
Xóa đói, giảm nghèo bền vững luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và xác định là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế đất nước. Các biện pháp giảm nghèo ngày càng đa dạng, không chỉ giúp hộ nghèo có cơm ăn, áo mặc mà còn bảo đảm tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin.
KHƠI GỢI TINH THẦN TỰ LỰC VƯƠN LÊN
“Vạn Thạnh tốt rồi!”. Nhiều người dân xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa tự hào thốt lên như thế mỗi khi nhắc về quê hương mình. Niềm vui ấy đang lan tỏa vào từng ngôi làng, ngõ xóm của vùng quê yên bình. Bà Nguyễn Thị Hân (thôn Vĩnh Yên) là một trong những người được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư nuôi tôm, vui mừng tâm sự: “Nhờ được vay vốn, đầu tư sản xuất mà gia đình tôi có ngày hôm nay.
Từ một hộ nghèo, đến nay chúng tôi vươn lên, có thu nhập khá, trả được hết các khoản nợ và thoát được nghèo”. Những năm qua, Vạn Thạnh có hàng trăm hộ dân thoát nghèo nhờ thực hiện tốt những chính sách cho vay vốn sản xuất, đào tạo nghề... Ngoài ra, huyện Vạn Ninh chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, đường điện và xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, khơi gợi tinh thần vươn lên của người dân. Nhờ thế, toàn xã hiện chỉ còn 60 hộ nghèo.
Với nhiều thành quả về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, ngày 24/2/2025, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 389/QĐ-TTg công nhận, năm 2024, xã Vạn Thạnh thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Cũng tại quyết định này, Chính phủ công nhận hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa) thoát nghèo. Thanh Hóa có sáu huyện nằm trong danh sách huyện nghèo của cả nước. Do điều kiện địa hình phức tạp, bị chia cắt nên đời sống của nhiều người dân còn gặp nhiều khó khăn.

Với tinh thần chủ động, khắc phục khó khăn, những năm qua các cấp chính quyền và người dân đã nỗ lực thi đua, lao động cùng cả nước thực hiện công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Huyện Mường Lát được đánh giá là địa phương khó khăn nhất của tỉnh, đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thay đổi tập quán sản xuất cũ của người dân. Một trong những bước đột phá của huyện là chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa có liên kết bao tiêu sản phẩm.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Chung hướng dẫn đồng bào Mông tại huyện Mường Lát xây dựng mô hình trồng rau sạch. Ảnh: Báo Thanh Hóa
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Chung hướng dẫn đồng bào Mông tại huyện Mường Lát xây dựng mô hình trồng rau sạch. Ảnh: Báo Thanh Hóa
Là địa bàn xa xôi nhất huyện Mường Lát, xã Mường Chanh đã trở thành điểm sáng về công tác xóa đói, giảm nghèo. Không ít hộ sau khi được giúp đỡ, vươn lên làm giàu, đã tích cực hỗ trợ các hộ dân khác. Ông Lục Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Mường Chanh cho biết, địa phương có hơn 800 hộ, với gần 4.000 nhân khẩu.
Những năm qua, chúng tôi đã xây dựng một số mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả, như: trồng rừng tập trung, cây ăn quả, nuôi bò sinh sản... Thông qua đó đã giúp nhiều hộ gia đình trở nên khá giả. Hai năm qua, xã có hơn 100 hộ dân làm đơn xin thoát nghèo”, ông Tâm vui mừng chia sẻ.
Đó chỉ là vài trong số hàng trăm xã thực hiện tốt công tác phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp như giảm dần việc “cho trực tiếp, cho không”, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, từ bỏ tư duy trông chờ, ỷ lại; đổi từ tư duy tự cung, tự cấp sang sản xuất theo hướng hàng hóa.

