Năm học giãn cách và ngày khai trường đặc biệt

Trước thềm năm học mới 2021-2022, Báo Nhân Dân ghi lại tâm tư, chia sẻ ấm áp yêu thương, nghị lực của các thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục trên mọi miền đất nước về một năm học giãn cách và lễ khai trường đặc biệt.

1. Trong suốt năm học vừa qua, cửa trường học trên cả nước không biết bao nhiêu lần mở rồi đóng, việc dạy và học được chuyển linh hoạt từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến. Nhiều trường học nơi tâm dịch... phải đóng cửa vì bị trưng dụng làm khu cách ly. Ngồi trước màn hình máy tính học trực tuyến có nhiều học sinh lâu ngày không được gặp bố mẹ đang ngày đêm nơi tuyến đầu chống dịch. Những buổi dạy “trực tiếp” với học trò nghèo không có máy tính, điện thoại giúp thầy cô thấu hiểu hoàn cảnh, gắn bó từ việc học đến đời sống các em học sinh.

Năm học 2020-2021 kết thúc không trọn vẹn khi nhiều thầy cô tại các tỉnh phía nam có người nhà hoặc chính bản thân trở thành người bệnh Covid-19. Họ trải qua những tháng ngày nén chịu nỗi đau để không gục ngã.

Vượt qua khó khăn, Việt Nam vẫn giành nhiều thành tích trong các kỳ thi quốc tế. Thầy Lê Anh Vinh, Trưởng đoàn Olympic Toán học quốc tế 2021 hạnh phúc khi 6 thành viên của đội tuyển chưa tập trung cùng nhau buổi nào ấy đã biến bất lợi thành lợi thế, đều nhận được giải cao.

2. Năm học mới chuẩn bị bắt đầu, niềm vui, hy vọng đến cùng sự lo lắng khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Nhiều giáo viên và học sinh có chút luyến tiếc và mất mát khi nghĩ về khai giảng trực tuyến. Nhiều nơi cũng sẽ không thể khai trường đúng dịp 5/9. Nhưng vượt lên tất cả, thầy trò vẫn luôn tin năm học 2021-2022 sẽ thành công với nhiều quả ngọt bởi đó là năm học được vun trồng từ rất nhiều những yêu thương trong hoàn cảnh đặc biệt. Tất cả vì học sinh thân yêu, vì sự nghiệp “trồng người”.

Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10, TP Hồ Chí Minh

Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10, TP Hồ Chí Minh

TÔI PHẢI BÌNH TĨNH VƯỢT QUA SÓNG TO, GIÓ LỚN

Covid-19 như cơn bão cuồng phong càn qua, quét lại đã “cướp” đi nhiều thứ quý giá của con người. Trường trung học phổ thông Nguyễn Du đã có 9 thầy cô cùng người nhà dương tính, còn học sinh và gia đình học sinh thì nhiều lắm. Riêng gia đình tôi có 23 người thân dương tính, trong đó có 2 người mất, 1 người đang nguy kịch.

… Ngày bế giảng năm học cũ, tôi đặt 600 cái nón bảo hiểm để tặng thưởng cho học sinh từ 9.0 điểm trở lên. Nón vừa được giao tới thì cô chủ hàng bị F1 đi cách ly. Đến khi cô này ra khỏi khu cách ly thì Trường chúng tôi được trưng dụng làm nơi cách ly điều trị F0. Thế là đến nay vẫn chưa thể giải quyết xong “hợp đồng”.

… Khi TP Hồ Chí Minh bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội, không một ai vào trường để lấy dụng cụ học tập về, cứ nghĩ hết giãn cách 14 ngày thì trở lại, nhưng không ngờ quá lâu. Đối với tôi bao nhiêu ngày giãn cách là bấy nhiêu ngày đầy ắp kỷ niệm.

