Ông Phùng Quang Thắng,
Phó Chủ tịch thường trực liên chi hội
Lữ hành Việt Nam

Khác biệt hóa
sản phẩm
là yếu tố sống còn

“Tuy đã có nhiều cố gắng tìm tòi, sáng tạo nhưng số lượng, độ sâu và độ độc đáo của sản phẩm du lịch văn hóa mà chúng ta đang sở hữu khá khiêm tốn. Muốn chắp thêm cho du lịch văn hóa đôi cánh, để loại hình đầy tiềm năng này có thể bay cao, bay xa thì khác biệt hóa sản phẩm phải được coi là yếu tố sống còn”, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam (ảnh bên) khẳng định.

Là người luôn đau đáu với lộ trình phát triển của du lịch văn hóa (DLVH) nước nhà và cũng là người đứng sau thành công bước đầu của nhiều sản phẩm DLVH độc đáo, khác biệt như “Đêm thiêng liêng – Sáng ngời tinh thần Việt”, “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, “Du lịch văn học chữ Tâm chữ Tài” hay “Theo dấu chân Phật Hoàng”, ông Phùng Quang Thắng chia sẻ, loại hình sản phẩm này đòi hỏi phải đầu tư bài bản, có chiều sâu và khâu triển khai kỳ công, thậm chí tốn kém - điều mà rất ít doanh nghiệp dám dũng cảm chọn lựa.

Rất cần cái bắt tay đầy thấu hiểu

Xin ông phân tích cụ thể hơn, về thực trạng “khá khiêm tốn” của những “số lượng, độ sâu, độ độc đáo” vừa đề cập ở trên?

Tài nguyên văn hóa đặc sắc thường gắn với quá trình lịch sử. Bề dày văn hóa được đắp bồi, tích lũy qua dặm dài lịch sử dân tộc sẽ tạo nên một vỉa quặng với trữ lượng vô biên, ẩn chứa trong lòng những dấu ấn đa dạng và khác biệt, đậm sắc màu văn hóa riêng có của phong phú các vùng miền. Với tài nguyên văn hóa vật thể - phi vật thể vô cùng lớn mà cha ông đã gây dựng, gìn giữ và trao truyền cho muôn đời con cháu, số lượng sản phẩm DLVH mà chúng ta đã và đang khai thác quả thật là rất khiêm tốn, số mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội nổi trội còn ít hơn rất nhiều.

Đã thế, việc phát triển sản phẩm DLVH ở một số địa phương lại thường mang tính hình thức, chạy theo trào lưu. Thấy múa rối nước “đắt sô” ở nơi này là lập tức được nhân rộng ở nhiều địa bàn khác, bỏ qua thực tế rằng di sản phải đặt đúng trong môi trường mà nó được dưỡng nuôi, vun xới và thuộc về thì mới có thể vẹn nguyên giá trị. Họ phải hiểu, sự khan hiếm, độc đáo bao giờ cũng mang lại cảm giác trân quý cùng hình ảnh giá trị cao hơn trong mắt du khách. Đi tới đâu cũng thưởng thức cùng một sản phẩm na ná thì còn gì để tò mò kiếm tìm, còn gì để tạo hứng thú trở đi trở lại bóc tách, khám phá?

Đó là còn chưa kể tới nhiều hạt vàng di sản đang dần mai một trong đời sống đương đại hôm nay, nếu không được nâng niu, gìn giữ và bảo tồn đúng cách bằng sản phẩm DLVH thì có thể âm thầm biến mất. Thí dụ, với những loại hình nghệ thuật biểu diễn mang tính dân gian như chèo - tuồng, chỉ có xây dựng được những sản phẩm khai thác dày dặn chiều sâu văn hóa, ngôn ngữ chuyển tải giàu sức sáng tạo thì mới có thể giúp di sản trường tồn. Thế nhưng, người ta thường hay chọn cách làm đơn giản, mang tính chất giới thiệu bề nổi thì làm sao khai thác và phát huy hiệu quả giá trị di sản, để từ đó gìn giữ và bảo tồn được lâu dài? Tôi nói cả ba yếu tố đều chỉ dừng ở mức khiêm tốn là vì vậy.

