Chiều thứ 6, sau tiết học ở phòng học thông minh, Triệu Ngọc Linh nấn ná ở lại trường, rủ bạn xuống sân thể thao. Những cô cậu mặc trang phục dân tộc, còn lóng ngóng với việc chơi với bóng rổ, nói cười rổn rảng cả góc sân trường. Phía trong căn phòng đa năng, 2 cậu bé người Tày đang chơi cờ vua hăng say, kịch tính. Những môn thể thao tưởng chỉ xa vời, giờ thành thân thuộc với con em đồng bào dân tộc ở huyện miền núi nghèo nhất tỉnh Quảng Ninh.
RÚT NGẮN KHOẢNG CÁCH GIÁO DỤC GIỮA MIỀN XUÔI VÀ MIỀN NGƯỢC
“Chị cả” Triệu Ngọc Linh là cô bé dân tộc Dao rất hoạt bát, được các thầy cô tin tưởng giao nhiệm vụ dìu dắt, chăm sóc các em nhỏ lớp 6, 7 để các em quen với trường lớp, với cuộc sống xa nhà. Kể từ khi Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Ba Chẽ mới được xây mới, “nhiệm vụ” này của Linh đã vơi bớt phần nào, vì ngoài cơ sở vật chất mới, trang thiết bị mới, phòng học đa năng lôi cuốn các em nhỏ chăm chỉ học tập trên lớp, trường còn được đầu tư xây sân cỏ nhân tạo phục vụ các em chơi thể thao, có nhà đa năng phục vụ tổ chức các hoạt động…
Chúng tôi đến Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Ba Chẽ vào một ngày đầu tháng 10. Trường vừa mới cắm biển khánh thành ngày 4/10/2023, nhưng một số hạng mục đã được trường đưa vào hoạt động từ đầu năm học 2023, mang lại niềm phấn khởi cho thầy cô, học trò, đặc biệt là phụ huynh, khi gửi gắm con em tại trường.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh trường, Hiệu trưởng Bằng Thị Ngọc Lan tâm sự: “Các em học sinh ngày trước chỉ mong cuối tuần để được về nhà, nhưng từ khi đượ học tập ở ngôi trường mới, các em rất hứng thú học tập, vui chơi, có em không muốn về vào cuối tuần. Ngoài giờ học, các công trình như nhà đa năng, sân bóng… lúc nào cũng nhộn nhịp. Nhóm thì đá bóng, nhóm chơi bóng rổ, cầu lông, cờ vua, bóng bàn…, nhóm dạy nhảy, dạy hát cho nhau. Các phòng đa năng hoạt động hết công suất khi học sinh ở trường”.
Huyện Ba Chẽ có hơn 80% là người dân tộc thiểu số, là huyện miền núi nghèo nhất tỉnh Quảng Ninh, Ba Chẽ được tỉnh đặc biệt quan tâm, đầu tư xây mới trường nội trú huyện vào năm 2022. Ngoài khu 4 tầng với 16 phòng học dành cho học tập, học sinh được hưởng cuộc sống đầy đủ tiện nghi ở khu nhà 5 tầng với mỗi tầng là 11 phòng ở. Trường hiện có quy mô 9 lớp với 312 học sinh, đa số là học sinh dân tộc thiểu số từ các xã, thị trấn tuyển sinh về học tại trường.
“Cơ sở vật chất trường đã đạt theo tiêu chuẩn trường chất lượng cao, trường chuẩn quốc gia cấp độ 2. Chúng tôi rất vui và tự hào khi được chăm sóc các cháu tại ngôi trường khang trang này, giúp các cháu phát triển toàn diện về học tập, thể chất, thẩm mỹ”, Hiệu trưởng Ngọc Lan hạnh phúc nói.
