PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà
Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
Kỷ nguyên
Có nhiều cách gọi/phân kỳ về lịch sử phát triển của nhân loại, quốc gia, dân tộc, của mỗi dòng tộc, gia đình, và thậm chí là của mỗi đời người (nói nôm na là gọi theo cách lịch sử), như: giai đoạn, thời kỳ, thời đại, chặng đường, từ năm đến năm, trang sử mới, chương sử mới, vận (vận nước đã đến rồi - bình minh chiếu khắp nơi), thời, kỷ (Hồng Bàng), kỷ nguyên (Ánh sáng, Vươn mình),... Nhiều khái niệm, cách nêu (nói và viết) gần/đồng nghĩa với nhau và nhiều chặng đường có thể gọi theo cách khác nhau tùy không gian, rộng dài của lịch sử mà mỗi tác phẩm, tác giả nêu trong những tình huống, công trình cụ thể. Trong các văn bản chính thống, những bộ sách khoa học về lịch sử thường xuất hiện mấy khái niệm sau:
- Giai đoạn: Thường phải có mốc thời gian; khoảng ngắn trong một thời kỳ; không nhất thiết đặt tên (Thời kỳ kháng chiến chống Pháp có 3 giai đoạn là phòng ngự, giằng co, tiến công. Thời kỳ chống Mỹ có các giai đoạn theo việc chiến thắng từng chiến lược chiến tranh.
- Thời kỳ: Thường là một thời gian dài, nhiều đoạn/giai đoạn; phải có tên - nội dung chính của thời kỳ (giai đoạn thì có thể chỉ cần nói mốc, như 1945 - 1946; nhưng không ai nói là thời kỳ 1945 - 1946 cả - về diễn đạt thường là giai đoạn 1945 - 1946, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược).
Giai đoạn thì chỉ cần nêu thời gian, người nghe/đọc tự hình dung nội dung bên trong; thời kỳ thì chỉ cần nói tên của thời kỳ, người nghe/đọc tự biết là từ năm nào đến năm nào.
Cũng không quá máy móc trong cách diễn đạt “giai đoạn” và “thời kỳ”, bởi như đã nêu trên thì điều này phụ thuộc vào độ dài rộng của lịch sử mà một tác phẩm đề cập. Trong bài “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới” - Tổng Bí thư Tô Lâm viết là “Giai đoạn 1954 - 1975” và không đặt tiêu đề, đó là đặt trong tổng thể thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ; còn đặt trong tổng thể tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam thì từ năm 1954 đến năm 1975 là thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà hoặc là thời kỳ tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược.
- Thời đại: có mấy cách đặt/gọi.
1- Theo cách tiếp cận nền văn minh (đồ đá, đồ đồng, nông nghiệp, công nghiệp, số hóa...). Cách này, thời đại lẫn/gần với thời kỳ dài (thời đại phong kiến - thời kỳ phong kiến.).
2- Gắn với một lãnh tụ đưa đất nước vào một nấc thang phát triển mới, nhiều thành tựu, rực rỡ (thời đại Hồ Chí Minh).
3- Một nấc thang phát triển mới, dấu ấn mạnh mẽ - theo nghĩa này thì “thời đại” rất gần nghĩa với “kỷ nguyên” (thời đại/kỷ nguyên Phục hưng - (Renaissance Era), kỷ nguyên Khai sáng - (Age of Enlightenment). Kỷ nguyên là một khoảng thời gian dài được xác định bởi các sự kiện, đặc điểm hoặc giai đoạn lịch sử quan trọng, có tác động đáng kể đến sự phát triển và tiến hóa của xã hội, văn hóa hoặc khoa học.
“Kỷ nguyên mới” thường được dùng để chỉ một giai đoạn mới mẻ với những tiến bộ, đổi mới, hoặc thay đổi đáng kể trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, xã hội, kinh tế hay chính trị, mang lại sự thay đổi lớn trong cách con người sống và làm việc. Ví dụ, thời đại số hóa hay kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo được xem là những kỷ nguyên mới với những đổi mới mạnh mẽ trong công nghệ và cách thức con người giao tiếp, làm việc.
Có ý kiến cho rằng “kỷ nguyên mới là khoảng thời gian sắp tới, cần thiết cho việc thực hiện các mục tiêu mới, lớn lao”; thường bắt đầu từ những cột mốc có tính bước ngoặt là một chặng đường phát triển, gắn với những nỗ lực cho các mục tiêu mới, lớn lao.
