Lượng vốn đầu tư thu hút cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam lập kỷ lục trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho phát triển kinh tế toàn cầu. Những mô hình đổi mới sáng tạo, khai thác sức mạnh công nghệ… sẽ tạo nền tảng giúp Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia phát triển khác. Tuy vậy, điều đó đòi hỏi sự điều chỉnh linh hoạt từ cơ chế chính sách, công nghệ đến nguồn lực để tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp.


Dòng tiền tăng đột biến

Hơn 1,3 tỷ USD đã được đầu tư vào các startup Việt Nam năm nay, cho thấy tiềm năng của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở nước ta. Ngay sáu tháng cuối năm 2021, có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp gọi vốn lớn như: Tiki-258 triệu USD, Loship-50 triệu USD, Telio-22 triệu USD trong lĩnh vực thương mại điện tử; VNLife-250 triệu USD trong lĩnh vực tài chính; Doctor Anywhere-65,7 triệu USD trong lĩnh vực y tế,...

TS Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).

TS Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Việt Nam tự tin có thể đưa hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo vươn tầm quốc tế và xếp thứ hạng cao trong khu vực và thế giới.

Nguồn vốn toàn cầu đều đặn chảy vào nước ta nhờ các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng vững chắc và hệ sinh thái kỹ thuật số đang phát triển. Việt Nam tiếp tục là trung tâm sáng tạo hấp dẫn với số lượng vườn ươm doanh nghiệp, chương trình phát triển và phòng nghiên cứu nhiều hơn phần lớn các nước khác trong khu vực.

Theo TS Trịnh Xuân Đức - Viện trưởng Khoa học kỹ thuật hạ tầng và Môi trường (SIIEE), startup thành công phải đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và trở thành động lực cho phát triển kinh tế chung của đất nước. Để các bạn trẻ khởi nghiệp thành công và bền vững cần rất nhiều yếu tố. Trong đó, bốn vấn đề quan trọng nhất cần đặc biệt được quan tâm đó là: cơ chế chính sách, công nghệ, nguồn vốn và nguồn nhân lực.

Cần có cách thức nhìn nhận mới và những sự điều chỉnh linh hoạt từ cơ chế chính sách, công nghệ đến nguồn lực để tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp. Video clip: Truyền hình Nhân Dân – Nhân Dân cuối tuần.

Cần có cách thức nhìn nhận mới và những sự điều chỉnh linh hoạt từ cơ chế chính sách, công nghệ đến nguồn lực để tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp. Video clip: Truyền hình Nhân Dân – Nhân Dân cuối tuần.

Trong những năm gần đây, Đảng và Chính phủ đã liên tục có nhiều đổi mới, nhanh gọn, đơn giản về thủ tục hành chính giúp các doanh nghiệp có môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp và phát triển. Đặc biệt, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã có rất nhiều điều chỉnh nhằm hỗ trợ và thúc đẩy các startup được ban hành. Chẳng hạn như, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ nêu rõ: Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ về thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo và kinh phí.

Với hơn 40 tổ chức hỗ trợ, vườn ươm của Chính phủ được hình thành, có thể khẳng định chúng ta có đầy đủ cơ chế chính sách, cũng như tạo được hành lang pháp lý thông thoáng, đúng đắn và phù hợp để mở đường cho các startup phát triển.


Tập đoàn SK Group (Hàn Quốc) tài trợ hơn 330.000 USD cho các startup Việt xuất sắc trong cuộc thi SK Start-up Fellowship 2021. Ảnh: SK Start-up Fellowship

Startup edtech CoderSchool được tài trợ 2,6 triệu USD, nhằm đào tạo và phát triển đội ngũ lập trình viên trẻ. Ảnh: CoderSchool

Tập đoàn SK Group (Hàn Quốc) tài trợ hơn 330.000 USD cho các startup Việt xuất sắc trong cuộc thi SK Start-up Fellowship 2021. Ảnh: SK Start-up Fellowship

Startup edtech CoderSchool được tài trợ 2,6 triệu USD, nhằm đào tạo và phát triển đội ngũ lập trình viên trẻ. Ảnh: CoderSchool

Làm thế nào để giữ chân quỹ đầu tư?

