
Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, 30km đầu tuyến thuộc dự án thành phần đường cao tốc bắc-nam, đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt (từ Diễn Châu đến quốc lộ 46) được thông xe đưa vào khai thác, phục vụ hiệu quả nhu cầu đi lại của người dân. Cuối tháng 6 vừa qua, đoạn cuối tuyến 19km từ quốc lộ 46B đến nút giao quốc lộ 8A tiếp tục hoàn thành, trở thành "mảnh ghép" cuối cùng khép lại quá trình đầu tư xây dựng dự án đường cao tốc bắc-nam giai đoạn 1 (2017-2020) với tổng chiều dài khoảng 654km.
Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, với dấu mốc này, tổng chiều dài đường cao tốc trên cả nước đưa vào khai thác đã đạt con số 2.021km. Đây là thành tích "vô tiền khoáng hậu", chỉ trong khoảng 4 năm, nước ta đã làm được gần 860km đường cao tốc, trong khi gần 20 năm trước chỉ mới làm được hơn 1.100km.
Bước nhảy vọt về hạ tầng giao thông

Nhiều cán bộ lão thành ngành giao thông còn nhớ rõ, sau năm 1975, ở miền bắc không còn một tuyến đường bộ nào đạt cấp kỹ thuật. Những năm 80 của thế kỷ XX, hệ thống đường bộ cả nước mới có khoảng 48.000km, trong đó, hệ thông quốc lộ hơn 10.600km. Quốc lộ 1 xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu giao thông trên tuyến huyết mạch bắc-nam, cửa ngõ Hà Nội đi các tỉnh phía nam thường xuyên rơi vào cảnh ùn tắc nghiêm trọng. Trước tình cảnh đó, ngành giao thông đã quyết định đầu tư xây dựng con đường 4 làn xe dài hơn 30km từ Pháp Vân đến Cầu Giẽ, sau đó tiếp tục nối thông đi Ninh Bình, giải thoát khỏi cảnh ùn tắc liên miên tại cửa ngõ Thủ đô.
Ngày 3/2/2010, tuyến cao tốc đầu tiên của đất nước dài hơn 40km từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Trung Lương chính thức đưa vào khai thác, rút ngắn thời gian từ thành phố về Tiền Giang chỉ còn khoảng 30 phút, thay vì kẽo kẹt gần 2 tiếng trên quốc lộ 1 như trước đây. Đây chính là “viên đá” dò đường, đặt nền móng cho khát vọng mở đường cao tốc của Chính phủ và ngành giao thông.
Thời điểm năm 2010, cả nước mới có 89km đường cao tốc, đến cuối năm 2023, cả nước đã khai thác 1.892km đường cao tốc và chỉ riêng trong năm 2023, Bộ Giao thông vận tải cùng một số địa phương đã hoàn thành, đưa vào khai thác 475km đường cao tốc, gần bằng cả giai đoạn 2016-2020.
Dễ nhận thấy, mục tiêu hoàn thành, đưa vào khai thác 3.000km đường cao tốc vào năm 2025 là bước nhảy vọt về hạ tầng giao thông nhưng cũng là nhiệm vụ rất nặng nề. Tổng chiều dài của các tuyến đường cao tốc được triển khai và hoàn thành giai đoạn 2021-2025 gấp khoảng 4 lần giai đoạn trước, tổng nguồn vốn ngân sách đầu tư đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025 cũng gấp khoảng 4 lần. Trong thời gian tới, nguồn vốn được xác định vẫn ưu tiên tập trung đầu tư cho hạ tầng giao thông, nhất là các công trình đường cao tốc để tăng kết nối vùng, phát triển kinh tế.
Để thúc đẩy tiến độ thi công, nhằm hoàn thành mục tiêu đưa vào khai thác 3.000km đường cao tốc trong năm 2025, giữa tháng 8 vừa qua, tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát động đợt thi cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc".