Từ những khái niệm trên, có mấy điểm đáng lưu ý khi tìm hiểu khái niệm “kỷ nguyên”:
Thứ nhất, nếu như các khái niệm khác thường rất rõ mốc đầu, mốc cuối (các nhà sử học phải “định” mốc từ đầu), thì “kỷ nguyên” không quá chú trọng về mốc cuối. Đương nhiên một kỷ nguyên thường bắt đầu với một sự kiện nổi bật hoặc thay đổi lớn trong xã hội, chính là “khởi điểm” từ đó đánh dấu sự chuyển đổi sang một giai đoạn mới.
Thứ hai, nếu như các khái niệm khác (nhất là thời đại, thời kỳ) thường dựa trên các yếu tố của hình thái kinh tế-xã hội, phương thức sản xuất, quan hệ sản xuất, lực lượng sản xuất, công cụ lao động,... thì “kỷ nguyên” đề cập nhiều đến trạng thái phát triển và trạng thái ấy phải là vượt bậc xét cả ở tốc độ và chất lượng (Không ai nói đến một kỷ nguyên mà mang tính bình bình, đều đều; càng không nói đến trạng thái yếu kém, lạc hậu).
Thứ ba, nếu như các khái niệm khác phải “có trước, có sau” (thời kỳ trước, thời kỳ sau), thì “kỷ nguyên” không cần kỷ nguyên trước, kỷ nguyên sau (liền kề) - và đến nay chưa ai hỏi nhân loại đã qua bao nhiêu kỷ nguyên liên tiếp.
Thứ tư, trong một thời kỳ, thời đại gắn với một phương thức sản xuất/thể chế chính trị nào đó, một kỷ nguyên mới xuất hiện; nói cách khác, kỷ nguyên phát triển không bị ràng buộc trong khuôn khổ thời gian một chế độ chính trị nào đó, không phải bắt đầu trùng/cùng với sự xuất hiện của chế độ mới. Kỷ nguyên có thể xuất hiện sau mốc khởi đầu của chế độ mới, xuyên qua các chế độ.
Một chế độ mới, thời đại mới không có nghĩa là một kỷ nguyên phát triển mới. Đôi khi chế độ/thời đại ấy phải qua những giai đoạn/thời kỳ tích lũy, chạy đà, tạo tiền đề,... mới bước vào kỷ nguyên mới. Nhưng chắc chắn kỷ nguyên phải mang ý nghĩa nâng tầm thời đại.
Ngày 19/8/1945, hàng vạn người dân Thủ đô dự míttinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn thành phố chào mừng thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Kỷ nguyên trong lịch sử Việt Nam
Gắn với lịch sử Việt Nam, kỷ nguyên thường được nêu dưới hai dạng, xuất phát từ hai cách tiếp cận: Kỷ nguyên độc lập và kỷ nguyên phát triển.
Kỷ nguyên độc lập tự chủ, ở Việt Nam là các mốc cuộc khởi nghĩa của Khúc Thừa Dụ năm 905 (một số quan điểm thì lấy mốc 938) - đây là mốc dựng nền tự chủ; mốc năm 1428 (Lê Lợi); mốc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Kỷ nguyên phát triển, theo nghĩa này rất gần với kỷ nguyên vươn mình. Những khái niệm này chưa thấy xuất hiện (nhiều) trong các văn bản chính thống hoặc trong các bộ lịch sử. Có chăng, đó là đời Hồng Đức (1470 - 1497) - “Đời vua Thái tổ, Thái tông thóc lúa đầy đồng trâu chẳng buồn ăn); đó là một thời hòa bình, thịnh trị, đời sống nhân dân ấm no, phát triển nhưng chưa hội đủ các giá trị và bền vững đủ để gọi là kỷ nguyên.
Dĩ nhiên, kỷ nguyên phát triển phải trong kỷ nguyên độc lập; độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường là điều kiện cần, là bối cảnh quyết định. Song đáng lưu ý là, không phải kỷ nguyên độc lập nào cũng đồng thời có hoặc chí ít là sẽ có kỷ nguyên phát triển. Nước ta, mốc năm 1975 xứng là mốc của kỷ nguyên độc lập thống nhất, thật hào hùng và đầy hứng khởi (vận nước đã đến rồi - bình minh chiếu khắp nơi), nhưng gần như lập tức bước vào một giai đoạn khó khăn, khủng hoảng (khi đó, còn có câu ca mang tính châm biếm là “Bốn nghìn năm ta lại là ta, từ trong hang đá chui ra, vươn vai một hai ba cái... rồi ta chui vào””) (Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết về Chuyển đổi số nêu mốc năm 1975 mở ra “chương mới”). Ngẫm kỹ, nếu không dám nói là quy luật thì cũng có thể nói là trong lịch sử nước ta lặp đi lặp lại khá nhiều trạng thái mà những đỉnh cao vinh quang chiến thắng ngoại xâm lại là điểm bắt đầu một quá trình khó khăn, khủng hoảng.