Làm thế nào để startup Việt thành công trong việc gọi vốn hàng triệu USD trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp khó? Câu trả lời nằm ở khả năng có thể giải quyết được những bài toán thực tế của thị trường hay không?

Nếu trước đây, các startup phần lớn phải chủ động tiếp cận các quỹ, gọi vốn đầu tư thì nay việc tiếp cận dòng vốn đã không còn là vấn đề quá khó khăn. Chỉ cần các startup sở hữu mô hình kinh doanh và đội ngũ thực thi triển vọng, các quỹ sẽ chủ động tìm đến. Nhưng “khẩu vị” đầu tư của các quỹ cũng đã thay đổi. Thay vì đầu tư sớm, các quỹ thận trọng hơn trong tìm kiếm. Họ sẽ lựa chọn những mô hình, ý tưởng tốt đã được cụ thể hóa bằng doanh thu và lợi nhuận rõ ràng. Khi đó, nguồn vốn đầu tư đóng vai trò thúc đẩy những dự án này phát triển nhanh hơn nữa.

CEO Raghu Rai của Jio Health tại Việt Nam.

CEO Raghu Rai của Jio Health tại Việt Nam.

Các startup muốn gọi vốn cần phải có đội ngũ phù hợp với định hướng và quan trọng hơn hết vẫn là phải có sản phẩm tốt

"Sau khi vượt qua giai đoạn non trẻ ban đầu, hãy tập trung vào tìm nguồn vốn để phát triển, mở rộng quy mô. Việc cân đối giữa vốn và công nghệ hay nguồn lực phụ thuộc vào từng giai đoạn khác nhau của startup. Hiện tại, doanh nghiệp ít phải đối mặt các rào cản khi tiếp cận nguồn vốn. Thay vì quá lo lắng cho vấn đề này, cần dành nhiều thời gian để làm việc với khách hàng, khẳng định giá trị của mình và lắng nghe thị trường", CEO Raghu Rai của Jio Health-startup trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe số tại Việt Nam bổ sung thêm.

Chứng kiến sự thất bại của nhiều startup, ông Bùi Thành Đô - Nhà sáng lập và điều hành Think Zone Ventures nhận định, nguyên nhân chính thường đến từ sự thiếu hiểu biết trong vận hành công ty cũng như phương pháp sử dụng nguồn lực tài chính chưa hợp lý. Những nhà sáng lập cần phải biết cách giữ được nguồn vốn, biết dùng vốn vào việc gì, khi nào cần gọi vốn và kêu gọi bao nhiêu trong từng giai đoạn.

Ông Bùi Thành Đô, Nhà sáng lập và điều hành Think Zone Ventures.

Ông Bùi Thành Đô, Nhà sáng lập và điều hành Think Zone Ventures.

Thí dụ: Giai đoạn đầu khi chưa có nhiều khách hàng chỉ nên gọi số tiền vừa đủ để thăm dò và tránh việc mất quá nhiều cổ phần nếu công ty có tiềm năng phát triển mạnh. Sau nửa năm vận hành, số lượng khách hàng tăng, sản phẩm hoàn thiện hơn, công ty có thể đẩy định giá lên cao hơn để gọi vốn cho giai đoạn tiếp theo. Càng chặt chẽ và tính toán kỹ càng sẽ càng tác động trực tiếp tới sự phát triển của mỗi dự án.

Nhìn vào bài học của WeFit hay một số doanh nghiệp lựa chọn chiến lược "tăng trưởng bằng mọi giá", có thể thấy, lựa chọn sai sẽ khiến doanh nghiệp phải gục ngã. Hơn thế nữa, nếu kinh doanh không thể sinh ra lợi nhuận, hoặc chứng minh tiềm năng tạo ra lợi nhuận thì sớm muộn các quỹ cũng nói lời chia tay. Chỉ khi hội tụ đầy đủ các yếu tố như sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thị trường cùng một đội ngũ tâm huyết để phát triển lâu dài, startup mới đủ sức gọi vốn và giữ chân nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, thay vì tìm kiếm các nhà đầu tư không phù hợp, các startup cần phải tập trung mục tiêu chính là phát triển sản phẩm cũng như giải quyết bài toán đặt ra để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Ngoài câu chuyện gọi vốn đơn thuần, hợp tác cùng các quỹ phù hợp cũng mang đến cho startup kiến thức, kinh nghiệm và những sự định hướng xác đáng của các chuyên gia nhằm giúp cho sự phát triển của công ty trong tương lai.