… Lễ khai giảng được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, tất nhiên phụ huynh, học sinh và những người làm công tác giáo dục không thể vui và tôi cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, với tôi bây giờ không nên để cảm xúc “lôi” mình đi vì đại gia đình trường THPT Nguyễn Du và gia đình tôi đang rất cần tôi. Là chỗ dựa tinh thần, là người cầm lái cả con thuyền lớn phải bình tĩnh và sáng suốt để vượt qua sóng to, gió lớn.

Cô Lê Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Phương, Hà Nội

Cô Lê Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Phương, Hà Nội

NGÔI TRƯỜNG ĐẦU TIÊN ĐÓNG CỬA CÁCH LY VÌ COVID-19

Vào tháng 1, thời điểm đó Việt Nam bùng phát đợt dịch thứ ba, trường Tiểu học Xuân Phương, Hà Nội là trường đầu tiên phải đóng cửa, trở thành điểm cách ly của 80 thầy trò khi có một học sinh lớp 3 mắc Covid-19.

... Tám tháng trước, thầy trò chúng tôi bước vào một trận chiến vô cùng căng thẳng. Một học sinh có phụ huynh mắc Covid-19, nhà trường bật báo động đỏ. Tối 30/1/2021, như một dự cảm về khó khăn trước mắt, tôi thu xếp vài đồ dùng cá nhân nói với chồng “Em phải vào trường xử lý các công việc và làm báo cáo, chắc không về ngay được”. Thế rồi cuối cùng, chuyến đi đó của tôi kéo dài tới 21 ngày.

… Tối 31/1/2021, một học sinh lớp 3E trở thành F0. Vậy là Covid-19 đã chính thức tấn công vào trường, 14 giáo viên thành F1 và có khoảng gần 70 người liên quan.

… Hà Nội cuối đông chớm xuân, cái giá ban đêm thấu xương. 2 giờ sáng ngày 1/2/2021, các con được lấy mẫu xét nghiệm. Khoảng 12 bạn không có bố mẹ đi cùng nên có phần hoảng loạn. Tôi phân công các cô giáo chăm nom sát sao để tạo tâm lý yên tâm cho các con. 4 giờ sáng, việc lấy mẫu kết thúc. Cả trường có một đêm gần như thức trắng vì ai cũng lo, nếu có thêm một cháu nào thành F0 thì nguy cơ dịch lan rộng toàn trường hiển hiện.

… Cuối chiều ngày 1/2/2021 khi toàn trường được xét nghiệm và âm tính, chúng tôi mới trút đi phần nào gánh nặng. Giờ phải tập trung lo cho khoảng 80 cháu và phụ huynh học sinh tại trường là nhiệm vụ quan trọng nhất. Tất cả mọi người nhìn nhau trấn an “Cố gắng 21 ngày nhé. Mùng 3 Tết (ngày 14/2/2021) chúng ta sẽ được về nhà”…

Cô Nguyễn Thị Bích Thủy, Giáo viên chủ nhiệm lớp 2A – Trường tiểu học Cao Bá Quát, thôn Kon Rờ Bàng, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum

Cô Nguyễn Thị Bích Thủy, Giáo viên chủ nhiệm lớp 2A – Trường tiểu học Cao Bá Quát, thôn Kon Rờ Bàng, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum

TÔI VẪN DẠY "TRỰC TIẾP" NHƯNG THEO PHƯƠNG PHÁP TRÁNH DỊCH

Hoàn cảnh gia đình các em học sinh trường tôi đa số thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Phụ huynh không có máy tính, điện thoại thông minh để bảo đảm cho việc học trực tuyến.

Năm học trước, thời gian học sinh tạm nghỉ học do dịch, tôi tham gia cùng các tổ chuyên môn trong trường họp, ra bài tập, in ra để photocopy, đi đến từng nhà phát bài đến tận tay phụ huynh và học sinh.

Đầu tuần, tôi đi phát bài tập cho các em, cuối tuần thu lại rồi tiến hành chấm bài, nhận xét từng bài cụ thể, sai chỗ nào, những điểm cần khắc phục… cho từng em để các em rút kinh nghiệm làm bài tiếp.

