
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Phạm Ngọc Mậu là Chính ủy Đại đoàn công pháo 351. Để chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược, theo kế hoạch ban đầu, Đại đoàn công pháo 351 cùng một số đơn vị bộ binh đã thực hiện kéo pháo vào trận địa, khi thay đổi phương châm tác chiến, đã thực hiện kéo pháo ra, chuẩn bị lại chiến trường. Có thể nói, trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, phương tiện vận chuyển thô sơ, địa hình rừng núi dốc cao, đèo sâu, bộ đội ta đã làm nên kỳ tích khi thực hiện nghiêm mệnh lệnh chiến trường. Ban Tổ chức Hội thảo lược trích hồi ức của đồng chí Phạm Ngọc Mậu về sự kiện kéo pháo vào, kéo pháo ra trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Tư liệu do Thiếu tướng Phạm Ngọc Thắng - Phó Chính ủy Học viện Kỹ thuật quân sự, con trai Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu cung cấp.

Thượng tuần tháng 1/1954, Đại đoàn công pháo 351 chúng tôi hoàn thành thắng lợi cuộc hành quân 500km từ hậu phương ra tiền tuyến. Vừa đặt chân đến Tuần Giáo, cán bộ đại đoàn, trung đoàn đơn vị tôi được lệnh đến hang Thẩm Púa để dự Hội nghị cán bộ do Bộ Chỉ huy chiến dịch triệu tập.
Trong hội nghị, chúng tôi được thảo luận hai phương châm tác chiến tiêu diệt quân địch ở Điện Biên Phủ: "Đánh nhanh, giải quyết nhanh" theo lối thọc sâu hay "Đánh chắc, tiến chắc" theo lối bóc vỏ. Căn cứ tình hình địch lúc bấy giờ, hội nghị nhất trí dùng cách đánh thọc sâu, cắm ngập một lưỡi dao vào tim Đờ Cát rồi xả nó ra từng mảng mà tiêu diệt. Chúng tôi có nhiệm vụ lấy sức người thay cơ giới tranh thủ đưa pháo nặng hàng tấn vượt qua núi rừng trùng điệp vào chiếm lĩnh trận địa.

Pháo cao xạ Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Pháo cao xạ Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Thật là hết sức bất ngờ đối với những cán bộ pháo binh cơ giới chúng tôi lần đầu tiên xuất trận. Là Chính ủy Đại đoàn công pháo, tôi thường giáo dục cán bộ, chiến sĩ phải tích cực học tập để nắm vững kỹ thuật, phát huy tác dụng của pháo binh cơ giới. Muốn hoàn thành nhiệm vụ, chúng ta phải thường xuyên lấy tinh thần, ý chí của quân đội cách mạng để vượt qua mọi khó khăn là chủ yếu… Tuy nhiên, giờ đây bản thân tôi cũng có nhiều lo lắng, băn khoăn: Pháo mà lại bỏ xe, rời đường cái để cùng với người đi xuyên sơn hàng chục kilômét, qua muôn trùng núi cao, vực sâu, thì quả là một thử thách lớn đối với chúng tôi.
Thấy được những vướng mắc, lo lắng của anh em cán bộ pháo binh nên lúc giao nhiệm vụ, Đại tướng Tổng Tư lệnh đã nói: Chúng ta phải hết sức giữ bí mật, bất ngờ, nhất là bất ngờ về hỏa lực lựu pháo và cao xạ là những lực lượng lần đầu tiên tham chiến. Chúng ta phải lấy sức người thay cơ giới, đưa pháo vào trận địa. Chúng ta chủ trương kéo pháo vào không phải vì chúng ta không làm được đường cho xe chạy mà chính là để giữ bí mật, bất ngờ.

