có trong lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam được hình thành. Bộ Tư lệnh tiền phương bao gồm 3 Sư đoàn: Sư đoàn công binh 479 – mở đường; Sư đoàn bộ binh 968 – bảo vệ và giữ chốt; Sư đoàn ô-tô 471 có nhiệm vụ đưa hàng trăm tấn đạn pháo, lương thực, vũ khí vào sâu trong lòng địch. Bên cạnh đó, 2 trung đoàn công binh 574 và 575 cũng ra đời để phục vụ việc mở đường, bảo đảm thông suốt toàn tuyến.
“Đó là một dấu son hiếm có”, Thiếu tướng nhấn mạnh, đồng thời giải thích: Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, ta có những đơn vị ô-tô vận tải được tổ chức quy mô sư đoàn để phục vụ chiến đấu.
Thiếu tướng Võ Sở
nguyên Chính ủy Binh đoàn 12
Đoàn xe ô-tô trên đường Trường Sơn. (Ảnh tư liệu)

Cũng chính nhờ quyết định sáng suốt này, bộ đội ta cùng hàng nghìn tấn khí tài, kỹ thuật đã nối đuôi nhau lên Cao nguyên Trung phần trong an toàn và bí mật. Cụ thể, Sư đoàn 316 đã được Sư đoàn ô-tô 471 cơ động toàn bộ đội hình tập kết quanh đường 19. Cùng thời điểm, Sư đoàn 968 từ Hạ Lào cũng được đưa về Gia Lai, Kon Tum thay chân Sư đoàn 10 tác chiến nghi binh ở hướng bắc chiến dịch.
Thiếu tướng Võ Sở đặc biệt nhớ rõ chuyến vận chuyển hơn 100 tấn đạn pháo tới trận địa pháo để mở màn cho trận đánh Đức Lập [nay là huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông-PV]. Đây cũng chính là trận đánh mở màn cho toàn chiến dịch Tây Nguyên tháng 3/1975.
Dù đã ở độ tuổi "xưa nay hiếm", nhưng Thiếu tướng Võ Sở vẫn đặc biệt minh mẫn.
Dù đã ở độ tuổi "xưa nay hiếm", nhưng Thiếu tướng Võ Sở vẫn đặc biệt minh mẫn.
Từ ngày 4/3/1975, Sư đoàn vận tải 471 nhận được nhiệm vụ mới. Đó là phải tổ chức lực lượng, bí mật cơ động, đưa hơn 100 tấn đạn pháo về các vị trí tập kết để chuẩn bị tấn công Đức Lập.
Thời gian vô cùng khẩn trương. Các đoàn xe được ngụy trang âm thầm lên đường. Để kịp giờ, các xe được phép chạy lấn thêm vào đầu giờ sáng cũng như cuối giờ chiều hằng ngày. Tới điểm nghi có địch, lái xe buộc phải tắt đèn, chạy bằng… trí nhớ. Khó khăn, vất vả là thế, nhưng chẳng ai lùi bước. Tất cả chỉ có quyết tâm đưa hàng tới trận địa kịp giờ. Cứ thế, từng chiếc xe cũ kỹ lặng lẽ tiến quân. Gió quất rát mặt, bụi mù che mắt, nhưng không ai trong số họ kêu ca một lời.
Nhờ công tác hậu cần kịp thời, ngày 9/3/1975, bộ đội địa phương và lực lượng du kích đã phối hợp với Sư đoàn 10 và 316 bộ đội chủ lực đồng loạt nổ súng đánh vào Đức Lập. Sau 2 ngày đêm anh dũng chiến đấu, quân ta đã chiếm được quận lỵ; tiêu diệt và làm tan rã phần lớn quân địch, bắt sóng 100 binh sĩ, thu giữ 4 khẩu pháo, 20 xe tăng và thiết giáp địch.
Đây cũng là chiến thắng quan trọng góp phần đẩy khí thế tiến công trên toàn chiến trường, mở ra bước ngoặt quan trọng cho chiến dịch Tây Nguyên nói riêng, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử nói chung.
Lực lượng Thanh niên xung phong Trị Thiên mở đường Trường Sơn, nối liền hệ thống giao thông liên tỉnh phục vụ sản xuất và đời sống vùng giải phóng. (Ảnh: TTXVN)
Lực lượng Thanh niên xung phong Trị Thiên mở đường Trường Sơn, nối liền hệ thống giao thông liên tỉnh phục vụ sản xuất và đời sống vùng giải phóng. (Ảnh: TTXVN)
Sáng mai thôi, những con đường ấy sẽ cùng bộ đội xông pha trận lớn.
… ĐẾN CHUYỆN MỞ ĐƯỜNG NHƯNG KHÔNG ĐƯỢC LÀM… ĐỔ CÂY
Kể đến dấu mốc chiến thắng Đức Lập ngày 9/3/1975, ký ức của vị tướng già bỗng… quay trở lại bộ đội Trường Sơn ta đã… mở đường khéo và giỏi đến thế nào. Ông bảo, bên cạnh việc thành lập các sư đoàn vận tải ô-tô, lực lượng công binh ta cũng đã phát huy hết sức mình để góp phần vào chiến thắng Tây Nguyên.
Cụ thể, từ tháng 2/1975, các Trung đoàn công binh 574, 575 liên tục mở các tuyến đường từ Gia Lai xuống Đắk Lăk, đặc biệt các trục dọc gồm đường 50B, 50C, 50D tiếp cận Buôn Ma Thuột; đồng thời sửa sang và khôi phục các tuyến đường hư hỏng khác.
Đặc biệt, để không bị lộ, công binh ta chia thành từng nhóm nhỏ, mang theo cưa rồi cưa sát từng gốc cây to trên trục đường dài 20km hướng về Buôn Ma Thuột.
“Chúng tôi chỉ cưa già nửa, nhưng vẫn để lại một phần để cây không đổ. Nhìn từ bên ngoài, rừng cây vẫn xanh tốt nhưng chỉ cần có hiệu lệnh, xe ta sẽ xô đổ rừng để xông lên”, Thiếu tướng Võ Sở tâm đắc.
Ông kể, đêm trước ngày nổ súng tấn công Buôn Mê Thuật, cả đơn vị bồn chồn đến mất ngủ. “Sáng mai thôi, những con đường ấy sẽ cùng bộ đội xông pha trận lớn”, ông nói, giọng nghẹn ngào.
Chính nhờ cách làm sáng tạo, có một không hai ấy, những tuyến đường huyết mạch đã được mở, tạo thành gọng kìm thép xiết chặt Buôn Ma Thuột. Đúng 2 giờ 3 phút ngày 10/3, quân ta bắt đầu tiến công Buôn Ma Thuột.
Tới 11 giờ trưa cùng ngày, cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã được kéo lên trên cột cờ của Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy, quân ta làm chủ hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột, hoàn thành trận đánh then chốt quyết định thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ đội Trường Sơn đã san lấp 78.000 hố bom, đào đắp 29 triệu m³ đất đá để xây dựng hệ thống đường với 5 trục dọc, 21 trục ngang, dài gần 20.000 km. Họ đã tạo nên “dòng sông mang lửa” dài gần 15.000 km; phá hàng chục vạn bom mìn; tổ chức hơn 2.500 trận đánh bộ binh; đánh trả 133.000 cuộc tập kích đường không; hứng chịu hơn 4 triệu tấn bom đạn và hàng triệu lít chất độc hóa học; bắn rơi 2.455 máy bay địch; vận chuyển hơn 1 triệu tấn vũ khí, đạn dược, hậu cần; tổ chức hành quân an toàn cho hơn 2 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ vào các chiến trường.