Đổi mới, chúng ta đang sử dụng chính thống là “thời kỳ”; với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đã xứng tầm với khái niệm “thời đại”; cũng có quan điểm cho rằng Đổi mới là một kỷ nguyên. Thiết nghĩ, mối quan hệ giữa “thời kỳ đổi mới” và “kỷ nguyên vươn mình” rất cần được luận giải.
Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới.
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
Trước hết, có thể nhận thấy là chưa khi nào khái niệm, nội dung của khái niệm thời đại, kỷ nguyên phát triển của Việt Nam lại hội nhập sâu với quốc tế như vậy. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, thời đại Cách mạng Tháng Mười, thời đại giải phóng dân tộc - chúng ta đồng hành, thậm chí đi đầu “Vui gì hơn làm người lính đi đầu - Trong đêm tối tim ta làm ngọn lửa”; nhưng ở góc độ phát triển thì tính hội nhập chưa cao. Ngày nay, thế giới/nhân loại đang trong một kỷ nguyên mới, với một số đặc điểm (đặc trưng, nội hàm) sau: 1) Hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa mạnh mẽ, toàn diện với nhiều mục tiêu, giá trị, tiêu chí toàn cầu và những công dân toàn cầu. 2) Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cách mạng số và công nghệ cao. 3) Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và dịch vụ. 4) Xu hướng phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. 5) Thay đổi thị trường lao động theo hướng gia tăng lao động chất lượng cao. 6) Thay đổi xã hội và văn hóa; văn hóa ngày càng trở thành nguồn lực phát triển quan trọng của các quốc gia...
Điều này khẳng định kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam mang trong mình những giá trị thời đại - và đây là bối cảnh/điều kiện/vận hội lịch sử để kỷ nguyên phát triển tiếp tục đưa dân tộc ta phát triển xứng tầm thời đại.
Dân tộc Việt Nam đã hội tụ, tích tụ những giá trị/nguồn động lực mạnh mẽ cho bước chuyển mình lớn lao - kỷ nguyên vươn mình.
Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định: “Với những thành tựu vĩ đại sau gần 80 năm lập nước, với thế và lực đã tích lũy được, với thời cơ, vận hội mới, chúng ta đã hội tụ đủ điều kiện và đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc, xây dựng thành công nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.” [1]
Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã tạo nên và củng cố, giữ gìn cơ đồ giang sơn gấm vóc; hun đúc nên con người Việt Nam anh hùng và đất nước Việt Nam anh hùng, quả cảm, cần cù và sáng tạo, giàu giá trị văn hóa, nhân văn.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; đất nước đã giành lại và củng cố vững chắc nền độc lập; tạo dựng nền hòa bình và thống nhất với những thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử và thời đại.
Công cuộc đổi mới với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; đưa đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế cao nhất so với trước; một khí thế mới, đầy khát vọng phát triển nhanh và bền vững.
Khởi điểm của kỷ nguyên vươn mình hội tụ những giá trị của dân tộc và thời đại; của truyền thống và đương đại; của vật chất và tinh thần; của thực lực, nội lực và khát vọng. Đổi mới là thời kỳ khởi động, tích lũy năng lượng và chạy đà để dân tộc vươn mình phát triển. Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc bắt nguồn từ thời kỳ đổi mới, công cuộc đổi mới và sẽ nâng tầm công cuộc đổi mới và phát triển của đất nước ta.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, có ba cơ sở để định vị mục tiêu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Theo đó, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu, rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tích cực tại nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng. Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; lợi ích quốc gia, dân tộc được bảo đảm.
Quy mô nền kinh tế năm 2023 tăng gấp 96 lần so với năm 1986. Việt Nam trong nhóm 40 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài; có quan hệ ngoại giao với 193 nước là thành viên Liên hợp quốc; xây dựng các mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các cường quốc trên thế giới và khu vực.
Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để xác lập trật tự thế giới mới, đây cũng là thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng, giai đoạn nước rút của cách mạng Việt Nam để đạt mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo tiền đề vững chắc đạt mục tiêu 100 năm thành lập nước.