Dẫn chúng tôi đi một vòng khu thể thao, khu nhà ở học sinh, cô Nguyễn Thị Khánh, Tổng đội phụ trách trường hồ hởi nói: “Phòng học rộng rãi, trang thiết bị đầy đủ tăng thêm hứng thú, niềm vui cho cả cô và trò trong giảng dạy và học tập. Các phòng ở đã có vệ sinh khép kín, nóng lạnh đầy đủ nên các em ở đây rất thích. Nhiều em lớp 6 mới xuống ban đầu còn nhớ nhà nhưng ở một thời gian, các em đều đã thích nghi rất nhanh”.
Triệu Ngọc Linh, học sinh lớp 9B, dân tộc Dao ôm bóng rổ trên tay thích thú kể: “Ngôi trường xây mới khang trang hơn, đẹp hơn, giúp em cảm thấy hứng thú hơn, thích tìm hiểu khám phá nhiều thứ hơn trong học tập.
Năm nay, trường có sân chơi bóng rổ, em rất hào hứng với môn thể thao mới này, thấy mình năng động hơn, được vận động nhiều hơn, khỏe khoắn hơn. Các thầy cô giáo rất quan tâm, không chỉ trong truyền đạt kiến thức mà còn quan tâm đến cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày”.
Cũng trong niềm hân hoan khi được học tập ở ngôi trường mới khang trang, sạch đẹp, Lan Tuấn Bình, học sinh lớp 7B, dân tộc Tày đang miệt mài “đấu” ván cờ vua với bạn ngước mắt tâm sự: “Em cảm thấy rất hứng thú với trò trơi trí tuệ này, bởi trò chơi rất hay, giúp rèn luyện trí nhớ, tư duy. Nên cứ tan học, em lại cùng một vài bạn xuống đây chơi, các thầy cô dạy chơi từng bước một. Vì thế, em cũng không còn nhớ nhà như trước nữa”.
Cơ sở vật chất hiện tại bảo đảm cho các em học sinh ăn nghỉ, học tập tại trường, các thầy cô cũng yên tâm công tác, cố gắng tìm những phương pháp tốt nhất để nâng cao chất lượng giáo dục cho nhà trường.
Với 95% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, huyện Ba Chẽ đặc biệt quan tâm, tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho nhà trường và môi trường học tập tốt nhất cho học sinh để các em phát triển.
Chúng tôi xác định đây là một trong những ngôi trường dân tộc nội trú khang trang bậc nhất của tỉnh Quảng Ninh, là “ngôi nhà hạnh phúc” dành cho một huyện miền núi nghèo nhất của tỉnh. Vì thế, chúng tôi tự hứa sẽ phải làm như thế nào để xứng đáng với ngôi trường khang trang, bề thế, xứng đáng với niềm tin yêu, quan tâm của các lãnh đạo, đặc biệt là của toàn thể bà con các dân tộc trên địa bàn huyện gửi con em cho chúng tôi.
Mẹ Hà là cách gọi thân thương mà nhiều học sinh tại trường hay gọi cô Vũ Thu Hà, giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn, chủ nhiệm lớp 9A. Những cô giáo vùng cao này, ngoài trao truyền kiến thức, còn trở thành những người mẹ của đàn con thơ, sống nội trú trong trường. Những kỹ năng sống, những cái ôm lúc con đau ốm, những lời động viên khi các con nhớ nhà… đã giúp lũ trẻ xa nhà thấy ấm áp.
Nhìn mặt những “đứa con” vui như có tấm áo mới trong ngôi trường khang trang, cô Hà tâm sự: “Tụi trẻ bỡ ngỡ như trẻ “mầm non”, phải dạy các con nhiều thứ từ học tập, sinh hoạt, kỹ năng sống. Nhìn các con trưởng thành mỗi ngày, giáo viên ai cũng đong đầy cảm xúc yêu thương".
"Chúng tôi xác định đây là một trong những ngôi trường dân tộc nội trú khang trang bậc nhất của tỉnh Quảng Ninh, là “ngôi nhà hạnh phúc” dành cho một huyện miền núi nghèo nhất của tỉnh. Vì thế, chúng tôi tự hứa sẽ phải làm như thế nào để xứng đáng với ngôi trường khang trang, bề thế, xứng đáng với niềm tin yêu, quan tâm của các lãnh đạo, đặc biệt là của toàn thể bà con các dân tộc trên địa bàn huyện gửi con em cho chúng tôi”, cô Hà chia sẻ thêm.