Mỗi lần phát bài tập mới, tôi kèm theo bài tập đã chấm để các em hiểu tường tận, tiếp thu tốt bài học. Hằng ngày trong tuần, tôi đến từng nhà các em để nhắc nhở, đôn đốc các em làm bài tập, dặn dò phụ huynh học sinh quan tâm, hướng dẫn thêm các em học.

Trong quá trình dạy “trực tiếp” theo phương pháp học tránh dịch này, tôi càng thấu hiểu hoàn cảnh gia đình các em, gắn bó hơn với các em để tìm mọi cách giúp đỡ từ việc học đến đời sống các em học sinh.

… Bước vào hè với những hụt hẫng về một năm học “không bế giảng” nhưng tôi và các đồng nghiệp sớm vượt qua và bắt tay ngay vào chuẩn bị cho năm học mới với nhiều khó khăn, thách thức.

… Năm nay, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19, lễ khai giảng được phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Kon Tum (đồng thời chuyển tiếp qua các kênh truyền thông xã hội), lúc 8 giờ – 8 giờ 40 phút ngày 5/9. Sau đó, cô trò chúng tôi lại tiếp tục học “trực tiếp” từ ngày 6/9.

Cô và trò chúng tôi mong mỏi nhất là dịch bệnh nhanh qua đi để được đồng hành trực tiếp, cùng nhau bước vào một năm học mới, trong điều kiện bình thường mới.

Ông Vũ Minh Tâm, Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi

Ông Vũ Minh Tâm, Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi

Ở NƠI TÂM DỊCH, TRƯỜNG HỌC LÀM CHỖ CÁCH LY

Do tất cả các trường học trở thành khu cách ly y tế nên năm học mới này, tất cả học sinh bậc học tiểu học đến THCS vùng tâm dịch Đức Phổ, Quảng Ngãi sẽ học trực tuyến.

… Tôi còn nhớ, buổi tối ngày cuối tháng 8, anh em cơ sở tiếp nhận năm tàu thuyền và gần 60 ngư dân Phổ Thạnh khơi xa về, cần nơi ở cách ly tập trung. Thời điểm này, phần lớn trường học ở phường Phổ Thạnh, xã Phổ Châu đã bàn giao cho ngành giáo dục để chuẩn bị đón học sinh, số ít trường hiện làm khu cách ly đã quá tải.

Không còn cách nào, tôi quyết định trưng dụng trường THCS của phường để đón anh em ngư dân. Thế nhưng, Ban giám hiệu nhà trường không đồng ý, vì cơ sở vật chất phải phục vụ giảng dạy cho những ngày tới.

Là người đứng đầu chính quyền, tôi có quyền quyết định chọn cơ sở để cách ly y tế phòng dịch. Thế nhưng, Nhà trường cũng vì trẻ con, vì học sinh. Hai bên đều khó như nhau.

Nếu không giải quyết ngay trong đêm thì ngư dân ở ngoài đường, nguy cơ lan dịch ra cộng đồng. Giữa đêm, tôi điện thoại cho đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo để gỡ cái khó đôi bên. Chia sẻ, trao đổi cùng nhau, chúng tôi đi đến thống nhất dùng cơ sở trường học để tiếp nhận ngư dân trở về.

Ở vùng tâm dịch áp lực cũng nhiều hơn khi năm học mới sắp đến. Tại thị xã Đức Phổ có 41 khu cách ly y tế, trong đó 38 khu là trường học từ mầm non đến THCS.

… Khó khăn bủa vây. Nhưng trong tình hình đại dịch chưa có tiền lệ, với biện pháp tối ưu nhất, chúng tôi vẫn cố gắng động viên người dân đồng hành. Người dân cách ly y tế ở trường học phải giữ gìn, tránh lây chéo phát sinh ca bệnh kéo dài thời gian trưng dụng trường học. Phải nỗ lực sớm hết dịch Covid-19 trên địa bàn để trả trường học cho thầy cô giáo, học sinh.

Ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang

Ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang

THẦY CÔ GIÁO CÓ NHỮNG ĐÊM KHÔNG NGỦ ĐỂ DỐC SỨC CHỐNG DỊCH

Kể từ đầu tháng 5, Bắc Giang trở thành tâm dịch của cả nước với diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống, thì tinh thần “mỗi làng xã là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch” lan tỏa đến từng nhà, từng người.

Ngành giáo dục của tỉnh Bắc Giang đã có những đêm không ngủ để dốc sức, đồng lòng cho cuộc đua chống lại bệnh dịch. Ban giám hiệu nhà trường gấp rút lên kế hoạch, xếp lớp, bố trí giáo viên; từng giáo viên chuẩn bị bài dạy, thiết bị để có thể thực hiện tiết dạy một cách tốt nhất.

Các phòng chức năng tất bật với công tác hướng dẫn, hỗ trợ kiểm tra hồ sơ học sinh, phương án ôn tập và công tác vệ sinh khử khuẩn phòng học đối với trên 300 cơ sở giáo dục được trưng dụng làm khu cách ly…

Các thầy cô vất vả lo lắng cho 244 học sinh, 10 giáo viên nhiễm Covid-19 được đưa đi cách ly, điều trị tập trung và hàng trăm đối tượng khác là F1. Nhiều cán bộ, giáo viên, nhân viên đã tình nguyện tham gia các mặt trận phòng, chống dịch tại địa phương. Có người trực tiếp ở tuyến đầu chống dịch, chăm sóc bệnh nhân trong khu cách ly, hỗ trợ ngành y tế, công an, quân đội làm nhiệm vụ...

Đây là thời điểm hết sức khó khăn để thực hiện “mục tiêu kép” là vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa duy trì tổ chức các hoạt động giáo dục hiệu quả với tinh thần không để bất kỳ một học sinh nào bị bỏ lại phía sau.

Chúng tôi xác định năm học 2021-2022 là một năm học cần đầy nỗ lực vượt khó, đòi hỏi tinh thần sáng tạo cao, sự linh hoạt, nhạy bén trong hoạt động truyền thụ kiến thức.

Cô Lê Thị Mỹ Phương, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Hải Dương

Cô Lê Thị Mỹ Phương, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Hải Dương

LO LẮNG DỊCH BỆNH LÂY NHIỄM VÀ XÂM LẤN TRONG HỌC ĐƯỜNG

Dịch Covid-19 bất ngờ xuất hiện, từ đầu năm 2020 tới nay TP Hải Dương luôn là tâm điểm của các đợt dịch, thường xuyên phải áp dụng các Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và phải gồng mình chống dịch.

Đối với học sinh tiểu học và THCS, khi dịch bệnh “len lỏi” vào địa bàn thành phố, mục tiêu hàng đầu của chúng tôi là cố gắng thực hiện thật tốt “mục tiêu kép “vừa dạy học, vừa phòng chống dịch”, chủ động điều chỉnh nội dung dạy học bảo đảm tinh giản kiến thức, phù hợp thời lượng; kết hợp giữa dạy trực tiếp và dạy trực tuyến để hoàn thành nội dung kiến thức năm học.

Ngay từ đầu năm 2020, chúng tôi đã hướng dẫn các trường thống kê toàn bộ giáo viên, học sinh có đủ điều kiện dạy và học trực tuyến, các thiết bị nghe nhìn (điện thoại smartphone, máy tính, iPad...) và hệ thống đường truyền.

Tổ chức trưng cầu ý kiến của phụ huynh học sinh tiểu học về thời gian học (sáng, chiều hoặc tối) sao cho phù hợp với kế hoạch. Rà soát lại chương trình, sắp xếp thời gian biểu, xây dựng nội quy, quy chế học trực tuyến gửi đến tất cả các phụ huynh.