Thành tựu trong thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ
Ngược dòng thời gian, giai đoạn 1975-1985, khi đất nước mới thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội, công cuộc cải tạo, xây dựng và phát triển kinh tế trở thành nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân. Tuy nhiên, nước ta phải đối mặt rất nhiều thách thức: nền kinh tế bị tàn phá nặng nề sau nhiều năm chiến tranh, cơ sở hạ tầng lạc hậu, sản xuất đình trệ, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Giai đoạn này tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt trung bình 1,4%/năm, thậm chí năm 1980 tăng trưởng âm 1%.
Bằng sự nỗ lực trong công tác giảm nghèo, Việt Nam từ trong nhóm các nước nghèo nhất thế giới, đã vươn mình trở thành một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Cụ thể, năm 1986, tỷ lệ hộ nghèo từ gần 60% đã giảm xuống còn 14,2% (năm 2010) và tiếp tục giảm còn dưới 3% (năm 2022), 1,93% (năm 2024). Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), năm 2024, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 476,3 tỷ USD với mức tăng trưởng GDP khoảng 7,09%.
Nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. Ảnh LÊ THẮNG
Nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. Ảnh LÊ THẮNG
Để có được những kết quả tích cực nói trên, Việt Nam đã xây dựng và thực hiện hàng loạt chính sách hướng đến mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Trong đó, trọng tâm là ba chương trình mục tiêu quốc gia, gồm Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai đồng bộ tại các địa phương đã tạo cơ hội và điều kiện để người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao dân trí, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn lao động.
Trong giai đoạn 2021-2025, cả nước có 74 huyện nghèo, nhờ những chính sách hiệu quả, nhân văn, cộng với tinh thần tự giác của người dân, đến nay còn 60 huyện nghèo và sẽ tiếp tục giảm xuống trong thời gian tới.Có thể nói, công tác xóa đói, giảm nghèo ở nước ta được ví như “cuộc cách mạng”, được nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Theo TS Nguyễn Tiến Hùng (Học viện Chính sách và Phát triển): “Việt Nam đã cơ bản xây dựng được một hệ thống an sinh xã hội đồng bộ, nhất là các chính sách về tạo việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu cho người dân; trợ giúp xã hội đột xuất và thường xuyên; cung cấp dịch vụ xã hội y tế, giáo dục, chính sách ưu đãi đối với người có công... Đây là những thành tựu tiên phong trong thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của nước ta”.
Nhằm tạo sự lan tỏa, triển khai sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về công tác giảm nghèo, ngày 2/6/2022 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 666/QĐ-TTg về ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu chính là huy động tập thể, cá nhân, gia đình có những việc làm thiết thực tham gia đóng góp công sức, trí tuệ, của cải vật chất giúp đỡ các địa phương, cơ sở và hộ gia đình đăng ký thoát nghèo đạt mục tiêu thoát nghèo bền vững.
Cùng với đó, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cũng đã và đang được thực hiện quyết liệt. Ngày 9/11/2024 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 42/CT-TTg về việc đẩy nhanh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước. Chỉ thị nêu rõ: Phấn đấu trong năm 2025 hỗ trợ nhà ở cho người có công; hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia; xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân ngoài hai nhóm hỗ trợ trên.
Theo cơ quan chức năng, đến nay, cả nước đã hỗ trợ 121.638 trên tổng số 223.164 căn nhà (đạt tỷ lệ hơn 54%); trong đó hơn 65 nghìn căn đã khánh thành; hơn 56 nghìn căn đã được khởi công mới. Mục tiêu từ nay đến cuối năm 2025 phải hoàn thành hơn 101 nghìn căn. Đó là nhiệm vụ nặng nề, khó khăn, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm cao, hành động quyết liệt, hiệu quả, đồng thời phát huy tinh thần tương thân, tương ái của các tổ chức, cá nhân, huy động sức người, sức của tại địa phương để đạt mục tiêu giàu ý nghĩa nhân văn này.

Nội dung: MINH VY - HẢI MIÊN
Trình bày: TÚ OANH
Ảnh: Báo Nhân Dân, Báo Dân tộc và Phát triển, Báo Thanh Hóa