Những yếu tố nào dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế tại Sri Lanka?

Sri Lanka đang trải qua cuộc khủng hoảng kép, được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ khi đảo quốc ở Nam Á này giành độc lập năm 1948.

Hồi tháng 4/2022, lần đầu trong lịch sử, Chính phủ Sri Lanka thông báo không thể thanh toán khoản nợ nước ngoài, với tổng trị giá 51 tỷ USD. Tháng 6/2022, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe thừa nhận nền kinh tế hòn đảo với khoảng 22 triệu dân này “đã sụp đổ”, khi không còn ngân sách để chi trả cho lương thực và nhiên liệu.

Đến ngày 5/7, Chính phủ Sri Lanka buộc phải tuyên bố “chính thức vỡ nợ” và tiến hành đàm phán với Quỹ Tiền tệ quốc tế về gói cứu trợ khẩn cấp với tư cách “nền kinh tế phá sản”, chứ không phải nước đang phát triển.

Khủng hoảng kinh tế dẫn đến tình trạng thiếu hụt trầm trọng nguồn cung hàng hóa thiết yếu, làm gián đoạn sinh kế của người dân kéo dài, gây ra làn sóng phản đối, mà đỉnh điểm là cuộc biểu tình bạo loạn ngày 9/7, dẫn đến việc nhà lãnh đạo Gotabaya Rajapaksa phải từ chức Tổng thống và rời khỏi đất nước.

Giới chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế ở Sri Lanka bắt nguồn chủ yếu từ các yếu tố trong nước, nhất là chính sách kinh tế và hệ thống quản lý yếu kém.

Trước hết, nền kinh tế Sri Lanka phụ thuộc nhiều vào bên ngoài, do dựa chủ yếu vào ngành du lịch, dịch vụ đường biển và xuất khẩu, với một số mặt hàng như chè, cao su, hàng dệt may. Vì thế, nền kinh tế Sri Lanka rất dễ bị tổn thương trước những biến động của kinh tế thế giới.

Dựa chủ yếu vào “ngành công nghiệp không khói”, kinh tế Sri Lanka gần đây lao đao do đại dịch Covid-19 và bất ổn trong nước, dự trữ ngoại hối liên tiếp giảm mạnh và gần như cạn kiệt, chi tiêu của chính phủ phải dựa vào các khoản vay ngoại tệ.

Bất ổn kinh tế thế giới, cùng giá lương thực, nhiên liệu toàn cầu tăng cao đã khiến giá nhiều mặt hàng nhập khẩu vào Sri Lanka tăng mạnh và lạm phát vọt lên mức kỷ lục.

Người phụ nữ di chuyển bình gas trong lúc xếp hàng mua gas tại Colombo, ngày 1/6/2022. (Ảnh: Reuters)

Người phụ nữ di chuyển bình gas trong lúc xếp hàng mua gas tại Colombo, ngày 1/6/2022. (Ảnh: Reuters)

Thứ hai, chính sách phát triển nông nghiệp chưa phù hợp. Lệnh cấm nhập khẩu phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật bất ngờ được ban hành vào tháng 4/2021, với mục tiêu thúc đẩy canh tác hữu cơ.

Tuy nhiên, sự thay đổi đột ngột mà không có sự chuẩn bị đã khiến nông dân hoang mang, vụ mùa thất bát, góp phần đẩy giá lương thực lên cao. Chính sách này được hủy bỏ vào tháng 11/2021, song vẫn để lại hậu quả tiêu cực là tình trạng suy giảm sản lượng lương thực chưa từng thấy.

Từ một nước tự cung cấp gạo, chưa từng thiếu lương thực, Sri Lanka đã phải nhập khẩu gạo với kim ngạch rất cao. Việc hạn chế nhập khẩu do thiếu ngoại tệ dẫn tới khan hiếm nghiêm trọng về lương thực và các mặt hàng thiết yếu.

Một yếu tố nữa là chính sách vay nợ nước ngoài. Sau khi nội chiến kết thúc năm 2009 và bước vào giai đoạn tái thiết đất nước, do nhu cầu phục hồi kinh tế, Sri Lanka đã theo đuổi chính sách vay nợ tràn lan để phục vụ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Tích tụ đến nay, nợ nước ngoài của Sri Lanka đã lên 51 tỷ USD, với khoản đáo hạn hằng năm là 7 tỷ USD, vượt quá khả năng thanh toán của Sri Lanka.

Để trả nợ, Sri Lanka buộc phải lấy từ nguồn ngân sách, cộng với mức nhập siêu khoảng 10 tỷ USD mỗi năm khiến nguồn dự trữ ngoại tệ vốn eo hẹp càng thêm cạn kiệt, tới mức không còn đủ để nhập khẩu hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân.

Hai “cú sốc” lớn đã tác động nghiêm trọng tới kinh tế Sri Lanka gần đây, khiến nguồn thu ngân sách và dự trữ ngoại tệ giảm mạnh.

Thứ nhất là vụ khủng bố tại Sri Lanka năm 2019 nhằm vào các nhà thờ và khách sạn lớn, khiến hơn 300 người chết, gây tác động trực tiếp ngành du lịch của đảo quốc này.

“Cú sốc” nữa là đại dịch Covid-19 hoành hành. Các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đã chặn đứng các nguồn thu từ du lịch, vốn mỗi năm đem lại nguồn thu khoảng 5 tỷ USD, đóng góp tới 25% ngân sách của Sri Lanka. Đại dịch cũng làm mất đi nguồn thu từ xuất khẩu lao động của đảo quốc này.