Trường mới, niềm hân hoan hiện rõ lên gương mặt thầy và trò nơi đây. Mang trên vai trọng trách gánh con chữ đến với con em đồng bào dân tộc thiểu số, các thầy cô yên tâm nghiên cứu phương pháp dạy học mới để tạo sự hứng khởi trong học tập cho các em.
Để xóa nhòa khoảng cách giáo dục, ngoài những chính sách thiết thực xây mới trường học khang trang dành cho các con em đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, từng địa phương có những chiến lược để mang con chữ từ miền xuôi lên miền ngược.
Những năm qua, bên cạnh đầu tư giáo dục mũi nhọn, tỉnh Quảng Ninh có nhiều chính sách thiết thực trong giáo dục đại trà, đặc biệt là xóa nhòa khoảng cách giáo dục giữa miền xuôi và miền ngược.
Năm 2020, huyện Hoành Bồ sát nhập vào thành phố Hạ Long, tạo ra một bước ngoặt lớn trong công tác giáo dục tại thành phố lớn nhất tỉnh Quảng Ninh. Khoảng cách giáo dục khá xa, trong khi Hoành Bồ chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn đi lại khó khăn, thì Hạ Long lại có nền tảng giáo dục đứng đầu toàn tỉnh, có nhiều thành tích nổi bật. Làm thế nào để tạo sự hài hòa trong giáo dục giữa hai vùng miền, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn là một thách thức với lãnh đạo giáo dục thành phố Hạ Long.
Bên cạnh đầu tư về hạ tầng, xây dựng cơ cở vật chất, trang thiết bị trường học cho địa bàn Hoành Bồ, thành phố có những chính sách ưu đãi để đưa giáo viên miền xuôi lên miền ngược.
Bà Ngô Thị Thu Trang, Phó Trưởng Phòng Giáo dục-Đào tạo Thành phố Hạ Long cho biết, để nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao, thành phố đã bố trí xe đưa đón giáo viên từ miền xuôi lên các địa bàn khó khăn công tác trong tuần.
“Chúng tôi biết nhiều giáo viên con nhỏ, việc phải lên vùng cao giảng dạy còn nhiều tâm tư. Trong khi đó, có điểm trường xa thành phố tới 40km, đường đèo núi đi cả ngày mới tới, cơ sở vật chất chưa tốt, hạ tầng giao thông dang dở, nên việc hỗ trợ có xe đưa đón các cô hàng tuần cũng phần nào giúp các cô giải tỏa được tâm lý khi nhận nhiệm vụ công tác tại đây”, bà Trang cho hay.
Bên cạnh đó, một số điểm trường cũng thực hiện dồn ghép học sinh về trung tâm đã được đầu tư cơ sở vật chất tốt để các em có điều kiện tiếp cận chất lượng giáo dục toàn diện nhất. Thành phố có sự hỗ trợ xe bus đưa đón các con hàng ngày, thúc đẩy phát triển giáo dục một cách rất nhân văn.
Nhờ những chính sách phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng của đội ngũ cán bộ giảng dạy, nhiều chương trình, phương pháp giáo dục mới, nhiều kiến thức mới đã được thành phố đưa về vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Trong năm học 2022-2023, thành phố Hạ Long đã đầu tư 230 tỷ đồng xây mới, sửa sang trường lớp, đầu tư nâng cấp hệ thống vệ sinh trường học đạt tiêu chuẩn. Đến nay, toàn thành phố có 830 phòng học thông minh.
