
Our Story bắt đầu từ câu chuyện của một người phụ nữ từng trầm cảm, khát khao giúp đỡ những mảnh đời từng chịu nhiều thiệt thòi giống mình. Our Story còn là câu chuyện của các bạn trẻ tự kỷ trong hành trình nỗ lực hòa nhập với cuộc sống. Chương mới của hành trình ấy được tiếp nối bằng tình yêu thương, lòng đồng cảm, cùng niềm tin mãnh liệt rằng, những đứa trẻ tự kỷ có thể viết nên câu chuyện cuộc đời của chính mình.
Nỗ lực cho những điều đơn giản
Như bao người mẹ khác, mong mỏi của chị Nguyễn Thị Phương Dung (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) là đứa con mà mình nâng niu, thai nghén suốt 9 tháng 10 ngày được sống hạnh phúc và phát triển bình thường. Lên 1 tuổi, con bập bẹ tập nói, chị thở phào nhẹ nhõm. Lớn hơn chút, con chập chững biết đi. Chị cũng từng trải qua cảm giác vỡ òa khi lần đầu nghe thấy một sinh linh bé bỏng gọi mình là mẹ.
Tưởng chừng mọi chuyện cứ thế êm xuôi, nhưng năm con trai 2 tuổi rưỡi, tiếng gọi ấy cứ vơi dần, vơi dần… Con cũng chẳng còn ngoái đầu lại mỗi lần có ai đó ra hiệu và gọi tên. “Đó là lúc tôi nhận ra cháu có những biểu hiện thoái lui. Trái tim tôi thắt lại khi biết có thể con không phát triển như những đứa trẻ đồng trang lứa”, giọng chị nghẹn ngào.
Chuyện của mẹ Dung cũng là chuyện của nhiều gia đình có con mắc chứng tự kỷ. Họ đã có những ngày tháng sống trong thấp thỏm và lo âu khi con chuẩn bị bước vào môi trường mới. Họ đều có chung một nỗi đau đáu, rằng tương lai của con sẽ đi về đâu và ai sẽ chăm sóc con nếu không còn cha mẹ…

Chúng tôi gặp chị Dung ở một lớp học đặc biệt. Một sáng đầu tháng 4, chị chở con trai đến lớp muộn hơn mọi ngày. Tất bật chuẩn bị tư trang cho con, chị lo lắng nhờ cô giáo để ý thêm vì đêm qua con vừa ốm. “Đây là nơi mà con tôi gắn bó trong nhiều năm. Lớp học này đặc biệt lắm, vì học sinh ở nơi này có phần khác biệt so với những đứa trẻ cùng tuổi”, chị Dung nói nhỏ với phóng viên.
Tạm biệt con, mẹ Dung nuối tiếc rời khỏi trung tâm. Ở cửa, cô giáo Nguyễn Thị Thu đã đứng đợi sẵn để dẫn con vào trong. Thấy cậu học trò luôn cố gắng đi học đều đặn, cô động viên: “Hôm nay trời trở lạnh nhỉ, mọi người đang đợi con đấy!”.
Dứt lời, cô dẫn trò di chuyển đến không gian học thanh nhạc. Chiếc bàn nhỏ kê gọn bên trái căn phòng, phía trên là vài dụng cụ âm nhạc. Trong tiếng xylophone ngân vang, Tuấn Anh, thầy giáo khiếm thị, cần mẫn chỉ dạy cách ghi nhớ và phân biệt các cung bậc âm thanh cho từng học trò.
Tháng 10/2024, đến đây lần đầu, tôi có nhiều lo lắng. Vì các cháu có phần thiếu tập trung hơn những học sinh tôi từng dạy. Nhưng rồi khi tìm ra phương pháp giảng phù hợp với mỗi em, nỗi lo ấy được tháo gỡ. Tôi cũng suy từ mình mà ra để hiểu về những khó khăn trong việc tiếp thu của các bạn tự kỷ.
Đến lượt Minh Quân (tên nhân vật đã được thay đổi), em bập bẹ gõ từng nốt fa, sol, la, si trên khuôn nhạc. Trả lời đúng câu hỏi của thầy, Quân nhận được trào pháo tay cổ vũ từ thầy giáo. “Con đã làm được rồi!”, “con đoán đúng rồi”, “hôm nay con tiếp thu nhanh quá”… Nghe tiếng tán dương, cậu học trò bẽn lẽn, nhỏ nhẹ đáp: “Con vui”.
Hai lần mỗi tuần, lớp thanh nhạc diễn ra đều đặn tại Trung tâm Phát triển cộng đồng Our Story. Xen kẽ với tiết thanh nhạc là các môn gõ máy tính, vẽ tranh và đan lát thủ công.
Theo sát quá trình học sinh tiến bộ trong từng tiết học, Giám đốc Trung tâm Phát triển cộng đồng Our Story Nguyễn Thị Thu giải thích: “Âm nhạc có thể giúp trẻ tự kỷ trở nên bình tĩnh hơn. Nhiều con cũng rất vui khi được tương tác với các giai điệu. Vì thế, chúng tôi luôn để các con tự do khám phá với loại hình nghệ thuật này”.