Một khó khăn lớn của chúng tôi là phải làm thật tốt công tác phòng ngừa và ngăn chặn để dịch bệnh không xâm lấn và lây nhiễm trong học đường. Tuy vậy, sự lo lắng đỉnh điểm của chúng tôi đã xảy ra vào cuối kỳ thi học kỳ II năm học 2019-2020, khi trong trường xuất hiện trường hợp học sinh nhiễm Covid-19 từ cộng đồng khiến gần 200 học sinh và 30 giáo viên Trường THCS Võ Thị Sáu phải đi cách ly tập trung.

Lường trước tình huống, chúng tôi ngay lập tức thực hiện phương án đưa mọi người đi cách ly tập trung tại hai cơ sở trường mầm non và quan trọng nhất là động viên tinh thần các con, hướng dẫn các con thực hiện đúng quy định 5K. Trong số hơn 200 F1 thực hiện cách ly chỉ có một trường hợp trở thành F0 và đã không để xảy ra lây nhiễm chéo.

Điều mong ước lớn nhất của tôi lúc này là dịch bệnh mau qua để tất cả mọi người bình an, thoát nỗi âu lo, để nhân loại hướng về phía trước và toàn thể học sinh ở mọi quốc gia vui vẻ cắp sách tới trường.

Cô Hoàng Thị Cúc Huyền, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú – trung học cơ sở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng

Cô Hoàng Thị Cúc Huyền, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú – trung học cơ sở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng

NỖI LO COVID-19 TRƯỚC NGÀY KHAI GIẢNG CẬN KỀ

Mùa hè năm nay, dù Lạc Dương là “vùng xanh”, nhưng các em học sinh của trường tôi cũng đành “cắm bản”, không ra khỏi buôn làng để phòng, chống dịch theo quy định. Mùa hè không có kỳ nghỉ hè. Gần bốn tháng trôi qua cô trò chưa được gặp nhau ở ngôi trường thân thương phía chân núi Mẹ Langbiang.

Niềm vui bất ngờ đến với tôi trong một chiều mưa, qua cuộc điện thoại, Liêng Hót K’Thúy, cô học trò òa khóc khi chia tay cha mẹ để đến trường mới, gọi cho tôi: Niêm să pugru! (Chào cô giáo - tiếng K’Ho).

Sau câu chào, em tỉ tê tâm sự chuyện buôn làng, chuyện phòng chống dịch, rồi chuyện học ở nhà. “Em nhớ thầy cô, nhớ các bạn lắm. Sao lâu quá chưa được đi học hả cô?” - K’Thúy hỏi. “Sắp được đến trường vui đùa rồi, lần này chắc không khóc đâu nhỉ?!”, tôi ghẹo K’Thúy. Câu chuyện cứ thế kéo dài.

Rồi Ly Đơ, K’Liên, K’Brin… nữa, chính những học sinh khóc lóc, vùng vằng không muốn đến trường và nhiều học sinh khác cứ nhắn tin, gọi điện cho tôi hỏi ngày được đến trường. Tôi vui lắm. Chuyện vận động học sinh ra lớp đã khó, nay nhận được những thông tin như thế chúng tôi thật sự ấm lòng.

Năm học mới chuẩn bị bắt đầu, niềm vui đến cùng sự lo lắng. Năm nay, nỗi lo không chỉ ở học sinh mới nhập trường, mà chính là nỗi lo dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Dù những năm gần đây, các phòng học của trường đã được lắp đặt hệ thống máy chiếu, ti-vi cỡ lớn, máy tính kết nối mạng internet và những thiết bị công nghệ dạy học hiện đại, giúp giáo viên và học sinh nâng cao kiến thức, tạo nên những tiết học sinh động. Nhưng, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, trong điều kiện của nhà trường, hoàn cảnh gia đình phụ huynh ở các buôn làng, việc học trực tuyến sẽ rất khó khăn.