Sự biến chuyển có tính thời đại đem đến thời cơ, thuận lợi mới, đồng thời cũng có nhiều thách thức to lớn đối với Việt Nam. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là trí tuệ nhân tạo và công nghệ số đem đến cơ hội mà những quốc gia đang phát triển, chậm phát triển có thể nắm bắt để đi trước đón đầu, phát triển vượt bậc.
Lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, khơi dậy ý chí tự lực, tự chủ, tự tin, tự cường, tự hào dân tộc, huy động sức mạnh toàn dân kết hợp với sức mạnh thời đại, con thuyền cách mạng Việt Nam sẽ đạt được những kỳ tích. Đó là những kỳ tích về một nước dân chủ thuộc địa nửa phong kiến có thể chiến thắng hai đế quốc thực dân hùng mạnh; kỳ tích về một nước từ bị bao vây cấm vận thực hiện thành công công cuộc đổi mới với những thành tựu vĩ đại.
Hiện nay là thời điểm ý Đảng hòa quyện với lòng dân trong khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sớm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Từ những vấn đề trên, có thể thấy, đây là thời điểm “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc tiếp sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới.
Chúng ta đang đứng ở thời điểm lịch sử trọng đại, là cơ hội lịch sử của kỷ nguyên vươn mình; không thể chậm trễ.
Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng; từ đây, hàng trăm triệu người dân Việt Nam như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh.
Trên thực tế, rất nhiều nội dung, lĩnh vực đang chuyển động mạnh mẽ; không chờ đợi Đại hội.
Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Nội hàm, đặc điểm kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, kỷ nguyên vươn mình hàm ý tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, nỗ lực, nội lực, tự tin để vượt qua thách thức, vượt qua chính mình, thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu, đạt được những thành tựu vĩ đại.
Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là thời kỳ phát triển, giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu.
Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Đến năm 2045, trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Cải tiến phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
Tập trung tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, bộ “tổng tham mưu”, đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước. Bảo đảm nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng không trùng với nhiệm vụ quản lý; phân biệt và quy định rõ nhiệm vụ cụ thể của các cấp lãnh đạo trong các loại hình tổ chức đảng, tránh tình trạng bao biện làm thay, hoặc tồn tại song trùng, hình thức. Đổi mới mạnh mẽ việc ban hành và quán triệt, thực hiện nghị quyết của Đảng; xây dựng các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên thật sự là các “tế bào” của Đảng. Đồng thời, đổi mới công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của Đảng. Ban hành Quy định phân cấp thẩm quyền kiểm tra, giám sát gắn với phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi lợi dụng kiểm tra, giám sát để tham nhũng, tiêu cực.
- Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
“Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất. Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế-xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”, trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số”[2].
Cách mạng chuyển đổi số phải được thực hiện với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi do Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại, đưa đất nước đi tắt đón đầu phát triển vượt bậc. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền tảng số kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số.
Bộ Chính trị sẽ sớm nghiên cứu, ban hành nghị quyết về chuyển đổi số quốc gia để lãnh đạo thực hiện quyết liệt trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị.
- Đột phá về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản
Trong ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn,” đặt ra yêu cầu cấp thiết phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần phải liên tục được hoàn thiện để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, phát huy dân chủ, vì con người, công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Công tác lập pháp phải được đổi mới mạnh mẽ, trong đó chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.
Các quy định của luật mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc; không cần quá dài.
Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành. Tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội; luật hóa các quy định của nghị định và thông tư.
Đổi mới quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật. Bám sát thực tiễn Việt Nam để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không nóng vội, nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể; thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm thiểu thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những “điểm nghẽn” có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Tập trung kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, “lợi ích nhóm”.
Các cơ quan lập pháp cần chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới (nhất là những vấn đề liên quan đến Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...) tạo khung khổ pháp lý để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số, tạo đột phá cho phát triển đất nước những năm tiếp theo.
Trong đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật, đã cải cách thủ tục hành chính triệt để, phân cấp, phân quyền tối đa theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII đã thống nhất “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
- Cách mạng về tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy hoạt động
Không khắc phục được tình trạng cồng kềnh, chồng chéo, thủ tục rườm rà sẽ cản trở phát triển, gây lãng phí, lỡ thời cơ phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Chủ trương chiến lược là cần tiếp tục tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, là “bộ tổng tham mưu,” đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước.