Các chiến sĩ pháo binh của ta đang tích cực chuẩn bị cho giờ nổ súng. (Ảnh: TTXVN)
Các chiến sĩ pháo binh của ta đang tích cực chuẩn bị cho giờ nổ súng. (Ảnh: TTXVN)
Sau đó, Đại tướng và các đồng chí trong Đảng ủy chiến dịch còn tiếp xúc riêng với cán bộ công binh, pháo binh và đại đoàn bộ binh tham gia kéo pháo để giải quyết nhiều khó khăn cụ thể. Tôi còn nhớ, khi gặp chúng tôi, đồng chí Lê Liêm, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị sau khi dặn dò nhiệm vụ và những yêu cầu về công tác chính trị, còn nhắc đi nhắc lại về vấn đề khắc phục khó khăn và đoàn kết bộ binh-pháo binh, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ đúng thời gian. Đồng chí nhấn mạnh: Phải tin tưởng rằng bộ đội cách mạng chúng ta không một khó khăn nào không thể vượt qua.
Ngay sau đó, Đảng ủy đại đoàn chúng tôi hội ý cấp tốc ngay tại địa điểm họp của Bộ để bàn bạc một số vấn đề lãnh đạo. Vì có hai nhiệm vụ cùng tiến hành song song nên Đảng ủy phân công đồng chí Đào Văn Trường, Đại đoàn phó cùng với các đồng chí trung đoàn trưởng, tiểu đoàn trưởng đi chuẩn bị trận địa, còn tôi và các chính ủy trung đoàn, chính trị viên tiểu đoàn, tiểu đoàn phó ở lại lãnh trách nhiệm kéo pháo vào trận địa. Trước khi ra về, chúng tôi còn gặp đồng chí đại đoàn trưởng đại đoàn bạn để cùng thảo luận hiệp đồng ngày, giờ và địa điểm tập trung bộ đội chuẩn bị bắt tay thực hiện.
Phải tin tưởng rằng bộ đội cách mạng chúng ta không một khó khăn nào không thể vượt qua.
Đồng chí Lê Liêm, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị
Ngay tối hôm đó, chúng tôi cho bộ đội chuyển đến vùng tập kết để cắt pháo rời xe, đưa pháo vào đường mòn. Dọc đường, thật là cảnh "Dân công như nước, Vệ quốc đoàn như nêm". Trong khí thế bừng bừng ấy, hầu như tôi quên tất cả lo lắng trong mấy ngày qua như: lo kế hoạch tác chiến, lo công tác động viên, lo chiếm lĩnh trận địa và hợp đồng tác chiến giữa bộ binh và pháo binh... Trước mắt tôi chỉ còn có một nhiệm vụ: Kéo pháo vào sao cho đúng thời gian và bảo đảm thật an toàn cả người lẫn pháo.
Sáng hôm sau, tôi cùng một số cán bộ công binh, pháo binh đi nghiên cứu trước đường kéo pháo. Đầu gối tôi bị trẹo từ trước kia, giờ đau lại, phải có người dắt mới đi được. Thần kỳ thay sức lao động của quần chúng cách mạng. Mới cách đây vài hôm, khi Bộ Chỉ huy mặt trận quyết định làm đường kéo pháo, đồng chí đoàn trưởng công binh khi gặp tôi vẫn còn không ít lo lắng khi thực hiện nhiệm vụ làm đường. Thế mà, chưa hết hai ngày đêm, tôi và đồng chí ấy đang bước chân trên chính con đường này, con đường mới, đất còn đỏ ối, rộng chừng ba mét, và trườn dài từ đông sang tây, bắt đầu từ cửa rừng Nà Nham (chỗ cây số 70 đường Tuần Giáo-Điện Biên), vắt qua đỉnh Pha Sông (cao 1.450 mét) đổ xuống bản Tố (đường Điện Biên-Lai Châu) rồi vươn tới tận Bản Nghịu (tây bắc Điện Biên Phủ).