Nhiều doanh nghiệp thường nghĩ đơn giản cứ gọi vốn, mở rộng quy mô là mọi chuyện đều sẽ tốt đẹp. Tuy nhiên, tư duy này thường dẫn đến rủi ro nếu tỷ lệ nắm giữ của họ không đủ quyết định doanh nghiệp.

Cạnh tranh sòng phẳng

với "nhân tố bí ẩn"

Việt Nam đang sở hữu nguồn nhân lực có một không hai để trở thành nước mạnh về khởi nghiệp công nghệ. Ảnh: The Parallel

Việt Nam đang sở hữu nguồn nhân lực có một không hai để trở thành nước mạnh về khởi nghiệp công nghệ. Ảnh: The Parallel

Báo cáo "Toàn cảnh Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021" do nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo BambuUP đánh giá, Việt Nam nằm trong tốp ba hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ đứng sau Indonesia và Singapore. Việt Nam đang từng bước chuyển mình, trở thành trung tâm mới của đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp với mức độ tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, bài toán đặt ra với những startup là lựa chọn phát triển bùng nổ nhờ nắm bắt cơ hội của thị trường, hay hướng tới mục tiêu bền vững, dài hơi hơn.

Ông Trần Văn Viển, Đồng sáng lập & Giám đốc thị trường phía nam Base.vn nhận định, qua quá trình tiếp xúc và làm việc với các startup, mấu chốt thành bại của các dự án khởi nghiệp không đến từ việc thiếu ý tưởng sáng tạo mà đến từ đội ngũ phát triển không đủ vững chắc. Với bất kỳ startup, doanh nghiệp nào, muốn phát triển bền vững, luôn cần đội ngũ nhân sự tốt. Những cá nhân này không nhất thiết phải là người giỏi nhất, xuất sắc nhất mà phải phù hợp định hướng của công ty. Để startup có sự khác biệt, bứt phá, đòi hỏi phải xây dựng được đội ngũ đủ đam mê, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Ông Trần Văn Viển, Đồng sáng lập và Giám đốc thị trường phía nam Base.vn

Ông Trần Văn Viển, Đồng sáng lập và Giám đốc thị trường phía nam Base.vn

Thế hệ lao động trong lĩnh vực công nghệ hiện nay phần lớn thuộc gen Z (thế hệ 2-người sinh trong khoảng từ năm 1997-2012). Khác với tư duy truyền thống, những người lãnh đạo hôm nay cần đưa ra mục tiêu cụ thể, chỉ rõ cho đội ngũ nhân sự thấy được tầm quan trọng của dự án, và để những người trẻ là tự tìm cách xử lý.

Với blockchain và metaverse, đội ngũ nhân sự của The Parallel sẵn sàng tiếp cận cả về kỹ năng lẫn tâm lý. Ảnh: The Parallel

Với blockchain và metaverse, đội ngũ nhân sự của The Parallel sẵn sàng tiếp cận cả về kỹ năng lẫn tâm lý. Ảnh: The Parallel

Công cuộc tìm kiếm nhân sự cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo gặp khó khăn không chỉ ở khâu tuyển dụng đầu vào hay hoàn thiện chính sách mà còn cần chiến lược dài hơi, phản ánh tầm nhìn của người lãnh đạo startup dựa trên bối cảnh thị trường. Anh Louis Nguyen, sáng lập dự án The Parallel, startup phát triển nền tảng giải trí, mạng xã hội theo xu hướng vũ trụ ảo metaverse, chia sẻ: "Dù lựa chọn công nghệ lõi blockchain và theo đuổi hướng đi vô cùng mới mẻ là metaverse, việc tăng trưởng nóng chưa bao giờ được xem như tôn chỉ phát triển của doanh nghiệp. Metaverse là tầm nhìn dài hơi để vươn tới trong 10-20 năm nữa.

Khi tôi thuyết trình dự án đến những người đồng sáng lập và các thành viên, mọi người thấy được tiềm năng và bị thuyết phục bởi tầm nhìn ấy. Trong quá trình từng bước bắt tay vào xây dựng dự án, tôi luôn cố gắng đưa ra những yêu cầu mới, giảm tư duy rập khuôn. Họ được thử và sai rất nhiều lần cho đến khi công ty có được sản phẩm thành hình như bây giờ. Với blockchain và metaverse, tất cả đều sẵn sàng tiếp cận, cả về kỹ năng lẫn tâm lý".