Liệu cái bắt tay đầy hiểu biết và gắn kết giữa hai bên có thể là gợi ý lời giải cho bài toán thực trạng này, thưa ông?

Người ta hay nhắc nhở, du lịch bao giờ cũng phải đồng hành cùng văn hóa nhưng có cảm giác mọi sự đang dừng lại ở chủ trương mà chưa coi trọng, đào sâu tính thực hành, ứng dụng thực tế trong du lịch, dịch vụ đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách là nửa không thể thiếu trong chuỗi dịch vụ của sản phẩm du lịch. Nhiều năm tâm huyết với DLVH, tôi nhận thấy phần đa các điểm đến di sản thường chọn cách khai thác ở góc độ di tích nhằm đề cao những giá trị bảo tồn và kiến thức lịch sử - văn hóa ẩn chứa cho những đối tượng chuyên biệt chứ hiếm khi chuyển tải dưới góc độ khám phá du lịch cho du khách phổ thông. Hiểu nôm na là đơn vị quản lý đơn thuần cung cấp địa điểm sẵn có, đưa khách đến tham quan thế nào là việc riêng của chúng tôi. Đa số bảo tàng thì thiên về tính khoa học và nghiên cứu, từ cách trưng bày đến chuyển tải nội dung. Tổ chức sự kiện, lễ hội thì quên mất những đối tượng khách hàng khác nhau sẽ đòi hỏi những nhu cầu trải nghiệm khác hẳn nhau, từ đó cung cấp đồng loạt những sản phẩm đơn điệu, một màu, dễ gây nhàm chán.

Thực trạng đó đòi hỏi du lịch phải hiểu rõ văn hóa để phát triển, văn hóa phải nắm được bản chất của du lịch để phối hợp. Khi góc nhìn của người quản lý di tích và người làm du lịch may mắn gặp nhau, sự ra đời của một sản phẩm chất lượng phục vụ du khách hoàn toàn có cơ sở và mang lại những giá trị không thể đong đếm cho văn hóa. Từ du lịch và thông qua du lịch, nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử đã được quy hoạch, tu bổ, bảo quản, khôi phục bằng nhiều biện pháp khác nhau. Nhiều làng nghề truyền thống được chấn hưng và phục hồi, công tác tuyên truyền quảng bá các giá trị cũng như ý thức giữ gìn tới cộng đồng cũng dần được chú trọng.

“Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An” đã trở thành sản phẩm DLVH đặc trưng của miền đất Ninh Bình. Nguồn ảnh: Sở Du lịch Ninh Bình

“Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An” đã trở thành sản phẩm DLVH đặc trưng của miền đất Ninh Bình. Nguồn ảnh: Sở Du lịch Ninh Bình

Đợi chờ những quyết sách quy hoạch
và điều tiết hiệu quả

Có thể nói, bên cạnh một số nhược điểm còn tồn tại, sự phối hợp giữa du lịch và văn hóa đã mang lại nhiều sản phẩm chất lượng, nhận được những đánh giá tích cực cả ở trong và ngoài nước. Nhưng muốn đủ sức đi đường dài thì rất cần những chính sách ở tầm vĩ mô, để “cỗ máy” DLVH có thể vận hành một cách trơn tru, nhịp nhàng, thưa ông?

Nhìn chung, chúng ta đang thiếu tính đồng bộ và liên kết chặt chẽ trong phát triển sản phẩm, cũng như liên kết giữa các địa phương với nhau trong quá trình khai thác các tài nguyên văn hóa cho phát triển du lịch, vì vậy chưa tạo ra được nhiều sản phẩm DLVH có chất lượng bền vững. Không chỉ dừng lại ở cái bắt tay cụ thể trong từng điểm đến riêng lẻ, tôi mong sẽ có được sự đồng bộ trên lộ trình khai thác di sản văn hóa của từng địa phương, lớn hơn là tạo được liên kết vùng, rồi từ quy mô vùng nhìn rộng ra ở tầm vĩ mô với cả một quốc gia. Để tránh được những nhược điểm mà các chuyên gia từng đề cập nhiều lần, rằng sản phẩm DLVH kém sáng tạo, trùng lặp, chất lượng hạn chế, thiếu các sản phẩm khác biệt giữa nhiều địa phương, vùng miền trong cả nước. Rằng cần tránh một số tác động tiêu cực của hoạt động du lịch như xu hướng “thương mại hóa”, sân khấu hóa trong một số lễ hội, hiện trạng quá tải du lịch tại một số điểm du lịch trong một số thời điểm đã tác động đến môi trường sinh thái, di tích, nếp sống văn hóa của người dân địa phương nơi sở hữu tài nguyên...