"Âm nhạc có thể giúp trẻ tự kỷ trở nên bình tĩnh hơn. Nhiều con cũng rất vui khi được tương tác với các giai điệu. Vì thế, chúng tôi luôn để các con tự do khám phá với loại hình nghệ thuật này".

Nguyễn Thị Thu
Giám đốc Trung tâm Phát triển cộng đồng Our Story


Thu cũng là người sáng lập của Our Story - trung tâm đào tạo kỹ năng sống và hướng nghiệp cho cộng đồng trẻ tự kỷ trong độ tuổi vị thành niên. “Our Story ra đời từ câu chuyện của chính tôi, một người phụ nữ từng rơi vào trầm cảm sau khi sinh con đầu lòng”, Thu tâm sự với phóng viên.
“Thời điểm đó, suy nghĩ và hành động như người bình thường thôi đã là khó. Có giai đoạn, tôi chẳng muốn gặp ai và cảm thấy không ai hiểu mình, chỉ sống trong vòng tròn khép kín. Tôi chợt hiểu cho tình cảnh của những người không thể chia sẻ nỗi niềm, cảm thông cho những đứa trẻ mắc chứng tự kỷ, gặp nhiều hạn chế về ngôn ngữ, hành vi và tư duy”, từ nỗi niềm ấy, năm 2019, Thu thành lập Trung tâm Phát triển cộng đồng Our Story.
Theo chị, với nhiều người, việc ăn uống, vệ sinh cá nhân là chuyện rất đỗi bình thường. Nhưng với các em tự kỷ, những kỹ năng tưởng chừng như đơn giản nhưng lại mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện. Ở lớp học Our Story, bên cạnh thanh nhạc và hội họa, các em còn được học cách tự chăm sóc bản thân, kỹ năng tự vệ, kiềm chế cảm xúc và cả việc nấu nướng, bếp núc.
Xoa đầu cậu học trò Minh Quân bên cạnh, Thu kể: “Cậu bé này từng chẳng thể tự ăn hay tự uống. Vậy mà giờ đây, Quân đã thành đầu bếp nấu bữa tối cho cả gia đình. Quân còn biết chăm sóc và cho em ăn”.
Khi được hỏi về món ăn đầu tiên Quân nấu cho cả nhà, em vẫn nhớ là món su su xào. “Đĩa su su chỗ thì chín, chỗ thì sống, nhưng chúng tôi đã không kìm nổi nước mắt khi nhìn thấy món quà đầu tiên của con. Cả nhà cùng nhau ăn hết và tấm tắc khen. Cũng từ đó, con có thêm động lực để học thêm nhiều món ăn ngon, kỹ năng mới”, bố Minh Quân luôn trân trọng sự đồng hành của các thầy, cô ở trung tâm.