Sau 5 năm làm việc với nhiều người đến rồi đi, anh Louis Nguyen tự tin, các nhân viên đã ở lại và gắn bó với công ty đến thời điểm hiện tại là những người đồng hành, họ sẽ không từ bỏ kể cả khó khăn tới đâu. Họ là những nhân tố quan trọng giúp đặt nền móng vững chắc để phát triển dự án metaverse. Tuy nhiên, trong thời gian tới, startup công nghệ này hy vọng cũng có thể thu hút thêm nhiều người giỏi hơn nữa, nhằm chung tay xây dựng một dự án Việt Nam có giá trị. "Tôi tự tin vào cơ hội cạnh tranh sòng phẳng dựa trên khả năng của đội ngũ nhân sự của mình. Họ có khả năng sáng tạo cũng như làm chủ công nghệ rất tốt. Đương nhiên, vẫn cần nhiều thời gian để chứng minh và chủ doanh nghiệp không thể nóng vội được", anh Louis Nguyen khẳng định.

Khởi nghiệp bền vững xuyên biên giới

Theo bà Ana Maria Torres, Đại diện mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu GEN, dịch bệnh làm hành vi tiêu dùng và sự tương tác giữa con người thay đổi rất nhiều. Đó là những yếu tố tạo nên thách thức làm thế nào để các quốc gia đặc biệt là các doanh nghiệp có thể thích nghi với sự thay đổi ấy. Chìa khóa cốt lõi ở đây là phương pháp để có thể xoay trục thật nhanh, trang bị các kỹ năng kinh doanh kịp thời và tạo ra sự thay đổi về cách suy nghĩ.

Bà Ana Maria Torres, Đại diện mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu GEN.

Bà Ana Maria Torres, Đại diện mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu GEN.

Các doanh nghiệp trẻ và đặc biệt là đội ngũ startup rất cần được bổ sung kiến thức thông qua các chương trình đào tạo, diễn đàn nhằm kết nối họ với những câu chuyện truyền cảm hứng, những cá nhân có khả năng giúp đỡ và giải quyết các vấn đề họ đang gặp phải. "Chính vì thế, chúng ta phải ngồi lại cùng nhau, làm việc với tất cả những bên liên quan và cùng nhau hợp tác nhằm mang đến những giải pháp mang tầm quốc tế", bà Ana nhận định.

Hơn bao giờ hết, dịch Covid-19 đã tạo ra cơ hội lớn để các quốc gia có thể hợp tác và làm việc cùng nhau, bởi thách thức mà chúng ta đối mặt hôm nay không còn nằm ở cấp độ quốc gia nữa mà thật sự tác động đến tất cả các nước trên thế giới.

Ông Beniam Gebrezghi, chuyên gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chia sẻ: "Việc kết nối quốc tế thành công giúp tạo ra những nỗ lực toàn cầu vì không cá nhân nào có thể làm một mình mà cần phải có sự tiếp cận thông qua hệ sinh thái để phát triển doanh nghiệp.

Ông Beniam Gebrezghi, chuyên gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Beniam Gebrezghi, chuyên gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Thông qua những lời khuyên, các doanh nghiệp trong từng khu vực sẽ có sự thấu cảm và những hành động cụ thể để đối mặt thách thức. UNDP đã phát triển các chương trình nghiên cứu chuyên sâu về tác động đến các doanh nhân trẻ và thấy rằng không có giải pháp duy nhất cho các doanh nghiệp mà phải nhìn nhận vấn đề rõ ràng từ các quốc gia này đến quốc gia khác để có chiến lược phù hợp nhất với từng khu vực”.

