Đền Trấn Vũ (Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội) lâu nay vốn được coi là nơi gìn giữ những di sản quý. Ngoài kiến trúc đặc sắc và những di vật quý, tiêu biểu là tượng Đức Huyền Thiên Trấn Vũ, đền còn là nơi gắn với di sản văn hóa phi vật thể Kéo co ngồi, với những ý nghĩa độc đáo về tâm linh và về những khát vọng mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt từ nhiều đời nay của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng.
Độc đáo di sản Kéo co ngồi
Đền Trấn Vũ được được công nhận di tích quốc gia năm 1990. Lễ hội đền Trấn Vũ được tổ chức thường niên từ ngày 1/3 đến hết ngày 4/3 Âm lịch hằng năm. Chính hội diễn ra vào ngày 3/3 Âm lịch - ngày sinh của Đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ.
Lễ hội ôn lại những truyền thuyết từ ngàn xưa về Đức Thánh, vị thần tiêu trừ yêu ma, bảo vệ dân lành, giữ sự bình yên cho muôn dân, vạn vật và cũng là vị thần trị thủy, chống lũ lụt trong quan niệm tâm linh của người dân.
Đền Trấn Vũ có tên chữ là “Trấn Vũ quán” hay “Hiển linh Trấn Vũ quán”. Đền nằm ngay sát phía trong đê sông Hồng thuộc xóm Đìa, thôn Ngọc Trì, xã Thạch Bàn, huyện Gia Lâm, nay thuộc tổ 5, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội.
Đây là hoạt động mang bản sắc văn hóa truyền thống, nhằm biểu hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ánh những ước mơ, khát vọng của con người, mong muốn có cuộc sống an bình, tốt đẹp.
Lễ hội đồng thời là sinh hoạt văn hóa xuất phát từ nhu cầu cuộc sống của con người, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, hướng về nguồn cội và là nơi giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ tương lai.
Sau màn dâng hương là nghi lễ kéo co ngồi - một trong những giá trị văn hóa độc đáo của lễ hội Đền Trấn Vũ, và cũng là tín ngưỡng có từ lâu đời.
Theo các cụ cao niên, kéo co ngồi là trò diễn hầu Đức Thánh Linh Lang - vị thành hoàng làng. Theo đó, các đội chơi ngồi trên đất kéo co bằng dây song luồn qua một cây cột gỗ được chôn chặt xuống đất. Người kéo co ngồi chân co chân duỗi và xen kẽ hai bên sợi song, dùng tay để ghì chặt cây song, chân đạp thành hố sâu dưới đất để tạo lực. Dây song để kéo thường to, nhẵn, dài 30m, được nêm chặt ở lỗ cột. Cột mốc là một cột trụ, thường là gỗ lim, cỡ cột đình. Thân cột đục một lỗ tròn để luồn dây song. Cột chôn chắc dưới đất, lỗ luồn dây ở ngang đầu gối người lớn.
Hằng năm ở lễ hội đền Trấn Vũ thường có 3 đội tham gia, đó là 3 mạn: mạn Đường, mạn Chợ và mạn Đìa. Trước khi lễ trình diễn kéo co diễn ra, các mạn chuẩn bị lễ vật gồm mâm xôi, thủ lợn phủ mỡ chài rắc hoa hồng và tập trung trước sân đền làm lễ. Thông qua trò chơi và nghi lễ kéo co, người dân cầu cho mưa thuận, gió hòa và mùa vụ bội thu.
Đền Trấn Vũ có tên chữ là “Trấn Vũ quán” hay “Hiển linh Trấn Vũ quán”. Đền nằm ngay sát phía trong đê sông Hồng thuộc xóm Đìa, thôn Ngọc Trì, xã Thạch Bàn, huyện Gia Lâm, nay thuộc tổ 5, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội.