Đối với năm học 2023-2024, thành phố Hạ Long cũng đầu tư trên 40 tỷ đồng để sửa chữa 50 trường học và tập trung chủ yếu vào khu vực các xã vùng cao, 17 tỷ đồng để mua sắm cơ sở vật chất, đáp ứng kịp thời cho các trường học trước thềm năm học mới. Bên cạnh đó, thành phố Hạ Long có hai trường được đầu tư xây mới, gồm: Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Quảng La và Trường trung học phổ thông Ngô Quyền với gần 450 tỷ đồng.
Học sinh từ vùng đô thị đến miền núi đều được hưởng thụ thành quả của sự phát triển, được học trong môi trường tiên tiến hiện đại, do đó chất lượng giáo dục toàn diện của thành phố ngày càng phát triển. Thành phố luôn đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,99%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 99,98%. Đến hết tháng 8/2023, các trường thuộc thành phố có trên 2.700 giáo viên đạt chuẩn (94,6%), trong đó 781 giáo viên đạt trình độ trên chuẩn (khoảng 30%) và hiện có 124 giáo viên đang học nâng chuẩn.
NHỮNG CHÍNH SÁCH MANG TỚI LÀN GIÓ MỚI CHO GIÁO DỤC
Triệu Ngọc Linh, Lan Tuấn Bình… và hàng trăm em nhỏ trường Dân tộc nội trú huyện Ba Chẽ được hưởng chính sách ưu đãi đặc biệt của tỉnh Quảng Ninh với chi phí 80% mức lương tối thiểu hằng tháng theo quy định của Nhà nước (1.440.000 tiền ăn/cháu/tháng). Chính sách đầu tư cho giáo dục của tỉnh Quảng Ninh, được lan rộng ở nhiều cấp học với những hỗ trợ không phải địa phương nào cũng làm được. Đặc biệt trong hai năm gần đây, tỉnh có chính sách miễn học phí với các con em ở độ tuổi tới trường.
Nuôi hai đứa con đang tuổi ăn học trong căn nhà thuê xập xệ chỉ rộng 20m2, chị Đỗ Thị Vân (thành phố Móng Cái) đã nhiều lần định cho con nghỉ học. “Nếu không được hỗ trợ 100% học phí, tiền chạy chợ bằng sạp rau của tôi chẳng đủ nuôi con ăn học”, chị Vân tâm sự.
Cũng như chị Vân, chị Nguyễn Thị Huyền (phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả) có chồng nghỉ mất sức từ 5 năm trước, một mình gánh trên vai 3 con nhỏ, tiền học phí là một gánh nặng lớn. Nhiều lần, chị định cho con lớn học lớp 10 nghỉ học, theo mẹ chạy chợ có thêm tiền trang trải cuộc sống, nhưng thương con học giỏi, chị nấn ná. Trong lúc lấn cấn ấy, chị được nghe cô chủ nhiệm của con thông tin, trường sẽ miễn toàn bộ học phí cho con. “Tôi nghe mà mừng mừng tủi tủi”, chị Huyền rớm nước mắt nhớ lại.
Chính sách miễn học phí được xuất phát từ thực tiễn sau Covid-19, hàng nghìn gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng về kinh tế. Gánh nặng học phí khiến cho nhiều con em công nhân, đặc biệt con em ở vùng sâu, vùng xa đối diện với tình trạng bỏ học.
Quyết không để cho con em trong tỉnh bị mù chữ, được phổ cập giáo dục, Quảng Ninh trở thành địa phương đi đầu cả nước hỗ trợ 100% học phí cho học sinh, trẻ mầm non ở các trường phổ thông công lập và ngoài công lập trong hai năm học liên tiếp. Đồng thời, tỉnh còn dành nguồn kinh phí trợ cấp đối với trẻ em đang học mầm non dân lập, tư thục, là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.
