Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quyết định khó khăn nhất trong chỉ huy chiến đấu của ông ở chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 là quyết định chuyển phương án từ "đánh nhanh giải quyết nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc". Câu chuyện "Kéo pháo vào - kéo pháo ra" của các chiến sĩ pháo binh là chuyện kéo pháo thực hiện quyết định trên.

Tại mặt trận Điện Biên Phủ, theo kế hoạch, chiều 26/1/1954, Trung đoàn trọng pháo cơ giới Tất Thắng chuẩn bị bắn những loạt đại bác đầu tiên mở màn chiến dịch. Một chiến sĩ trinh sát pháo binh phấn khởi nói:

- Thật là một ngày đầy ý nghĩa vì sau khi nổ những loạt đại bác đầu tiên mở màn chiến dịch chiều nay, sáng mai, hăm ba tháng Chạp năm Quý Tỵ, Ông Công Ông Táo sẽ có nhiều chuyện hay để báo cáo tâu trình Ngọc Hoàng Thượng đế về thành tích chiến đấu của các chiến sĩ Điện Biên Phủ chúng ta.

Vừa lúc ấy tại Sở chỉ huy Trung đoàn, tiếng chuông điện thoại reo vang.

Mọi người tập trung chờ đợi. Nhưng không phải lệnh bắn mà là lệnh:

"17 giờ chiều nay, kéo pháo ra khu tập kết cũ đợi lệnh mới".

Một số anh em cấp dưới ngồi phía ngoài trao đổi riêng. Rất nhiều ý kiến khác nhau. Tiểu đội trưởng thông tin T. đưa ý kiến:

- Bao khó khăn gian khổ mới kéo được mấy chục khẩu pháo lớn vào trận địa. Đây là lần đầu tiên toàn bộ trung đoàn trọng pháo cơ giới đầu tiên của quân đội ta được chiến đấu tập trung trong một chiến dịch lớn. Phần tử bắn đã chuẩn bị chu đáo. Pháo đã hướng vào mục tiêu, sẵn sàng nạp đạn bắn chỉ còn đợi lệnh nổ súng mở màn chiến dịch thì lại có lệnh kéo pháo ra. Hay là...???

Anh Vũ Như Ý, cán bộ tham mưu trung đoàn nghiêm túc tham gia:

- "Quân lệnh như sơn". Đây là mệnh lệnh của Đại tướng Tổng Tư lệnh. Muốn đánh thắng thì phải nghiêm chỉnh chấp hành.

Anh em lắng nghe ý kiến độc đáo của tiểu đội trưởng trinh sát Vũ Quang Anh:

- Chính vì quan trọng như vậy nên hoãn lệnh chiến đấu, kéo pháo ra là đúng.

Khi đi trinh sát trận địa, đo đạc phần tử bắn cho pháo cùng Tham mưu trưởng Tôn Thất Hoàng, tôi thấy hầu hết trận địa pháo của trung đoàn ta đều nằm trong thung lũng lộ thiên dưới tầm quan sát của địch ở các cao điểm chung quanh.

Nguy hiểm nhất là các trận địa pháo ta lại vừa chiếm lĩnh, đặt bắn ở những trận địa dã chiến chưa kịp làm công sự, khó an toàn khi chiến đấu. Toàn quân đội có một trung đoàn trọng pháo cơ giới, vừa xuất quân chiến đấu đã bị địch gây tổn thất nặng là vô cùng khó khăn. Tôi đã báo cáo với anh Tôn Thất Hoàng như vậy ngay lúc ấy. Tuy không nói nhưng anh có vẻ đồng tình.

Nhiều anh em cho ý kiến Vũ Quang Anh là "nghe được" nhưng lại sợ nói ra, ngại cấp trên cho là "dao động, sợ chết".

Thế rồi mệnh lệnh cấp trên được nghiêm chỉnh chấp hành.

Ngay từ 5 giờ chiều 26 tháng 1 năm 1954, hàng chục khẩu pháo của trung đoàn Tất Thắng được kéo ra khỏi trận địa.

Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 Lê Trọng Tấn, người chỉ huy kéo pháo vào lại tiếp tục chỉ huy kéo pháo ra. Rạng sáng ngày 27 tháng 1 năm 1954, một pháo thủ tuy kéo pháo đã thấm mệt, lúc nghỉ vẫn nói vui:

- Anh em có nhớ hôm nay, hăm ba tháng Chạp, ngày Ông Công, Ông Táo lên chầu trời, các ông sẽ tâu Ngọc Hoàng Thượng đế về thành tích kéo pháo của ta.

Nguyễn Trọng hát luôn mấy lời ca bài "Hò kéo pháo" của nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác hôm đi cùng với pháo binh kéo pháo vào lần trước: "Gà rừng gáy trên nương rồi, dẫn bước ta đi lên nào, kéo pháo ta băng qua đèo trước khi trời gần sáng. Tới đích rồi, đồng chí pháo binh ơi, vinh quang thay sức người lao động. Hò dô ta pháo ta vượt đèo. Lòng quyết tâm sắt gang nào bằng. Hò ơ dô!".

Mọi người vỗ tay hát theo "Hò ơ dô".

Các chiến sĩ pháo binh của ta đã dũng cảm vượt qua mọi khó khăn gian khổ với hai bàn tay đã kéo những khẩu pháo nặng hàng chục tấn vào chiếm lĩnh trận địa, góp phần xứng đáng vào chiến thắng của chiến dịch. (Ảnh: TTXVN)

Các chiến sĩ pháo binh của ta đã dũng cảm vượt qua mọi khó khăn gian khổ với hai bàn tay đã kéo những khẩu pháo nặng hàng chục tấn vào chiếm lĩnh trận địa, góp phần xứng đáng vào chiến thắng của chiến dịch. (Ảnh: TTXVN)

Tiếng hát, tiếng hò vang khắp rừng sâu, suối xa vùng núi rừng Điện Biên.

Những ngày "củ mật" năm ấy, chúng tôi hò vang tiếng hò kéo pháo vượt những đèo dốc đứng đến 60 độ như dốc "Bẩy Tời", vực sâu "Vườn Chuối", Suối Ngựa, dốc "Cây Cụt", dốc Bản Tấu, ăn Tết sơ sài với nắm cơm nếp trên sườn núi Pha-sông có độ cao đến 1.150m. Đêm mồng 3 Tết Giáp Ngọ, khẩu pháo cuối của trung đoàn được kéo an toàn về cây số 63 đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ. Tạm nghỉ đợi lệnh, các chiến sĩ "chân đồng vai sắt" chúng tôi lúc ấy mới được hưởng hương vị Tết với những cành hoa ban đỏ lấy trong rừng Nà Nham gần đấy và những chiếc bánh chưng xanh do anh chị em dân công hỏa tuyến gửi biếu.

Đặc biệt hơn, ngày mồng 5 Tết, chúng tôi được cử đại biểu đi gặp Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đến chúc Tết Trung đoàn pháo Tất Thắng 45 và Trung đoàn pháo cao xạ 367 lần đầu tiên tham dự chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Sau này chúng tôi mới được biết việc hoãn lệnh chiến đấu chiều 26 tháng 1 năm 1953, kéo pháo ra là để chuyển phương châm tác chiến từ "đánh nhanh giải quyết nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc". Theo Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, phương châm "đánh chắc tiến chắc" đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị nhất trí phê duyệt. Ngày 8 Tết Giáp Ngọ, Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn bổ nhát cuốc đầu tiên mở sáu mạch đường ô-tô kéo pháo vào Điện Biên Phủ với tổng số chiều dài trên 70km.

Có đoạn đường phải mở rộng đến 6m, 8m thậm chí có đoạn rộng đến 12m theo yêu cầu của xe kéo pháo. Theo kinh nghiệm chiến đấu của chí nguyện quân Trung Hoa ở Thượng Cam Lĩnh (Triều Tiên), trong thời gian này, được sự trợ giúp của anh em công binh, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn pháo Tất Thắng tập trung xây dựng những công sự pháo, đạn, xe, công sự, đài chỉ huy, đài quan sát vững chắc nằm sâu trong lòng núi, đủ chịu đựng được sức công phá của đạn pháo 105 ly, 155 ly của pháo binh Pháp có ở mặt trận Điện Biên Phủ.