Dẫn chúng tôi lên không gian dạy thủ công mỹ nghệ, cô Thu giới thiệu loạt sản phẩm túi len, túi vải, móc khóa đan đầy sắc màu được treo ngăn nắp trên tủ hàng. Những đồ vật được đan cẩn thận này là thành phẩm của các bạn nhỏ không may mắc chứng tự kỷ tỉ mẩn làm trong nhiều giờ. “Có được thành quả ấy là sự cố gắng không ngừng nghỉ của cả cô và trò, cùng các bậc phụ huynh. Nếu không kiên trì đến cùng, hẳn giờ đây, nhiều em còn không thể tự ăn, tự uống và tự vệ sinh cá nhân”, cô giáo tự hào khi nhắc đến các học trò.
Thời sinh viên, Nguyễn Thị Thu từng theo đuổi ngành xã hội học của Trường đại học Công đoàn. Ra trường, có thời gian chị làm báo, làm truyền thông, rồi chuyển sang công tác quản lý. Nhưng quanh đi quẩn lại, chị vẫn thấy mình nặng nợ với nghề công tác xã hội. Dẫu phải làm một công việc khác để có thu nhập duy trì hoạt động trung tâm, Thu vẫn quyết tâm xây dựng một môi trường để trẻ tự kỷ có thể tới lớp, học các kỹ năng và kiến thức trong cuộc sống. Trung tâm còn hỗ trợ kinh phí sinh hoạt cho những bạn mà gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Vậy là từ một lớp học nhỏ chỉ có vài em, đến nay, với sự đồng hành của 4 giáo viên thường trực và 2 giáo viên âm nhạc thời vụ, Our Story đã trở thành ngôi nhà thứ hai cho 13 bạn mắc chứng tự kỷ trong độ tuổi vị thành niên. Ở trung tâm, trẻ tự kỷ được đồng hành trong việc học những kỹ năng sống và không còn cảm thấy thua thiệt hay tủi thân với bạn bè.

"Không gì có thể diễn tả hết sự tận tâm của các thầy, cô giáo ở đây. Có lẽ, rất khó để có thể tìm được những người yêu thương và kiên nhẫn với các con như ruột thịt. Tại lớp học này, thầy, cô đã dạy cho các con những kỹ năng mà ở nhà bố mẹ không đủ thời gian và phương pháp để truyền đạt. Trái tim tôi được nhẹ nhõm phần nào khi thấy các con dần hoàn thiện hơn và phát triển theo cách riêng của mình".
Chị Nguyễn Thị Phương Dung

Thế giới diệu kỳ bên trong mỗi đứa trẻ
Tại Our Story, chúng tôi được lắng nghe những câu chuyện khác biệt. Minh Anh nổi bật với khả năng lồng tiếng, thích vẽ tranh và giỏi ngoại ngữ. Trung Dũng dường như ghi cả cuốn lịch vào trí nhớ, em đoán chính xác thứ ngày khi được hỏi về bất cứ thời điểm nào, dẫu cách hiện tại cả chục năm về trước. Nhật Thiên luôn cảm thấy vui vẻ và tích cực ở mọi hoàn cảnh. Còn Thẩm Minh lại có tài sửa chữa, pha chế và am hiểu về đủ dòng điện thoại di động… (tên của các nhân vật đã được thay đổi).
Bên trong mỗi đứa trẻ tự kỷ là một thế giới diệu kỳ. Mỗi bạn đều có những khả năng riêng và chúng đang trong hành trình khám phá chính mình.
Khi tiếp cận với các bạn trẻ tự kỷ, nhiều người thường chú tâm đến hành vi chưa hoàn thiện mà quên tìm kiếm những khả năng, ưu điểm của những đối tượng này. Theo cô Thu, khả năng ấy có thể không phải là tài năng cao siêu, đó chỉ là điểm mạnh dù nhỏ mà chúng ta có thể dựa vào để đào tạo và phát triển. Chẳng hạn, nhiều em rất giỏi làm theo khuôn mẫu có sẵn.
Từ kinh nghiệm đào tạo và hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ vị thành niên, chị Thu bày tỏ, gia đình cần tạo điều kiện, cũng như môi trường để trẻ tự kỷ hiểu hơn về khả năng của mình. Không ít bạn có lối tư duy và xử lý tình huống theo hướng ít ai ngờ tới. Điều này đòi hỏi người đồng hành có góc nhìn cởi mở, không ngừng cổ vũ và luôn giữ được sự bình tĩnh.