Trong hai năm qua, việc ban hành chính sách hỗ trợ 100% học phí kịp thời giúp giảm gánh nặng về học phí cho gia đình có con em đi học, góp phần quan trọng trong việc huy động học sinh ra lớp ra trường, tạo cơ hội cho nhiều học sinh được tiếp tục đến trường. Nhờ đó, đã giảm tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng, tạo sự bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục, giảm áp lực về tài chính với các gia đình đang khó khăn, có tác động tích cực cho sự phát triển giáo dục đào tạo của tỉnh, giúp phụ huynh giảm bớt khó khăn về kinh tế khi cho con em đến trường. Điều này đặc biệt thuận lợi, tạo động lực niềm tin đối với phụ huynh vùng cao
Đối với Nghị quyết số 204/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 quy định một số chính sách hỗ trợ trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh, 4 năm qua, tỉnh chi 167 tỷ đồng cho 359 cơ sở giáo dục; đối tượng thụ hưởng: trẻ em, học sinh, cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn hoặc ở đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng khó khăn….
Nhờ sự quan tâm đặc biệt đó, chất lượng giáo dục của tỉnh Quảng Ninh những năm gần đây phát triển vượt bậc, toàn diện ở tất cả các cấp học, bậc học; ở tất cả các lĩnh vực. Với giáo dục đại trà, kết quả xếp loại giáo dục hai mặt bảo đảm tỷ lệ ổn định. Với giáo dục mũi nhọn, chất lượng học sinh giỏi các cấp tăng, kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT quốc gia, kỳ thi học sinh giỏi Quốc tế, năm sau cao hơn năm trước.
Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm học 2022-2023: Tổng số 59 thí sinh đạt giải (tăng 11 giải so năm học trước) với 3 giải Nhất, 12 giải Nhì, 18 giải Ba, 26 giải Khuyến khích, trong đó, có 5 học sinh được tham gia kỳ thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế, đưa Quảng Ninh lên vị trí 13 toàn quốc (tính theo số lượng thí sinh đoạt giải), xếp thứ 17 (tính theo tỷ lệ học sinh đoạt giải).
Giám đốc Nguyễn Thị Thúy tự hào khoe, về thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, tỷ lệ học sinh được công nhận tốt nghiệp xấp xỉ 98%, kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã có sự tiến bộ vượt bậc. Kết quả này đưa Quảng Ninh lên vị trí 31/63 tỉnh, thành phố, tăng 5 bậc so năm 2021, tăng 19 bậc so năm 2020).
Về thành tích thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông, từ năm học 2012-2013 đến năm học 2022-2023, kết quả đạt giải, đạt tỷ lệ 58,77%, cao hơn mức trung bình chung cả nước (xấp xỉ 50%), đưa Quảng Ninh lên vị trí 13/63.
Về thành tích quốc tế, giai đoạn này tỉnh Quảng Ninh có 3 học sinh đoạt giải tại các Kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Quảng Ninh cũng là địa phương duy nhất dẫn đầu cả nước về số lượng nhà vô địch cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia với 3 học sinh.
Những thành tích cao trong giáo dục mũi nhọn liên tục đưa Quảng Ninh vào tốp các trường có thành tích học tập cao trên toàn quốc. Và để tạo động lực mới cho các em học sinh tham gia các kỳ thi quốc gia, quốc gia, một chính sách được coi là làn gió mới của tỉnh là tăng mức thưởng cho học sinh, giáo viên.
Nội dung đó được hiện thực hóa từ Nghị quyết số 63/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 Quy định chế độ thưởng, hỗ trợ trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh Quảng Ninh và một số chính sách ưu đãi đối với Trường trung học phổ thông Chuyên Hạ Long từ năm học 2021-2022 đến năm học 2025-2026.
Theo mức thưởng này, học sinh giỏi quốc gia giành giải Nhất được thưởng lên tới 50 triệu đồng; học sinh giỏi quốc tế 700 triệu đồng, cao nhất cả nước. Giáo viên hoặc nhóm giáo viên trực tiếp giảng dạy, ôn luyện, tập huấn, hướng dẫn, bảo trợ học sinh đoạt giải được thưởng bằng 50% tiền thưởng cho học sinh đoạt giải.