Tiến sĩ Lê Thị Hương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị

Tiến sĩ Lê Thị Hương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị

CHÚNG TÔI PHẢI ĐỐI PHÓ CÙNG LÚC THIÊN TAI VÀ DỊCH BỆNH

Gần một năm nay, ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị đối diện cùng lúc hai khó khăn lớn, đó là ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt và sạt lở núi gây ra vào những tháng cuối năm 2020 và dịch bệnh Covid-19.

… Ngày 27/10/2020, tôi có mặt trong đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cùng lãnh đạo huyện Hướng Hóa, là những người đầu tiên đến được các trường: Trường Mầm non, Trường TH-THCS Hướng Việt sau lũ lớn.

Hôm ấy, đường Hồ Chí Minh nhánh tây theo hướng Khe Sanh ra xã Hướng Việt của huyện miền núi Hướng Hóa vẫn còn ách tắc vì núi sạt lở vùi lấp nhiều đoạn, chúng tôi phải đi vòng ra địa phận tỉnh Quảng Bình từ hướng bắc, lên gặp đường Hồ Chí Minh nhánh tây, sau đó quay vào hướng nam qua xã Hướng Lập để đến được xã Hướng Việt.

Vừa đặt chân xuống sân Trường Mầm non, Tiểu học THCS Hướng Việt, tôi ôm lấy cô hiệu trưởng mầm non rồi không cầm được nước mắt bởi vì cảm kích trước lòng dũng cảm của thầy cô giáo.

… Mấy tháng qua, tỉnh Quảng Trị không có ca Covid-19 ngoài cộng đồng nên tôi chỉ đạo ngành chuẩn bị sẵn sàng cho ngày khai giảng năm học mới 2021-2022, tận dụng “thời gian vàng” để dạy học tại trường.

Học sinh tiểu học đến trường được hai hôm, thì bất ngờ, diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh lại có dấu hiệu phức tạp, các khu cách ly tập trung của tỉnh xuất hiện tình trạng ca bệnh lây nhiễm chéo.
Trong lúc năm học mới chuẩn bị bắt đầu, niềm vui đến kèm theo bao lo lắng về dịch bệnh thể hiện trên gương mặt nhiều thầy cô và phụ huynh, học sinh. Trước tình hình này, tôi bàn với Ban Giám đốc sở thay đổi kế hoạch năm học mới, quyết định các trường trên toàn tỉnh bắt đầu năm học mới từ ngày 6/9.

Thầy Lê Quốc Trung, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Mong Thọ, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang

Thầy Lê Quốc Trung, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Mong Thọ, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang

"THẦY ƠI, CON LÀ F0"

Con là F0, bị dương tính, con đang rất buồn, sốc nặng và trầm cảm ạ!!!”. “Con sợ không về kịp ngày 5/9”… Tôi nhận được những dòng tin nhắn này từ một học sinh lớp 11. Nghỉ hè, em đi Bình Dương ở đậu nhà người dì để đi làm thuê và mắc Covid-19 tại đó.

Để chuẩn bị cho năm học mới bắt đầu, trường ra thông báo để học sinh phản hồi tình hình qua các group zalo, facebook..

… Tôi trực tiếp kiểm tra thông tin phản hồi. Hầu hết các em cho biết ở trạng thái bình thường, ổn định, với những dòng tin nhắn thể hiện sự trẻ trung, tươi mới chào đón năm học mới.
Trong số rất nhiều tin nhắn có dòng thông tin từ một em học sinh: “Dạ, con tên N.H.T lớp 11A1, đang ở Bình Dương. Con là F0, bị dương tính, con đang rất buồn, sốc nặng và trầm cảm ạ!!!”.
Qua tìm hiểu, nhà trường được biết gia cảnh của em N.H.T rất khó khăn. Nghỉ hè, em đi Bình Dương ở đậu nhà người dì để đi làm thuê.

… Sau khi tâm sự, tương tác nhiều điều với thầy hiệu trưởng là tôi, học trò có phần giảm áp lực về bệnh tình, nhưng lại lo lắng về việc học: “Con sợ không về kịp ngày 5/9”.