Mỗi ngày, các thầy cô trong trung tâm luôn theo sát để phát hiện điểm mạnh, điểm yếu hay sự thay đổi trong tính cách của các em. Bạn nào giỏi vận động, tay chân nhanh nhẹn có thể theo nghề pha chế. Bạn nào có năng khiếu nghệ thuật, biết cảm nhận và phối hợp màu sắc thì sẽ tập trung học vẽ tranh. Bạn nào có trí nhớ tốt và giỏi bắt chước sẽ được dạy nghề đan túi, làm mô hình trang trí bằng giấy.
Thu tự nhận mình là một cô giáo nghiêm khắc, bởi chị không dễ thỏa hiệp để chiều theo ý học sinh. Nhưng chị cũng thấy mình như người bạn đồng hành, luôn lắng nghe tất cả những điều mà học sinh bày tỏ. “Định hướng thôi chưa đủ, các thầy, cô giáo cũng cần biết cách để khơi dậy niềm yêu thích, luôn luôn động viên để các em không chán nản trong quá trình theo học. Cứ như thế, cần khoảng 3-5 năm để thành thạo một nghề”, vừa nói, Thu vừa sắp xếp lại góc trưng bày sản phẩm thủ công của các con.
Mục tiêu mà Trung tâm Phát triển cộng đồng Our Story hướng đến là rèn luyện kỹ năng sống, đào tạo nghề và hướng nghiệp cho các bạn mắc chứng tự kỷ. Our Story cũng mong muốn, trong tương lai, 80-90% nhân sự của trung tâm là nhóm đối tượng này.
Chia sẻ niềm vui rằng có 2 bạn từng theo học tại Our Story, sau khi “tốt nghiệp”, các em đã dần ổn định, hòa nhập với cộng đồng. “Một bạn đang công tác tại công ty may mặc. Bạn còn lại theo nghề đánh máy cho tiệm in ấn của gia đình. Cả hai đều đã tự nuôi sống chính mình”, Thu cho hay.
Định hướng thôi chưa đủ, các thầy, cô giáo cũng cần biết cách để khơi dậy niềm yêu thích, luôn luôn động viên để các em không chán nản trong quá trình theo học. Cứ như thế, cần khoảng 3-5 năm để thành thạo một nghề.

Với gia đình chị Nguyễn Thị Phương Dung và nhiều cha mẹ của các em khác, biết đến Our Story, gặp được những giáo viên như chị Nguyễn Thị Thu là điều may mắn. Bởi sự đồng hành của thầy, cô trong hành trình các bạn tự kỷ nỗ lực hòa nhập với cộng đồng là vô cùng quan trọng.
“Không gì có thể diễn tả hết sự tận tâm của các thầy, cô giáo ở đây. Có lẽ, rất khó để có thể tìm được những người yêu thương và kiên nhẫn với các con như ruột thịt. Tại lớp học này, thầy cô đã dạy cho các con những kỹ năng mà ở nhà bố mẹ không đủ thời gian và phương pháp để truyền đạt. Trái tim tôi được nhẹ nhõm phần nào khi thấy các con dần hoàn thiện hơn và phát triển theo cách riêng của mình”, chị Phương Dung, phụ huynh có con theo học tại trung tâm trải lòng.

Bán sản phẩm, không bán lòng thương
Giới thiệu về những sản phẩm do các bạn trẻ ở trung tâm làm, cô giáo Nguyễn Thị Thu thông tin, nhiều đơn hàng cho chính tay các bạn tự kỷ thực hiện đã được xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Với sự giúp đỡ của nhiều tình nguyện viên thuộc các tổ chức xã hội trên thế giới, kẹp tóc, túi vải, túi len… đã đến tay nhiều khách hàng ở Đức, Anh và Mỹ.
“Khi bán những sản phẩm này, chúng tôi không tiếp thị là do các bạn tự kỷ làm để lấy lòng thương. Khi mua xong, thấy tờ cảm ơn được đính kèm trong đó, lúc ấy, họ mới biết là sản phẩm là do các con ở trung tâm làm ra. Nếu như mua hàng với tâm thế ủng hộ, họ sẽ chỉ quan tâm 1-2 lần. Thay vào đó, chúng tôi muốn mọi người mua vì thấy sản phẩm giá trị và sẽ sử dụng lâu dài”, Thu nói thêm.

Tổ chức thực hiện: Hồng Minh
Nội dung: Ngọc Khánh
Trình bày: Hạnh Vũ
Ảnh: Sơn Tùng