Chính sách thưởng học sinh đoạt giải tại các kỳ thi, cuộc thi với mức thưởng cao nhất cả nước
Cấp dự thi |
Mức thưởng (triệu đồng/học sinh,nhóm học sinh) theo giải/huy chương đoạt được |
|||
Nhất/Vàng |
Nhì/Bạc |
Ba/Đồng |
Tư/Khuyến khích |
|
Cấp tỉnh |
2.000.000 |
1.500.000 |
1.000.000 |
500.000 |
Cấp quốc gia |
50.000.000 |
40.000.000 |
30.000.000 |
20.000.000 |
Cấp khu vực quốc tế |
500.000.000 |
300.000.000 |
200.000.000 |
100.000.000 |
Cấp quốc tế |
700.000.000 |
500.000.000 |
400.000.000 |
200.000.000 |
Hai năm qua hưởng chính sách đặc biệt về giáo dục mũi nhọn, thành tích của trường Chuyên Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã có những bước nhảy vọt.
Cô Đỗ Thị Diệu Thúy, Hiệu trưởng trường Chuyên Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cho biết, năm học 2022-2023, kết quả thi học sinh giỏi cấp tỉnh đạt 205 giải (27 giải Nhất, 50 giải Nhì, 71 giải Ba, 57 giải Khuyến khích). Thi học sinh giỏi cấp quốc gia đạt 51 giải (3 giải nhất môn Vật, Hoá học, Sinh học; 12 giải Nhì, 16 giải Ba và 20 giải Khuyến khích). Trong đó, có 5 học sinh được tham dự vòng chọn đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế thuộc các môn Toán, Sinh học, Vật lý, Hóa học. Về thi Khoa học Kỹ thuật, trường đạt 5 giải cấp tỉnh (3 giải Nhất, 2 giải Nhì) ; 2 giải nhì, 1 giải ba cấp quốc gia; Huy chương Bạc Cuộc thi Sáng chế quốc tế do Hàn Quốc tổ chức.
Điểm mạnh của giáo dục tỉnh chúng tôi là dành sự quan tâm đặc biệt tới giáo dục mũi nhọn với chính sách ưu đãi khích lệ thầy và trò cùng hăng say ôn luyện. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có chính sách xây mới hiện đại các trường trung học phổ thông trọng điểm. Hai năm học liền, các em học sinh cấp phổ thông trở xuống được miễn học phí. Tỉnh cũng có nhiều chính sách tuyển dụng thu hút nhân tài nên nhiều lứa học sinh trưởng thành từ quê hương đều quay trở lại để tiếp tục cống hiến.
Nhiều năm qua dẫn các con “đánh chuông xứ người”, cô giáo Đặng Thị Cẩm Thơ (Trường THPT Đông Thành, Uông Bí, Quảng Ninh) bày tỏ hạnh phúc: “Điểm mạnh của giáo dục tỉnh chúng tôi là dành sự quan tâm đặc biệt tới giáo dục mũi nhọn với chính sách ưu đãi khích lệ thầy và trò cùng hăng say ôn luyện.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng có chính sách xây mới hiện đại các trường trung học phổ thông trọng điểm. Hai năm học liền, các em học sinh cấp phổ thông trở xuống được miễn học phí. Tỉnh cũng có nhiều chính sách tuyển dụng thu hút nhân tài nên nhiều lứa học sinh trưởng thành từ quê hương đều quay trở lại để tiếp tục cống hiến”.
KHÔNG NGỪNG ĐỔI MỚI, HƯỚNG TỚI ĐÀO TẠO NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO
Những năm gần đây, giáo dục STEM (chương trình trang bị kiến thức và kỹ năng tổng hợp liên quan đến lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) được Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh tích cực đưa vào áp dụng trong các trường học.
Ở cấp trung học, giáo dục STEM đã được các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh chủ động thực hiện từ nhiều năm nay, bằng nhiều hình thức, trải nghiệm thực tế hoặc tổ chức các câu lạc bộ, gắn hoạt động STEM vào các cuộc thi.