Các chiến sĩ pháo binh của ta đã dũng cảm vượt qua mọi khó khăn gian khổ với hai bàn tay đã kéo những khẩu pháo nặng hàng chục tấn vào chiếm lĩnh trận địa, góp phần xứng đáng vào chiến thắng của chiến dịch. (Ảnh: TTXVN)
Các chiến sĩ pháo binh của ta đã dũng cảm vượt qua mọi khó khăn gian khổ với hai bàn tay đã kéo những khẩu pháo nặng hàng chục tấn vào chiếm lĩnh trận địa, góp phần xứng đáng vào chiến thắng của chiến dịch. (Ảnh: TTXVN)
Do điều kiện địa hình hiểm trở, có nhiều đoạn một bên là sườn núi chênh vênh, một bên là vực sâu, đường mở lại hẹp, nếu trượt bánh lăn xuống thì người và pháo chẳng còn cách nào cứu vãn được. Đang suy nghĩ đến việc phải động viên bộ đội chuyện động viên, tổ chức và chuẩn bị làm sao để vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ thì tôi gặp đồng chí Phạm Kiệt, Cục phó Cục Bảo vệ. Tôi đem hết tình hình đường sá trao đổi với đồng chí Kiệt. Sau khi bàn bạc, chúng tôi đi đến quyết định: Phải để cho bộ đội, cán bộ, chiến sĩ cùng thảo luận, xác định lại một lần nữa ý nghĩa, mục đích của chiến dịch, của nhiệm vụ kéo pháo, làm cho mọi người quán triệt và thực hiện bằng được mấy yêu cầu cụ thể:
- Triệt để tranh thủ thời gian kéo pháo cả ban ngày.
- Chuẩn bị chu đáo, bảo đảm an toàn cho cả người và pháo.
- Rút kinh nghiệm hàng ngày, phát huy bàn bạc dân chủ để khắc phục mọi khó khăn.
- Triệt để giữ bí mật, cấm đèn lửa và phải ngụy trang kín đáo đường sá, chỗ đóng quân và pháo.
Sau đó chúng tôi quyết định thực hiện ngay việc cho kéo thử pháo giữa ban ngày hai khẩu pháo (một lựu pháo và một cao xạ pháo) để rút kinh nghiệm. Chúng tôi tạm chia cứ mỗi khẩu 30 người (20 bộ binh và 10 pháo thủ). Rời khỏi đường Điện Biên-Tuần Giáo, anh em kéo qua một đoạn đường bằng chạy băng băng, cầm càng lái không kịp. Nhưng khi vào tới đồi trọc, bắt đầu lên một cái dốc, có người gọi là dốc "trò chơi", thì khẩu pháo đã nhúc nhích một cách nặng nề. Mỗi hơi kéo cật lực, khẩu pháo cũng chỉ lăn đi từng gang tay một.

Ngày 13/3/1954, mở đầu chiến dịch, bộ đội pháo binh của ta đã dội bão lửa xuống đầu bọn xâm lược Pháp tại Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 13/3/1954, mở đầu chiến dịch, bộ đội pháo binh của ta đã dội bão lửa xuống đầu bọn xâm lược Pháp tại Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Thấy con số 30 người một khẩu không đủ, chúng tôi phải bổ sung thêm lực lượng bám kín cả vào bốn đường dây (tính ra một khẩu có đến hàng trăm người). Ấy thế mà ì ạch mất cả một buổi sáng, kéo lên một cái dốc đó mà khẩu pháo chỉ lết đi không được một ki-lô-mét. Tôi đang băn khoăn thì khẩu lựu pháo bỗng quay ngang: một bánh tụt xuống rệ vực! Tôi rụng rời cả chân tay và mọi người cũng chỉ đứng nhìn, không ai dám đụng vào khẩu pháo vì nó đang như trứng để đầu đẳng, chỉ còn già nửa thân trên mặt đường. Trước tình huống đó, anh em phải chui vào gầm pháo hạ thấp mặt đường phía trong, mở rộng mặt đường phía ngoài mới cứu được khẩu pháo ấy.
Lập tức chúng tôi phải củng cố tinh thần cho anh em ngay tại chỗ và yêu cầu ai có sáng kiến gì thì tự do đóng góp.
Được củng cố lại quyết tâm và được dân chủ thảo luận, nhiều anh em trước kia quen nghề chài lưới và nghề sơn tràng đã đưa ra những kinh nghiệm rất có giá trị. Có đồng chí nêu: Dây kéo pháo bằng đay, to đến mấy cũng chóng đứt. Dây giang bền và dai nhưng bện tốn công. Dây móc cũng tốt nhưng nếu tìm được dây mụng đem về đập dập, bện ba sợi làm một thì song mây cũng chẳng bằng. Thực tế chứng minh, anh em sơn pháo vẫn bện dây mụng để khiêng, có khi cả một chiến dịch vẫn không phải thay.