EWC không chỉ là cuộc thi đơn thuần mà còn là sự hỗ trợ cơ hội thuộc về hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế. Ảnh: EWC

EWC không chỉ là cuộc thi đơn thuần mà còn là sự hỗ trợ cơ hội thuộc về hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế. Ảnh: EWC

Tương tự UNDP, Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu GEN cũng phối hợp với nhiều tổ chức trên thế giới, trong đó có Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), xây dựng nhiều chương trình thúc đẩy song song các sự kiện sắp tới như Cuộc thi Cúp Khởi nghiệp toàn cầu (EWC), nhằm góp phần tìm ra tài năng giỏi nhất trong top 100 và có hơn 80% đến từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây không đơn thuần là màn so tài giữa các startup mà còn là sự hỗ trợ cơ hội thuộc về hệ sinh thái giúp tất cả có nhiều quyền truy cập nguồn lực hơn, có thêm kỹ năng về con người, cùng các kỹ năng khác để cùng nhau đối mặt các thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt.

Nắm bắt con sóng dịch chuyển số

Các kỹ sư NASA ứng dụng công nghệ thực tế ảo trên trạm vũ trụ ISS.

Các kỹ sư NASA ứng dụng công nghệ thực tế ảo trên trạm vũ trụ ISS.

Khác với những giai đoạn thay đổi cơ cấu kinh tế trước đây, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự trỗi dậy của các phương tiện kỹ thuật số đã mở ra cơ hội thay đổi cuộc sống trong nhiều khía cạnh, từ cách làm việc, học tập, giao tiếp, giải trí của mỗi cá nhân cho đến các hoạt động kết nối... Các công nghệ hỗ trợ quá trình ảo hóa nơi làm việc, cũng như giúp ký kết hợp đồng từ xa dần trở nên thịnh hành. Đây là giai đoạn bản lề khi hầu hết người dân trên thế giới phải học cách thích nghi với các trải nghiệm kỹ thuật số, cho dù làm việc tại nhà, học trực tuyến hay mua hàng qua mạng.

Thậm chí, thế hệ trẻ cũng đang rất hào hứng với làn sóng vũ trụ ảo (metaverse): thế giới kỹ thuật số tồn tại song song thế giới vật chất. Hiện các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Facebook và Microsoft đang nỗ lực thúc đẩy để sớm biến giấc mơ này thành hiện thực. Không chỉ các doanh nghiệp, chính quyền thành phố Seoul (Hàn Quốc) mới ra thông báo sẽ triển khai thực hiện dịch vụ công mới thông qua nền tảng metaverse của riêng mình.

Seoul dự kiến ra mắt nền tảng dịch vụ công metaverse vào năm 2022.

Seoul dự kiến ra mắt nền tảng dịch vụ công metaverse vào năm 2022.

Xu hướng này thúc đẩy các doanh nghiệp phải tạo ra các trải nghiệm liền mạch và hòa quyện hơn, giữa thế giới thực và môi trường kỹ thuật số. Khách hàng cũng mong đợi sự kết hợp tốt nhất của cả hai theo hướng cá nhân hóa cao mà không phải hy sinh sự tiện lợi của các giao dịch trực tuyến. Deloitte dự báo trong 18 đến 24 tháng tới, xu hướng xây dựng trải nghiệm khách hàng cần hướng đến phù hợp với hành vi, thái độ và sở thích của từng khách hàng.

Theo nhận định của Bloomberg, metaverse hứa hẹn sẽ trở thành ngành công nghiệp nghìn tỷ USD khi doanh thu toàn cầu ước đạt 800 tỷ USD vào năm 2024 so khoảng 500 tỷ USD năm 2020. Điều này sẽ kích thích sự phát triển của các ngành công nghiệp sản xuất thiết bị, các nền tảng như mạng xã hội, game, các ứng dụng du lịch hay hội họp trực tuyến... nhằm góp phần giúp con người nâng cao trải nghiệm.

IoT kết hợp AI, ML

Theo dự báo, đến năm 2030, khoảng 50 tỷ thiết bị IoT (internet of things-internet vạn vật) sẽ được sử dụng trên khắp thế giới, tạo ra một mạng lưới kết nối khổng lồ, từ điện thoại thông minh đến thiết bị nhà bếp. Trong thực tế, IoT có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: smart home, smart city, smart car, quản lý giao thông, nông nghiệp, chăm sóc sức khoẻ từ xa, tự động hóa...