Chỉ sau hai tuần lễ đầu xuân năm ấy, toàn bộ sáu mạch đường ô-tô kéo pháo, mấy chục công sự pháo, đạn, xe, đài quan sát, đài chỉ huy kiên cố, phần tử bắn chính xác, đường dây thông tin liên lạc của Trung đoàn pháo Tất Thắng đã hoàn tất.

Những ngày đầu xuân này, đoàn văn công vừa đi dự Đại hội Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới ở Bu-ca-rét về đã cùng anh chị em đoàn văn công Tổng cục Chính trị chia thành từng tốp nhỏ đến biểu diễn chúc Tết các đoàn quân mở đường và làm công sự pháo. Đang quen với những chiếc đàn nguyệt, đàn bầu, đàn thập lục, đàn vi-ô-lông nhỏ xíu, anh chị em ngạc nhiên khi thấy chiến sĩ công binh quai liền một mạch đến 5.000 nhát búa tạ phá đá làm đường, làm công sự pháo.

Chỉ sau hai tuần lễ đầu xuân năm ấy, toàn bộ sáu mạch đường ô-tô kéo pháo, mấy chục công sự pháo, đạn, xe, đài quan sát, đài chỉ huy kiên cố, phần tử bắn chính xác, đường dây thông tin liên lạc của Trung đoàn pháo Tất Thắng đã hoàn tất.

"Đã bắn là phải bắn thật trúng làm quân địch phải thực sự sợ pháo binh ta".

VÕ NGUYÊN GIÁP
Đại tướng Tổng Tư lệnh

Chiều ngày 11 tháng 3 năm 1954, chúng tôi chuyền tay nhau đọc tờ báo Quân đội nhân dân có đăng thư Bác Hồ gửi các chiến sĩ Điện Biên Phủ:

"... Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang.

Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất.

Chúc các chú thắng to.

Bác hôn các chú".

Sau đó anh em nhận lệnh động viên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

"... Giờ ra trận đã đến!

Tất cả các cán bộ và chiến sĩ, tất cả đơn vị, tất cả các binh chủng hãy dũng cảm tiến lên thi đua lập công giật lá cờ "Quyết chiến Quyết thắng" của Hồ Chủ tịch".(1)

Đọc thư Bác và lệnh động viên chiến đấu của Đại tướng, anh em phấn chấn tiếp tục hoàn chỉnh công việc chuẩn bị bảo đảm cho ngày đầu tiên chiến đấu, bảo đảm cho thắng lợi chắc chắn của chiến dịch.

Và ngày đó đã đến.

Giờ G mở màn chiến dịch được quyết định là 17 giờ 10 phút ngày 13 tháng 3 năm 1954. Các chiến sĩ pháo binh nhắc nhau lời chúc Tết của Đại tướng Tổng Tư lệnh:

"Đã bắn là phải bắn thật trúng làm quân địch phải thực sự sợ pháo binh ta".

Và các chiến sĩ pháo binh đã dùng hỏa lực chính xác và mãnh liệt, chi viện đắc lực cho bộ binh làm chủ hoàn toàn cứ điểm Him Lam ngay đêm đầu chiến dịch rồi chỉ sau 55 ngày đêm chiến đấu đã toàn thắng, tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, góp phần đem vinh quang đến cho Tổ quốc, cho dân tộc Việt Nam.

Trên nửa thế kỷ đã trôi qua, mỗi lần gặp nhau nhất là trong dịp Tết, anh em Trung đoàn pháo binh Tất Thắng đã tham dự chiến dịch giải phóng Điện Biên năm 1954, các anh Tôn Thất Hoàng, Vũ Như Ý, Vũ Quang Anh và nhiều bạn khác vẫn còn nhớ kỹ, chuyện với nhau đến từng chi tiết cái Tết kéo pháo trước khi mở màn chiến dịch Điện Biên năm ấy vì nó là một bài ca không bao giờ quên trong tâm trí mỗi người lính pháo binh chúng tôi.

-------

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, "Điện Biên Phủ Điểm hẹn lịch sử", Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, H. 2000, (hồi ức, Hữu Mai thể hiện)

Trình bày: NGỌC DIỆP
Ảnh: TTXVN, Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