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị xung kích, các chiến sĩ cao xạ pháo đang đánh trả quyết liệt máy bay địch ở Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị xung kích, các chiến sĩ cao xạ pháo đang đánh trả quyết liệt máy bay địch ở Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Có đồng chí lại giơ lòng bàn tay chỉ vào những vết phồng và nói: Mỗi người kéo pháo chúng ta phải chuẩn bị lấy một đoạn dây cóc móc vào dây chão, choàng qua vai như người kéo thuyền, kéo gỗ thì nhẹ và khỏe hơn. Chỉ riêng kiểu này cũng có thể đẩy hiệu suất kéo lên nhanh gấp ba so với lúc đầu, mà bàn tay cũng đỡ nát. Lại có ý kiến: Mỗi khẩu đội lựu pháo phải đẽo một "vai cày" buộc vào dưới lưỡi cày để càng pháo trượt trên mặt đất, pháo thủ không phải vác càng lên vai, vừa đi được nhanh, vừa đỡ nguy hiểm... (Sau này vì sáng kiến ấy được áp dụng nên đã có nhiều anh em cứ gọi đùa là pháo đi guốc).
Sau khi kéo thử và rút kinh nghiệm, chúng tôi triển khai ngay nhiệm vụ ngụy trang đường, lập "công trường" bện dây mụng và xin cấp trên thêm dây cáp. Đến chiều tối chúng tôi trở lại ngọn đồi ở cửa rừng Nà Nham, gặp các đồng chí cán bộ trung đoàn, tiểu đoàn của bộ binh, công binh, pháo binh để nghe báo cáo tình hình chuẩn bị và động viên bộ đội. Chúng tôi phổ biến thêm kinh nghiệm bảo đảm an toàn khi kéo pháo...
…Trải qua nhiều gian nan, chiều nay, giờ phút chiến đấu đã sắp tới. Hai đại đội lựu pháo của chúng tôi đã vào hầm. Đài quan sát của các đơn vị đã ngự trị trên các đỉnh cao ở phía bắc Điện Biên Phủ. Phần tử đầu tiên của những "họng pháo" 105mm đã ngắm sẵn vào sở chỉ huy Đờ Cát và sân bay Mường Thanh.


Vị trí 206 bị trúng pháo của ta đang bốc cháy. (Ảnh: TTXVN)
Vị trí 206 bị trúng pháo của ta đang bốc cháy. (Ảnh: TTXVN)

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị xung kích, các chiến sĩ cao xạ pháo đang đánh trả quyết liệt máy bay địch ở Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị xung kích, các chiến sĩ cao xạ pháo đang đánh trả quyết liệt máy bay địch ở Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị xung kích, các chiến sĩ cao xạ pháo đang đánh trả quyết liệt máy bay địch ở Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị xung kích, các chiến sĩ cao xạ pháo đang đánh trả quyết liệt máy bay địch ở Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Trên cánh đồng Nà Hi, Bản Tố, Đại đội cao xạ 828 và đại đội cao xạ liên thanh đã thu mình "rình" sẵn trong các cụm rơm khổng lồ. Những trắc viễn kính, những ống nhòm của các chỉ huy cao pháo đã ngước cao, lấp lánh dưới những tia nắng nhạt của trời chiều. Trên đường Điện Biên-Lai Châu và đường kéo pháo, chỉ còn mấy đại đội đang nhích gấp vào trận địa. Lúc này bộ binh, súng cối đang nườm nượp đổ ra phía cửa rừng. Từng đoàn dân công, vai vác nặng cũng đang ào ào theo sát bộ đội tiến ra hỏa tuyến. Trong dòng người ấy, tôi thấy cả những cô gái thân hình bé nhỏ, hai vai vác hai hộp đạn đại bác, bước đi thoăn thoắt. Qua điện thoại với Bộ chỉ huy Mặt trận, tôi được biết xung kích của các đại đoàn bộ binh đã triển khai xong đội hình chiến đấu. Họ chỉ còn chờ từng loạt đạn pháo hỏa chuẩn bị của chúng tôi vút ra khỏi nòng là họ lập tức xung phong vào đồn giặc.

