Không thể thiếu vai trò
Nhà nước

Chính phủ Trung Quốc áp dụng nhiều biện pháp khuyến khích để thúc đẩy R&D, bao gồm tín dụng thuế R&D, trợ cấp, chương trình thu hút tài năng và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Các chính sách đã được thử nghiệm và thực hiện từ những năm 90 của thế kỷ trước và ngày càng được mở rộng. Mục tiêu của các biện pháp khuyến khích này nhằm tạo ra một môi trường hướng tới thị trường, giảm chi phí liên quan đến R&D, thu hút tài năng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Bước tạo đà cho sự thần kỳ Đông Á
Tìm hiểu về chính sách hỗ trợ khoa học, công nghệ của Trung Quốc, ông Nguyễn Việt Long, Phó Tổng Giám đốc EY Việt Nam cho biết: Trung Quốc đã áp dụng chính sách tín dụng thuế R&D trên toàn quốc, kể từ năm 2008 để kích thích hoạt động R&D, giúp các doanh nghiệp có thể khấu trừ đến 150% chi phí R&D nếu đủ điều kiện. Chính sách này có thể giúp giảm thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 7,5% đến 12,5% chi phí R&D. Họ cũng không giới hạn trần cho việc hưởng tín dụng thuế, với tỷ lệ khấu trừ thậm chí cao hơn các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Canada, Pháp. Nhà nước chủ yếu khấu trừ thuế cho các doanh nghiệp công nghệ cao, như công nghệ điện tử, y sinh học, vật liệu mới, năng lượng mới và công nghệ hàng không vũ trụ. Trung Quốc cũng hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua cơ chế quỹ và trợ cấp chính phủ, bao gồm cả việc chính phủ trực tiếp tài trợ cho các sáng kiến R&D, hay thành lập Quỹ Đổi mới cho các doanh nghiệp công nghệ nhỏ và vừa (Innofund). Các chính quyền địa phương cũng khởi xướng các chính sách thúc đẩy sáng chế để khuyến khích và giúp đỡ các nhà phát minh tăng cả số lượng và chất lượng đơn đăng ký sáng chế.
Bên cạnh đó, chính quyền trung ương Trung Quốc cũng sớm thiết lập các chương trình để thu hút các nhà khoa học và học giả hàng đầu, như “Một nghìn tài năng” được thực hiện từ năm 1994. Các chính quyền địa phương cũng tập trung thu hút các doanh nhân công nghệ cao thông qua nhiều chương trình tài năng khác nhau. Cùng với đó, chính phủ chú trọng thực thi quyền sở hữu trí tuệ và khuyến khích việc đăng ký sáng chế cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp đủ nguồn lực thiết lập các trung tâm R&D hoặc các trung tâm con ở nước ngoài để đẩy nhanh hơn quá trình hấp thụ các tri thức công nghệ mới nhất.
Hàn Quốc, một sự thần kỳ Đông Á cả trong phát triển kinh tế lẫn đột phá khoa học, công nghệ đã đầu tư 2 tỷ won (tương đương khoảng 1,4 triệu USD theo tỷ giá hiện tại) vào R&D từ năm 1964. Đến 2025, con số này của họ đã tăng lên 24.800 tỷ won (khoảng 171,1 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại) vào năm 2025, tăng 12.400 lần. Hàn Quốc trong những năm gần đây luôn nằm trong top đầu thế giới về đầu tư cho R&D. Năm 2024, nhận thấy mình “tập trung chưa đủ” vào nghiên cứu cơ bản, nguyên bản, cũng như phát triển công nghệ thế hệ tiếp theo, thiếu đổi mới trong hệ thống R&D để thách thức những công nghệ tốt nhất hiện có, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố Kế hoạch Đổi mới R&D và Chiến lược R&D Toàn cầu. Họ tập trung đổi mới ở khía cạnh: thể chế, đầu tư và hợp tác quốc tế với mục tiêu thực hiện thành công một bước đại nhảy vọt, trở thành trung tâm khoa học và công nghệ hàng đầu thế giới.
Kế hoạch Đổi mới R&D tập trung vào hai mục tiêu chính: “đổi mới thể chế” và “đổi mới đầu tư”, nhằm dẹp bỏ những giới hạn, đơn giản hóa các quy định đang cản trở việc tạo ra những phát kiến đột phá. Thể chế được Chính phủ Hàn Quốc đổi mới bằng việc: “nhìn theo góc nhìn của nhà nghiên cứu”, tức là loại bỏ khung đánh giá thành công/thất bại cho các nghiên cứu đổi mới và thách thức; rút ngắn thời gian mua sắm các cơ sở và thiết bị nghiên cứu từ 120 ngày xuống còn 50 ngày; lựa chọn để tài trợ các dự án nghiên cứu xuất sắc vào bất kỳ thời điểm nào trong năm chứ không lệ thuộc vào năm tài chính v.v.
