Khủng hoảng kép tại Sri Lanka tác động thế nào đến cạnh tranh địa chính trị ở khu vực?

Nằm ở vị trí chiến lược tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Sri Lanka có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của nhiều cường quốc. Trong đó, Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ đã và đang dành nhiều khoản đầu tư, tín dụng ưu đãi cho Sri Lanka, nhằm tranh giành ảnh hưởng tại đảo quốc Ấn Độ Dương này.

Theo các chuyên gia, khủng hoảng kép, cả kinh tế và chính trị, không chỉ đẩy Sri Lanka vào bất ổn kéo dài, mà còn khiến cạnh tranh địa chính trị tại khu vực Nam Á càng khốc liệt. Kết quả cuộc cạnh tranh này được cho là phụ thuộc chủ yếu vào khả năng và mức độ các bên tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng tại Sri Lanka.

Nói cách khác, yếu tố quyết định quan hệ sắp tới giữa đảo quốc Ấn Độ Dương này với các đối tác chính là việc bên nào sẵn sàng cung cấp các khoản cứu trợ mới, giúp hạ nhiệt cuộc khủng hoảng kép, về cả kinh tế lẫn chính trị, ở Sri Lanka.

Người dân được phân phát bánh quy trong lúc chờ mua nhiên liệu tại Colombo, ngày 7/4/2022. (Ảnh: Reuters)

Người dân được phân phát bánh quy trong lúc chờ mua nhiên liệu tại Colombo, ngày 7/4/2022. (Ảnh: Reuters)

Lâu nay, Sri Lanka trông chờ vào các khoản vay và đầu tư từ Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ, thông qua các định chế tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Chính phủ Sri Lanka đã tìm kiếm hỗ trợ từ Ấn Độ và Trung Quốc, cũng là những cường quốc khu vực được cho là cạnh tranh gay gắt nhằm mở rộng ảnh hưởng tại Sri Lanka.

Năm 2022, New Delhi đã cấp các khoản hỗ trợ Colombo với tổng trị giá hơn 3,5 tỷ USD. Sri Lanka cũng kêu gọi Trung Quốc tái cơ cấu các khoản thanh toán nợ của Colombo.

Với Trung Quốc, Sri Lanka được xem là một mắt xích quan trọng trong các chiến lược của Trung Quốc, như Vành đai và Con đường, hay Chuỗi ngọc trai ở Ấn Độ Dương.

Cho đến tận khi khủng hoảng kép tại Sri Lanka lên đỉnh điểm với cuộc biểu tình bạo loạn và chính phủ sụp đổ (tháng 7/2022), Bắc Kinh vẫn chưa có động thái phản hồi đề nghị của Colombo về hỗ trợ tài chính. Giới quan sát nhận định, có thể bản thân Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn kinh tế, hoặc Bắc Kinh còn chờ đợi chính phủ mới được thành lập ở Sri Lanka trước khi ra quyết định cứu trợ.

Trong chính sách “láng giềng trên hết” mà New Delhi triển khai, Sri Lanka giữ vai trò an ninh chiến lược đối với sườn phía Đông Nam của Ấn Độ. Vì thế, việc Sri Lanka do khủng hoảng có thể bị cuốn vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc là kịch bản xấu với Ấn Độ.

Thời gian qua, New Delhi tích cực can dự, đến nay đã cấp các khoản vay tổng cộng 4 tỷ USD, giúp Colombo tái cơ cấu nợ và nhập khẩu hàng hóa thiết yếu. Chính phủ Ấn Độ từng tuyên bố “nỗ lực trợ giúp nước láng giềng Sri Lanka trong giai đoạn khủng hoảng càng nhiều càng tốt”.

Với Mỹ, Sri Lanka có vị trí quan trọng trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở mà Washington đang tích cực triển khai. Mỹ đang tích cực hỗ trợ Sri Lanka thông qua các cơ chế của IMF.

Sri Lanka đã đàm phán với IMF về các kế hoạch cứu trợ và tái cấu trúc nợ. Tuy nhiên, chính thức tuyên bố vỡ nợ, Sri Lanka không còn đàm phán với tư cách nước đang phát triển, mà là “nền kinh tế vỡ nợ”, để có được gói cứu trợ khẩn cấp.

Theo tuyên bố của IMF, cơ quan này hy vọng Sri Lanka sớm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị, từ đó tạo cơ sở để nối lại đàm phán về cứu trợ kinh tế. Giới chuyên gia cảnh báo, bất kỳ hỗ trợ nào từ IMF hoặc WB và cả các đối tác của Sri Lanka đều đi kèm các điều kiện nghiêm ngặt, để bảo đảm nguồn viện trợ được quản lý một cách hiệu quả.