Để bảo vệ cho sân bay chúng đã cho xe tăng 18 tấn phản công nhưng đã bị pháo ta bắn trúng và đang bốc cháy. (Ảnh: TTXVN)
Để bảo vệ cho sân bay chúng đã cho xe tăng 18 tấn phản công nhưng đã bị pháo ta bắn trúng và đang bốc cháy. (Ảnh: TTXVN)
Trong một hầm đạn của dân công ở phía bắc Điện Biên Phủ, Đảng ủy đại đoàn công pháo chúng tôi đã bàn xong công tác lãnh đạo chiến đấu. Chúng tôi đã về vị trí chỉ huy và truyền quyết tâm chiến đấu xuống các đơn vị. Bỗng chuông điện thoại réo lên đổ hồi. Tôi vội cầm lấy máy. Bên kia đầu dây có tiếng nói quen thuộc của đồng chí Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp:
- Có phải đồng chí Mậu không?
- Báo cáo anh, tôi, Mậu đây!
- Đồng chí lấy giấy ghi mệnh lệnh!
Tôi vội giở sổ tay và bắt đầu ghi chép từng lời:
Để tăng cường công tác chuẩn bị bảo đảm chắc thắng cho chiến dịch, mệnh lệnh: Ngay từ tối hôm nay, bắt đầu chuyển pháo ra khỏi trận địa lâm thời, đến những vị trí an toàn. Mệnh lệnh này cần được chấp hành triệt để, nhiệm vụ chuyển pháo coi như nhiệm vụ chiến đấu.
Nghe xong, tôi vội đứng dậy bảo anh em tham mưu đi báo cáo cho đồng chí Đào Văn Trường biết, và truyền đạt ngay mệnh lệnh kéo pháo ra cho các đơn vị. Vừa lúc đó đồng chí Thành, tham mưu trưởng Mặt trận đến. Thấy tôi đồng chí nói ngay:
- Này ! Rút ra, biết chưa?
Tôi chưa kịp trả lời thì đồng chí đã lên tiếng một cách nghiêm chỉnh: Quyết tâm tiêu diệt Trần Đình1 của ta trước sau không thay đổi. Nhưng vì địch có tăng cường và thay đổi bố trí thì ta cũng phải thay đổi cách đánh. Đối với chúng ta cũng dễ dàng xác định thôi, nhưng còn đối với anh em thì trước mắt, chúng ta phải lãnh đạo kiên quyết chấp hành mệnh lệnh đã, rồi sẽ giải thích sau. Lực lượng kéo pháo ra vẫn như cũ. Và Bộ quyết định thành lập Bộ chỉ huy kéo pháo, đồng chí Lê Trọng Tấn là Chỉ huy trưởng, Chỉ huy phó là đồng chí Đào Văn Trường, còn anh là Chính ủy. Anh Tấn ngoài việc này còn chỉ huy việc đánh phòng ngự bảo vệ đường kéo pháo.