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra tiến độ thi công các dự án thành phần thuộc dự án đường cao tốc bắc-nam (Giai đoạn II).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra tiến độ thi công các dự án thành phần thuộc dự án đường cao tốc bắc-nam (Giai đoạn II).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra tiến độ thi công các dự án thành phần thuộc dự án đường cao tốc bắc-nam (Giai đoạn II).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra tiến độ thi công các dự án thành phần thuộc dự án đường cao tốc bắc-nam (Giai đoạn II).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra tiến độ thi công các dự án thành phần thuộc dự án đường cao tốc bắc-nam (Giai đoạn II).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra tiến độ thi công các dự án thành phần thuộc dự án đường cao tốc bắc-nam (Giai đoạn II).
Hiện nay, cả nước đã hoàn thành khoảng 1.000km đường bộ cao tốc, đi qua 15 tỉnh thành phố, nâng tổng số đường bộ cao tốc lên gần 2.100km. Hiện các dự án đang thi công với tổng số hơn 1.700km trải dài qua khắp 48 tỉnh, thành phố trên cả nước. "Từ nay đến hết năm 2025, cần phải hoàn thành ít nhất khoảng 1.000km đường cao tốc nữa, trong khi thời gian không còn nhiều. Thay mặt Chính phủ và Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương, tôi phát động đợt thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc", Thủ tướng kêu gọi.
Với khối lượng công việc hiện nay, để hoàn thành khoảng 1.000km cao tốc nữa trong 500 ngày đêm là thách thức lớn. Do vậy, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Các địa phương có dự án đi qua phải phát huy vai trò người đứng đầu, tuyên truyền vận động, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật để sớm triển khai dự án cao tốc. Đợt thi đua này cũng là dịp để đánh giá, lựa chọn các nhà thầu thi công tốt, có năng lực, có trách nhiệm, có tâm, có tầm để triển khai các dự án đường cao tốc cũng như các dự án trọng điểm quốc gia khác trong những năm tiếp theo.
Đại diện lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động đợt thi đua cao điểm, đơn vị đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát để nhận diện rõ thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và phân nhóm các dự án để tham mưu Bộ Giao thông vận tải và cấp thẩm quyền tập trung chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn.
Xác định khối lượng công việc còn lại rất lớn, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã tham mưu Bộ Giao thông vận tải và cấp thẩm quyền chỉ đạo các đơn vị xây dựng tiến độ thi công tổng thể, tiến độ chi tiết từng công trình, hạng mục, gói thầu. Đối với các dự án thành phần đường cao tốc bắc-nam giai đoạn 2 có kế hoạch hoàn thành ngày 30/4/2025, yêu cầu đặt ra là phải hoàn thành toàn bộ nền, móng mặt đường, công trình cầu, hầm trước ngày 31/12 để tổ chức thi công hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông. Các dự án còn lại cần kiểm soát chặt chẽ tiến độ, đặc biệt là công tác xử lý nền đất yếu, thi công hầm, cầu lớn để bảo đảm hoàn thành theo kế hoạch đề ra.

Tại dự án đường cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, trong điều kiện thời tiết miền trung bước vào mùa mưa, các nhà thầu đã linh hoạt chuyển từ thi công nền đường sang làm cầu, cống. Các mũi thi công gần 500 cầu, cống các loại đều có nhân lực, máy móc làm việc bất kể mưa gió. Đặc biệt, nhà thầu tập trung tối đa nhân lực, thiết bị thi công hệ thống 3 hầm xuyên núi,tổng cộng có 4.000 nhân lực, gần 1.800 thiết bị được duy trì.
Tại hầm số 1 và số 2, tiến độ thi công nền đường, bê tông vỏ hầm đang được nhà thầu Đèo Cả tăng tốc. Đại diện nhà thầu cho biết, sau khi hầm số 1 và 2 đã đào thông, vượt tiến độ 4 tháng, đến nay, cả hai hầm đã hoàn thành bê tông vỏ hầm, chuẩn bị lắp đặt thiết bị. Riêng hầm số 3, nhà thầu bố trí nhiều máy khoan hiện đại, nhân lực bám công trường 24/24h. Ghi nhận ở cả hai mũi thi công cửa hầm phía nam trên địa phận tỉnh Bình Định và cửa hầm phía bắc qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, không khí rất khẩn trương với hàng trăm lao động và máy móc.
"Chúng tôi nỗ lực không ngừng để thông hầm vào ngày 30/4/2025", đại diện nhà thầu khẳng định. Để đưa dự án về đích vượt tiến độ 6 tháng, liên danh các nhà thầu đã tăng mũi thi công, tăng nhân sự, thiết bị đến công trường. Những vị trí do nhà thầu phụ đảm trách có khối lượng không đạt, năng lực yếu, Tổng thầu báo cáo chủ đầu tư xem xét cắt chuyển khối lượng. Lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 cho biết, sau hơn 22 tháng, tiến độ dự án đạt hơn 45%, sản lượng gia tăng mỗi ngày. Lũy kế đến nay, dự án đạt giá trị sản lượng gần 6.200 tỷ đồng trong tổng số hơn 13.400 tỷ đồng vốn xây lắp.

Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, 28 dự án/dự án thành phần (16 dự án/dự án thành phần do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản, 12 dự án/dự án thành phần do địa phương làm cơ quan chủ quản) có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025, được chia thành 3 nhóm.
Nhóm 1 gồm 14 dự án/dự án thành phần (tổng chiều dài 742km) cơ bản không còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Tại nhóm dự án này, nổi bật có 10 dự án thành phần từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa thuộc dự án cao tốc bắc-nam giai đoạn 2021-2025 đang đạt giá trị thực hiện lớn, vượt tiến độ và đăng ký rút ngắn thời gian. Trong đó, 6 dự án thành phần đăng ký rút ngắn tiến độ khoảng 6 tháng so với kế hoạch đang tăng tốc về đích vào dịp 30/4/2025 tới gồm: Bãi Vọt-Hàm Nghi, Hàm Nghi-Vũng Áng, Vũng Áng-Bùng, Bùng-Vạn Ninh, Vạn Ninh-Cam Lộ, Vân Phong-Nha Trang.
Trục đường cao tốc từ Hà Nội đến Nghệ An.
Trục đường cao tốc từ Hà Nội đến Nghệ An.
Có 3 dự án đăng ký rút ngắn tiến độ 3 tháng so với hợp đồng đặt mục tiêu về đích tháng 9/2025 gồm: Hoài Nhơn-Quy Nhơn, Quy Nhơn-Chí Thạnh, Chí Thạnh-Vân Phong. Riêng dự án đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn có 3 hầm xuyên núi lớn nhưng nhà thầu đã nghiên cứu giải pháp kỹ thuật, đăng ký rút ngắn tiến độ 8 tháng so với kế hoạch để về đích vào cuối năm 2025.
Nhóm thứ 2 gồm 9 dự án/dự án thành phần cần phải quyết liệt, tập trung tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, vật liệu, nỗ lực tổ chức thi công "3 ca, 4 kíp" để hoàn thành trong năm 2025. Nhóm thứ 3 gồm 5 dự án/dự án thành phần và đoạn qua cầu Phước Khánh thuộc dự án Bến Lức-Long Thành (tổng chiều dài 136km). Đây là nhóm dự án hiện đang gặp rất nhiều thách thức, cả về mặt bằng và nguồn vật liệu.

Kết nối vùng miền

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho biết, tuy chưa có nghiên cứu, phân tích cụ thể nào về hiệu quả của các công trình đường bộ cao tốc đối với sự phát triển của vùng, địa phương, song thực tế cho thấy, mỗi tuyến đường cao tốc hoàn thành, đưa vào khai thác đều đang "biến thời gian thành tiền bạc". Lấy Quảng Ninh, địa phương sở hữu chiều dài tuyến đường cao tốc dài nhất Việt Nam làm thí dụ, nhờ phát triển hạ tầng mạnh mẽ, giao thông kết nối đồng bộ từ đường bộ đến đường biển, hàng không, tỉnh đã rất thành công trong phát triển kinh tế, trở thành một điểm đến hấp dẫn về đầu tư, thương mại, du lịch,...
Mỗi tuyến đường cao tốc hoàn thành, đưa vào khai thác đều đang "biến thời gian thành tiền bạc".
“Các tuyến cao tốc đã chứng minh rõ nét vai trò kết nối, rút ngắn thời gian di chuyển, liên kết chặt chẽ các khu kinh tế, cực tăng trưởng phía bắc và các sân bay quốc tế như Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn,… Khi hệ thống đường cao tốc hình thành và kết nối, còn tiết giảm chi phí đầu tư các cơ sở hạ tầng khác, giúp giảm thiểu 85-95% sự cố và tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ nằm gần kề đường cao tốc. Với những lợi ích đó, việc nỗ lực “thông mạch” toàn tuyến cao tốc bắc-nam trong thời gian ngắn nữa có ý nghĩa hết sức to lớn", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Chủng chia sẻ.