Cải cách, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Cắt giảm đầu mối trung gian không cần thiết, sắp xếp tổ chức theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, xác định rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, giữa người quản lý và người lao động. Hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát, bảo đảm sự thống nhất trong quản lý nhà nước và phát huy tính chủ động, sáng tạo của các địa phương.
- Chống lãng phí, đẩy mạnh phòng, chống lãng phí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Chống lãng phí từ việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực; lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt; lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước; lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công;... Lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân diễn ra dưới nhiều hình thức. Lãng phí do hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ, một số chưa phù hợp thực tế nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung.
Xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công theo tinh thần “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng cả lĩnh vực”. Hoàn thiện các quy định xử lý hành vi lãng phí; các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công; thể chế trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo sự đồng bộ trong chuyển đổi để giảm thiểu lãng phí. Giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn; các ngân hàng thương mại yếu kém. Sớm hoàn thành cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hằng ngày”.
- Đào tạo đội ngũ cán bộ có năng lực
Quan điểm này là sự nhất quán của Đảng ta về vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, và nhìn ra thế giới thì cũng đã được chứng thực bởi vai trò của đội ngũ lãnh đạo chính trị và công chức chính quyền với thành công thần kỳ của nhiều nước trong khu vực châu Á.
Những bước phát triển đột phá tại các quốc gia, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc., đều gắn với vai trò nổi bật của các nhà lãnh đạo luôn cháy bỏng khát vọng chấn hưng dân tộc, nâng tầm vị thế đất nước, cùng đội ngũ công chức, viên chức chính quyền không chỉ giỏi về năng lực chuyên môn, mà còn thấm đẫm ý thức làm việc mẫn cán và phụng sự nhân dân.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược ở nước ta đang và sẽ đứng trước trọng trách vinh quang nhưng cũng rất nặng nề là truyền cảm hứng, tạo động lực, vun đắp lòng tin, và dẫn dắt tiến trình phát triển bứt phá của đất nước, hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong kỷ nguyên mới để đưa dân tộc Việt Nam vươn mình, thay đổi vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đang đặt ra cấp thiết. Phẩm chất và năng lực của cán bộ trong giai đoạn cách mạng mới phải ngày càng được nâng cao để đáp ứng yêu cầu của thời đại. Trong đó, bản lĩnh chính trị phải vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung... là then chốt. Cán bộ cũng phải có tinh thần hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết.
Có bản lĩnh, quyết tâm cao, sẵn sàng dấn thân, hy sinh lợi ích cá nhân. Dám đi đầu, đổi mới, loại bỏ cái cũ, cái lạc hậu; khơi thông điểm nghẽn, giải quyết vướng mắc, ách tắc trong thực tiễn, mang lại hiệu quả cao trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ; giải quyết những vấn đề sai sót tồn đọng, kéo dài hoặc đột phá đối với những vấn đề mới chưa có quy định hoặc quy định chồng chéo, thiếu thống nhất, khó thực hiện.
Trong giai đoạn mới, bối cảnh mới hiện nay, cần đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được. Đặc biệt cần tăng cường tự đào tạo, tự bồi dưỡng, nhất là đối với yêu cầu của chuyển đổi số.
Xây dựng cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Bảo vệ đối với những trường hợp nguy cơ rủi ro, sai sót từ sớm, ngay khi có kế hoạch, tránh để cán bộ nhụt chí, chùn bước. Chú ý sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thử thách đối với các nhân sự được quy hoạch tham gia cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp.
Phát triển kinh tế theo hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh
Tập trung phát triển lực lượng sản xuất mới, trong đó kết hợp giữa nguồn nhân lực chất lượng cao với tư liệu sản xuất mới, hạ tầng chiến lược về giao thông, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh... gắn với hoàn thiện quan hệ sản xuất. Đẩy mạnh công nghệ chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, lấy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính cho phát triển.
“Kỷ nguyên mới”, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” không chỉ cho thấy những nét mới mẻ về nhận thức và quan điểm, mà còn khẳng định quyết tâm và tâm thế sẵn sàng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước về những mục tiêu mới trong giai đoạn phát triển sắp tới của đất nước; đã thu hút sự chú ý, khơi gợi nhiều cảm hứng cũng như dấy lên những kỳ vọng về sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa, sự thay đổi tích cực hơn nữa trên đất nước Việt Nam.
Tham luận tại Hội thảo khoa học quốc gia “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” do Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức ngày 15/11/2024.
Xuất bản: 11/2024
Trình bày: KIM TOÀN
Ảnh: BÁO NHÂN DÂN