Các đơn vị pháo binh của ta tiếp tục pháo kích vào các vị trí của địch. Các vị trí của địch bị trúng đạn pháo đang bốc cháy. (Ảnh: TTXVN)
Các đơn vị pháo binh của ta tiếp tục pháo kích vào các vị trí của địch. Các vị trí của địch bị trúng đạn pháo đang bốc cháy. (Ảnh: TTXVN)
Đúng như lời đồng chí Thành nói, cán bộ, chiến sĩ bên dưới khi tiếp được lệnh kéo pháo ra đã tỏ vẻ hết sức bàng hoàng. Cán bộ tuy chưa thông nhưng thái độ vẫn giữ được bình tĩnh, còn chiến sĩ lúc đầu vẫn cằn nhằn ra mặt. Sau này, tôi biết được có chiến sĩ công binh đang mở rộng tuyến đường, khi được tin đã bất bình lao phập lưỡi xẻng ngập sâu xuống đất. Trong khi đó ở hầm pháo, lệnh "thu pháo" của khẩu đội trưởng đã hạ, nhưng các pháo thủ vẫn đứng tần ngần chưa muốn đậy nắp nòng lại, chưa buồn nhấc những viên đạn đã lau để xếp vào hòm. Trên đường kéo pháo, lệnh quay ra đã đến nhưng hầu như chưa có hiệu lực.
Giờ đây mỗi khi nghĩ đến hồi ấy, tôi lại cứ thấy kỳ lạ thay tâm hồn những người chiến sĩ cách mạng. Động viên họ ra tiền tuyến thì dễ, động viên họ ở lại hậu phương thì khó; lệnh tiến thì họ đạp lên đầu thù mà xông lên, lệnh lui thì họ trù trừ. Và một khi họ chưa hiểu, chưa thông một vấn đề gì thì họ không khỏi không có những thắc mắc, kêu ca, thậm chí có khi còn có những hành động không đúng nữa. Nhưng ngược lại, khi họ đã hiểu, đã thông rồi thì không còn khó khăn nào khuất phục nổi họ.

Các đơn vị pháo binh của ta tiếp tục pháo kích vào các vị trí của địch. Các vị trí của địch bị trúng đạn pháo đang bốc cháy. (Ảnh: TTXVN)
Các đơn vị pháo binh của ta tiếp tục pháo kích vào các vị trí của địch. Các vị trí của địch bị trúng đạn pháo đang bốc cháy. (Ảnh: TTXVN)
Sáng hôm sau, Bộ chỉ huy kéo pháo chúng tôi họp các cán bộ trung đoàn để phân tích tình hình, truyền đạt tinh thần mệnh lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch và bàn công tác lãnh đạo cho các chi bộ, nhằm làm cho chi bộ, đảng viên, cán bộ thông suốt quyết tâm kéo pháo ra của trên. Sau đó, chúng tôi phân công nhau đi các nơi phổ biến.
Quyết tâm của trên đã thấm đến cán bộ, đảng viên, chiến sĩ nên họ lại bắt tay vào nhiệm vụ không quản ngại hy sinh, gian khổ.
Khó khăn khi kéo pháo ra đâu có khác gì khi kéo pháo vào. Dốc Bảy Tời, trước đây chỉ có cuộn dây đưa pháo lên thì nay lại từ từ nhả dây dòng pháo xuống. "Vực sâu Vườn chuối" hôm nào chỉ có ghìm dây thả pháo từ từ thì nay còng lưng đẩy ngược pháo lên... Và còn một khó khăn mới là lá ngụy trang trên đường kéo pháo giờ đây đã vàng úa, quân thù đã đánh hơi thấy quân ta ngày đêm vận động trên con đường tiến tới để diệt chúng, nên phi pháo của chúng liên tục bắn phá hòng tiêu diệt bằng được vốn liếng pháo binh của ta. Nhưng mặc cho bom rơi, đạn nổ, đoàn người anh dũng vẫn bám chắc dây pháo.