Đền Trấn Vũ được xây dựng trên thế đất Quy Xà hội tụ và nhìn về hướng Bắc. Trên đồng có gò đất nổi lên được coi là hình Rùa. Sau đền và chùa là đê sông Hồng, được coi là hình Rắn (hay Rồng). Cũng theo sự tích, thì Thần Trấn Vũ đã thu phục yêu Rắn và yêu Rùa, vì thế hình tượng Trấn Vũ có kèm hình Rắn quấn trên thanh kiếm Thất Tinh chống trên lưng Rùa. Theo một số nhà nghiên cứu thì Rắn và Rùa thuộc loài vẩy ráp, chủ về nguồn nước, lạnh, tà, âm. Trấn Vũ diệt yêu Rắn, yêu Rùa được coi là biểu tượng Thần chống lụt. Theo quan niệm Đạo giáo, thần Huyền Thiên Trấn Vũ có nhiệm trấn giữ phương Bắc và biểu tượng cho mùa Đông.
Sự tích được ghi tại Đền Trấn Vũ, Thạch Bàn trên bia đá có nội dung tóm tắt như sau: Trải qua 4 lần giáng sinh và tu hành tại các nước khác nhau, Ngài đã đắc đạo và có công lớn trong việc diệt trừ yêu quái, giúp trời yên biển lặng, dân cư yên ổn, vạn vật sinh sôi. Ngài còn phù hộ việc phá giặc phương Bắc xâm lược, giúp nước, đỡ dân, công đức to lớn vô cùng. Từ thời Thục Phán An Dương Vương đến nay, các triều đại đều sắc phong cho ngài là Thượng đẳng thần, cấp đất đai, hương hỏa để phụng thờ.
Nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa cho thấy, ý nghĩa của trò diễn nghi lễ kéo co ngồi mang tính tâm linh, thể hiện mong muốn của cộng đồng là đội nào thắng sẽ mang lại điều may mắn cho làng xóm. Tức là thông điệp của họ đã đến với đức Thánh, đức Thánh đã nhận được và ban cho họ những điều tốt lành.
Nghi lễ truyền thống được UNESCO ghi nhận
Ngày 2/12/2015, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 10 của UNESCO diễn ra tại thành phố Windhoek, nước Cộng hòa Namibia, Nghi lễ và trò chơi Kéo co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đại diện của Việt Nam là nghi lễ Kéo co ngồi ở lễ hội đền Trấn Vũ và 4 tỉnh, thành phố: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh.
Đây là hồ sơ di sản đa quốc gia đầu tiên mà Việt Nam tham gia đệ trình và được UNESCO ghi danh. Việc ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia thể hiện sự quan tâm và đánh giá cao của UNESCO đối với cách tiếp cận mới của các quốc gia về di sản có chung đặc trưng cũng như sự chung tay bảo vệ di sản của các quốc gia thành viên đệ trình hồ sơ đa quốc gia
Theo hồ sơ của Cục Di sản văn hóa, nghi lễ và trò chơi kéo co nói chung gắn với nền nông nghiệp cổ xưa của dân tộc ta, bắt nguồn từ nghi lễ cầu mùa của cư dân trồng lúa. Sinh sống dựa vào nghề nông, từ xa xưa nhân dân ta đã tôn thờ những lực lượng tự nhiên như thần sông nước, thần mặt trời, mặt trăng, mây, mưa, sấm, chớp... và tiến hành các lễ nghi nông nghiệp cổ truyền để ước nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng no ấm.
Bởi vậy, kéo co hiện diện lâu đời ở nhiều cộng đồng như một trò diễn - nghi thức quan trọng trong các lễ hội làng, tổ chức vào dịp đầu xuân, nhằm chính thức khép lại một chu trình nông nghiệp và khởi đầu cho một mùa vụ mới. Kéo co phổ biến rộng rãi ở nhiều nơi, từ miền bắc đến miền nam, từ đồng bằng đến miền núi.
Ở Việt Nam, nghi lễ và trò chơi kéo co tập trung hầu hết ở vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ - cái nôi của nền văn minh lúa nước, văn minh sông Hồng. Kéo co cũng được một số tộc người miền núi phía bắc Việt Nam thực hành thường xuyên, như người Tày, Thái, Giáy - vốn là những cư dân trồng lúa sớm trong lịch sử.