Đối với giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh đã có văn bản hướng dẫn thực hiện chính thức từ năm học 2022-2023; với cấp mầm non, một số trường đã bắt đầu đưa bài học STEM vào hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ.
Nhiều năm qua, tỉnh triển khai dạy và học với sự hỗ trợ của các thiết bị giảng dạy hiện đại thông qua mạng LAN, mạng internet, phần mềm trên các phòng học tương tác, phòng học thông minh.
Đặc biệt, trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2022-2023, Quảng Ninh đã thí điểm triển khai tuyển sinh trực tuyến: toàn bộ thí sinh thực hiện đăng ký dự thi hoàn toàn trực tuyến, thông tin hồ sơ của thí sinh được trích xuất tự động từ cơ sở dữ liệu, không dùng hồ sơ giấy.
Thực hiện công tác tinh giản biên chế, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả như đẩy mạnh xã hội hóa, nâng số trường tư thục, đặc biệt là trường tư thục chất lượng cao. Hiện tại toàn tỉnh có 58/629 trường tư thục từ cấp mầm non đến cấp phổ thông chiếm 9,22%; riêng cấp trung học phổ thông có 22/58 trường tư thục chiếm 37,93%. Quảng Ninh có số lượng học sinh tư thục cao nhất cả nước chiếm 30,6%.
Bên cạnh xã hội hóa, ngành giáo dục đẩy mạnh tham mưu tự chủ các cơ sở giáo dục với 25 trường đã tiến hành tự chủ theo mức từ 10%-30% góp phần giảm 309 người làm việc so định biên và giảm 126 người so biên chế được giao.
Cùng với đó, tỉnh vận dụng hình thức đối tác công-tư để huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư một số cơ sở giáo dục ở những nơi có điều kiện thuận lợi. Điển hình: Trường mầm non Ka Long (thành phố Móng Cái); Trường Song ngữ quốc tế học viện Anh Quốc-UK Academy tại Hạ Long; Trường Quốc tế Singapore tại Hạ Long…
Với quan điểm phát triển giáo dục đào tạo là phương diện quan trọng trong mục tiêu nâng cao chất lượng sống mọi mặt của nhân dân, bảo đảm hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần theo các tiêu chí của “hạnh phúc”. Đầu tư, phát triển giáo dục và đào tạo phải được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; là nền tảng cho sự phát triển bền vững, lâu dài, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn dành sự ưu tiên cho đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng còn nhiều khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, nơi tập trung đông công nhân, lao động, khu công nghiệp và các đối tượng chính sách.
Tỉnh đặc biệt ưu tiên nguồn lực từ ngân sách đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất hệ thống các cơ sở giáo dục và đào tạo theo hướng đạt chuẩn, đồng bộ, hiện đại, từng bước phát triển mô hình giáo dục thông minh. Tổng kinh phí giai đoạn 2015-2020 là 21.923 tỷ đồng, tăng 61% so giai đoạn 2011-2015.
Đến nay, tỉnh Quảng Ninh được công nhận đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi, đạt trước 2/3 nhiệm kỳ. Tỉnh triển khai các giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông; thực hiện tốt đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Thúy, để thực hiện hội nhập sâu rộng theo mục tiêu của tỉnh, với mục tiêu đưa các chỉ tiêu trong lĩnh vực giáo dục đứng vào top đầu toàn quốc sánh kịp với sự phát triển kinh tế của tỉnh dự kiến đến năm 2030, tỉnh sẽ thành lập thêm 78 trường tư thụ. Sở tiếp tục phối hợp các đơn vị sắp xếp lại quy mô trường, lớp để bảo đảm cơ sở vật chất tốt nhất cho các em, tăng hiệu quả trong chuyên môn và quản lý.
“Mục tiêu trong năm học tới đây, giáo dục Quảng Ninh sẽ xây dựng các trường phổ thông công lập theo tiêu chí chất lượng cao; trong đó đầu tư, xây dựng 22 trường phổ thông chất lượng cao theo đúng tiến độ đã được tỉnh phê duyệt; rà soát, hoàn thành việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo lộ trình, thúc đẩy hơn nữa phát triển giáo dục mũi nhọn”, bà Nguyễn Thị Thúy cho hay.
Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 642 cơ sở giáo dục (mầm non: 223, tiểu học: 157, trung học cơ sở: 188, trung học phổ thông: 60, giáo dục thường xuyên: 14), trong đó, có 58 cơ sở giáo dục tư thục (mầm non: 32, tiểu học: 1, trung học cơ sở: 1, trung học phổ thông: 24) với 353.500 trẻ mầm non, học sinh phổ thông và 10.221 học viên giáo dục thường xuyên (trong đó công lập: 310.054, tư thục: 43.446).
Hân hoan cùng thầy cô và học trò chuẩn bị chuyển về trụ sở trường mới tại phường Hà Khánh - một trong những trường công lập được đầu tư xây mới chất lượng cao với vốn đầu tư 147,7 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách thành phố Hạ Long, Phó Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Ngô Quyền (thành phố Hạ Long) - cô Mai Thùy Dương tự hào nói: “Từ chính sách quan tâm của tỉnh, trường chúng tôi rất ưu tiên đầu tư cho giáo dục, tạo cơ hội cho học sinh được tham gia nhiều cuộc thi mới mà trước đây các em chưa từng nghĩ có khả năng tham gia. Đặc biệt, chính sách khen thưởng học sinh của tỉnh giúp cho các em có thêm nhiều động lực trong học tập. Năm nay, trường chúng tôi được hoàn toàn xây mới, chuyển từ vị trí trên đồi xuống mặt bằng rộng gấp 3 lần, được đầu tư thiết bị dạy học hiện đại, chúng tôi vô cùng hạnh phúc và càng phải phấn đấu tích cực đổi mới phương pháp dạy và học, mang lại niềm vui đến trường mỗi ngày cho các em”.
Từ chính sách quan tâm của tỉnh, trường chúng tôi rất ưu tiên đầu tư cho giáo dục, tạo cơ hội cho học sinh được tham gia nhiều cuộc thi mới mà trước đây các em chưa từng nghĩ có khả năng tham gia. Đặc biệt, chính sách khen thưởng học sinh của tỉnh giúp cho các em có thêm nhiều động lực trong học tập. Năm nay, trường chúng tôi được hoàn toàn xây mới, chuyển từ vị trí trên đồi xuống mặt bằng rộng gấp 3 lần, được đầu tư thiết bị dạy học hiện đại, chúng tôi vô cùng hạnh phúc và càng phải phấn đấu tích cực đổi mới phương pháp dạy và học, mang lại niềm vui đến trường mỗi ngày cho các em.
Những cô giáo như Mai Thùy Dương, Đặng Thị Cẩm Thơ... sau khi tốt nghiệp Đại học Sư Phạm đã cùng lựa chọn về quê để lập nghiệp từ 20 năm trước và tự hào vì thấy sự thay đổi ngày càng bài bản của ngành giáo dục tỉnh nhà. Tận tâm với học trò và luôn đặt ra những mục tiêu phấn đấu theo từng năm, họ và các đồng nghiệp trong ngành giáo dục đang trao truyền kiến thức và tình yêu quê hương với nhiều thế hệ học sinh để hun đúc các em tâm huyết trở về góp phần sức nhỏ bé xây dựng mảnh đất mỏ ngày càng giàu mạnh.
Nhiều cô bé, cậu bé như Triệu Ngọc Linh ở Trường phổ thông dân tộc nội trú Ba Chẽ cũng sẽ là thế hệ nối tiếp như vậy, không giấu mơ trở thành những thầy, cô đứng trên bục giảng, mang lại kiến thức để giúp bà con dân tộc xóa mù chữ, biết cách làm kinh tế ngay trên mảnh đất của mình.
Ngày xuất bản: 10/2023
Thực hiện theo Hợp đồng số 04/2023/HĐHTTT/STTTT-BND