Các tuyến cao tốc đã chứng minh rõ nét vai trò kết nối, rút ngắn thời gian di chuyển, liên kết chặt chẽ các khu kinh tế, cực tăng trưởng phía bắc và các sân bay quốc tế như Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn,… Khi hệ thống đường cao tốc hình thành và kết nối, còn tiết giảm chi phí đầu tư các cơ sở hạ tầng khác, giúp giảm thiểu 85-95% sự cố và tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ nằm gần kề đường cao tốc. Với những lợi ích đó, việc nỗ lực “thông mạch” toàn tuyến cao tốc bắc-nam trong thời gian ngắn nữa có ý nghĩa hết sức to lớn.
Câu chuyện của tỉnh Quảng Ninh là một ví dụ điển hình. Chỉ trong khoảng 4 năm, với sự chủ động và đổi mới trong cách làm, huy động nguồn lực xã hội, tỉnh đã liên tiếp khánh thành 3 tuyến cao tốc quan trọng (Hạ Long-Hải Phòng kết nối vào tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, Hạ Long-Vân Đồn kết nối vào cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Vân Đồn-Móng Cái kết nối vào cửa khẩu quốc tế Móng Cái–Đông Hưng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng khánh thành một số công trình hạ tầng giao thông như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long,… góp phần tháo bỏ “tấm áo chật" cho sự lớn mạnh của một vùng động lực đang bị tắc nghẽn, tạo nên một diện mạo mới cho hạ tầng giao thông Quảng Ninh theo hướng hiện đại - thuận lợi - hiệu quả và an toàn, bảo đảm kết nối nhanh hơn với khu vực và quốc tế.
Thực hiện Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tháng 6/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 90 về Chương trình hành động, mục tiêu đến năm 2030, sẽ hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia. Riêng lĩnh vực giao thông, là các trục đường bộ cao tốc bắc-nam, trục giao thông đông-tây, các cảng biển cửa ngõ có chức năng trung chuyển quốc tế, các cảng hàng không quốc tế lớn, các tuyến đường sắt kết nối cảng biển lớn, đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam, kết nối hiệu quả các đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng,...

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, bên cạnh hơn 2.000km đường cao tốc đã khai thác, trên khắp mọi miền đất nước, tổng số các dự án đường bộ cao tốc đang được triển khai thi công khoảng 1.700km từ các dự án thuộc trục bắc-nam, đến các dự án kết nối theo trục đông-tây, kết nối khu vực tây bắc, khu vực Tây Nguyên,... Trong đó, có khoảng 1.200km dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025, nâng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước lên hơn 3.000km. Đây là tiền đề quan trọng giúp ngành giao thông và các địa phương hoàn thành vượt mức mục tiêu đến năm 2030, cả nước sẽ có hơn 5.000km đường cao tốc.
Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy khẳng định: “Bám sát các mục tiêu tại các nghị quyết của Đảng trong thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã xác định phương hướng tập trung ưu tiên cho các công trình trọng điểm, quan trọng, tạo đột phá phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, liên vùng để khắc phục cơ bản những điểm nghẽn về giao thông, bảo đảm an toàn giao thông, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và logistics. Năng lực hệ thống kết cấu hạ tầng được nâng lên đáng kể, bảo đảm kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và giao thương quốc tế, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia”.
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải sẽ khẩn trương tham mưu, trình cấp có thẩm quyền phương án đầu tư, huy động nguồn lực để sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm kết nối các địa phương, liên vùng và khu vực, quốc tế; ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông, các trục cao tốc đông-tây và các tuyến giao thông kết nối đa phương thức theo quy hoạch; dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam, các tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, Lạng Sơn-Hà Nội, Móng Cái-Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ, Biên Hòa-Vũng Tàu, Thủ Thiêm-Long Thành,...

Để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 5.000km đường cao tốc, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương đang tiếp tục triển khai đầu tư 35 dự án đường cao tốc với tổng chiều dài 2.074km; trong đó, có 10 dự án đang thi công như: Bến Lức-Long Thành, Vành đai 4 Vùng Thủ đô, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Hữu Nghị-Chi Lăng,... Bên cạnh đó, 13 dự án cao tốc (dài gần 700km) cũng đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, cân đối nguồn vốn như: Đồng Đăng-Trà Lĩnh, Bảo Lộc-Liên Khương, Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài,… cùng 9 dự án (dài 678km) đang lập chủ trương đầu tư như Thái Nguyên-Chợ Mới, Cổ Tiết-Chợ Bến, Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh...
Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây và các tuyến cao tốc khác.
Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây và các tuyến cao tốc khác.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải khẳng định, với tiến độ triển khai theo kế hoạch, mục tiêu đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000km đường cao tốc là hoàn toàn khả thi, dự kiến sẽ đạt khoảng 5.189km. Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành, khai thác đồng bộ toàn tuyến cao tốc bắc-nam phía đông trong năm 2025; khai thác có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có, Bộ tiếp tục hoàn thiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm nay. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tổ chức quán triệt và triển khai có hiệu quả Kết luận số 72-KL/TW về tiếp tục thực hiện nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.




Chỉ đạo thực hiện: Thu Hà
Nội dung: Quang Hưng, Thanh Giang, Việt Hải
Trình bày: Hạnh Vũ