Người Việt gọi “kéo co” bằng nhiều tên như “kéo song”, “kéo mây”, “kéo co ngồi”, “kéo mỏ”, người Tày gọi là “Nhanh vai”, “pẻng luông”, người Giáy là “So vai”, người Thái là “Nạ bai”.
Không chỉ phong phú về tên gọi, vật liệu, cách thức chơi cũng như ý nghĩa biểu tượng của kéo co rất đa dạng. Từ những loài thực vật sinh trưởng trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, gió mùa, người dân đã chọn lựa ra các loài cây thích hợp như cây tre, cây song, cây mây... làm vật liệu kéo và dây kéo co, cũng như sáng tạo nên những cách thức kéo co sinh động.
Nhìn chung có hai cách kéo co chính: Kéo co ngồi (người chơi ngồi trong hố đào vào mặt đất, chân tỳ vào điểm tựa phía trước để kéo một sợi dây ở hai hướng ngược nhau) và kéo co ở tư thế đứng. Người Tày, người Thái thường dùng dây mây hoặc sợi dây rừng để kéo trực tiếp, trong khi người Việt lại có tục kéo sợi dây song hay dây thừng luồn qua một cột gỗ… Quy tắc chọn lựa người tham gia kéo co cũng có nhiều biến thể khác nhau, phản ánh những yếu tố tộc người.
Theo Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể Nghi lễ và trò chơi Kéo co đáp ứng những tiêu chí sau để đăng ký vào Danh sách đại diện:
Nghi lễ và trò chơi Kéo co của của các cộng đồng liên quan trong hồ sơ đề cử là một tập quán xã hội có giá trị tạo ra sự bình đẳng; các biểu hiện thực hành đa dạng ở từng quốc gia thành viên; một số tri thức và kỹ năng được trao truyền qua truyền khẩu hoặc thông qua quan sát và tham gia trực tiếp, một số lại được truyền dạy tại các trung tâm đào tạo, trường học và các viện bảo tàng;
Thông qua các biểu hiện thực hành đa dạng cũng như sự thích ứng với điều kiện sinh thái ở mỗi cộng đồng, việc đề cử di sản có thể làm sáng tỏ vai trò quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể trong phát triển bền vững, cũng như giá trị của hằng số tái tạo dựa trên sự sáng tạo của con người; bản thân hồ sơ đề cử có giá trị như một dự án hợp tác giữa bốn quốc gia thành viên, cung cấp bằng chứng về giá trị của di sản này đối với việc khuyến khích đối thoại liên văn hóa;
Các biện pháp bảo vệ được xây dựng rõ ràng thông qua việc thiết lập kế hoạch, bao gồm các hoạt động cụ thể đáp ứng tình hình của từng quốc gia thành viên và của từng cộng đồng liên quan; bên cạnh đó là các biện pháp ứng phó với tình trạng không mong muốn như thương mại hóa di sản;
Hồ sơ đề cử được chuẩn bị với sự tham gia đầy đủ của các cộng đồng chủ thể, các nhóm, cá nhân, các chuyên gia và các cơ quan liên quan; đa dạng theo tình hình cụ thể của mỗi nước đệ trình; với các minh chứng thể hiện sự đồng thuận và tự nguyện đối với việc đề cử;
Nghi lễ và trò chơi Kéo co đã được kiểm kê tại các quốc gia thành viên: Hàn Quốc (1969), Campuchia (2013), Philippines (2013) và Việt Nam (2013).
Bảo tồn và phát huy giá trị của di sản
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, cho đến nay người dân ở Thạch Bàn vẫn giữ gìn và lưu truyền được nghi lễ trò chơi kéo co gắn với lễ hội đền Trấn Vũ của mình. Với những giá trị và sức sống bền bỉ, nghi lễ “Kéo co ngồi” trong lễ hội ở đền Trấn Vũ đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ ngày 19/12/2014.
Là nghi lễ gắn liền với tâm linh và nguyện vọng của cộng đồng, kéo co ngồi đã được chính những người dân Thạch Bàn lưu giữ và truyền qua nhiều thế hệ. Sau khi được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể năm 2015, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và quận Long Biên đã quy hoạch một khu đất rộng 4.000 m2 ngay trước cửa đền Trấn Vũ, xây dựng thành bãi kéo co và phục vụ lễ hội đền Trấn Vũ.