Năm học 2021-2022, khi dịch bệnh bùng phát mạnh, toàn ngành giáo dục có những ứng biến linh hoạt, phù hợp với tình hình. Trường Mong Thọ đã xây dựng các kế hoạch, triển khai thực hiện các công việc theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo về tựu trường, khai giảng, học trực tuyến và các kế hoạch chuyên môn khác.

Mọi việc đang triển khai từ Ban giám hiệu, tổ chuyên môn, giáo viên và khâu cuối cùng là đến với tất cả học sinh. Công việc cơ bản hoàn thành, nhưng tâm trạng tất cả chúng tôi đang ngổn ngang. Hoàn cảnh của nhiều học sinh, có cả giáo viên đang rất khó khăn, phải xin gạo từ thiện, tôi rất trăn trở.

GS, TS Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Trưởng đoàn Olympic Toán học quốc tế 2021 tại Việt Nam

GS, TS Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Trưởng đoàn Olympic Toán học quốc tế 2021 tại Việt Nam

MỘT KỲ IMO ĐẶC BIỆT: BIẾN BẤT LỢI THÀNH LỢI THẾ

Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số địa phương từ đầu năm, học sinh tham dự các kỳ Olympic quốc tế các môn khoa học đều theo hình thức trực tuyến. Olympic Toán học quốc tế (IMO) cũng không phải ngoại lệ và địa điểm được chọn là Trường đại học Khoa học Tự nhiên và Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP Hồ Chí Minh.

… Do tình hình dịch Covid-19 nên năm nay, ngay cả việc tập huấn đội tuyển cũng diễn ra hoàn toàn trực tuyến. Cả đội không tập trung ôn luyện cùng với nhau ngày nào và khi thi là thi tại hai điểm. Ở các môn khác do thời gian diễn ra sớm hơn một chút nên các bạn vẫn có thể tập trung được.

Đội tuyển IMO của Việt Nam, gồm 4 học sinh ở Hà Nội, 1 học sinh ở Vĩnh Phúc, 1 học sinh ở TP Hồ Chí Minh. Khi có danh sách đội tuyển thì cũng là lúc Vĩnh Phúc có đợt dịch bùng phát, nên việc tập trung học sinh phải dừng 2-3 tuần, chuyển sang học online.

Sau đó khoảng 1 tháng khi tình hình ổn định, đội tuyển chuẩn bị chuyển sang học offline thì TP Hồ Chí Minh lại có dịch. Cuối cùng thì đội tuyển Toán trong suốt 2 tháng chuẩn bị đã không tập trung cùng nhau buổi nào, các bạn cũng không được gặp nhau trực tiếp buổi nào.

… Khi có thông tin số ca mắc của TP Hồ Chí Minh tăng lên, lập tức chúng tôi đã đặt ra vấn đề một học sinh trong đội tuyển ở TP Hồ Chí Minh có ra Hà Nội thi hay không? Vấn đề này nhanh chóng được giải quyết khi chúng tôi ngay lập tức đã quyết định để bạn đó thi ở TP Hồ Chí Minh, thành lập hội đồng thi tại đây.

Đội tuyển Olympic Toán học (IMO) của Việt Nam giành được những thành quả rất xuất sắc: Cả 6 thí sinh của đội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự Olympic Toán học quốc tế 2021 đều giành được huy chương, với 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 3 huy chương đồng.

Cô Cao Thị Lan Thanh, Hiệu phó Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, chủ nhiệm đội tuyển Tin học

Cô Cao Thị Lan Thanh, Hiệu phó Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, chủ nhiệm đội tuyển Tin học

CHÚT LUYẾN TIẾC PHẢI KHAI GIẢNG TRỰC TUYẾN SẼ QUA NHANH

Không ai mong muốn năm học mới lại bắt đầu bằng những kết nối trực tuyến cả. Với mỗi học sinh, ngày đầu năm học có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng. Đó là thời khắc đánh dấu sự trưởng thành của mỗi người. Được quay lại trường học để gặp gỡ bạn bè, thầy cô, để hàn huyên - tâm sự, trao gửi nhau những hoài niệm, những dự định …. Nên chắc chắn sẽ nhiều giáo viên và học sinh có chút luyến tiếc và mất mát khi nghĩ về khai giảng trực tuyến.

