“Khoán 10” trong thời đại chuyển đổi số

36 năm sau khi “Khoán 10” làm nên kỳ tích trong nông nghiệp, Việt Nam lại bước vào giai đoạn cải cách thể chế mới cho lĩnh vực khoa học và công nghệ, với dấu mốc ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Từ việc điểm trúng những bất cập tồn tại lâu nay, Nghị quyết mở đường để những lĩnh vực trên thật sự trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Luôn quán triệt xem đầu tư vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là chiến lược lâu dài, chấp nhận độ trễ và rủi ro trong triển khai.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Luôn quán triệt xem đầu tư vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là chiến lược lâu dài, chấp nhận độ trễ và rủi ro trong triển khai.

VÌ SAO CẦN “KHOÁN 10” CHO KHOA HỌC ?

Sau 39 năm đổi mới, tính từ Đại hội VI của Đảng, đã có nhiều nghị quyết về khoa học và công nghệ khẳng định vai trò của khoa học, công nghệ và giáo dục-đào tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế-xã hội lâu dài. Các nghị quyết đã phân tích khá đầy đủ, đưa ra các mục tiêu, giải pháp... nhưng khoa học, công nghệ vẫn chưa có bước đột phá như mong muốn. Thực tế có rất nhiều khó khăn, bất cập về khách quan và chủ quan; mục tiêu và định hướng dàn trải, trong khi nguồn lực lại có hạn, dẫn đến việc triển khai các nghị quyết không có trọng tâm và thiếu hiệu quả.

GS.TS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp.

GS.TS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp.

Khoa học và công nghệ là lĩnh vực đặc thù và là loại hình đầu tư mạo hiểm, vì vậy chủ yếu phải dựa vào chính sách đầu tư công, do các nguồn lực khác còn rất hạn chế. Theo Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, Nhà nước phấn đấu dành 2% tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực này, nhưng cho đến nay mục tiêu đó vẫn chưa đạt được.

“Không phải khoa học, công nghệ không cần đến 2% kinh phí, mà cơ chế quản lý cứng nhắc đã dẫn đến thực trạng này. Theo đó, chi cho khoa học, công nghệ được quản lý theo Luật Ngân sách Nhà nước với các quy định chi theo dự toán cứng hằng năm, quy trình phê duyệt phức tạp, không khuyến khích rủi ro và đổi mới sáng tạo, thanh quyết toán rườm rà... Trong khi đó, hoạt động nghiên cứu với tính chất mở, không thể dự toán chính xác và luôn có nhu cầu điều chỉnh theo thực tế. Kết quả là chỉ một lượng kinh phí nhỏ hơn 1% ngân sách Nhà nước được giải ngân và quyết toán phù hợp với quy định. Nhưng thực tế thì nhu cầu kinh phí nghiên cứu hằng năm lớn hơn rất nhiều”
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Hàm, Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam cho biết.

Cơ chế thanh quyết toán là vấn đề ám ảnh đối với cán bộ khoa học. Thực tế, việc xây dựng thuyết minh tài chính, thanh quyết toán tài chính là phần nặng nề nhất của việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ mà bất cứ cán bộ khoa học nào cũng ngại đụng đến.

Một nguyên nhân khác khiến khoa học, công nghệ chưa tạo ra sức bật là thu nhập của cán bộ khoa học về cơ bản chưa bảo đảm. Việc chi thêm thu nhập từ đề tài bị hạn chế và hầu như bất cập do quy định không cho phép. Nhà khoa học, nhất là những người trẻ, không trụ lại được ở cơ quan khoa học, công nghệ nhà nước, chuyển sang các tổ chức tư nhân có chính sách năng động, ưu đãi hơn, hoặc bỏ công việc để làm nghề khác, dẫn đến “chảy máu chất xám”. Dẫn chứng cho thực trạng này, một số nhà khoa học cho biết, trong 3-4 năm gần đây, các viện nghiên cứu thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) chỉ được cấp 50%-60% lương, có nghĩa là họ chỉ được lĩnh lương 5-6 tháng, nếu không có đề tài, dự án. Những tháng còn lại, nếu không có đề tài trả lương thì họ không những không có lương mà còn phải tự đóng bảo hiểm. Chính sách này không giữ chân được cán bộ, sinh viên mới tốt nghiệp vào cơ sở nghiên cứu; cán bộ được cử đi học nước ngoài theo ngân sách cũng không trở về. Để bù đắp được lỗ hổng này, cần 10-20 năm hoặc rất nhiều tiền để thu hút cán bộ trở lại.

Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Viện Hải dương học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam)

Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Viện Hải dương học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam)

Ngoài ra, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học, công nghệ ở các viện nghiên cứu, trường đại học còn nghèo nàn, lại bị phân tán. Hạn chế về nguồn lực và cơ chế quản lý dẫn đến thiếu tinh thần gắn kết, hợp tác liên ngành, liên viện và giảm hiệu quả đầu tư công. Nhiều cán bộ nghiên cứu mất động lực, không còn sáng tạo. Mặt khác, do không tạo được cơ chế, chính sách đột phá đối với nhân tài, nên không thu hút được lực lượng khoa học, công nghệ quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc.

Tiến sĩ Võ Văn Thuận, Đại học Duy Tân, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân.

Tiến sĩ Võ Văn Thuận, Đại học Duy Tân, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân.

Bởi vậy, giới khoa học rất vui mừng khi Nghị quyết 57-NQ/TW đề cập cơ chế quản lý tài chính linh hoạt, trao quyền tự chủ cho các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, giúp họ chủ động hơn trong việc sử dụng kinh phí và thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu.