Từ năm 2018, quận Long Biên đã triển khai chương trình đưa học sinh các trường học trên địa bàn quận đến tìm hiểu đền Trấn Vũ và di sản kéo co ngồi. Hàng nghìn học sinh của 15 trường học trên địa bàn quận đã được tham dự tìm hiểu về di sản, cho thấy sự đón nhận và lan tỏa giá trị của di sản trong cộng đồng, nhất là trong giới trẻ. Trong số những đội kéo co trình diễn và thi hằng năm, có rất nhiều thanh niên địa phương, họ chính là lực lượng tiếp nối để gìn giữ di sản cha ông để lại.
Một trong những người tiêu biểu có công gìn giữ và truyền dạy các ý nghĩa và quy trình thực hành nghi lễ kéo co ngồi là cụ Nguyễn Văn Sê. Năm 2019, cụ từng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND phường Thạch Bàn, cho biết: “Đảng ủy, UBND phường Thạch Bàn cùng với cộng đồng là chủ thể của di tích đền Trấn Vũ và di sản “Kéo co ngồi” sẽ tiếp tục làm tốt hơn việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, để nghi lễ “Kéo co ngồi” tiếp tục được lưu truyền và gìn giữ được ý nghĩa thiêng liêng mà nó vốn có, không bị thương mại hóa trong quá trình phát triển, đô thị hóa”.
Không chỉ gìn giữ di sản trong khuôn khổ cộng đồng, người dân Thạch Bàn còn tham gia nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi với các cộng đồng kéo co khác ở trong nước và quốc tế, như giao lưu với cộng đồng kéo co đội kéo co Juldarigi đến từ Yeongsan, Hàn Quốc (Hiệp hội Bảo tồn nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống Hàn Quốc). Cộng đồng duy trì lễ hội ở đền Trấn Vũ còn phối hợp Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa và Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức những chương trình giao lưu trình diễn giữa các cộng đồng có thực hành kéo co ở Long Biên, Sóc Sơn…
Mới đây nhất, vào năm 2023, lần đầu tiên, Liên hoan, trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại - Nghi lễ và trò chơi kéo co diễn ra trong khuôn viên đền Trấn Vũ với sự tham gia của sự tham gia của gần 500 nghệ nhân và người thực hành nghi lễ và trò chơi kéo co đến từ các tỉnh Bắc Ninh, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Nội và Thành phố Dangjin (Chungcheongnam, Hàn Quốc). Ngoài trình diễn kéo co, Liên hoan còn bao gồm nhiều hoạt động liên quan như tọa đàm, hội thảo, trưng bày ảnh và hiện vật về kéo co…
Nhân dân là người sáng tạo ra di sản văn hóa, là người gìn giữ di sản văn hóa, đồng thời là người tiếp tục, truyền dạy, phát huy và cũng là người cổ vũ, tiếp tục phát huy giá trị của việc bảo vệ di sản.
Chia sẻ về việc gìn giữ di sản nghi lễ và trình diễn kéo co, PGS. TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, trò chơi kéo co có một thời gian gần như không được lưu giữ và trình diễn. “Các cộng đồng dân cư, thí dụ như Hòa Loan gần quê hương tôi, có một thời gian cứ vào dịp mùa xuân, người ta lại tổ chức trình diễn trò chơi kéo co rất rầm rộ. Nhưng bẵng đi mấy chục năm, trò chơi này không được tổ chức nữa, bây giờ mới khôi phục lại, và chính người dân là những người giữ gìn tư liệu, có kinh nghiệm đứng ra tổ chức sự kiện. Nhân dân là người sáng tạo ra di sản văn hóa, là người gìn giữ di sản văn hóa, đồng thời là người tiếp tục, truyền dạy, phát huy và cũng là người cổ vũ, tiếp tục phát huy giá trị của việc bảo vệ di sản. Cho nên tôi cho rằng, trong việc bảo tồn di sản văn hóa, tiềm lực trong dân vẫn còn rất nhiều. Chúng ta vẫn chưa phát huy hết sức mạnh trong dân hiện nay, không những về tiền của, trí tuệ, công sức, mà còn cả về bề dày kinh nghiệm”.