Phần cứng sẽ là hạng mục công nghệ được chi tiêu lớn nhất nhằm phát triển các module, cảm biến, cơ sở hạ tầng và bảo mật. Tới năm 2022, chi tiêu toàn cầu cho IoT được dự báo sẽ đạt 1.100 tỷ USD. Sự sẵn sàng này chính là cơ hội cho những công ty khởi nghiệp muốn tạo đột phá trong tương lai. Theo số liệu từ quỹ đầu tư CB Insights năm 2020, các startup IoT tại Mỹ đã nhận được 7,4 tỷ USD từ các quỹ đầu tư mạo hiểm trong suốt sáu năm qua.

Công ty nghiên cứu thị trường International Data Corporation dự báo những thiết bị như máy móc và cảm biến trong lĩnh vực IoT dự kiến sẽ tạo ra 79,4 Zettabyte (ZB) dữ liệu vào năm 2025 (1 ZB tương đương 11 nghìn tỷ GB). Sự phát triển cấp số nhân của các thiết bị thông minh đem về nguồn dữ liệu khổng lồ. Đến năm 2022, trí tuệ nhân tạo (AI) và các thuật toán học máy-Machine learning (ML) sẽ nhanh chóng có được những "hiểu biết" sâu sắc khi kết hợp số lượng lớn các dự án IoT. Điều này sẽ tạo ra tính kết nối mạng liền mạch, khả năng chuyển đổi mượt mà và không bị gián đoạn.

Ngoài ra, vẫn còn rất nhiều công nghệ có tiềm năng đóng góp vào kinh tế số của Việt Nam như dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây (cloud computing), chế tạo đắp lớp (additive manufacturing)… Ước tính khoảng 70% tổng cơ hội kỹ thuật số của Việt Nam có thể xuất phát từ những ứng dụng công nghệ như vậy.

Theo thống kê của Chính phủ, chúng ta có hơn 24.000 tiến sĩ, 101.000 thạc sĩ và hàng trăm nghìn thợ lành nghề. Mỗi năm, cũng có hơn 100.000 kỹ sư tốt nghiệp và khoảng 200.000 cử nhân ra trường. Có thể nói, chưa bao giờ nước ta có một nguồn nhân lực lao động chất xám nhiều về số lượng như thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực cần được cải thiện hơn nữa để có thể nắm bắt và làm chủ xu thế tất yếu về công nghệ để đưa doanh nghiệp và quốc gia lên những nấc thang cao hơn về giá trị.

Nếu được tận dụng tối đa, công nghệ số có thể đem lại khoảng 74 tỷ USD vào năm 2030, tương đương 27% GDP của Việt Nam trong năm 2020. Cơn sóng dịch chuyển số hiện tại là thời cơ cho Việt Nam tiến thẳng vào lĩnh vực công nghiệp mới nhằm thu hẹp khoảng cách với các quốc gia phát triển trên thế giới.

Xét một cách khách quan, với sự thống trị của các công ty nội địa cùng sự cạnh tranh ngày một tăng từ các đối thủ nước ngoài, nhiều thế hệ startup Việt đã hình thành tư tưởng phát triển công ty ở quy mô toàn cầu từ rất sớm. Bên cạnh đó, họ cũng tập trung vào việc xây dựng nền tảng công nghệ lõi vững chắc để có được những lợi thế cạnh tranh nhất định.

Khách tham quan Techfest Hải Phòng 2021. Ảnh: TTXVN

Khách tham quan Techfest Hải Phòng 2021. Ảnh: TTXVN

Bởi vậy, với mục tiêu xây dựng môi trường lành mạnh giúp phát triển hệ sinh thái startup, chúng ta rất cần có thêm nhiều cơ chế linh hoạt và cụ thể hơn nữa, nhằm tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp trẻ phát triển một cách bền vững và lành mạnh, TS Trịnh Xuân Đức lưu ý như vậy khi nói đến tính bền vững của khởi nghiệp sáng tạo.

Sau “bùng nổ” thu hút vốn đầu tư, muốn “định hình cuộc chơi công nghệ” đòi hỏi sự đầu tư thích đáng vào bốn vấn đề quan trọng bao gồm, cơ chế chính sách, công nghệ, nguồn vốn và nguồn nhân lực.


Ngày xuất bản: 6/12/2021
Tổ chức sản xuất: Vũ Mai Hoàng
Nội dung: Lưu Hương Giang, Minh Phú, Hồng Thiện, Trung Hiếu
Trình bày: Phan Anh, Duy Long