“Trước hết, và có thể mang ý nghĩa quan trọng nhất, đó là nhận thức sâu sắc của lãnh đạo cấp cao, không chỉ trong phát biểu mà bằng hành động. Từ chính những người đang chèo lái con thuyền vượt sóng đưa đất nước đi lên, chúng ta đã nghe rõ chỉ đạo yêu cầu cấp trên phải có tinh thần nêu gương đổi mới trước, “vừa chạy vừa xếp hàng”. Trên đã làm thì cấp dưới cũng phải tiến lên, vừa làm vừa sáng tạo, hoàn thiện. Tinh thần triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW cũng như vậy, và chúng ta kỳ vọng sẽ nhanh chóng xóa bỏ được lối suy nghĩ chưa coi trọng khoa học, công nghệ như trước đây vốn tồn tại trong tư tưởng nhiều cán bộ quản lý. Từ thay đổi nhận thức thật sự, mọi việc tiếp theo sẽ dễ dàng hơn nhiều. Rồi đây, sẽ có những đổi mới đột phá trong khoa học, công nghệ không kém gì Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về “Đổi mới quản lý kinh tế trong nông nghiệp” đã làm được trong nông nghiệp”
Tiến sĩ Võ Văn Thuận, Đại học Duy Tân, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân chia sẻ.

CẦN HÀNH ĐỘNG QUYẾT LIỆT

Các nhà khoa học nhìn nhận, Nghị quyết 57-NQ/TW đã kế thừa có chọn lọc những nội dung tích cực của các nghị quyết về khoa học, công nghệ trước đây, và có những yếu tố đổi mới mạnh mẽ, khiến các nhà khoa học và người dân hy vọng và thêm tin tưởng.

Sau khi quán triệt Nghị quyết 57-NQ/TW, các cơ quan quản lý, tổ chức khoa học và đội ngũ thực thi chính sách cần nhanh chóng bắt tay đổi mới các cơ chế, chính sách đòn bẩy nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, khơi thông nguồn lực và trao quyền thực chất cho hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Giống như Nghị quyết “Khoán 10” đã từng giúp người nông dân sống được bằng ruộng đất của mình, giờ đây cần tạo điều kiện để nhà khoa học có thể sống được bằng nghề nghiên cứu và làm giàu cho đất nước bằng chính năng lực sáng tạo của họ.

Sự kiện kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 – Techconnect & Innovation Vietnam 2024” do Bộ KH&CN phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức.

Sự kiện kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 – Techconnect & Innovation Vietnam 2024” do Bộ KH&CN phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc cấp bách là phải bảo đảm thu nhập đủ tốt cho nhà khoa học. Khi thu nhập bảo đảm, điều kiện làm việc tốt, nhà khoa học mới toàn tâm toàn ý nghiên cứu, mạnh dạn triển khai những vấn đề lớn, có tầm vóc. Đồng thời, cần chấm dứt quản lý kinh phí nghiên cứu khoa học, công nghệ theo nguyên tắc cứng nhắc trong khuôn khổ Luật Ngân sách Nhà nước. Thay vào đó, phải tạo cơ chế có tính năng động đặc thù cho đầu tư mạo hiểm, tạo điều kiện tối đa cho phép khoa học, công nghệ hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm, quản lý theo sản phẩm khoa học đầu ra. Cần thay đổi cơ chế cấp phát kinh phí và giải ngân trên cơ sở tham khảo cơ chế này của các nước trên thế giới sao cho tài chính và giải ngân không còn là nỗi kinh hoàng của cán bộ khoa học, công nghệ.

Muốn khoán sản phẩm, khoán kết quả, thì trước hết phải khoán đúng người - những nhà khoa học thật sự có năng lực và khát vọng đổi mới. Vì vậy, một trong những giải pháp then chốt là minh bạch và nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn, giao nhiệm vụ nghiên cứu, tạo điều kiện để nhân tài trong nước và quốc tế có thể phát huy tối đa năng lực, thay vì bị kìm hãm bởi rào cản cơ chế. Khi đó, “chất xám” sẽ chảy ngược trở lại Việt Nam, và chính họ sẽ là hạt nhân của các công trình đổi mới, là nguồn lực làm nên bước nhảy vọt bằng khoa học, công nghệ.

Cần thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm cho khoa học,công nghệ với cơ chế mở để huy động nguồn lực từ nhiều thành phần kinh tế, thay vì chỉ trông chờ vào quỹ đầu tư công. Đồng thời, xây dựng các hệ thống trung gian chuyên nghiệp để chuyển giao, triển khai nhanh kết quả nghiên cứu vào sản xuất, vừa rút ngắn khoảng cách từ phòng thí nghiệm đến thực tiễn, vừa bảo đảm quyền lợi và động lực cho nhà khoa học.

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan trưng bày khoa học, công nghệ tại Nhà Quốc hội.

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan trưng bày khoa học, công nghệ tại Nhà Quốc hội.

Nếu được triển khai quyết liệt, Nghị quyết 57-NQ/TW sẽ không chỉ tháo gỡ những điểm nghẽn kéo dài của khoa học, công nghệ, mà còn thắp lên kỳ vọng về một “Khoán 10” trong thời đại số, nơi tri thức và sáng tạo trở thành động lực thật sự cho sự phát triển của quốc gia.

Nội dung: Hà Linh
Trình bày: Dương Thịnh
Ảnh: Nhân Dân, VGP