Cộng đồng kéo co ở Việt Nam cần có sự liên kết với nhau ở các địa phương. Nếu phát huy được sự liên kết này sẽ tạo sự gắn kết rất tốt, góp phần làm nên sự đa dạng cho văn hóa.
TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, các biện pháp để bảo vệ kéo co hiện nay bao gồm trao truyền, giáo dục di sản chính thức và phi chính thức, tiếp tục nhận diện, tư liệu hóa di sản kéo co, kết nối di sản kéo co với các di sản khác, với những truyền thống khác của các cộng đồng và cộng đồng chung trên thế giới, tìm kiếm những biện pháp giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia có di sản kéo co và xa hơn nữa là các quốc gia khác.
Còn PGS, TS Đỗ Văn Trụ nhấn mạnh đến vai trò của Nhà nước trong việc bảo tồn di sản kéo co độc đáo này. Ông cho rằng, Sự quan tâm của Nhà nước, của ngành Văn hóa có tính chất xúc tác kích thích đối với người dân. Lâu nay kéo co vẫn chưa được dành nhiều sự quan tâm, không chỉ là vật chất vì người dân vẫn chung tay cùng nhau thực hiện các lễ hội, nghi thức. Điều người dân cần là sự động viên bằng cơ chế chính sách, hoặc ủng hộ kinh phí trong một chừng mực nhất định, thí dụ như với cộng đồng đền Trấn Vũ là về sân bãi, hay tìm dây song để kéo co, vốn không dễ tìm.
Ngoài ra, chung ý kiến với TS Lê Thị Minh Lý, PGS, TS Đỗ Văn Trụ cho rằng, cộng đồng kéo co ở Việt Nam cần có sự liên kết với nhau ở các địa phương. Nếu phát huy được sự liên kết này sẽ tạo sự gắn kết rất tốt, góp phần làm nên sự đa dạng cho văn hóa.
PGS, TS Đỗ Văn Trụ cũng đề cập đến việc học hỏi kinh nghiệm bảo tồn nghi lễ và trò chơi kéo co từ các cộng đồng Hàn Quốc. “Hàn Quốc là nước rất có kinh nghiệm về di sản văn hóa. Họ cũng là thành viên của di sản kéo co được UNESCO vinh danh, nhưng họ làm được nhiều việc hơn chúng ta rất nhiều. Ở quy mô Nhà nước đến các tỉnh, thành phố, họ đều có các hội kéo co. Điều đó cho thấy xã hội rất quan tâm đến di sản này. Hơn nữa, Nhà nước cũng tạo điều kiện cho di sản kéo co như hỗ trợ về trụ sở, cũng như một phần kinh phí, tuy không phải là tất cả nhưng dù sao cũng là chất xúc tác, động viên cho họ. Nếu so sánh, chúng ta phải học hỏi họ nhiều trong kinh nghiệm bao vệ di sản”.
pGS, TS Đỗ Văn Trụ cũng đề xuất học tập kinh nghiệm Hàn Quốc ở những khía cạnh như tổ chức các hiệp hội để kết nối, tập hợp những người yêu di sản kéo co, thành lập Hội kéo co Việt Nam có quy mô cả nước, bên dưới có thể thành lập các hội của địa phương. “Việc này Hội Di sản văn hóa Việt Nam đã nêu ra và sẵn sàng hỗ trợ. Chúng ta cũng cần tổ chức các cuộc giao lưu kéo co giữa các vùng miền, đồng thời tăng cường tuyên truyền quảng bá hơn nữa” – PGS, TS Đỗ Văn Trụ nói.
Tổ chức sản xuất: MINH VÂN
Nội dung: TUYẾT LOAN
Ảnh: NHẬT QUANG, TUYẾT LOAN
Trình bày: NGỌC TRÂM