Với Chiến lược R&D toàn cầu, Hàn Quốc hướng tới đổi mới trong hệ thống R&D, tăng cường khả năng hợp tác quốc tế của các nhà nghiên cứu, và tạo ra một hệ sinh thái nghiên cứu phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu. Ngoài việc tăng kinh phí cho R&D quốc tế, tăng cường cơ chế hợp tác với các quốc gia hàng đầu như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Chính phủ Hàn Quốc cũng rất chủ động trong xây dựng “bản đồ chiến lược” trong các lĩnh vực công nghệ mà họ muốn ưu tiên. Bản đồ này sẽ chứa dữ liệu phân tích và thông tin về lợi thế công nghệ so sánh của từng quốc gia, các đơn vị nghiên cứu được quốc tế công nhận, và nhiều hơn nữa; sẽ tập trung vào các công nghệ có ý nghĩa chiến lược đối với Hàn Quốc, bao gồm 12 công nghệ chiến lược quốc gia và 17 công nghệ ngành công nghiệp trung hòa carbon nhằm giảm thiểu khủng hoảng khí hậu và sẽ được sử dụng như một cột mốc để phối hợp các nỗ lực R&D toàn cầu. Các nhà nghiên cứu Hàn Quốc cũng sẽ được mang đến nhiều cơ hội để nâng cao khả năng hợp tác nghiên cứu quốc tế. Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ thông tin của Hàn Quốc đã cam kết: “Tạo ra môi trường tốt nhất cho các nhà nghiên cứu tài năng thách thức bản thân với R&D, trở thành những người dẫn đầu trong khoa học, công nghệ và dẫn dắt tương lai của Hàn Quốc là trách nhiệm lớn nhất của tôi, với tư cách là Bộ trưởng”.
Đội ngũ kỹ sư trẻ của VNPT Technology nghiên cứu, phát triển sản phẩm và giải pháp công nghệ. Ảnh: SƠN TÙNG
Đội ngũ kỹ sư trẻ của VNPT Technology nghiên cứu, phát triển sản phẩm và giải pháp công nghệ. Ảnh: SƠN TÙNG
“Không để lỡ thời cơ thêm lần nữa”
Để phát triển R&D, không thể thiếu vai trò Nhà nước mà dấu ấn sâu đậm nhất là tạo ra một môi trường thúc đẩy sáng tạo và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Luật Công nghệ cao ra đời năm 2008 là cơ hội để ông Võ Quang Huệ - Tổng Giám đốc Bosch Việt Nam khi đó thành lập một trung tâm R&D của Bosch ở Việt Nam. “Khi gặp lãnh đạo trong nước, tôi đã cam kết nếu Bosch được ưu đãi thuế, chúng tôi sẽ thực hiện hơn cả yêu cầu luật đặt ra cả về đầu tư cho R&D và số nhân sự làm trong R&D. Ngược lại tôi cũng đặt ra yêu cầu cho công ty mẹ là phải cam kết làm R&D nhiều hơn nữa ở Việt Nam”. Đến bây giờ, trung tâm R&D của Bosch đặt tại TP Hồ Chí Minh vẫn phát triển rất tốt. GS Nguyễn Đức Khương - Chủ tịch Mạng lưới kết nối tri thức người Việt toàn cầu đưa dẫn chứng: “Ở Pháp có một ngân hàng đầu tư công được Nhà nước giao nhiệm vụ thành lập các cơ quan tư vấn, để lựa chọn ra các công nghệ của tương lai và giao cho doanh nghiệp nghiên cứu.
Sau đó, ngân hàng đầu tư để góp phần biến nó thành những doanh nghiệp lớn, đủ hạ tầng phát triển. Khi nghiên cứu thành công, công nghệ mới ra đời thì Nhà nước đã có trong tay cổ phần của những doanh nghiệp công nghệ lớn, đã nắm trong tay các doanh nghiệp mạnh làm chủ được những công nghệ của tương lai nhằm giúp gia tăng năng lực cạnh tranh của quốc gia”. Lấy kinh nghiệm từ nước Mỹ, GS Khương chia sẻ: “Chính phủ Mỹ cũng có quỹ tài trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ sở hữu tiềm năng công nghệ để thúc đẩy nghiên cứu phát triển và thương mại hóa sản phẩm. Dẫn chứng điển hình về thành công của sự đầu tư này là Qualcomm - doanh nghiệp về chip và viễn thông. Bây giờ họ không chỉ phát triển khoa học công nghệ ở đẳng cấp cao mà còn là một mắt xích quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn với vốn hóa thị trường lên tới 178 tỷ USD”.
Vừa tham gia Diễn đàn đổi mới sáng tạo Việt Nam toàn cầu tổ chức tại Singapore vào cuối tháng 2 vừa qua, GS Nguyễn Đức Khương đề xuất: “Cần có 3 thay đổi nhằm mở ra không gian mới cho nghiên cứu và thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ. Đầu tiên là cơ chế hỗ trợ về thuế, tín dụng thuế. Thứ hai là cơ chế hỗ trợ về kinh phí cho các hoạt động R&D ở các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, trong đó chú trọng hợp tác công tư xoay quanh 3 thành phần: Nhà nước; trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp. Thứ ba là xem xét giảm thiểu tất cả thủ tục hành chính có thể gây khó cho các nhà khoa học chuyên tâm công tác nghiên cứu và phát triển”…

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Nam Phương-Thanh Thanh-Trần Thanh Hương-Mi Sol-Ngô Hương Sen
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Phạm Thắng, Sơn Tùng,Vietnamnet, internet.