Pháo của ta bắn vào trận địa địch. (Ảnh: TTXVN)
Pháo của ta bắn vào trận địa địch. (Ảnh: TTXVN)
Trong đêm tối, mỗi khi ánh chớp lóe sáng từ phía Mường Thanh, tiếp sau là hàng loạt đạn xé gió, chưa biết sẽ nổ vào đâu, nhưng các cán bộ, chiến sĩ ta chỉ qua giây phút bồn chồn... yên lặng, rồi tiếng "hai... ba..." lại nổi lên vang động cả núi rừng. Có lúc từng loạt đạn rơi ngay bên dòng người kéo pháo, thì lập tức những khẩu hiệu vang lên: "Dũng cảm giữ pháo!", "Dù hy sinh không rời pháo!", "Còn người còn pháo"... Những khẩu hiệu đó là tiếng nói và lòng quyết tâm cao độ của các cán bộ, chiến sĩ ta trong những giờ phút quyết liệt này.
Có lúc từng loạt đạn rơi ngay bên dòng người kéo pháo, thì lập tức những khẩu hiệu vang lên: "Dũng cảm giữ pháo!", "Dù hy sinh không rời pháo!", "Còn người còn pháo"... Những khẩu hiệu đó là tiếng nói và lòng quyết tâm cao độ của các cán bộ, chiến sĩ ta trong những giờ phút quyết liệt này.
Trong những ngày này, địch đã oanh tạc xuống đây không biết bao nhiêu bom nổ chậm. Nhưng các chiến sĩ công binh không bao giờ chịu khuất phục trước quân thù. Họ vẫn thường xuyên bảo đảm tuyến đường thông suốt. Trong lúc máy bay địch đang gầm rú trên đầu, các chiến sĩ quan sát công binh đã xông vào lửa đạn để đánh dấu chỗ bom nổ chậm. Và khi máy bay vừa cút khỏi thì lập tức đoàn người dũng cảm ấy tràn ra mặt đường, dùng thuốc nổ phá tung những trái bom quái ác nọ; hoặc rúc ngược mình xuống từng hố sâu hun hút để tháo kịp bom, mà không cần biết trái bom ấy thình lình sẽ nổ giờ phút nào. Và khi đã quét sạch bom, họ cấp tốc sửa sang lại đường để cho pháo ta lại nối tiếp nhau vượt qua. Chúng tôi cũng không bao giờ quên được những gương dũng cảm quên mình của các đồng chí bộ binh trong nhiều trường hợp gian nguy kéo pháo…
Lần kéo pháo ra, chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm về tổ chức và chỉ huy. Ngoài việc phân công nhau thường xuyên đi kiểm tra trên đường kéo pháo, chúng tôi đã có sở chỉ huy, có điện thoại tới các đại đội để nắm tình hình từng giờ, từng phút. Các đồng chí cán bộ tham mưu, chính trị của pháo binh, bộ binh kéo pháo thường xuyên thay nhau có mặt trên các đoạn đường khó. Thời kỳ này, sáng nào chúng tôi cũng phải đi kiểm tra hết sức nghiêm ngặt công việc nguỵ trang đường kéo pháo.

Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo. (Ảnh: TTXVN)
Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo. (Ảnh: TTXVN)
…Vào một ngày cuối năm, một trung đội của Tiểu đoàn 542 mừng xuân bằng một trận chiến đấu phòng ngự rất oanh liệt. Trung đội ấy đã anh dũng đập tan bảy đợt xung phong của hai tiểu đoàn địch đánh ra đồi 75 (gần đầu đường kéo pháo bên phía Bản Tố), giữ vững trận địa, bảo vệ đường kéo pháo an toàn. Tin thắng trận nhanh chóng được truyền đi khắp các khẩu đội, làm mọi người càng phấn khởi ra sức hoàn thành mau chóng nhiệm vụ. Đêm hôm đó, đồng chí Lê Trọng Tấn vừa chỉ huy cuộc chiến đấu ở phía đồi 75 về, ngoài việc báo tin chiến thắng, đồng chí còn cùng chúng tôi ngồi tính ngày tính tháng mới biết đêm nay đã là đêm 30 Tết.
Đồng chí Tấn cười hỏi tôi: Thế Tết đến mà Chính ủy không chú ý đến tinh thần cho anh em à?
Tôi và các đồng chí trong bộ chỉ huy nhìn nhau cười rộ. Đồng chí Kiệt đưa ra ý kiến độc đáo: Nào! Các cậu còn "dự trữ" được thứ gì thì bỏ cả ra đây làm bữa tất niên rồi cho gọi Mạc Ninh, Nam Thắng (chính ủy một trung đoàn pháo) lên họp bàn lãnh đạo cho bộ đội ăn Tết theo kiểu vua Quang Trung mới được.
Chúng tôi đồng ý. Anh Tấn còn được ít đỗ xanh, tôi có mấy thanh đường phên, anh Kiệt còn mấy điếu thuốc lá, chúng tôi ăn Tết với mỗi người được lưng bát chè và nửa điếu thuốc lá. Có lẽ đối với chúng tôi, đây là một cái Tết hiếm có và không bao giờ quên được, Tết chiến thắng trên đồi 75 và cũng là cái Tết chúng tôi sắp hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kéo pháo ra.
Ăn xong, bước vào cuộc họp, chúng tôi nhất trí sơ bộ nhận định: Chúng ta đã hoàn thành thắng lợi một nhiệm vụ hết sức nặng nề, một thử thách hết sức lớn lao biểu hiện đầy đủ tinh thần anh dũng, sáng tạo, đoàn kết của Quân đội ta dưới sự lãnh đạo của Đảng... Chúng ta đã rút ra được bài học sâu sắc về sức mạnh phi thường của quần chúng một khi tư tưởng họ đã thông suốt. Kết quả là ngoài người và pháo bảo đảm an toàn, chúng ta còn có một kết quả rực rỡ nhất, to lớn nhất là bộ binh, công binh, pháo binh lần đầu tiên hợp đồng trên một quy mô lớn, cùng chung lưng đấu cật, hoàn thành một nhiệm vụ đầy gian khổ nhưng cũng rất vẻ vang. Mối tình đoàn kết đó sẽ là cơ sở, là truyền thống vững bền của ba binh chủng chúng ta sau này càng phát triển. Và do đó, khi được lệnh nổ súng tiêu diệt toàn bộ quân địch trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chúng ta nhất định sẽ toàn thắng.

Sau khi pháo binh ngừng bắn, các chiến sĩ xung kích của ta đã lợi dụng địa hình địa vật đang tiến sát vào các vị trí của địch trên đồi Him Lam, và tiêu diệt các vị trí của địch ở đây ngay trong ngày 13/3/1954, ngày mở đầu chiến dịch. (Ảnh: TTXVN)
Sau khi pháo binh ngừng bắn, các chiến sĩ xung kích của ta đã lợi dụng địa hình địa vật đang tiến sát vào các vị trí của địch trên đồi Him Lam, và tiêu diệt các vị trí của địch ở đây ngay trong ngày 13/3/1954, ngày mở đầu chiến dịch. (Ảnh: TTXVN)
Hôm sau chúng tôi được điện của Bộ gọi về báo cáo tình hình. Vừa gặp tôi, đồng chí Văn đã nhắc lại lời động viên hôm nọ:
- Này! Kéo pháo ra thành công, Bộ coi như các đồng chí đã tiêu diệt được hai tiểu đoàn địch rồi đấy.
Sau đó, đồng chí Lê giục tôi:
- Đi cắt tóc và tắm rửa đi, có nước nóng đấy!
Tôi đáp:
- Thôi! Đề nghị cho tôi hút một "tua" thuốc lào và đánh một giấc ngủ đã.
Đồng chí Lê đồng ý và tôi đã ngủ một giấc ngon tuyệt trần đời.

Qua hồi ức của cố Thượng tướng Phạm Ngọc Mậu
Bài viết trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học "Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực (7/5/1954-7/5/2019)"
Trình bày: Ngô Hương