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có chính sách sở hữu, quản lý bảo tồn di sản thuộc Nhà nước nhưng mô hình quản lý vận hành khai thác thuộc về tư nhân. Đa phần các điểm đến di sản hiện nay đều thuộc quyền quản lý vận hành của đơn vị Nhà nước, bởi thế nỗ lực tìm lối đi, xây dựng những sản phẩm DLVH mới mẻ, hấp dẫn đều phải mất nhiều thời gian đợi chờ những văn bản được chính thức ban hành. Để có thể tăng tính chủ động cho cả hai phía: đơn vị quản lý và doanh nghiệp phối hợp khai thác, tôi hy vọng chính sách linh hoạt này được gợi mở, mổ xẻ luận bàn để có thể trở thành hướng đi mới khả thi trong tương lai.
Với DLVH, cần có sự đầu tư nghiên cứu và tìm hiểu thấu đáo giá trị điểm đến để xây dựng những sản phẩm thực sự khác biệt. Để nhân rộng, có thể đưa ra chủ trương “mỗi địa phương cần có ít nhất một sản phẩm DLVH độc đáo” nhưng phải đi kèm một điều kiện tiên quyết “chất lượng phải được du khách và thị trường thừa nhận” nhằm tránh trường hợp làm cho có, làm quấy quá để đối phó cho xong.

Múa rối nước là sản phẩm DLVH độc đáo mà mọi du khách quốc tế không thể bỏ qua khi đến Việt Nam. Ảnh: Huyền Nga

Múa rối nước là sản phẩm DLVH độc đáo mà mọi du khách quốc tế không thể bỏ qua khi đến Việt Nam. Ảnh: Huyền Nga

Để tăng tính sáng tạo cho sản phẩm, cần nâng cao vốn hiểu biết cùng năng lực cảm thụ văn hóa của mọi đối tượng liên quan, từ cơ quan quản lý Nhà nước về DLVH, đội ngũ quản lý di sản đến doanh nghiệp du lịch phối hợp khai thác, đội ngũ nhân lực thực hiện. Trong quá trình sáng tạo sản phẩm nên hướng tới việc bảo tồn được yếu tố “thuần”, có thể hiểu một điệu múa dân gian sẽ không thể chuyển tải trọn vẹn giá trị truyền thống mà nó ôm chứa nếu được hỗ trợ quá đà bởi những công nghệ biểu diễn tối tân. Với các lễ hội, những hoạt động văn hóa, thực hành tín ngưỡng thì nên áp dụng mô hình Nhà nước hỗ trợ còn người dân đứng ra tổ chức, trực tiếp thực hành. Nên khuyến khích những người dân địa phương tham dự vào quá trình thực hành di sản, chuyển tải giá trị văn hóa bản địa thay vì thuê diễn viên chuyên nghiệp và sân khấu hóa hoạt động biểu diễn.
Trong quá trình quy hoạch du lịch, nếu điểm đến luôn được xen kẽ gắn với sinh hoạt đời thường của người dân địa phương thì sẽ đặc biệt hấp dẫn du khách. Và đừng quên rằng, không gian văn hóa là do người dân tạo ra, bởi thế vận hành hoạt động DLVH hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự quản lý của chính quyền địa phương, vai trò của họ là vô cùng quan trọng trong thúc đẩy hoạt động DLVH.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Hồ Cúc Phương, Mai Lữ, Đàm Bảo Ngọc, Trương Thu Hiền
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Huyền Nga, Sun Group, Báo quân đội nhân dân, Sở du lịch Ninh Bình, nguồn internet