Song lúc này, vì sự an toàn của mỗi người, chúng ta buộc phải lựa chọn cách làm phù hợp nhất. Nếu hỏi tôi bây giờ tôi mong muốn điều gì nhất, thì chắc chắn là sự bình an. Cầu mong cho tất cả chúng ta sức khỏe, để vượt qua đại dịch, để tất cả học sinh đều được đến trường trong niềm vui, sự háo hức.

Để chúng ta hôm nay có thể ngồi bên máy tính kết nối với nhau, thì ngoài kia rất nhiều những lực lượng tuyến đầu: lãnh đạo, các y bác sĩ, bộ đội, công an… đang phải chiến đấu với dịch dã một cách khốc liệt, rất nhiều người đã hy sinh hạnh phúc riêng tư của mình, thậm chí nhiều người đã ngã xuống.

Ngồi trước màn hình máy tính có nhiều em học sinh có bố, mẹ… đang tham gia chống dịch. Các em đã rất lâu rồi không được gặp người thân của mình. Bởi vậy, chúng ta hãy trân trọng những khoảnh khắc này để học tập một cách hiệu quả nhất, để đền đáp lại những hy sinh lặng thầm, lớn lao của họ…

Chúng ta sẽ làm tốt nhất có thể nhiệm vụ của mình, để chung tay cùng cộng đồng vượt qua những ngày tháng khó khăn này. Tôi vẫn luôn tin rằng năm học 2021-2022 sẽ thành công với nhiều quả ngọt bởi đó là năm học được vun trồng từ rất nhiều những yêu thương trong hoàn cảnh đặc biệt!

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

DẠY VÀ HỌC LINH HOẠT ĐỂ THÍCH NGHI DỊCH BỆNH

Năm học 2021-2022 mở đầu cho kế hoạch 5 năm tới, ngành giáo dục tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ cấp bách, nhằm bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh; hạn chế các tác động tiêu cực của dịch bệnh tới giáo dục, đồng thời tiếp tục kiên trì mục tiêu chất lượng, ưu tiên triển khai dạy – học linh hoạt thích nghi với các điều kiện và tình hình của địa phương.

Năm học 2020-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động xây dựng và điều chỉnh kế hoạch năm học một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương để cùng cả nước phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả.

Cùng với đó, tổ chức dạy – học trực tuyến hiệu quả, thực hiện chuyển đổi số toàn diện, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, các hướng dẫn, phương pháp liệu, chương trình, nội dung, tư vấn hỗ trợ cho phụ huynh, đặc biệt lưu ý các giải pháp hỗ trợ học sinh lớp 1 và lớp 2.

Hạn chế tối đa dạy thêm, học thêm, triển khai ngay việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn: Tiếng Việt, Lịch sử, tăng cường chất lượng dạy và học Ngoại ngữ.

Ngành phối hợp các bộ ngành, địa phương hỗ trợ giáo viên, địa phương gặp hoàn cảnh khó khăn, triển khai tiêm vaccine cho giáo viên và học sinh để bảo đảm trường học mở cửa trở lại sớm nhất có thể.


Ngày xuất bản: 06/09/2021
Tổ chức thực hiện: VIỆT ANH
Thực hiện: HỒNG VÂN - LÊ HÀ - THIÊN LAM - MINH DUY - CAO TÂN - VIỆT TIẾN - MAI VĂN BẢO - ĐÔNG HUYỀN - PHÚC THẮNG - LÂM QUANG HUY - ĐẶNG GIANG
Trình bày: BÔNG MAI
Hình minh họa: Thiết kế dựa trên chất liệu của Freepik